Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 12
Truy cập hôm nay: 48942
Tổng số truy cập: 2527909
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

Lịch sử phát triển

                                        TS. Phạm Hữu Công - P.Giám đốc BTLS-TP.HCM

Trước khi bị thực dân Pháp xâm chiếm vào năm 1858, Việt Nam không có hệ thống nghiên cứu nào về kinh tế, văn hóa và cũng không có Bảo tàng. Sau khi chiếm được 6 tỉnh Nam kỳ, người Pháp tiếp tục cho thành lập những tổ chức khác nhau dưới nhiều hình thức nhằm nghiên cứu về kinh tế, văn hoá Việt Nam và Đông Dương phục vụ cho mục đích thực dân. Có thể kể đến các tổ chức sau: Ủy ban Canh Nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ (Comité Agricole et Industriel de la Cochinchine) ra đời năm 1865, Phái đoàn thám hiểm Cửu Long Giang thành lập năm 1866. Cũng trong năm 1866, có lẽ với một ý tưởng nào đó về bảo tồn, De La Grandìere, viên tướng cai trị Nam kỳ đã cho thu thập những cổ vật của các dân tộc ở Đông Dương tập trung vào một chỗ ở Sài Gòn. Từ năm 1868, các hiện vật nói trên được triển lãm cho công chúng xem tại vườn Bách Thảo Sài Gòn. Đó là những hoạt động đầu tiên mang tính chất Bảo tàng.
Năm 1898, sau nhiều năm cai trị trong sự chống đối mãnh liệt của nhân dân Việt Nam, với ý đồ tìm hiểu văn hóa Đông Dương một cách sâu sắc hơn, chính quyền thực dân thành lập Phái đoàn Khảo cổ thường trực tại Đông Dương (Mission Archéologique Permanente en Indochine) đóng trụ sở tại Hà Nội, năm 1900 tổ chức này được đổi thành Trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême-Orient) với quyền hạn quản lý toàn bộ các cơ quan văn hóa do người Pháp thành lập ở Đông Dương. Trước đó vào năm 1883, khi Ủy ban Canh Nông và Kỹ nghệ Nam Kỳ không được chính quyền thực dân cấp kinh phí hoạt động nữa, những người trong tổ chức này tuyên bố tự giải thể và chuyển thành tổ chức tư nhân với tên mới là hội Nghiên cứu Đông Dương (Socíete des Etudes Indochinoises) [1]. Năm 1913, ở Huế thành lập hội Đô thành hiếu cổ (Association des Amis du vieux Huế) cũng là một tổ chức tư nhân nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Như vậy trong vòng 30 năm (1883 - 1913) những cơ quan nghiên cứu về văn hóa dưới danh nghĩa các hội và trường vừa của chính quyền thực dân vừa có tính chất tư nhân của các cá nhân người Pháp và người Việt đã được lập ra ở khắp 3 miền Việt Nam hình thành nên một hệ thống nghiên cứu văn hóa Việt Nam khá hoàn chỉnh. Các trường và hội này hoạt động với một mô hình dường như được quy hoạch sẵn: thư viện - xuất bản phẩm - Bảo tàng trong đó thư viện là nơi tập trung các tài liệu, sau đó các kết quả nghiên cứu được công bố dưới dạng xuất bản phẩm còn Bảo tàng là nơi trưng bày các hiện vật do các tác giả đã sưu tầm và nghiên cứu. Với mô hình như vậy, có thể nói, các Bảo tàng là cơ sở của các hội và trường, đồng thời cũng là cơ quan phục vụ công chúng. Theo dòng lịch sử, có thể thấy sự ra đời và phát triển của từng đơn vị như sau:
- Ở Sài Gòn (Nam Kỳ) hội Nghiên cứu Đông Dương có 1 thư viện hội (hiện nay là thư viện Bảo tàng Lịch sử - TPHCM), rồi xuất bản 1 tạp chí nghiên cứu là Tập san hội Nghiên cứu Đông Dương (Bulletin de la sociéte des Etudes Indochinoises, viết tắt là B.S.E.I) và cuối cùng là đi tới vận động thành lập Bảo tàng với kết quả là Bảo tàng Blanchard de la Brosse khánh thành năm 1929.
- Ở Hà Nội (Bắc kỳ) trường Viễn Đông Bác Cổ thành lập 1 thư viện trường, xuất bản 1 tạp chí là Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de L’École Francaise d’Extrême-Orient, viết tắt là B.E.F.E.O) và quản lý Bảo tàng Louis Finot - mà người Hà Nội thường gọi là nhà Bác Cổ - khánh thành vào năm 1932, (năm 1958 dưới chế độ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Bảo tàng Louis Finot được đổi tên thành Bảo tàng Lịch sử).
- Ở Huế (Trung Kỳ) hội Đô thành hiếu cổ cũng có 1 thư viện hội, 1 tạp chí là tập san hội Đô thành hiếu cổ (Bulletin des Amis du vieux Húe viết tắt là B.A.V.H) và vận động thành lập Bảo tàng Khải Định, khánh thành năm 1923 (sau nhiều lần đổi tên hiện nay Bảo tàng này là Bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế). Trước đó vào năm 1918 tại miền Trung, do yêu cầu nghiên cứu văn hóa Champa, Bảo tàng Parmentier được thành lập ở Tourane (Đà Nẵng) dưới sự quản lý của trường Viễn Đông Bác Cổ, hiện nay Bảo tàng này có tên là Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm - Đà Nẵng [2]
Với quá trình hình thành hệ thống Bảo tàng như trên, rõ ràng là văn hóa Champa được chính quyền thực dân quan tâm (năm 1918 lập Bảo tàng Parmentier) còn về Nghệ thuật An Nam tức văn hóa Nguyễn (năm 1923 lập Bảo tàng Khải Định) thì do tư nhân vận động và triều đình Huế thành lập dưới sự cho phép của Khâm sứ Trung Kỳ, rồi mới đến mỹ thuật Châu Á (năm 1929 lập Bảo tàng Blanchard de la Brosse) cũng do tư nhân vận động và cuối cùng là giới thiệu các cổ vật ở Bắc Kỳ tức một phần lịch sử Việt Nam (năm 1932 lập Bảo tàng Louis Finot) mới do nhà nước thực dân thực hiện. Điều đó chứng tỏ rằng hệ thống Bảo tàng ở Việt Nam ra đời đầu thế kỷ XX hoàn toàn không phải xuất phát từ một chủ trương chính sách.  
Bảo tàng Blanchard de la Brosse tại Sài Gòn là một trường hợp như vậy: trong nhiều năm từ sau khi các hiện vật được triển lãm ở vườn Bách Thảo (Thảo Cầm viên Sài gòn) đã có một số ý kiến vận động để thành lập viện Bảo tàng nhưng đều không thành công, thậm chí năm 1887 có một tòa nhà được vẽ kiểu với ý định làm viện Bảo tàng đã được chính quyền thực dân cho phép xây nên tại đường La Grandière (nay là đường Lý Tự Trọng) nhưng sau đó vì viên Thống đốc Nam Kỳ chưa có chỗ ở nên nơi đây trở thành dinh Thống đốc (tòa nhà này thời chính quyền Sài gòn là dinh Gia Long, hiện nay là Bảo tàng Thành Phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên Hội Nghiên cứu Đông Dương vẫn kiên trì trong việc vận động thành lập Bảo tàng. Họ chủ động sưu tầm được khá nhiều hiện vật bằng cách kêu gọi công chúng hiến tặng hoặc xuất quỹ mua hiện vật, nhưng Bảo tàng vẫn không thể ra đời vì nhà nước thực dân chưa quan tâm đến việc thành lập. Mãi hơn 40 năm sau, năm 1927 sau khi vận động người hảo tâm mua bộ sưu tập lớn đương thời là sưu tập Holbé với hàng ngàn hiện vật, hội Nghiên cứu Đông Dương đem tặng toàn bộ hiện vật mà họ sở hữu cho nhà nước thuộc địa và đề nghị chính phủ thuộc địa Pháp ở Nam Kỳ thành lập Viện Bảo tàng với điều kiện hội được đóng trụ sở và đặt thư viện trong Bảo tàng. Xét yêu cầu đó, ngày 24-11-1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse ra nghị định thành lập Musée de la Cochinchine tức Bảo tàng Nam kỳ với trụ sở được chọn như hiện nay là tòa nhà lớn đang chuẩn bị xây vào năm sau đó: Năm 1928 - trong Thảo Cầm viên Sài gòn (ở phía trái cổng vào) do kiến trúc sư Delaval vẽ kiểu, mà trước đây dự kiến làm Musée du Riz (Bảo tàng Lúa gạo), sử dụng chung cổng ra vào với Thảo Cầm Viên.
Về mặt quản lý, trong nghị định thành lập, Bảo tàng Nam kỳ có qui chế riêng trực thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ, nhưng hội Nghiên cứu Đông Dương lại được đặt trụ sở trong Bảo tàng, vì vậy vào tháng 6-1928, Jean Bouchot, viên Bảo thủ văn thư của hội Nghiên cứu Đông Dương đồng thời cũng là thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ được cử làm Giám thủ (tương tự chức vụ Giám đốc) đầu tiên của Bảo tàng. Sau đó, có lẽ vì muốn cho thấy vai trò của người Pháp trong việc hình thành hệ thống Bảo tàng ở Đông Dương nên ngày 6-8-1928, lại có một nghị định đổi tên Bảo tàng Nam kỳ thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse [3] tức lấy tên người ký nghị định thành lập Bảo tàng làm tên Bảo tàng –  và ngày 1-1-1929 Bảo tàng chính thức ra mắt công chúng.
Nhiệm vụ của Viện Bảo tàng Blanchard de la Brosse là như sau: “… có mục đích tập trung và gìn giữ tất cả các vật cũ ở Đông dương có tính cách mỹ thuật và khảo chứng, đặc biệt là những vật tìm thấy trong những dịp đào đất hay làm công tác gì trên địa hạt Nam kỳ, kể cả những vật điêu khắc riêng biệt mà sự bảo vệ khó thực hiện được chu đáo ở nơi phát hiện vì tình thế, chất liệu hoăc kích thước của vật đó.” [4]
Về nhân sự, do quan điểm Bảo tàng chỉ là nơi cất giữ và trưng bày cổ vật nên chính quyền thực dân bố trí rất ít nhân viên, chỉ có khoảng hơn 10 người bao gồm cả lãnh đạo, các nhân viên chủ yếu là nhân viên hành chính, bảo vệ và 1 - 2 nhân viên làm công tác nghiệp vụ hoặc tu sửa, hầu như không có nhân viên thuyết minh. Việc nghiên cứu dành riêng cho các học giả của hội Nghiên cứu Đông Dương. Về công tác nghiệp vụ, vào đầu thế kỷ XX tuy khoa học Bảo tàng chưa phát triển nhưng các nhân viên Bảo tàng Blanchard de la Brosse đã thực hiện được việc kiểm kê hiện vật với con số khoảng 3.000 hiện vật, thể hiện trong hệ thống sổ Inventaire (đăng ký) với các chi tiết khá cụ thể được quy định trong qui chế, giúp hình dung được hiện vật. Nhưng vì diện tích chật hẹp, nên hiện vật được để tùy tiện khắp nơi, có thể nói là không tổ chức được hệ thống kho hiện vật.
 Về hệ thống trưng bày, Bảo tàng Blanchard de la Brosse có khoảng 1.000m2 gồm 4 khu vực quanh đại sảnh hình bát giác (bấy giờ chưa có khu vực kiến trúc hình chữ U rộng gần 2.000m2 phía sau) với các chủ đề: mỹ thuật Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc; mỹ thuật và dân tộc học Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ và Tiền cổ học ở bên cánh phải; mỹ thuật Ấn Độ, Miến Điện, Thái Lan, Java tức Indonesia, Lào, Campuchia, Champa; Nam kỳ với mỹ thuật tiền Khmer và Khmer; nhân chủng học về Campuchia, Lào và Tiền sử học ở bên cánh trái [5]. Với nội dung trưng bày đó, tuy còn nhiều hạn chế nhưng Bảo tàng Blanchard de la Brosse - mà người đương thời thường gọi là Bảo tàng Sài Gòn - đã tạo được tính cách riêng của một Bảo tàng khu vực, được nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Trong giai đoạn này, Bảo tàng cũng đã tham gia trưng bày ở nước ngoài, khoảng những năm 1930? một số hiện vật thuộc Bảo tàng được gởi đi trưng bày tại Bảo tàng Guimet (Pháp).
Theo tài liệu để lại - trong 18 năm tồn tại dưới chính quyền thực dân, Bảo tàng Blanchard de la Brosse trải qua 2 đời Giám thủ là người Pháp:
1.    Jean Bouchot : nhà nghiên cứu, Giám thủ từ năm 1928-1932.
2.    Louis Malleret: nhà khảo cổ học, Giám thủ từ năm 1932-1946.
Một số nhà khoa học Pháp có đóng góp cho sự phát triển của Bảo tàng giai đọan này có thể kể đến là Louis Malleret, người chủ trì cuộc khai quật quy mô lớn đầu tiên về Văn hóa Óc Eo mang hàng ngàn hiện vật thuộc văn hóa này về Bảo tàng vào những năm 1942-1946? cũng như có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa cổ Nam bộ với những tác phẩm tiêu biểu như: Tổng cục các sưu tập của Bảo tàng Sài Gòn (1937), L’Archéologie du delta du Mékong (Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long) xuất bản từ năm 1959-1963. Louis Malleret cũng là công chức đầu tiên thuộc Bảo tàng đạt học vị Tiến sĩ Khảo cổ học.
Năm 1945, sau khi Cách Mạng tháng 8 thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi tên Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành Gia Định Bảo tàng viện, nhưng thực ra chính quyền Cách Mạng chưa nắm quyền kiểm soát Bảo tàng.
Năm 1946, do tình hình chính trị thay đổi, chính quyền thực dân Pháp giao Bảo tàng Blanchard de la Brosse lại cho chính quyền Nam kỳ quốc Nguyễn Văn Thinh. Tuy nhiên từ năm 1946-1954, chính quyền người Việt ở Nam Kỳ không trực tiếp quản lý Bảo tàng mà phải theo mô hình cũ cũng như nhờ đến sự trợ giúp của người Pháp, đã có những người Pháp do trường Viễn Đông Bác Cổ biệt phái tiếp tục thay nhau làm Giám thủ Bảo tàng:
1.    Louis Malleret, tiếp tục được lưu dụng 1946-1948
2.    Pìerre Dupont, nhà nghiên cứu, 1948-1950
3.    Bernard Groslier, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Champa, 1951-1954
Cũng trong giai đoạn này, từ năm 1948 Vương Hồng Sển đã vào làm việc tại Bảo tàng, đến năm 1954 khi cử Vương Hồng Sển làm Quyền Giám thủ, chế độ Sài gòn mới thực sự quản lý Bảo tàng, Bảo tàng không còn trực thuộc hội Nghiên cứu Đông Dương cũng như không còn các nhân viên người Pháp nữa. Năm 1956, chính quyền Sài gòn đổi tên Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành viện Bảo tàng Quốc Gia Việt Nam (Sài Gòn). Dưới chế độ Sài gòn, về mặt quản lý, Bảo tàng cũng có quy chế riêng trực thuộc Viện Khảo cổ của bộ Quốc gia Giáo dục (sau là bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên) chính quyền Sài gòn nhưng căn phòng phía sau đại sảnh bát giác vẫn còn dành cho hội Nghiên cứu Đông Dương làm thư viện hội.
Nhiệm vụ của Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài gòn được quy định rất đơn giản:
- Nghiên cứu sưu tầm và trưng bày trong viện những di tích và các tài liệu cổ thời thuộc về mỹ thuật, sử học, cổ học và nhân chủng học gồm chung của nước VIệt Nam cũng như của các nước lân cận hoặc đồng hóa: Trung Hoa, Nhật Bản, Cao Ly, Cao Miên, Phù Nam, Lào ,Thái Lan, Tây Tạng , Ấn Độ, Cổ Chiêm Thành…
 - Tập trung về một chỗ và tàng trữ chung tại Viện những cổ vật hoặc di tích còn ẩn tàng trên lãnh thổ Việt Nam…[6]
Lúc này, diện tích trưng bày của Bảo tàng vẫn như trước nhưng quan điểm trưng bày đã được thay đổi với sự chú trọng hơn về mỹ thuật Việt Nam, cụ thể là hệ thống trưng bày được “chỉnh đốn lại, thay đổi các phòng, trang hoàng cho có mỹ thuật, sơn phết tất cả từ ngoài lẫn trong” [7]. Trong thực tế, hệ thống trưng bày chỉ thay đổi chút ít, chủ yếu vẫn là trưng bày về mỹ thuật của các nền văn hóa cổ Đông Á gồm 8 phòng như sau: mỹ thuật Phù Nam, mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật Nhật Bản, mỹ thuật Việt - Hoa, mỹ thuật cổ điển Cam Bốt, mỹ thuật tiền Đế Thiên, mỹ thuật Chiêm Thành, mỹ thuật Thái Lan.
Có lẽ vì theo một hệ thống lý luận nào đó hiểu về các việc làm trong Bảo tàng một cách đơn giản nên bộ máy tổ chức của Viện Bảo tàng quốc gia (Sài gòn) tương tự như thời kỳ trước, với nhân sự 12 người gồm chủ yếu là bộ phận hành chính và bảo vệ nên không bảo đảm được đầy đủ các mặt hoạt động của Bảo tàng nhất là về vấn đề lưu trữ, bảo quản: Bảo tàng chỉ có một phòng nhỏ 36m2 làm kho. Việc nghiên cứu hiện vật Bảo tàng cũng chủ yếu là của viện Khảo cổ. Công tác sưu tầm tuy có được lưu ý nhưng không có người chuyên trách nên kết quả không cao, từ năm 1954 cho đến tháng 4 -1975 trong 21 năm, tổng số hiện vật của Bảo tàng là 5.000 hiện vật, chỉ hơn một ít so với thời Pháp thuộc. Từ năm 1959, Bảo tàng mới bắt đầu “thực hiện những cuộc viếng thăm Viện Bảo tàng có giải thích” tức bắt đầu tổ chức được công tác thuyết minh nhưng việc “giải thích” rất hạn chế vì chỉ có 2 nhân sự phụ trách công việc này trong đó có Quản thủ Viện Bảo tàng [8]. Tuy nhiên khách đến Bảo tàng cũng rất đông, hàng năm có hàng trăm ngàn lượt khách vào tham quan Bảo tàng, cao nhất là năm 1956 đã có 333.831 lượt khách [9].
Từ năm 1956- 1975 Bảo tàng đã được quản lý bởi các quản thủ sau:
1.    1956-1964:Vương Hồng Sển, nhà nghiên cứu
2.    1964-1969: Nguyễn Gia Đức, kiến trúc sư
3.    1969-1975: Nghiêm Thẩm, giáo sư Dân tộc học.
Những người có đóng góp cho sự phát triển của Bảo tàng thời kỳ này có thể kể đến là Vương Hồng Sển với một số tác phẩm cổ vũ cho việc sưu tập cổ vật và nghiên cứu về văn hóa Nam bộ cũng như tham gia giảng dạy đại học. Trong những năm 1957, 1969 Viện Bảo tàng quốc gia (Sài gòn) gởi hiện vật đi trưng bày tại Đại học Michigan (Mỹ) và Bảo tàng Quốc gia Mỹ. Năm 1974, Bảo tàng xuất bản cuốn “Chỉ nam về Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam tại Sài gòn” “để tiện lợi cho khách đến xem Bảo tàng”. [7]
Ngày 1-5-1975, chỉ một ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, các chuyên gia vụ Bảo tồn Bảo tàng thuộc bộ Văn hóa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Lâm Bỉnh Tường, Giáo sư Bảo tàng học, lãnh đạo đã đến tiếp thu viện Bảo tàng nguyên vẹn, sau đó ông Lâm Bỉnh Tường được Bộ Văn hóa cử làm Phụ trách Bảo tàng [10]
Tháng 6-1977, có một quyết định làm thay đổi số phận Bảo tàng: Bộ Văn hóa ra quyết định bàn giao Bảo tàng cho Ủy Ban Nhân dân TPHCM. Sau khi nhận bàn giao vào ngày 18-11-1977, UBND TP.HCM giao Bảo tàng trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin thành phố. Tháng 1-1978, ông Lê Trung, một cựu cán bộ làm công tác kho tại Bảo tàng Lịch sử - Hà nội, được cử làm Phụ trách Bảo tàng. Lúc này, nhiệm vụ của Bảo tàng vẫn chưa được qui định, Bảo tàng chưa có tên gọi rõ ràng nên có người còn nhầm lẫn với Bảo tàng thực vật và đã đi đến việc ngày 16-2-1978 UBND TP.HCM ra quyết định lấy khu vực kiến trúc hình chữ U xây dựng dở dang phía sau Bảo tàng giao cho Phân viện Nghiên cứu Lâm Nghiệp [10]. Nhưng ngay lập tức lãnh đạo Thành phố thấy được yêu cầu cấp thiết phải có một Bảo tàng trưng bày lịch sử Việt Nam tại TPHCM, tạo điều kiện cho nhân dân Sài gòn và các tỉnh phía Nam hiểu sâu sắc lịch sử nước nhà, góp phần xóa bỏ những quan điểm sai lầm về lịch sử do chế độ cũ để lại, nên đã đề nghị Sở Văn Hóa Thông tin và ban lãnh đạo Bảo tàng xây dựng đề án thành lập Bảo tàng Lịch sử. Ngày 22-02-1979 Sở Văn hóa Thông tin thông qua “Quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và lề lối làm việc của Bảo tàng Lịch sử” và lập tờ trình đề nghị UBND TP.HCM ra quyết định thành lập Bảo tàng- chính thức đặt nền móng cho sự ra đời của một Bảo tàng lịch sử tại TP.HCM. Căn cứ vào đề nghị đó, ngày 23-8-1979 UBND TP.HCM đã ra quyết định thành lập Bảo tàng Lịch sử và 3 tháng sau, ngày 2-11-1979 ra quyết định hủy bỏ quyết định ngày 16-2-1978 nói trên: giao toàn bộ khu kiến trúc hình chữ U phía sau cho Bảo tàng để mở rộng khuôn viên trưng bày. Như vậy, Bảo tàng Lịch sử – TP.HCM ra đời qua một cuộc đấu tranh về quan điểm giữa các ban ngành của Thành phố và của cả trung ương, nhưng lại xuất hiện trong một bối cảnh hết sức thuận lợi của một vùng đất vừa trải qua cuộc chiếm đóng lâu dài nên được giao những nhiệm vụ rất cụ thể có tính lịch sử sâu sắc:
1-    Nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và tổ chức trưng bày bằng nhiều hình thức nhằm giới thiệu hiện vật và tư liệu lịch sử có liên quan đến lịch sử dân tộc Việt Nam - lịch sử dựng nước và giữ nước gồm có phần chung của cả nước và của thành phố.
2-    Tổ chức, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân xem Bảo tàng, góp phần vào việc giáo dục truyền thống đấu tranh của dân tộc, truyền thống cần cù lao động sáng tạo, nền văn hóa lâu đời… góp phần giáo dục, động viên tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc chân chính, sẵn sàng lao động, chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3-    Có kế hoạch từng bước xây dựng và phát triển Bảo tàng lịch sử, vận động quần chúng phát hiện, sưu tầm, đóng góp xây dựng Bảo tàng Lịch sử.
4-    Giúp Sở Văn hóa và Thông tin tổ chức việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nghiệp vụ bảo tồn Bảo tàng cho thành phố, giúp các địa phương trong thành phố trong việc bảo tồn và phát huy mặt tích cực của di tích lịch sử [11].     
 Trong những ngày đầu, công chức viên chức Bảo tàng bắt tay vào triển khai công việc với một tinh thần khẩn trương vì đã mất một thời gian quá lâu kể từ năm 1975. Công tác tổ chức nhân sự và công tác chuyên môn được tiến hành song song, nhất là bộ phận nghiệp vụ: vừa sưu tầm bổ sung hiện vật vừa xây dựng đề cương trưng bày và thi công trưng bày; đặc biệt là thu dọn, kiểm kê lại hiện vật cũng như bước đầu hình thành nên hệ thống kho bảo quản. Tất cả đều náo nức chuẩn bị cho sự ra mắt của Bảo tàng Lịch sử và đồng thời là mở rộng hệ thống trưng bày của Bảo tàng. Sau gần hai năm âm thầm hoạt động với sự hỗ trợ tích cực của Bảo tàng Lịch sử - Hà Nội, ngày 19-5-1981, Bảo tàng chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan với nội dung là 4 phòng trưng bày về lịch sử Việt Nam trên phần diện tích trưng bày chế độ cũ để lại.
Vào tháng 8 năm 1981, Bảo tàng nhận được bàn giao phần kiến trúc hình chữ U phía sau Bảo tàng đang còn xây dựng dang dở từ Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp. Có thêm được mặt bằng trưng bày, Bảo tàng tiến hành sửa sang hoàn chỉnh và thực hiện kế hoạch mở rộng hệ thống trưng bày. Sau 5 năm tích cực chuyển đổi, tháng 5-1986, Bảo tàng mở cửa toàn bộ các phòng trưng bày gồm khu trưng bày của tòa nhà cũ thông với khu chữ U phía sau có diện tích tổng cộng 3.000m2, gấp 3 diện tích trưng bày cũ, hoàn tất giai đoạn đầu tiên: trưng bày lịch sử Việt Nam với 7 phòng trưng bày. Từ tháng 1-1987, Bảo tàng chính thức mang tên: Bảo tàng Lịch sử Vĩệt Nam - TPHCM.
Do quan điểm mới và theo lý luận Bảo tàng hiện đại, Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ, bảo quản và trưng bày cổ vật mà còn là nơi học tập, nghiên cứu, phát huy, thưởng ngoạn các di sản văn hóa nên về tổ chức bộ máy nhân sự dần dần được kiện toàn với biên chế là 30-35 nhân sự gồm ban Giám đốc và các phòng chức năng: Nghiên cứu -Sưu tầm, Kiểm kê - Bảo quản, Trưng bày - Tuyên truyền, Hành chính - Bảo vệ. Công tác giáo dục truyền thống được xem là một trong những nhiệm vụ chính của Bảo tàng. Trong quá trình phát triển, công tác nghiên cứu dần dần được coi trọng ở tất cả các bộ phận và trở thành động lực cho sự phát triển của Bảo tàng.
Đầu năm 1987, với mục đích cho phần trưng bày thêm đa dạng phong phú, phản ánh được nhiều mặt của lịch sử đại gia đình các dân tộc Việt Nam cũng như giới thiệu văn hóa và sự giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực, ban lãnh đạo Bảo tàng triển khai công tác giai đoạn kế tiếp: đề xuất việc trưng bày các chuyên đề về các nền văn hóa cổ đã từng phát triển trên đất nước Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam và các chuyên đề có liên quan đến các nước trong khu vực. Theo đề xuất này, phần trưng bày lịch sử Việt Nam sẽ chiếm một nửa diện tích trưng bày gồm 7 phòng, phần còn lại là 7 phòng gồm các chuyên đề về Văn hóa Óc Eo, Văn hóa cổ Đồng bằng sông Cửu Long, Điêu khắc đá Champa, Bến Nghé - Sài Gòn, Gốm cổ một số nước Châu Á, Văn hóa các dân tộc phía Nam,Tượng Phật một số nước Châu Á… Được sự ủng hộ của lãnh đạo Sở và thành phố, sự đồng tình của các nhà khoa học, đến cuối năm 1988 Bảo tàng đã đổi mới toàn diện, hình thành nên một hệ thống trưng bày hoàn toàn mới, vừa thể hiện lịch sử nước nhà, các đặc trưng văn hóa phương Nam vừa giới thiệu một số nét văn hóa của một số nước láng giềng, tạo dựng cho Bảo tàng một bản sắc riêng, làm cho Bảo tàng thành một địa chỉ văn hóa của thành phố: Ngay trong năm đầu mở cửa, Bảo tàng đã tiếp đón một số lượng khách đông đảo vượt qua năm đông nhất của thời trước: 350.000 lượt khách tham quan và trong những năm tiếp sau con số này tiếp tục tăng dần đều cho đến năm cao nhất là 500.000 lượt người (199?)
 Trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Bảo tàng đã trưởng thành vượt bậc, về mặt nhân sự đã đào tạo được đội ngũ cán bộ có học vị cao, trong đó có 5 tiến sĩ Khảo cổ học (2 nữ), 2 tiến sĩ Dân tộc học (1 nữ), 1 tiến sĩ Sử học. Các mặt công tác chuyên môn đi vào nề nếp, có điều kiện để giúp đỡ các Bảo tàng bạn về chuyên môn nghiệp vụ. Cán bộ Bảo tàng không những thực hiện công tác nghiệp vụ mà còn thực hiện công tác khai quật khảo cổ, giám định cổ vật, tham gia giảng dạy đại học và sau đại học tại các trường Cao đẳng, Đại học của thành phố cũng như của các tỉnh thành khác. Điều có ý nghĩa là Bảo tàng đã có đóng góp đáng kể trong việc nghiên cứu lịch sử TP.HCM : hàng loạt các di tích thời tiền sơ sử của thành phố đã được cán bộ Bảo tàng phối hợp với Bảo tàng Lịch sử VN - Hà nội khai quật, xác định được lịch sử thành phố không chỉ có 300 năm của người Việt mà còn là 3.000 năm của các cư dân bản địa. Bảo tàng cũng xuất bản và hợp tác xuất bản nhiều ấn phẩm như : sách “Bảo tàng Lịch sử Việt  Nam - TP.HCM” làm tài liệu hướng dẫn khách tham quan, “Gốm Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử -TPHCM”, “Sưu tập hiện vật Champa tại Bảo tàng Lịch sử -TPHCM”, “Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn - tập 2”, “Khảo cổ học tiền sử & sơ sử TPHCM”, “Góp phần tìm hiểu lịch sử văn hóa 300 năm Sài gòn – TPHCM”, “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - Vai trò của nghiên cứu và giáo dục”… và đóng góp hàng trăm bài viết trong các cuộc hội thảo về triều Nguyễn, về Sài Gòn - TPHCM, về Nam bộ, Những phát hiện mới về Khảo cổ học hàng năm, tạp chí Khảo cổ học, Văn hóa nghệ thuật, về ngành Bảo tồn Bảo tàng…
Trong công tác sưu tầm, ngoài việc sưu tầm trong nhân dân, nhân viên phòng Sưu tầm còn phối hợp với các cơ quan chức năng như Phòng Xuất nhập Văn hoá phẩm của Sở Văn hoá Thông tin, Cục Hải Quan thành phố, Công An thành phố và Công An các quận huyện, Quản lý thị trường… Thường xuyên có mặt tại sân bay, bến cảng góp phần đáng kể vào việc ngăn chận nạn chảy máu cổ vật trong những năm đầu tiên đất nước mở cửa. Nhờ thế, số lượng hiện vật do Bảo tàng sưu tầm và thu nhận từ các cơ quan chức năng tăng vọt lên đến 32.000 đơn vị trong đó có những bảo vật quốc gia như: Con dấu thời Lê 1471 tìm thấy tại Quảng Nam, 13 cổ khí sản xuất năm 1839 thời Minh Mạng (do một người Ý tìm cách mang ra nước ngoài bằng đường biển), chiếc ngọc tỷ “Hoàng Đế Tôn Thân Chi Bảo” bằng ngà của triều Nguyễn (do một Việt kiều Pháp xuất lậu bằng đường hàng không).
Bảo tàng đã tổ chức hàng chục cuộc trưng bày, triển lãm tại trụ sở Bảo tàng và các tỉnh thành trong cả nước: Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Huế… cũng như vùng sâu vùng xa của thành phố, của các tỉnh, giới thiệu đến nhân dân những chuyên đề về cổ vật Việt Nam và những phát hiện quan trọng của Khảo cổ học nước nhà. Về mặt trưng bày Bảo tàng có thêm một số phòng trưng bày mới như: Xác ướp Xóm Cải (1996), Điêu khắc đá Campuchia (1997), Sưu tập Vương Hồng Sển (1999)…
Đặc biệt, Bảo tàng đã đi đầu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động Bảo tàng của Đảng và nhà nước: Vận động các nhà sưu tập tư nhân tham gia các hoạt động trưng bày, sưu tầm, nghiên cứu hoặc hiến tặng cổ vật cho nhà nước, hướng dẫn họ các mặt công tác nghiệp vụ Bảo tàng, tạo điều kiện về địa điểm cũng như tham gia sinh hoạt chuyên đề với họ, giúp đỡ những vấn đề trong việc hình thành một Hội Sưu tầm và nghiên cứu cổ vật…   
Trong việc trợ giúp các đơn vị Bảo tàng bạn, năm 1986 khi Bảo tàng Mỹ thuật được thành lập, Bảo tàng lịch sử không những gởi cán bộ giúp sức mà còn san sẻ hàng trăm hiện vật cho người anh em còn non trẻ, năm 1999 khi Bảo tàng Cách Mạng thành phố chuyển thành Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử TPHCM cũng bàn giao các hiện vật thuộc Giồng Am, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Long Bửu, Hội Sơn, Bến Đò, Rỏng Bàng, Hưng Lợi… và một số hiện vật khác phát hiện tại thành phố cho bạn.
Có thể nói, Bảo tàng đã thực hiện các nhiệm vụ nói trên một cách xuất sắc và vì vậy đã được xếp loại Bảo tàng hạng I và được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng 3 vào năm 1996, hạng 2 năm 2000 [12].    
Đầu TK XXI, Bảo tàng tiếp tục đào tạo 2 tiến sĩ Dân tộc học và Sử học, 4 thạc sĩ Văn hoá học, 1 thạc sĩ Châu Á học, những hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của Bảo tàng tiếp nối thời kỳ trước ngày càng mở rộng với nhiều nội dung phong phú không chỉ trong nước mà cả với nước ngoài, đã có 5 cuộc trưng bày ở Áo - Bỉ (2003), Pháp (2005), Nhật (2005), Đài Loan (2007), Singapore (2008) và sắp tới là ở Mỹ (2009), đồng thời Bảo tàng tiếp tục đưa các chuyên đề trưng bày cổ vật về thủ đô Hà Nội, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bạc Liêu, Nha Trang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cần Thơ… thực hiện các cuộc triển lãm các chuyên đề lịch sử Việt Nam, thời Hùng Vương, các dân tộc phía Nam, những phát hiện khảo cổ về Hoàng thành Thăng Long… bằng hình ảnh tại các trường học, xí nghiệp, doanh trại quân đội…ở vùng sâu vùng xa Thành phố, Côn Đảo và các tỉnh thành phía Nam: Trà Vinh, Bến Tre, An Giang… xuất bản sách “Hiện vật dân tộc phía Nam tại Bảo tàng Lịch sử -TPHCM”, liên tục xuất bản các Thông Báo Khoa học từ số 1 đến số 6, xây dựng trang Web của Bảo tàng, giữ mối liên hệ mật thiết với Sở Giáo dục và các phòng Giáo dục các quận huyện, các công ty Du lịch, tiếp tục viết hàng trăm bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành, tham gia giám định cổ vật cho các Bảo tàng tư nhân cũng như các cơ quan chức năng, giảng dạy đại học và sau đại học. Số lượng hiện vật nhận về Bảo tàng đã lên tới con số 37.000 hiện vật với những bảo vật quốc gia như tượng thần Shiva bằng đá thế kỷ XIII thuộc văn hóa Champa (do một tư nhân xuất lậu bằng đường biển), Kosa bằng vàng thế kỷ XIII của Văn hóa Champa…
Đã có 9 cán bộ nhân viên có học vị do Bảo tàng đào tạo hoặc trưởng thành từ Bảo tàng được phân công nắm nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan như: Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, trường Đại học KHXH&NV hoặc là lãnh đạo trong 5/7 Bảo tàng của Sở Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch – TP.HCM.
Cũng trong đầu thế kỷ XXI, có quan điểm mới trong nhận thức lịch sử cũng như có nhiều phát hiện và công bố mới về cổ vật Việt Nam, cạnh đó việc hiện đại hóa và đổi mới hệ thống trưng bày đang trở thành một yêu cầu cấp thiết, vì vậy việc tiếp tục mở rộng  Bảo tàng, cải tạo, chỉnh lý, tổ chức lại hệ thống trưng bày, sắp xếp lộ trình tham quan để thể hiện sự tiếp thu những thành tựu của khoa học và tiếp tục đổi mới Bảo tàng được đặc biệt quan tâm. Một kế hoạch dài hạn nhằm mở rộng Bảo tàng và hiện đại hóa hệ thống trưng bày được trình lên cấp trên, bước đầu đã được chấp thuận thực hiện với sự ủng hộ của Ủy Ban Nhân Dân TP, Sở Văn hóa Thông tin – TPHCM (nay là Sở Văn hóa,Thể thao và Du Lịch TPHCM) và sự giúp đỡ của dự án FSP (Dự án Phát huy di sản Bảo tàng Việt Nam) do chính phủ Pháp tài trợ. Trong kế hoạch đó, Bảo tàng đưa vào lộ trình tham quan phần lịch sử Việt Nam hai phòng trưng bày về văn hóa Chămpa và văn hóa cổ Nam bộ, thể hiện sự đóng góp của các vùng miền đất nước trong việc hình thành một Việt Nam thống nhất xã hội chủ nghĩa hiện nay. Để cập nhật những thay đổi trong hệ thống trưng bày, năm 2008 Bảo tàng viết lại và xuất bản tập sách “365 bước chân dạo quanh Bảo tàng Lịch sử - TPHCM” giới thiệu sơ lược lộ trình và các phòng trưng bày mới của Bảo tàng trong đó phòng “Bến Nghé - Sài Gòn” được chuyển lại cho Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, thay vào đó là các phòng chuyên đề mới như: “Điêu khắc đá Campuchia (thế kỷ IX - XII)”, “Sưu tập Vương Hồng Sển”, khu vực trưng bày ngoài trời “Súng thần công thế kỷ XVIII - XIX”…
Từ năm 1979-1981, Bảo tàng được lãnh đạo bởi chức danh Phụ trách Bảo tàng và từ năm 1981 đến nay là chức danh Giám đốc:
1.    Ông Lê Trung từ Phụ trách Bảo tàng năm 1980, chuyển sang Phó Giám đốc phụ trách, rồi năm 1981 là Quyền Giám đốc đến 1984.
2.    Ông Trần Văn Triệu, nhà quản lý, Quyền Giám đốc khi ông Lê Trung được cử đi đào tạo về công tác Bảo tàng tại Ba Lan: 1984-1986
3.     Ông Lê Trung : 1986-1998.
4.     Bà Trịnh Thị Hòa, tốt nghiệp Đại học Bảo tàng tại Liên Xô, Tiến sĩ Khảo cổ học: 1998-2005
5.    Bà Trần Thị Thúy Phượng, một cán bộ Bảo tàng kỳ cựu, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng : 2005 đến nay
Sự nghiệp của Bảo tàng Lịch sử TPHCM trong 30 năm qua là sự nghiệp chung của cán bộ nhân viên Bảo tàng trong đó đóng góp của giám đốc các thời kỳ rất có ý nghĩa, góp phần quyết định trong thành công của đơn vị. Có thể nói 30 năm qua với những nỗ lực cao và tinh thần sáng tạo, Bảo tàng đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà UBND TP.HCM giao. Trong những năm sắp tới, Bảo tàng tiếp tục đổi mới về mọi mặt mà trước hết là từng bước hiện đại hóa trưng bày, có kế hoạch thu hút ngày càng nhiều khách tham quan đến với Bảo tàng, tiếp tục công tác đào tạo nguồn nhân lực để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển và hội nhập của ngành Di sản và của đất nước.
 Kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM, đồng thời nhớ về 80 năm tồn tại với tư cách nhất quán là một cơ quan bảo tồn di sản với dòng chảy thời gian khởi đầu từ năm 1929, có thể thấy mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại chủ yếu là sự kế thừa cơ sở vật chất mà Bảo tàng thời trước đã có công xây dựng, mối liên hệ thứ hai chính là sự kế tục các mối quan hệ tốt đẹp với các đối tác mà Bảo tàng thời trước đã từng giao dịch và cuối cùng là một mối liên hệ có tính chất như là một sự nối tiếp về một “thương hiệu” mà các Bảo tàng thời trước đã đạt được. Tuy không hoàn toàn chủ động, nhưng Bảo tàng Lịch sử – TP.HCM đương nhiên phải tiếp thu toàn bộ những vấn đề nêu trên và tiếp tục thực hiện trong khả năng của mình. Cho đến nay đã khẳng định được rằng Bảo tàng Lịch sử – TP.HCM không những sử dụng cơ sở vật chất, những hiện vật tiếp thu cũng như các mối liên hệ nói trên một cách có hiệu quả mà còn phát triển lên nhiều bậc, làm biến đổi hoàn toàn diện mạo, nội dung, hoạt động của Bảo tàng. Điều đó đã cho thấy bước đi vững chãi đầy tự tin cũng như tương lai rộng mở của Bảo tàng dưới sự lãnh đạo đúng đắn của cấp trên và sự ủng hộ không ngừng của khách tham quan.

Xếp theo: