Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 11
Truy cập hôm nay: 31959
Tổng số truy cập: 1912544
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

Về một hiện vật hình chim thần Garuda tại Bảo tàng Lịch sử - TP. Hồ Chí Minh

2013-01-03 08:20:03

Chuyên đề “Cổ vật một số nước Đông Nam Á” đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử - TP. Hồ Chí Minh giới thiệu những nét văn hóa của 11 quốc gia Đông Nam Á, trong đó hiện vật của Campuchia chiếm số lượng nhiều nhất. Trong bài viết này tôi xin giới thiệu một hiện vật trang trí hình chim thần Garuda làm bằng chất liệu đồng.

Lê Thị Cẩm


Hiện vật có kích thước là:
Cao: 24,5 cm; Ngang: 15,5 cm.
Hiện vật thể hiện chim thần Garuda có 7 đầu, chim thần Garuda ở  trung tâm và 6 đầu phụ ở hai bên chia làm 3 cặp đối xứng nhau. Chim thần Garuda ở trung tâm được thể hiện đầu đội mũ Kirita sáu tầng, tầng dưới trang trí như chiếc vương miện là những cánh sen kết dải, các tầng tiếp theo cũng được trang trí tương tự nhưng nhỏ dần lên tạo thành hình tháp, mắt to, lồi dữ tợn nhìn thẳng, lông mày rậm nhô cao, mỏ quặp. Trong tư thế ngực ưỡn, chạm nổi một dây đai cách điệu trên ức. Hai tay co đối xứng ở phía trước, bàn tay năm ngón xòe rộng như tay người, đưa ngửa ra phía trước, mặc Sampot có thắt lưng to bản có khóa tròn, vạt dài phủ gối trang trí hoa văn giống bánh xe pháp luân. Chim thần Garuda được thể hiện không có chân mà từ vạt Sampot được uốn ra phía sau tạo thành một ống trụ tròn rỗng để nối hoặc gắn vào một vật khác. Cùng 6 đầu phụ chia đều hai bên tạo thành hình lá đề. Bên ngoài là một vành hình ngọn lửa cách điệu.
Garuda – Krud (tiếng Khmer) từ lâu đã hình tượng gắn chặt trong đời sống tâm linh và đời sống thẩm mỹ của người Khmer. Theo thần thoại Ấn Độ, Garuda là loại chim thần nửa người, nửa chim được coi là vua của mọi loài chim, là vật cưỡi của thần Visnu – vị thần Bảo tồn (một trong ba vị thần tối cao của Bà La Môn giáo).
Hình tượng chim thần Garuđa tiêu biểu cho sức mạnh tinh thần và lòng ngưỡng vọng chân lý. Với oai lực của loài mãnh cầm đầy sức mạnh hình ảnh Garuda – Krud đã được một số nước ở Đông Nam Á dùng làm biểu tượng cho quốc gia, dân tộc mình, điển hình là Thái Lan…. Còn ở Campuchia thì hình ảnh Garuda – Krud lại được dùng nhiều trong các biểu trưng, logo của một số ngành nghề, đặc biệt trong các công trình kiến trúc tôn giáo và nhiều nhất ở các đền đài Ăngko. Đối với người Khmer ở Nam bộ thì Garuda – Krud trở thành một vật trang trí không thể thiếu trong các công trình kiến trúc chùa chiền. Thường gặp ở tư thế nâng đỡ góc đền, tháp và bệ tượng; chạm khắc trên các cấu kiện bằng đá và gỗ để làm tăng thêm sự uy nghi và bảo vệ cho các công trình đền tháp được trường tồn.
Nhìn chung, hình tượng chim thần Garuda làm bằng chất liệu đồng rất ít mà chủ yếu làm bằng chất liệu đá và gỗ. Qua nghiên cứu thì hiện vật này có thể là vật trang trí được gắn hoặc nối vào đầu tay đòn của kiệu hoặc là tay ngai của vua chúa ngày xưa. Ở Thái lan cũng bắt gặp những hiện vật tương tự như thế này nhưng nghệ nhân chỉ thể hiện phần đầu, không thể hiện thân dưới và chim thần có 5 đầu 1 đầu chính ở trung tâm và 4 đầu phụ chia đều hai bên đối xứng nhau (1) .
Hiện vật này nằm trong bộ sưu tập của một nhà sưu tập người Pháp nhượng lại cho Bảo tàng Lịch sử - TP. Hồ Chí Minh năm 1929 (lúc đó có tên gọi là Bảo tàng Blanchard de la Brosse). Được xác định thuộc văn hóa Khmer có niên đại vào thế kỉ 17 – 18. 



(1) Xem thêm “700 years of Thailand: Treasures from the Kingdom”. Ethrothogy Musseum Vinna Austria, Published by the Siam Society Under Royal Partronage BangKok, 1993.


Tài liệu tham khảo:
1. Những phát hiện mới về Khảo cổ học năm 2001. Hà Nội - Viện Khảo cổ học, 2002.
2. “700 years of Thailand: Treasures from the Kingdom”. Ethrothogy Musseum Vinna Austria, Published by the Siam Society Under Royal Partronage BangKok, 1993.