Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 7
Truy cập hôm nay: 31951
Tổng số truy cập: 1912536
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

VỀ KHUYÊN TAI VÀ NHẪN ĐỒNG TRONG “SƯU TẬP NGUYỄN ĐỨC TÙNG” - Phạm Ngọc Uyên

2012-06-13 11:58:24

Vào tháng 4 năm 2007 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Tp.HCM đã khai mạc triển lãm chuyên đề “Sưu tập Nguyễn Đức Tùng”. Đây là một bộ sưu tập lớn nhất mà Bảo tàng tiếp nhận từ trước đến nay.

Với số lượng gần 3000 hiện vật từ nhiều chất liệu khác nhau và được tìm thấy tại vùng Nam Tây Nguyên đã phần nào phản ánh bức tranh cuộc sống muôn màu trong quá khứ của vùng cao nguyên đại ngàn. Đóng góp trong bộ sưu tập này là nhóm hiện vật gồm những chiếc nhẫn và khuyên tai bằng đồng, tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong sưu tập nhưng với kiểu dáng đẹp, hoa văn độc đáo, chúng đã tạo nên những nét riêng biệt.
  * Nhẫn: gồm 183 chiếc, chia thành 3 loại như sau:
    a. Nhẫn có đính hạt: Gồm 82 chiếc, đường kính từ 1,7cm – 2,3cm. Đa số thân nhẫn có tiết diện hình tròn hoặc chữ nhật. Giữa thân là mặt nhẫn nhô cao với những mấu hình răng cưa bọc lấy hạt đá tạo thành những cánh hoa hoặc hạt chỉ được phần đế bao bọc bên ngoài. Hạt cẩn vào nhẫn có màu xanh lục, xanh dương, đỏ. Tuy nhiên, phần lớn nhẫn đã mất hạt hoặc vẫn còn hạt nhưng không xác định được màu vì do phần ten đồng phủ lên.
b. Nhẫn không đính hat, không có mặt: Gồm 97 chiếc, đường kính từ 1,5 – 2,1cm. Phần lớn thân nhẫn có tiết diện tròn, một số ít là tiết diện chữ nhật. Nhẫn được trang trí với mặt ngoài tạo thành những đốt, còn lại số ít là nhẫn trơn.
c. Nhẫn không đính hạt, có mặt: Có 4 chiếc, đường kính từ 1,5 – 2,1cm. Thân của chúng đều có tiết diện hình chữ nhật. Trong số này có 1 nhẫn mặt hình quả trám và 1 nhẫn mặt hình tròn được trang trí bằng những chấm nhỏ lõm tạo thành những vòng tròn. 1 chiếc nhẫn có mặt hình tròn lớn, đường kính 2cm và 1 chiếc nhẫn có mặt hình vuông, trên mặt có khắc nổi hình giống chữ B.
* Khuyên tai: Gồm 18 chiếc, phân thành 5 loại sau:
a. Khuyên tai hình lò xo: 3 chiếc, đường kính 2 – 3cm, có kích thước lớn, quấn thành từ 2 – 4 vòng và không có hoa văn trang trí.
b. Khuyên tai hình trái dâu: 7 chiếc, cao 4,8 – 5cm. Có hình dáng giống trái dâu tây, phần trên nở, phần dưới thon nhọn, phần đầu trái dâu là một cái móc như cái cuống để đeo vào tai. Toàn bộ bề mặt được chạm khắc hoa văn: 1/3 phần trên là hoa văn chữ S, còn lại là hoa văn hình 2 chữ C xoay lưng vào nhau với hai đầu xoắn ốc.
c. Khuyên tai hình con đỉa: 5 chiếc, đường kính 2,8 – 4 cm. Có phần bụng phình to, hai đầu thuôn nhỏ dần uốn cong. 4 chiếc có hai đầu vắt chồng lên nhau, còn lại 1 chiếc có hai đầu để hở.
d. Khuyên tai hình trăng lưỡi liềm: 1 chiếc, đường kính 3cm. Bề mặt có những chấm tròn nhỏ chạy theo bờ cong của khuyên tai.
e. Khuyên tai hai vòng xoắn ốc: 2 chiếc, là hai vòng tròn xoắn ốc nằm đối xứng nhau, bên dưới có 2 mấu nhỏ hình chữ V.
·    Về hoa văn: chủ yếu là những hoa văn truyền thống từng thấy trên những đồ trang sức bằng đồng thời Đông Sơn như hoa văn hình chữ S, hình 2 chữ C xoay lưng vào nhau (ở phần đầu xoắn ốc), hoặc hoa văn khắc.
·    Tình trạng hiện vật: Tất cả đều đã bị rỉ sét, lên ten và mất màu.
    Nhận xét: Được phát hiện và tìm thấy ở các vùng Nam Cát Tiên, Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt… và có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII – XIX.  Sưu tập khuyên tai và nhẫn bằng đồng cho thấy sự phong phú về kiểu dáng, có nhiều mới lạ. Và cũng thấy rằng đây là những đồ trang sức ưa thích của các dân tộc Tây Nguyên mà cho đến nay đôi khi chúng ta vẫn còn thấy họ sử dụng. Đối với người Việt, trang sức bằng đồng chỉ được dùng phổ biến vào giai đoạn Đông Sơn còn về sau họ đã chuyển sang những trang sức với nhiều chất liệu như vàng, bạc, đá qúy… Điều này chứng tỏ, thói quen sử dụng trang sức bằng đồng là một đặc trưng riêng của vùng Tây Nguyên. Chúng có thể là những tặng phẩm hoặc lễ vật trong các nghi lễ vòng đời của họ. Về nguồn gốc, chúng có thể được trao đổi qua hoạt động giao thương vì những chiếc nhẫn thời kỳ này có hình dáng thanh thoát, giống của người Việt. Tuy nhiên, dù đây có phải là những sản phẩm bản địa hay “nhập khẩu” đi nữa thì những hiện vật này cũng cho phép chúng ta hình dung phần nào về đời sống tinh thần và vật chất khá phong phú của nơi đây.
    Chiếm một số lượng khiêm tốn trong toàn bộ “Sưu tập Nguyễn Đức Tùng” nhưng những đồ trang sức bằng đồng được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Tp.HCM đã mở ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu về vùng đất này. Tây Nguyên cho đến nay đã bắt đầu được quan tâm, chú ý trở lại  và mở ra những phát hiện mới, đầy thú vị. Điều này góp phần đem lại những hiểu biết thêm về một nền văn hóa phong phú, độc đáo của những dân tộc anh em Tây Nguyên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Trịnh Sinh, Nguyễn Văn Huyên. Trang sức của người Việt co. Nxb.VHDT, H, 2001.
2.    Nguyễn Giang Hải. Nghề luyện kim cổ ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam. Nxb.KHXH, H, 2001.
3.    Nguyễn Du Chi. Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến. Trường ĐH. Mỹ thuật Hà Nội, Viện Mỹ thuật.