Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 5
Truy cập hôm nay: 31951
Tổng số truy cập: 1912536
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

TẢN MẠN NHÂN 30 NĂM THÀNH LẬP BẢO TÀNG LỊCH SỬ -THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - TS. Trịnh Thị Hòa

2012-06-12 13:54:21

TẢN MẠN NHÂN 30 NĂM THÀNH LẬP BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM-THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - TS. Trịnh Thị Hòa (*) (*)Nguyên Giám đốc BTLSVN-TP.HCM Tính đến khi nghỉ hưu, tôi đã làm việc tại Bảo tàng này được hơn 28 năm (1976-2004). Với ngần ấy thời gian, tôi có biết bao kỷ niệm vui, buồn. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này, tôi chỉ xin nêu lên một vài trong số rất nhiều kỷ niệm đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc không chỉ trong những tháng năm còn làm việc tại Bảo tàng mà cả cho đến tận bây giờ.

1. Trước hết, có một kỷ niệm tôi không bao giờ quên, đó là những ngày đầu tiên khi  mới về Bảo tàng. Thú thật lúc đó, tôi cũng hơi buồn vì  nó không giống như những gì mình nghĩ trước khi chuyển công tác vào đây (1976), bởi theo suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ thì đây là Bảo tàng do người Pháp xây dựng nên chắc sẽ quy mô lắm và công tác chuyên môn ắt hẳn sẽ có tính chuyên nghiệp cao. Nhưng khi đến Bảo tàng, tôi thấy hoàn toàn khác. Cụ thể là ngôi nhà để làm Bảo tàng có diện tích không lớn, kho bảo quản hiện vật (một tiêu chuẩn không thể thiếu đối với bất cứ một Bảo tàng nào) thì lại hoàn toàn không có. Và, điều đáng buồn nữa là trong số 13 cán bộ, công chức (trừ 2 đồng chí Lãnh đạo và 1 cán bộ làm công tác thư viện vào tiếp quản), số còn lại không có một người nào làm công tác nghiệp vụ Bảo tàng. Ngoài ra, là một Bảo tàng do Bộ văn hóa tổ chức tiếp quản và quản lý, nhưng lại không có được một cái tên gọi chính thức, thậm chí đến cái cổng ra, vào cũng phải lệ thuộc vào cơ quan khác (Thảo Cầm Viên hay còn gọi là Sở Thú). 

Sau khi Bảo tàng được giao cho Thành phố Hồ Chí Minh (1978), mà cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp là Sở Văn hóa Thông tin thì Bảo tàng mới dần dần được khởi sắc. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bảo tàng trong thời điểm đó là tiến hành cải tạo phần nhà cũ, đồng thời mở rộng phần nhà mới của Bảo tàng để tiến tới việc chuyển đổi nội dung trưng bày của Bảo tàng này từ một Bảo tàng giới thiệu các chuyên đề về mỹ thuật của một số nước ở Châu Á, trong đó có một phần nhỏ của Việt Nam, trở thành một Bảo tàng mang tính lịch sử nhằm giới thiệu quá trình dựng nước và giữ nước cùng với các nền văn hóa lâu đời của dân tộc để tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân ở Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) cũng như các tỉnh phía Nam tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của nước nhà.

Song song với công việc trên, để tạo cảnh quan sạch đẹp cho Bảo tàng, được sự đồng ý của các cấp Lãnh đạo, các cán bộ, công chức của Bảo tàng đã tích cực tham gia phong trào“lao động xã hội chủ nghĩa”, nhờ vậy mà từ những vườn cỏ rậm rạp đã trở thành khu trưng bày ngoài trời (nơi trưng bày sưu tập súng thần công hiện nay) và một vườn cảnh phù hợp với tính chất của Bảo tàng (nay đã cải tạo thành vườn hoa). Và, cũng với hình thức “lao động xã hội chủ nghĩa” mà từ chỗ không có cổng riêng, Bảo tàng đã có cổng của riêng mình. Những ngày tham gia “lao động xã hội chủ nghĩa” như thế tuy có mệt nhưng  rất vui và tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi mà có lẽ đối với tất cả những ai đã tham gia các công việc nói trên, đều coi đó là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của mỗi người.

2. Tôi còn nhớ, vào những năm đầu tiếp quản Bảo tàng, một công việc quan trọng và cũng tốn nhiều công sức của những người làm công tác chuyên môn nơi đây là việc tập hợp, thống kê và sau đó tiến hành kiểm kê các hiện vật đang trưng bày cũng như những hiện vật để rải rác trong các phòng làm việc của Bảo tàng này từ trước 1975 (kể cả phòng của ông Quản thủ Bảo tàng).

Chắc chắn, những cán bộ, công chức của Bảo tàng trong thời điểm đó không thể quên những chuỗi ngày (gần 2 tháng trời), mà một số cán bộ chuyên môn của Bảo tàng, ngày nào cũng như ngày ấy phải leo lên gần đỉnh của tòa nhà để vào các gác phụ (nơi cất giữ nhiều “đồ vật”), đồng thời cần mẫn “góp nhặt” từ các nơi trong bảo tàng những thứ, mà sau khi chọn lựa, thống kê, kiểm kê và đưa xuống kho, chúng đã trở thành hiện vật bảo tàng. Sau khi kết thúc công việc nói trên, Bảo tàng chúng ta đã có được trên 5.000 hiện vật để sử dụng trong công tác trưng bày cũng như tạo cơ sở ban đầu cho việc hình thành kho bảo quản.

Nhân việc Bảo tàng được thừa kế một khối lượng hiện vật khá lớn vào “ buổi sơ khai” như trên, tôi cũng muốn nói thêm rằng, năm nay, chúng ta kỉ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng với tên gọi chính thức như hiện nay (theo quyết định của Ủy ban nhân dân TPHCM vào tháng 8/1979) nhưng thực ra Bảo tàng này đã có từ cách đây 80 năm (1929) do người Pháp xây dựng và đặt tên là “Bảo tàng Blanchard de la Bross”(*). Và, theo tôi, cho dù người Pháp lập ra Bảo tàng để phục vụ cho mục đích riêng của họ, song, có điều không nên phủ nhận và ngược lại, phải cám ơn những nhà khoa học Pháp vì nhờ những hoạt động chuyên môn của họ mà chúng ta mới có trên 5.000 hiện vật để kế thừa, trong đó có một số sưu tập rất có giá trị hiện đang được giới thiệu trong Bảo tàng dưới dạng các phòng trưng bày sưu tập như: sưu tập văn hóa Óc Eo, sưu tập điêu khắc đá Chăm Pa, sưu tập điêu khắc đá Căm Pu Chia và một phần lớn hiện vật trong chuyên đề: “Văn hoá các dân tộc phía Nam”. Tôi nghĩ rằng, giả sử các nhà khoa học Pháp không tiến hành việc nghiên cứu, sưu tầm và gìn giữ các di sản đó thì chắc chắn, chúng đã bị mai một, thậm chí, bị hủy hoại qua thời gian với những nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Hiện nay, nếu đối chiếu với khái niệm “di sản văn hóa”(DSVH) quy định trong Luật di sản văn hóa thì chúng đều xứng đáng là một trong những loại di sản văn hóa vật thể (**). Qua đó, có thể nói, các sưu tập di sản do người Pháp để lại vừa làm tăng thêm giá trị của BTLSVN - TPHCM, vừa góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của dân tộc.

Tiếp sau các nhà khoa học Pháp và một số cộng sự người Việt Nam giai đoạn trước 1975, trong hơn 30 năm qua, các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn của Bảo tàng chúng ta đã góp  phần đáng kể trong việc thu thập, sưu tầm và kết quả là đã nâng tổng số hiện vật lên hơn 35.000 (gấp 6 lần so với trước năm 1975). Và, điều đáng lưu ý là nhờ vậy mà Bảo tàng chúng ta đã từng bước xây dựng được một hệ thống với 10 kho bảo quản như hiện nay. Theo tôi, đó là một trong những thành tựu vô cùng quan trọng mà BTLSVN - TPHCM đã đạt được trong 30 năm hình thành và phát triển.

3. Có những kỷ niệm cũng đã để lại trong tôi ấn tượng khó quên, đó là một số công việc liên quan đến hoạt động mang tính xã hội hóa của Bảo tàng chúng ta trong nhiều năm qua. Thật vậy, làm sao tôi quên được những đợt triển lãm lưu động tại các Bảo tàng ở cả ba miền của đất nước như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Trà Vinh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu…vv mà mỗi nơi chúng ta đến không chỉ là sự hợp tác trong việc “đưa bảo tàng đến với công chúng”, chúng ta còn được đón nhận tình nghĩa sâu đậm của bạn bè, đồng nghiệp. Rồi, biết bao nhiêu điều đáng nhớ khi chúng ta mang những bộ triển lãm đến với công chúng cũng như các em học sinh ở một số vùng sâu, vùng xa của TPHCM như: Đồn biên phòng 558 và một số trường học ở Cần Giờ; Cù lao Long Phước ở quận 9; Trường Đại học cảnh sát ở Thủ Đức; Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân ở Hóc Môn; Trung tâm văn hóa và một số trường học ở các quận, huyện ngoại thành khác như: Quận 12, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, …vv. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh những chiến sĩ bộ đội biên phòng ở Cần Gìờ ngay từ sáng sớm đã có mặt đông đủ để dự lễ khai mạc và chăm chú nghe cán bộ thuyết minh của Bảo tàng chúng ta giới thiệu nội dung của cuộc triển lãm với chủ đề: “Lịch sử Việt Nam qua tư liệu và hình ảnh”, rồi hình ảnh những em học sinh ở các vùng xa thành phố thích thú khi được nhìn thấy chiếc trống đồng, hay ảnh chụp những chiếc cọc gỗ đầu bịt sắt mà Ông Cha ta đã sử dụng để phá tan thuyền giặc trên sông Bạch Đằng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông…vv.

Liên quan đến việc “xã hội hóa hoạt động bảo tàng”, tôi còn có một kỷ niệm thuộc loại “chuyện bây giờ mới kể”, đó là cái “thuở ban đầu” của sự hợp tác giữa Bảo tàng với các nhà sưu tập. Hồi đó, để hưởng ứng chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa, Bảo tàng chúng ta đã tiến hành  vận động các nhà sưu tập cùng phối hợp trưng bày cổ vật (nhất là những cổ vật tiêu biểu, quý hiếm mà Bảo tàng không có) thuộc các chủ đề khác nhau, nhằm tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân và cả du khách nước ngoài được tiếp cận  nhiều hơn với các di sản văn hóa dân tộc.

Tuy nhiên, lúc đó, chúng ta chưa có được những thuận lợi như bây giờ. Tôi còn nhớ, vào thời điểm 1998, “dư  âm” của cuộc cải tạo tư sản vẫn còn nên nhiều người nghi ngại, sợ rằng nhà nước (thông qua Bảo tàng) mượn hiện vật rồi “trưng thu” luôn. Hơn nữa, lúc bấy giờ, Luật DSVH chưa ban hành (năm 2001 mới có Luật DSVH), cũng đồng nghĩa với việc chưa có gì “ràng buộc” giữa Bảo tàng với các nhà sưu tập (chủ sở hữu hiện vật) nên việc các nhà sưu tập phân vân, lưỡng lự hợp tác với Bảo tàng là rất đáng thông cảm. Và, có lẽ vì thế mà lần đầu tiên, khi chúng ta tổ chức cuộc gặp gỡ để vận động các nhà sưu tập phối hợp với Bảo tàng trưng bày thì chỉ có 7 nhà sưu tập đến dự họp. Sau này, tôi được một nhà sưu tập cho biết rằng, chính sáng hôm đó, cũng có một số nhà sưu tập đến nhưng ngồi chơi ở Thảo Cầm Viên để chờ nghe tin tức từ nhà sưu tập có tham dự cuộc họp (người này là người quen của họ), rồi họ mới quyết định có hợp tác với Bảo tàng nhà nước hay không?.

Chính vì lý do trên, Bảo tàng chúng ta đã quán triệt tinh thần là phải bằng việc làm cụ thể để chứng minh và tạo niềm tin cho các nhà sưu tập. Một điều vô cùng thuận lợi là ngay từ lần hợp tác đầu tiên giữa bảo tàng chúng ta và 7 nhà sưu tập, chúng ta đã đạt được kết quả tốt đẹp. Thông qua việc làm trên, Bảo tàng vừa góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động bảo tàng, vừa góp phần gây dựng và tạo cơ sở cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các Bảo tàng ở Thành phố HCM với các nhà sưu tập không chỉ trên địa bàn thành phố, mà mở rộng đến cả một số tỉnh ở vùng Nam Bộ. Và, theo tôi, điều quan trọng nhất trong việc tạo được niềm tin cho các nhà sưu tập lúc bấy giờ là sau khi kết thúc thời hạn trưng bày, cổ vật mượn của các nhà sưu tập được Bảo tàng hoàn trả đầy đủ và chu đáo (chứ không phải Bảo tàng nhà nước sẽ “trưng thu” cổ vật của tư nhân như suy diễn của một số người). Cũng chính vì thế mà từ chỗ chỉ có 7 nhà sưu tập ban đầu hợp tác với Bảo tàng, sau đó đã có gần 20 nhà sưu tập cùng với chúng ta liên tục tổ chức các cuộc trưng bày tại Bảo tàng, trong đó chuyên đề: “Việt Nam 2000 năm giao lưu văn hóa” còn đưa đi một số tỉnh như: Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Khánh Hòa. Đến nay, số lượng các nhà sưu tập hợp tác với Bảo tàng chúng ta trong hoạt động nói trên đã tăng lên rất nhiều và điều đáng nói  nữa là việc làm đó đã dược nhân rộng ra một số Bảo tàng khác của Thành phố.

Đề cập đến sự đóng góp của các nhà sưu tập đối với hoạt động của BTLSVN - TPHCM, theo tôi, chúng ta không được quên một người rất đáng kính, dẫu rằng giờ đây ông không còn nữa, đó là Cố học giả Vương Hồng Sển đồng thời là một nhà sưu tập chân chính đã dày công sưu tập các DSVH và trước khi mất đã hiến tặng toàn bộ sưu tập của mình với hơn 900 hiện vật (chưa kể sách vở) cho TPHCM và Bảo tàng của chúng ta đã vinh dự được UBND Thành phố giao nhiệm vụ bảo quản và phát huy giá trị của chúng. Khi đó (thời điểm 1998) mặc dù cơ sở vật chất còn hạn chế, song, chúng ta đã tổ chức bảo quản tốt sưu tập này và cố gắng phát huy giá trị của chúng thông qua việc kịp thời lựa chọn những cổ vật tiêu biểu tạo thành một chuyên đề với tên gọi: “Sưu tập Vương Hồng Sển” trưng bày 6 tháng tại Bảo tàng để phục vụ khách tham quan, sau đó, đưa chuyên đề này đi triển lãm ở Hà Nội, Huế và các tỉnh, rồi cuối cùng, chúng ta đã giành riêng một phòng trong hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng để trưng bày bộ sưu tập quý giá nói trên.

Tuy nhiên, vào những năm sau đó, thể theo nguyện vọng của nhà sưu tập đáng kính này, Lãnh đạo Thành phố có chủ trương trùng tu ngôi nhà của Ông tại đường Nguyễn Thiện Thuật (Quận Bình Thạnh - TPHCM) để đưa sưu tập hiện vật của Ông về trưng bày tại đó, thế nhưng, đã gần 5 năm trôi qua, công việc trên vẫn chưa thực hiện được. Cho dù rất thông cảm với những khó khăn chủ quan và khách quan của Thành Phố, nhưng với tư cách của một người đã tham gia tiếp nhận và sử dụng sưu tập trên, mỗi khi nghĩ đến, tôi vẫn rất phân vân và áy náy.

4. Nhìn lại hoạt động của BTLSVN - TPHCM trong 30 năm qua, tôi thấy rằng, để có được những kết quả đáng ghi nhận, bên cạnh việc phát huy nội lực, chúng ta phải kể đến việc hỗ trợ và hợp tác có hiệu quả của nhiều Bảo tàng và cơ quan hữu quan mà trước hết là Bảo tàng lịch sử Việt Nam (Hà Nội). Có thể nói, từ khi thành lập cho đến nay, giữa hai Bảo tàng luôn có sự hỗ trợ và hợp tác với nhau trong các hoạt động như: khai quật, trưng bày, nghiên cứu, xuất bản, trao đổi hiện vật… và điều đặc biệt là công việc nào cũng “trôi chảy” và để lại những tình cảm tốt đẹp cho lãnh đạo cũng như đồng nghiệp của cả hai bên.

Ngoài Bảo tàng lịch sử Việt Nam (Hà Nội), Bảo tàng chúng ta đã hợp tác với nhiều Bảo tàng khác, song, quy mô nhất và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi, đó là việc 12 Bảo tàng ở các tỉnh Nam bộ và TPHCM đã rất nhiệt tình kết hợp với Bảo tàng chúng ta trưng bày chuyên đề “Văn hóa Óc Eo” nhân 60 năm phát hiện nền văn hóa này. Có thể khẳng định rằng, với trên 500 hiện vật tiêu biểu (chưa kể tư liệu, hình ảnh) được chọn lựa và tập hợp từ 13 Bảo tàng tham gia (trong đó có Bảo tàng chúng ta) thì đây là cuộc trưng bày lần đầu tiên với một khối lượng hiện vật lớn nhất có liên quan đến nền văn hóa Óc Eo. Điều đáng nói nữa là trong lần trưng bày này, Bảo tàng không chỉ giới thiệu các di sản thuộc nền văn hóa này do các nhà khảo học Việt Nam phát hiện từ sau 1975, mà còn trưng bày cả các di sản do nhà khảo học người Pháp Louis Malleret và các cộng sự tìm thấy vào những năm 40 của thế kỷ XX. Qua việc làm trên, chúng ta đã tạo điều kiện cho công chúng trong nước và du khách nước ngoài có dịp đến tham quan Bảo tàng được tiếp cận với những di sản có giá trị của Văn hóa Óc Eo mà nếu không có cuộc trưng bày này, để tiếp cận được với những di sản đó, họ phải đến với 13 Bảo tàng lưu giữ chúng. Tuy nhiên, điều đó cũng không phải dễ dàng bởi nhiều Bảo tàng chưa có điều kiện đưa tất cả các hiện vật ra trưng bày tại Bảo tàng mình. Hơn nữa, đến với cuộc trưng bày trên, khách tham quan không chỉ được nhìn thấy những hiện vật tiêu biểu, quý hiếm của các Bảo tàng, mà còn được các cán bộ thuyết minh cung cấp nhiều thông tin bổ ích và mang tính tổng hợp về nền văn hóa này. Chỉ tiếc một điều là trước khi tôi về hưu (tháng 5/2004), tuy đã có bản thảo cuốn danh mục (cataloge) giới thiệu Bộ sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo của 13 Bảo tàng cùng tham gia cuộc trưng bày, song, ở thời điểm đó vì thời gian quá gấp nên Bảo tàng chưa kịp hoàn chỉnh để xuất bản. Cho đến nay, mỗi khi nghĩ đến, tôi thấy mình có lỗi với các Bảo tàng Bạn, nhưng, biết làm sao được, về hưu rồi thì “lực bất tòng tâm”. Chỉ mong các đồng nghiệp thông cảm. 

Ngoài các Bảo tàng, trong mấy chục năm qua, nhiều cơ quan khoa học ở Trung ương cũng như ở TPHCM cũng đã hợp tác với Bảo tàng chúng ta trong nhiều công việc (khai quật, tổ chức hội thảo khoa học, xuất bản, đào tạo v.v…) và đã thu được những kết quả đáng khích lệ, trong số đó có Viện khảo cổ học Việt Nam, Viện khoa học xã hội tại TPHCM, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn TPHCM, Hội sử học Thành phố, Nhà xuất bản Trẻ v.v … Đặc biệt, có một cơ quan nước ngoài cũng đã có những hỗ trợ thiết thực cho Bảo tàng chúng ta, đó là Phòng văn hóa thuộc Tổng lãnh sự quán Pháp tại TPHCM bắt đầu bằng việc ông Tùy viên văn hóa tặng Bảo tàng một sưu tập với gần 100 hiện vật gốm Việt Nam (chủ yếu là các loại bình vôi) sau khi ông được Bảo tàng mời đến dự buổi khai mạc chuyên đề: “Gốm Việt Nam và một số nước Châu Á” mà từ đó cho đến nay đã trở thành một trong những chuyên đề trưng bày cố định của Bảo tàng. Tiếp sau công việc trên là việc hỗ trợ tiền để Bảo tàng in tập gấp bằng tiếng Pháp và đặc biệt là tài trợ kinh phí cho cuộc trưng bày chuyên đề “Văn hóa Óc Eo” nhân 60 năm nền văn hóa này được phát hiện và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho Bảo tàng được tham gia dự án“ FSP” (Phát huy di sản bảo tàng Việt Nam) nhằm hiện đại hóa một số phòng trưng bày của Bảo tàng.

Trên đây chỉ là một số trong những Bảo tàng và các cơ quan hữu quan (tính đến thời điểm tôi về hưu) đã có sự phối hợp hoặc hỗ trợ Bảo tàng chúng ta trong một số hoạt động chuyên môn và kết quả của những hoạt động nói trên đã góp phần vào sự phát triển của BTLSVN - TPHCM.

Cuối cùng, trước khi kết thúc bài viết này, tôi xin được nói thêm một điều là trong 32 năm gắn bó với cái “nghiệp” Bảo tàng, thì đã có gần 9/10 số thời gian (28/ 32 năm) tôi gắn với Bảo tàng này, vì thế, biết bao nhiêu kỷ niệm sâu sắc còn đọng lại trong tôi, tuy nhiên, trong khuôn khổ của một bài viêt nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Bảo tàng, tôi chỉ đề cập đến một vài trong số rất nhiều những kỷ niệm khó quên trong những tháng năm tôi còn làm việc nơi đây cũng như  khi đã về hưu. Và, những điều tôi “tâm sự” trên đây  không phải để “ôn nghèo, kể khổ” mà là để cùng với những “người cũ” nhớ về những điều tốt đẹp đã qua, để những “người mới” hiểu được một phần quá khứ của Bảo tàng mà chính từ nhiều phần quá khứ đó Bảo tàng của chúng ta mới  dần dần “đi lên” và “trưởng thành”. Tôi mong rằng, tất cả chúng ta (trong đó có tôi) hãy luôn nhớ rằng, để có được một Bảo tàng như ngày hôm nay, là có một phần đóng góp của các nhà khoa học Pháp và đặc biệt là sự đóng góp trí tuệ và công sức của các thế hệ Lãnh đạo cũng như cán bộ, công chức của Bảo tàng chúng ta trong suốt 30 năm qua.  

 

                                                                                           Tháng 4/2009

                                                                                                   T.T.H

Chú thích 

(*) Bảo tàng Blanchard de la Brosse (tên của Thống đốc Nam Kỳ, người ký quyết định thành lập bảo tàng) khánh thành vào ngày 1/1/1929. Đến năm 1956, Chính quyền Sài Gòn đổi tên thành “Viện bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn”.

 (**) Điều 4 của Luật di sản văn hóa (ban hành năm 2001) quy định:

   “Di sản văn hóa vật thể  là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”.