THỜI TÂY SƠN (1771 - 1802)
Từ giữa thế kỷ XVIII, ở cả Đàng Trong, Đàng Ngoài tô thuế ngày càng nặng nề, nạn quan lại tham nhũng, mua quan bán tước, kiêm tính đất đai kèm theo mất mùa xảy ra ngày càng nhiều khiến đời sống nhân dân sa sút nghiêm trọng, giá lúa đắt như vàng làm người dân không mua được thóc, chết đói đầy đường.
Một số lượng lớn nông dân bỏ cả cày cấy, ruộng vườn làng xã xiêu tán đi kiếm ăn và khi đã cùng đường họ đi làm kẻ cướp hoặc nổi lên chống lại bọn áp bức bóc lột. Xã hội Đàng Ngoài và sau đó là Đàng Trong lần lượt đi vào khủng hoảng.
Cuộc khởi nghĩa mở đầu phong trào nông dân thế kỷ XVIII nổ ra năm 1737 ở Đàng Ngoài tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) do Nguyễn Dương Hưng lãnh đạo, sau đó từ cuối năm 1739 các cuộc khởi nghĩa khác lần lượt nổ ra ở Đàng Ngoài tiêu biểu là Nguyễn Tuyển - Nguyễn Cừ - Vũ Trác Oánh (1739 - 1745) ở Hải Dương, Hoàng Công Chất (1739 - 1769) ở Sơn Nam (nay là Nam Định), Vũ Đình Dung - Đoàn Danh Chấn - Tú Cao (1740) ở Sơn Nam, và Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751), Nguyễn Danh Phương (1740 - 1750) hoạt động trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Khi khói lửa của những cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài chưa tắt thì Đàng Trong nổ ra cuộc khởi nghĩa của chàng Lía ở Quy Nhơn và cuối cùng là một cuộc khởi nghĩa trời long đất lở khác nổ ra tại Tây Sơn năm 1771 do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đứng đầu. Cuộc khởi nghĩa này sau đó đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả: thống nhất đất nước bị chia cắt từ năm 1672 và dựng lên một triều đại mới: triều Tây Sơn.
Khởi đầu với khẩu hiệu “đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, tôn phù hoàng tôn Dương”, nghĩa quân Tây Sơn được sự ủng hộ của đông đảo dân nghèo, các dân tộc ít người, và cả thương nhân người Hoa nên nhanh chóng lấy được thành Quy Nhơn. Lợi dụng cơ hội chúa Nguyễn phải chống nhau với Tây Sơn, năm 1774 quân Trịnh đem binh vào Đàng Trong và chiếm Phú Xuân (Huế). Chúa Nguyễn Phúc Thuần lúc đầu chạy vào Quảng Nam nhưng vì e sợ bị kẹp giữa 2 thế lực Trịnh và Tây Sơn nên theo đường biển chạy thẳng vào Gia Định. Quân Trịnh thừa thế chiếm luôn Quảng Nam. Lúc này đến lượt Tây Sơn ở Quy Nhơn bị kẹp giữa 2 thế lực đối địch. Trước tình thế ấy, Nguyễn Nhạc khôn khéo xin hàng quân Trịnh và được Trịnh Sâm sai làm tiên phong đánh quân Nguyễn. Năm 1777, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lấy Gia Định, chúa Nguyễn bị bắt và bị xử tử, chỉ còn người cháu là Nguyễn Ánh chạy thoát. Năm 1778 khi thế lực chúa Nguyễn hầu như tan rã, nghĩa quân Tây Sơn đã lớn mạnh quân Trịnh không thể kiểm soát, Nguyễn Nhạc nhân cơ hội xưng làm Hoàng đế và đóng đô ở thành Đồ Bàn gọi là Hoàng Đế thành. Sau 7 năm khởi nghĩa, phong trào Tây Sơn hoàn thành việc lật đổ triều đại chúa Nguyễn.
Nguyễn Ánh sau khi chạy thoát liền tập hợp lực lượng chống Tây Sơn đồng thời cầu viện Pháp và Xiêm La (Thái Lan). Năm 1782, Tây Sơn đánh bại Nguyễn Ánh tại Thất Kỳ Giang (Cần Giờ), Manuel - viên thuyền trưởng người Pháp theo giúp Nguyễn Ánh- đã phải đốt tàu tự tử. Đầu năm 1785, 20 vạn quân Xiêm theo Nguyễn Ánh vào Gia Định cướp phá bị Nguyễn Huệ đánh tan trên sông Rạch Gầm - Xoài Mút.
Năm 1786, không còn e ngại mặt phía Nam, đồng thời muốn lấy lại đất đàng Trong, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ ra đánh Thuận Hóa (Huế). Giải quyết xong Thuận Hóa, nhận thấy chính quyền Lê- Trịnh quá yếu đuối, Nguyễn Huệ lấy lý do “phù Lê diệt Trịnh” tiến thẳng ra Bắc vào thành Thăng Long, lật đổ họ Trịnh, giao quyền lại cho vua Lê và về Nam. Nguyễn Hữu Chỉnh được cử phụ giúp vua Lê Chiêu Thống trị nước nhưng có âm mưu chống Tây Sơn, vì vậy cuối năm 1787 Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra Bắc hỏi tội. Nguyễn Hữu Chỉnh nhanh chóng bị Vũ Văn Nhậm xử tử, Lê Chiêu Thống hoảng sợ chạy sang Trung Quốc cầu cứu vua Càn Long nhà Thanh. Vũ Văn Nhậm nắm quyền ở Bắc Hà lại lộ ý phản bội nên Nguyễn Huệ phải đích thân ra Bắc. Sau khi trừng trị Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ về lại Phú Xuân.
Cuối năm 1788, 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy theo Lê Chiêu Thống tiến vào Đại Việt chiếm đóng Thăng Long. Được tin cấp báo, để chính danh vị trong việc đánh đuổi quân xâm lược, ngày 22 tháng 12 năm Mậu Thân, Nguyễn Huệ tế cáo trời đất, bố cáo nhân dân chính thức lật đổ nhà Lê, lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung và lập tức đem quân ra Bắc. Trong đêm trừ tịch ở Ninh Bình, vua Quang Trung đã truyền đi lời hịch:
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.
Bài hịch ra đời trong khoảnh khắc giao thừa linh thiêng và trang nghiêm làm nức lòng quân sĩ và sau đó chỉ 5 ngày đã biến thành hiện thực: Trưa mùng 5 Tết (30 - 01 - 1789), sau những chiến dịch tiến quân thần tốc tiêu diệt quân Thanh không kịp trở tay, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Quân Thanh thua to, Tôn Sĩ Nghị bỏ cả bằng sắc ấn tín rút chạy về Vân Nam, Trung quốc.
Như vậy sau 18 năm nổi dậy, phong trào Tây Sơn đã hoàn thành công cuộc đánh đổ các tập đoàn phong kiến cai trị ở cả phía Nam và phía Bắc, đồng thời đánh đuổi các thế lực ngoại bang xâm lược, đặt nền tảng cho một nước Việt Nam mới.
Sau khi đánh đuổi quân Thanh, Quang Trung tổ chức lại chính quyền, định việc hòa hiếu với nhà Thanh, chuẩn bị lực lượng để tiêu diệt Nguyễn Ánh, ra chiếu “Khuyến nông” nhằm phục hồi kinh tế nông nghiệp, khuyến khích công thương nghiệp và ngoại thương, đúc tiền mới trong lưu thông, xúc tiến xây dựng kinh đô mới “Phượng Hoàng trung đô” tại Nghệ An, kiểm soát dân chúng bằng thẻ “Thiên hạ đại tín”, trọng đãi nhân tài, dùng chữ Nôm làm chữ viết chính thức của triều đại…Công cuộc xây dựng đất nước đang dần ổn định thì năm 1792 Quang Trung đột ngột qua đời. Mất người lãnh đạo chủ chốt, mâu thuẫn nội bộ bộc lộ, các tướng tài đánh giết lẫn nhau, Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nhân cơ hội đó, Nguyễn Ánh củng cố lực lượng và trở lại tấn công. Năm 1801, Nguyễn Ánh chiếm Thăng Long, bắt sống vua Tây Sơn là Cảnh Thịnh, triều Tây Sơn sụp đổ.
Chỉ tồn tại trong một thời đoạn ngắn ngủi, nhưng thời Tây Sơn đã để lại rất nhiều hiện vật bằng các chất liệu như đá, đồng, gốm, gỗ, giấy, vải... thậm chí cả vàng bạc. Tuy nhiên sự trả thù của nhà Nguyễn sau đó đã phá hủy phần lớn các hiện vật thuộc Tây Sơn. Đó là một điều đáng phê phán và cũng rất đáng tiếc.
Tiền bằng đồng thời Tây Sơn: có 3 loại
- 太 德 通 寶 Thái Đức thông bảo thuộc Nguyễn Nhạc (1778 - 1793). Tiền này được đúc rất nhiều lần nên có nhiều mẫu khác nhau.
Lưng tiền Thái Đức thường để trơn hoặc có vành lưỡi liềm, hoặc 2 chữ 萬 壽 “Vạn Thọ”
- 光 中 通 寶 Quang Trung thông bảo của Nguyễn Huệ (1788 - 1792). Đây là đồng tiền được đúc rất nhiều lần với số lượng lớn, nhiều hơn so với tiền Trung Quốc và tiền Đại Việt các thời kỳ trước, tiền Quang Trung lưu hành rộng rãi trong cả nước, tuy nhiên kỹ thuật đúc không bằng tiền Thái Đức [53, tr.125].
Có 2 loại tiền Quang Trung: Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo. Đồng Quang Trung đại bảo chỉ có 1 dạng với chữ bảo là chữ giản thể. Đồng Quang Trung thông bảo có nhiều dạng, trong số đó có 1 dạng dùng chữ bảo giản thể.
Lưng tiền Quang Trung thông bảo thường để trơn, hoặc có chấm tròn, hoặc vòng tròn, hoặc vành lưỡi liềm, hoặc các chữ: nhất, nhị, công, chính, Sơn Nam.
Tuy kỹ thuật đúc tiền Quang Trung không bằng các loại tiền khác nhưng đây lại là loại tiền được nhân dân tin dùng, thậm chí còn được lưu hành ở Trung Quốc [54, tr.136] và mãi đến thời Minh Mạng mới thật sự không còn được sử dụng nữa. Đây là hiện tượng đặc biệt chỉ thấy có một lần trong lịch sử tiền tệ Việt Nam. Điều đó cho thấy uy tín to lớn của vua Quang Trung đối với nền kinh tế đương thời.
- 景 盛 通 寶 Cảnh Thịnh thông bảo của Nguyễn Quang Toản đúc trong những năm 1792 - 1801. Lưng tiền Cảnh Thịnh thông bảo thường để trơn hoặc có vành lưỡi liềm, chấm tròn, chữ nhất…
Súng bằng đồng:
Vào giữa TK XVIII tại Đại Việt, súng đã được sản xuất khá nhiều với chất liệu chủ yếu bằng đồng. Các lực lượng quân sự của vua Lê - chúa Trịnh, chúa Nguyễn và cả nghĩa quân Tây Sơn đã tự đúc được súng phục vụ cho cuộc chiến mà trong đó nổi tiếng là “hỏa hổ” một loại súng phun lửa của Tây Sơn. Những khẩu súng thuộc thời Tây Sơn thể hiện phần nào trình độ kỹ thuật quân sự Đại Việt cuối TK XVIII
Súng chế tạo thủ công có hình dạng chung là một ống dài rỗng ruột, bề ngoài thấy rõ 3 phần nòng súng, bầu súng và chuôi súng cách biệt bởi những đường gờ, trong đó nòng súng và bầu súng thông nhau, còn bầu súng và chuôi súng ngăn cách nhau bằng một vách ngăn dày. Bầu súng hình trống chính là buồng đốt thuốc súng với đường kính lớn hơn 2 phần còn lại, mặt trên bầu súng bố trí lỗ điểm hỏa được bảo vệ bởi 1 nắp hình hộp chữ nhật dài hẹp có bản lề dọc theo súng để dễ lật lên úp xuống. Súng được đúc dày nên có thể dùng bắn đạn bi tròn theo kiểu phóng lựu nhưng cũng có khả năng bắn phun lửa khi cần. Chuôi súng đúc rỗng để nối thêm phần cán (báng) gỗ dùng cầm nắm khi súng quá nóng.
- Khẩu súng của đơn vị Nội Nhất Hạ 內 一 下: Trên chuôi súng có 3 chữ Hán Nội Nhất Hạ viết bằng thủ pháp khắc rạch với co chữ nhỏ (cao 0,5cm) và mờ nhạt. Có thể đây là khẩu súng được phát cho binh lính của đơn vị Nội Nhất Hạ và họ đã khắc tên đơn vị mình lên khẩu súng.
Nội Nhất là tên một đội binh ngoại phủ của thời Lê Trung Hưng [13, T.3, tr.19]. Theo tên Nội Nhất Hạ thì có thể đơn vị này trực thuộc đơn vị lớn Nội Nhất, chẳng hạn có thể có 3 đơn vị mang tên Nội Nhất như sau: Nội Nhất Thượng, Nội Nhất Trung, Nội Nhất Hạ…Hiện nay không rõ trong biên chế quân Tây Sơn hoặc quân Nguyễn Ánh có đơn vị Nội Nhất hay không? Về nghĩa đen thì “Nội Nhất Hạ” có nghĩa đơn giản là: đơn vị cuối của thứ nhất ở phía trong. Đây có thể là khẩu súng của quân Trịnh.
- Khẩu súng của đơn vị Khước Địch Tiền Sở 卻 敵 前 所: Khẩu súng này có 2 hàng chữ được khắc sâu, rõ ràng và chuẩn với co chữ lớn cao khỏang 1,5cm đối nhau ở chuôi súng: bên trái 4 chữ Hán Khước Địch Tiền Sở (Sở phía trước đánh lui địch), bên phải 7 chữ Hán Tuyên tự Lục bách tam thập thất ( chữ Tuyên 637). Khước Địch Tiền Sở có thể là tên đơn vị quản lý súng. Tuyên có thể là tên lô súng được đúc, 637 là số thứ tự của khẩu súng.
Sở là một đơn vị quân đội được dùng đi đôi với vệ [13, T.3, tr.16]. Vệ là ngạch binh của một phủ. Trong biên chế quân đội thời Lê Trung Hưng TK XVIII chỉ có dinh, cơ, đội không thấy có sở. Biên chế quân đội thời Nguyễn Ánh cũng chỉ có doanh, chi, vệ, cơ, đội không có sở. Hiện nay chưa được rõ về binh chế Tây Sơn. Tuy nhiên theo loại suy thì khả năng khẩu súng này có thể thuộc Tây Sơn. Khước Địch Tiền Sở có thể là một đơn vị tiền tiêu hoặc là một tiền đồn.
Điểm thú vị là 2 khẩu súng này được tìm thấy trong cùng một chỗ với nhiều khẩu súng khác tại địa điểm nói trên. Điều đó cho thấy chúng có cùng một đơn vị sử dụng tuy rằng có thể do nhiều nơi đúc. Địa điểm tìm thấy súng là ở Phú Yên, địa bàn hoạt động gần gũi của quân Tây Sơn và là chiến địa trong cuộc chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn. Có thể nói rằng đây là vũ khí được sử dụng dưới thời Tây Sơn, tuy chưa thể xác định nơi sản xuất, người sản xuất và người sử dụng.