Sưu tập Dương - Hà
Sưu tập Dương-Hà, từ lâu đã được biết đến như là một bộ sưu tập cổ vật có thời gian xuất hiện lâu năm nhất, thời gian sưu tầm dài nhất, số lượng lớn nhất Việt Nam với gần 3.400 hiện vật, vào tháng 03 năm 2011 đã chính thức được gia đình trao tặng cho nhân dân và nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Ủy ban Nhân dân TP.HCM là người đại diện.
Đó là bộ sưu tập cổ vật thuộc sở hữu của một gia đình nhân sĩ trí thức Nam bộ sinh sống tại Sài Gòn (nay là TP.HCM), được gây dựng cách nay gần 80 năm: Vào khoảng thời gian nửa cuối những năm 30 của thế kỷ 20, trong lúc Nam bộ nước ta còn dưới ách thuộc địa của nước Pháp đế quốc, khi thấy nhiều cổ vật bị đưa ra nước ngoài mà không bị ngăn chặn, giáo sư Collège Chasseloup Laubat (nay là trường PTTH Lê Quý Đôn, Q1, TP.HCM) Dương Minh Thới (1899-1976) và phu nhân là bà Hà Thị Ngọc (1902-1979) với ý định muốn bảo vệ những cổ vật Việt Nam đã bắt đầu tiến hành sưu tầm, tìm mua những hiện vật đầu tiên - khởi đầu cho bộ sưu tập sau này được mang họ của 2 ông bà. Xuất phát từ lòng yêu quý những gì do tiền nhân để lại, công cuộc sưu tập được tiến hành không ngừng nghỉ trong sự hao tổn rất nhiều tài lực, tâm lực, trí lực mà ông bà Dương-Hà sẵn sàng đánh đổi để có được quyền sở hữu cổ vật. Có thể nói, việc một mình âm thầm hành động bằng cách “thu gom” cổ vật chống lại việc “chảy máu cổ vật ra nước ngoài” của ông bà Dương-Hà bấy giờ là một nghĩa cử mang đậm tính cách người Nam bộ.
Tuy tiến hành sưu tầm một cách lặng lẽ, không ồn ào nhưng sưu tập Dương-Hà mau chóng được nhiều người biết tiếng, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Như vậy, song song với những hoạt động về sưu tầm, bảo vệ và truyền bá tình yêu đối với cổ vật của học giả Vương Hồng Sển, bộ sưu tập Dương-Hà lúc bấy giờ đã góp phần cổ vũ cho phong trào tìm hiểu và sưu tập cổ vật ở miền Nam nước ta những năm 60-70 của thế kỷ trước, trong đó không ít thế hệ các nhà sưu tập được tham quan “Sưu tập Dương-Hà” đều đánh giá cao bộ sưu tập này. Sưu tập Dương-Hà cũng góp phần trang bị kiến thức về cổ vật cho các nhà sưu tập, nhà nghiên cứu nếu không nói rằng đã góp phần “đào tạo” nên một số nhà sưu tập, nhà nghiên cứu trong đó nổi tiếng là Philippe Trương - Việt kiều Pháp, ngoại tôn của chủ nhân bộ sưu tập. Mặc dù ý định là được thành lập bảo tàng để bảo vệ cổ vật mạnh mẽ hơn nữa của ông Dương Minh Thới năm 1948 cuối cùng đã không được nhà nước thuộc địa chấp nhận nhưng ông bà Dương-Hà đã có được người nối chí.
Từ năm 1966, bà Dương Quỳnh Hoa (1930-2006), người con xuất sắc của ông bà Dương-Hà, trong hoạt động Cách Mạng đã tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (1960-1977) và làm nên sự nghiệp lớn (Thứ trưởng bộ Y tế nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1976-1981) cũng đã kế thừa được tấm lòng yêu mến cổ vật và dù phải tập trung mọi mặt cho phục vụ công cuộc Cách Mạng của toàn dân tộc nhưng không lúc nào quên quan tâm đến việc gìn giữ cổ vật, đã được ông bà Dương-Hà - lúc này già yếu - giao cho cùng với người chồng là ông Huỳnh Văn Nghị toàn quyền quản lý bộ sưu tập. Điều đặc biệt là ông Huỳnh Văn Nghị - nguyên là Ủy viên thường vụ Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (1968-1977) - cũng là người vô cùng yêu thích cổ vật. Thế hệ thứ 2 nhà họ Dương với sự chung sức của người bạn đời đã tiếp tục gìn giữ, phát triển bộ sưu tập, đưa số lượng và chất lượng bộ sưu tập lên đến mức độ cao nhất như chúng ta thấy hiện nay.
Khoảng những năm 1996-1997, John Stevenson và John Guy, 2 nhà nghiên cứu cổ vật người Anh đã được phép tiếp cận sưu tập Dương-Hà, sau đó một số hiện vật trong sưu tập cũng được phép đưa vào giới thiệu trong cuốn sách nổi tiếng in tại Singapore và xuất bản cùng năm tại Mỹ “Vietnamese ceramics: A separate tradition” (Gốm Việt Nam: Một truyền thống biệt lập) góp phần khẳng định trên lĩnh vực khoa học cũng như trên thị trường toàn cầu một dòng gốm Việt Nam thanh lịch mượt mà trong lịch sử đại gia đình gốm sứ thế giới.
Sau khi bà Dương Quỳnh Hoa mất, ông Huỳnh Văn Nghị nhận thấy cơ quan bảo tàng của nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa là nơi có thể quản lý, phát huy bộ sưu tập tốt nhất theo đúng với ước nguyện của ông bà Dương-Hà và bà Dương Quỳnh Hoa lúc sinh thời nên ông đã đại diện gia đình hiến tặng bộ sưu tập cho TP.HCM.
Sưu tập Dương-Hà là một bộ sưu tập cổ vật đồ sộ, phong phú và đa dạng, có nhiều tiêu bản lạ lùng, quý hiếm, gồm nhiều chất liệu, xuất xứ từ nhiều quốc gia Châu Á, Châu Âu, có niên đại từ thời Tiền – Sơ sử đến thế kỷ 20. Bộ sưu tập còn phong phú đa dạng trong việc thể hiện các đề tài sinh hoạt của cuộc sống con người từ các hiện vật phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, đồ trang sức, đồ phục vụ các thú thưởng ngoạn xưa như ăn trầu, uống trà, uống rượu, trò chơi đầu hồ (ném que lọt miệng bình) thời Nguyễn, nhạc cụ, đồ dùng văn phòng, đồ trang trí nội thất, đến đồ dùng trong ẩm thực, trong nhà bếp… đáng chú ý là trong sưu tập đồ kỷ niệm, đồ tặng biếu có 1 chén trà Nhật Bản ghi dòng chữ Hoa “Nhật Bản cộng sản đảng sáng lập ngũ thập chu niên” mà Bộ trưởng bộ Thương Binh và xã hội của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam- bác sĩ Dương Quỳnh Hoa được tặng nhân dịp bà sang Nhật dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Nhật Bản (1922-1972)… Sưu tập Dương Hà còn nổi bật hơn nữa với các sưu tập ngọc - ngà, sưu tập gốm Bát Tràng, gốm Nam bộ Việt Nam, gốm Nhật Bản, sưu tập đồ sứ Trung Quốc với đề tài Long Ẩn, với những câu răn dạy gia đình trong “Chu Tử trị gia cách ngôn” (của Chu Bá Lư thời Minh-Trung Quốc), các bài thơ Đường và nhiều đề tài khác… tất cả cung cấp cho người xem những kiến thức lịch sử - văn hóa vừa rộng lớn về địa lý, vừa ẩn sâu trong thời gian, vừa sâu sắc về nhân sinh… hấp dẫn và vô cùng sinh động.
Với sự hiến tặng sưu tập Dương-Hà cho nhà nước, nhiều kỷ lục mới đã được lập. Riêng TP.HCM đã lập được kỷ lục về sự tin cậy của người dân khi từ sau ngày Giải phóng và từ sau công cuộc Đổi Mới, chỉ trong vòng 15 năm tính từ năm 1996 đến năm 2011, đã 2 lần được người dân TP trao tặng những tài sản văn hóa lớn, giá trị kinh tế cao với tinh thần vô vị lợi. Đó chính là nét đẹp của cư dân TP đồng thời chứng tỏ tấm lòng của nhân dân TP đối với chế độ của chúng ta.
Được UBND TP.HCM giao quản lý sưu tập Dương-Hà, Bảo tàng Lịch sử có thêm một khối tài sản, tư liệu quý, có thêm cơ hội để nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy di sản văn hóa của tiền nhân, trước mắt là hôm nay giới thiệu một phần nhỏ bộ sưu tập trước công chúng trong và ngoài nước nhằm hiểu thêm người xưa, càng thêm trân quý di vật người xưa để lại, đồng thời hết sức trân trọng công lao một đời của ông bà Dương-Hà, bà Dương Quỳnh Hoa, ông Huỳnh Văn Nghị trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.