Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 14
Truy cập hôm nay: 31958
Tổng số truy cập: 1912543
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

VĂN HÓA DÂN TỘC CÁC TỈNH PHÍA NAM

2012-06-13 06:42:01

Trên đất nước Việt Nam có 54 thành phần dân tộc sinh sống xen kẽ hoặc biệt lập, tạo thành một quốc gia thống nhất đa dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ đông nhất với hơn 90% dân số, và cũng có dân tộc dân số còn ít ỏi khoảng vài ba trăm người như dân tộc Ơđu, Rơ Măm, Sila...

Riêng các tỉnh phía Nam có khoảng trên 30 thành phần dân tộc, gồm người Kinh (Việt), người Hoa và các dân tộc theo ngữ hệ Malayô – Pôlynêdi như Chăm, Êđê, Churu, Rắclây, Giarai… ngữ hệ Môn - Khơmer như Sơ Đăng, Stiêng, M’ nông, Cơ Ho, BaNa…Các dân tộc phía Nam phần lớn theo phụ hệ nhưng hiện nay vẫn còn một số dân tộc theo chế độ mẫu hệ như Chăm…

 Do vị trí địa lý và điều kiện sinh sống có khác biệt nên mỗi dân tộc đã hình thành nên phong tục tập quán, tính cách, tâm lý khác nhau, nhưng qua hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm cộng cư đã làm cho các dân tộc hiểu nhau, gần nhau hơn để từ văn hóa và sắc thái riêng của mỗi dân tộc hợp thành một bức tranh dân tộc Việt Nam nhiều sắc màu.

1. Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường:

Nhóm ngôn ngữ Việt – Mường ở phía Nam chủ yếu là dân tộc Việt sinh sống ở khắp tỉnh, thành phố phía Nam, hầu như rất ít người Mường. Tỷ lệ chiếm 87% dân số khu vực. Họ đến đây vào khoảng TK XVII, hiện nay sống tập trung tại các vùng đồng bằng và ven biển. Người Việt luôn là trung tâm liên kết, thu hút các dân tộc anh em cùng nhau dựng nước và giữ nước. Trước đây làng là đơn vị cư trú cơ bản, nhưng hiện nay người Việt sống thành xóm và khu phố. Làng xưa có đình nơi thờ Thành Hoàng, chùa thờ Phật, đền thờ Thánh và các danh nhân lịch sử-văn hóa. Làng cũng là nơi sản xuất sản phẩm, lưu truyền các nghề thủ công như đan lát, nghề gốm, thợ mộc và buôn bán nhỏ.

 Người Kinh đã tiếp thu những điểm tích cực của văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ và kể cả văn hóa Tây Phương nhưng vẫn bảo lưu và phát huy bản sắc, tiếng nói và văn hóa của dân tộc mình.

 Hoạt động sản xuất của dân tộc Kinh ở Nam bộ rất phong phú và đa dạng. Hoạt động chính là nông nghiệp trồng lúa nước, làm vườn trồng cây ăn trái, chăn nuôi và nghề thủ công nghiệp,buôn bán... Vì sống ở các vùng đồng bằng trồng lúa nước nên thường sử dụng những nông cụ như: chiếc cày, cuốc, phảng, nọc cấy, vòng hái, cù nèo…Từ xưa, họ dùng những loại công cụ chế tác rất đơn giản và thô sơ bằng tre, nứa như: lưới, nọp, lờ, nơm…để đánh bắt cá. Hiện nay sự phát triển của các công cụ mới đã làm các họat động sản xuất truyền thống nói trên ngày càng trở nên ít thông dụng.

 - Tín ngưỡng và tôn giáo: Người Kinh có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thờ những người có công với đất nước, với xóm làng như: Trần Hưng Đạo, Trương Định…có tín ngưỡng thờ mẫu như: Ngũ hành nương nương, Bà chúa Xứ, Linh Sơn Thánh Mẫu… Tôn giáo chính là Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo.

2. Nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng:

Cư dân của nhóm ngôn ngữ Hán - Tạng chủ yếu là người Hoa, không có người Tạng, họ tập trung chủ yếu trong các thành phố lớn và các khu thị tứ của Nam bộ như tp Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang... Người Hoa đến Nam bộ sau người Kinh, khoảng TK XVII cuối đời nhà Minh, đầu Thanh kéo dài cho đến thế kỷ XX. Họ cư trú theo từng nhóm như: nhóm Phúc Kiến, nhóm Quảng Đông và duy trì hình thức “bang”, “họ” và có tổ chức xã hội khá chặt chẽ như: Hội tương tế, hội ái hữu tộc họ… Mỗi bang đều có xây dựng một trụ sở gọi là “Hội quán” dùng để sinh hoạt. Trong quan hệ dòng họ là chế độ phụ quyền, hầu như mỗi dòng họ đều có một từ đường để thờ tự. Người Hoa vẫn bảo lưu được các ngành nghề truyền thống như nghề thuộc da, làm gốm, nghề làm nhang, hàng mã và nghề bốc thuốc bắc. Người Hoa đặc biệt giỏi trong lãnh vực thương nghiệp dịch vụ nên mức sống trung bình của họ thường cao hơn các dân tộc khác.

* Giỏ người Hoa Quảng Châu, quận 5 – TP. HCM

Giỏ hình trụ, có nắp, dùng để đựng những thức cần dùng trong lễ cưới, hỏi hoặc khi đi chùa. Nắp và thân giỏ được vẽ sơn màu trang trí hoa văn hình lục giác, chữ hồi, “lý ngư vọng nguyệt” (cá chép thưởng trăng); văn “hoa trà”, văn hình chữ nhật, xen kẽ hình song ngư (2 con cá chép vàng) bơi lội giữa dòng nước. Bên trong có một ngăn phụ, đặt khít trên miệng giỏ, trang trí hoa văn hình lục giác và hoa trà. Theo quan niệm của người Hoa, hoa văn 2 con cá mang ý nghĩa hạnh phúc.

Tín ngưỡng tôn giáo: Tín ngưỡng dân gian của người Hoa là thờ cúng tổ tiên, truyền thống gia tộc rất quan trọng. Họ còn thờ các thần : thần bếp, thổ địa, thần tài, Ngọc Hoàng, Quan Công…thờ mẫu như Thất phủ thánh mẫu…Họ cũng theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa…

Hệ thống chùa miếu là phổ biến, thường gắn với các hội quán, trường học và đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi diễn ra các hội lễ.

3. Nhóm ngôn ngữ Malayô – Pôlynêsiên:

Các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo gồm: dân tộc Chăm, Êđê, Gia Rai, Chu Ru, Rắc Lây…Địa bàn sinh sống của họ ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Riêng dân tộc Chăm có nhiều nhóm ở vùng ven biển như Thuận Hải... Đây là những dân tộc có truyền thống văn hóa mẫu hệ, hôn nhân cư trú bên nhà vợ, con mang họ mẹ. Con gái út là người thừa kế. Sự phân bố cư trú của họ tạo thành một vùng văn hóa Nam Đảo. Làng (Palei) là đơn vị tự quản, là tổ chức xã hội cổ truyền dựa trên nền tảng của các đại gia đình mẫu hệ. Mỗi làng đều có một ông chủ làng gọi là Pô palei thay mặt vợ điều hành cộng đồng.

Hoạt động sản xuất: Các dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Đảo làm nghề nương rẫy là chính, trừ người Chăm canh tác lúa nước. Họ trồng lúa nếp, lúa tẻ, ngô, khoai. Phương pháp canh tác là phát quang đốt tranh, chọc lỗ, tra hạt và thu hoạch lúa bằng tay [26, tr.46]. Nguồn săn bắt hái lượm còn chiếm vị trí khá quan trọng trong đời sống cư dân Nam Đảo, đã đem lại nguồn thực phẩm hằng ngày cho mỗi gia đình. Công cụ đánh bắt của các dân tộc Nam Đảo là các loại nơm, rọ bắt cá…Các dụng cụ như nơm, rọ, gùi, nia và kể cả nhạc cụ đều được chế bằng vật liệu tre nứa.

Tôn giáo tín ngưỡng: Nhóm ngôn ngữ Malayô – Polynêsiên theo tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Thần “yang” có nhiều vị: thần hỏa, thần núi, thần mưa. Gần đây, một bộ phận các dân tộc Êđê, Giarai có khuynh hướng theo đạo Tin Lành.

 - Chóe rượu - dân tộc Êđê:  Choé dùng để đựng rượu cần, một loại rượu đặc sản của cư dân Êđê… Trong các lễ đâm trâu, lễ mừng vụ mùa, lễ mừng tuổi…người ta mang chóe đựng rượu cần mời khách. Uống rượu cần với nhiều ống hút bằng tre là nét văn hóa đặc trưng của người Êđê và các dân tộc Tây Nguyên.

 - Y phục nam - dân tộc Êđê: Trong những năm gần đây, khi sinh hoạt ở trong làng hoặc lao động đàn ông thường mặc quần cụt, chỉ còn người già mang khố. Người Êđê và các dân tộc Tây Nguyên đã may mặc quần áo theo kiểu Âu nhất là cư dân ở gần ven thành thị, huyện lỵ nhưng chiếc áo chui cổ và khố của nam giới vẫn còn phổ biến.

- Áo: màu chàm đậm, lửng buông dài cho đến đầu gối, tay áo dài và hẹp. Cổ tròn, giữa ngực có đính một miếng vải đỏ hình chữ nhật với một hàng khuy đồng ở giữa. Cổ tay, lai, cổ, vai áo đều được viền hoa văn nhiều màu.

Chiếc áo có giá trị nhất gọi là áo Kten hay còn gọi là áo đênh Knưh Grư dành cho tầng lớp quyền quí. Hoa văn chủ yếu chạy dọc hai bên nách và dưới gấu áo. Dưới thân sau còn đính một dãy hạt cườm trắng và một vạt tua dài.

Khố: người đàn ông Êđê có tập quán mang khố (kpin) khố bằng sợi bông se săn. Khố có loại dài, ngắn khác nhau có khố dài hơn 300cm hoặc có khi 500m, rộng 28cm. Màu của khố là màu chàm sẫm. Trên khố có đường hoa văn dọc hai bên mép vải, ở hai đầu khố có dệt hoa văn nằm ngang. Khố đẹp nhất là khố “teh” và khố “đrai” có hoa văn, trang trí tua hai đầu dài 25cm dành cho người quyền quí mặc trong những ngày hội.

Trống Kinăng - dân tộc Chăm: trống là một khúc gỗ tròn khoét lõi, thành trống rất mỏng, 2 mặt trống bịt da kín: 1 mặt gọi là “pahchang” và mặt còn lại gọi là “pahtachang” dùng tay để vỗ.

Bộ Kinăng gồm hai trống khi sử dụng bao giờ cũng đặt chéo nhau. Hai nghệ nhân ngồi đối diện nhau để thực hiện các động tác: tay phải dùng dùi dài 3 – 4cm gõ vào phần gỗ của mặt trống tạo âm thanh cao, tay trái vỗ lên mặt trống tạo âm thanh trầm, phối hợp rất nhịp nhàng. Người Chăm có 85 lễ hội, 125 vị thần linh và 77 điệu trống lễ khác nhau. Trống Kinăng được xem là nhạc khí linh thiêng phục vụ thần linh, nhưng hiện nay cũng được sử dụng trong các hội diễn văn nghệ.

 4. Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơmer:

Nhóm ngôn ngữ Môn – Khơmer bao gồm một số dân tộc sinh sống ở Trường Sơn Tây Nguyên như Xơ Đăng, Cơ Ho, Mạ, Xtiêng, Bru Vân Kiều, Gié Triêng, Khmer, M’Nông, Tà Ôi. Họ có truyền thống ở nhà sàn hình mai rùa. Các gia đình thường quy tụ lại theo từng làng (buôn, sóc) có già làng đứng đầu, đại diện cho quyền sở hữu tối cao về đất đai cũng như vật thiêng như hòn đá, nắm đất, rìu, kiếm … được cất giữ ở kho lúa của buôn làng.

Hoạt động sản xuất: Cũng như các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayô – Pôlynêsiên, các dân tộc Môn – Khmer làm nghề nương rẫy là chủ yếu. Họ trồng lúa, bắp, khoai, bầu bí. Phương pháp canh tác đốt rẫy, tra hạt, ít dùng cày, bừa, trâu bò để canh tác trừ trường hợp ruộng nước ở gần hồ, sông suối. Về săn bắn hái lượm, các công cụ cũng giống như của nhóm ngôn ngữ Nam Đảo chỉ khác một vài chi tiết. Họ nổi tiếng về nghề săn bắt voi nhưng nay nghề này đã bị cấm.

Tín ngưỡng, tôn giáo: Cư dân Môn – Khmer cũng có quan niệm “vạn vật hữu linh” tức tin vào nhiều thần linh và tin mọi vật đều có thần linh ẩn trú. Hiện nay một phần trong số họ đã theo đạo Tin Lành.

Gùi: được chế tác bằng kỹ thuật đan lát, là một đồ đựng rất đa năng của các dân tộc Tây Nguyên và các dân tộc thuộc ngôn ngữ Môn – Khmer.

Vỏ bầu khô - dân tộc Xtiêng: được làm từ trái bầu. Trong sinh hoạt hàng ngày của người Xtiêng và các dân tộc Tây Nguyên, vỏ bầu khô dùng đựng nước, rượu, thậm chí đựng cơm… phổ biến. Người ta chọn loại bầu đắng để làm bầu khô vì loại này vỏ rất dày, cứng hơn bầu để ăn. Bầu đắng thường trồng trên các hàng rào vành đai của nương rẫy, chỉ thu hoạch khi trái bầu đã già. Để làm quả bầu khô, người ta cắt phần đầu trái bầu, lấy hết xơ và hạt rồi mang đi ngâm bùn, mục đích để khử vị đắng và làm cho lớp vỏ bầu cứng, không bị mối mọt và tạo màu nâu hoặc xám trông rất đẹp. Muốn cho bóng họ dùng một loại lá hoặc vỏ cây rừng xát kỹ nhiều lần trên quả bầu. Ngoài ra, để làm hết vị đắng họ còn đem luộc kỹ cho tróc hết màng bên trong.

Bầu khô còn dùng để bảo quản hạt giống và dùng chế tạo nhạc cụ như đinh grớt, đàn goong.

Bẫy chuột - dân tộc Bru – Vân Kiều: cư dân Bru – Vân Kiều và các dân tộc Tây Nguyên có nhiều loại bẫy thú lớn nhưng loại nhỏ dùng bẫy chuột có nhiều điểm lý thú.

Bẫy chuột làm bằng tre gồm một bàn kẹp, rộng 24cm, một cần dài 101cm đầu vuốt nhọn để cắm xuống đất để cố định bẫy, một đầu khác buộc vào sợi dây nhỏ để kéo bẫy. Người ta bẫy chuột vào ban đêm nhất là trong những đêm có trăng. Bẫy thường đặt trên lối đi của chuột hoặc trước hang chuột. Sau đó họ phát cây cỏ làm rung động các cành cây, làm cho chuột sợ chạy theo lối mòn về hang. Khi chuột đi ngang qua bẫy, sợi dây bung ra, cần bẫy vọt lên và bàn kẹp sập xuống.

Bẫy chuột có hai lợi ích, vừa bảo vệ mùa màng vừa đem lại nguồn thịt chuột, một loại thực phẩm đặc biệt của dân Tây Nguyên.

VĂN HÓA DÂN TỘC CÁC TỈNH PHÍA NAM
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA DÂN TỘC CÁC TỈNH PHÍA NAM
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA DÂN TỘC CÁC TỈNH PHÍA NAM
Xem Ảnh lớn
VĂN HÓA DÂN TỘC CÁC TỈNH PHÍA NAM
Xem Ảnh lớn