Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 15
Truy cập hôm nay: 31959
Tổng số truy cập: 1912544
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

LINGA – YONI VĂN HOÁ CHAMPA TRONG SƯU TẬP HIỆN VẬT CỦA BẢO TÀNG CHU LAI

2013-01-04 15:30:52

Trong sưu tập hiện vật của bảo tàng Chu Lai có 3 di vật văn hoá Champa thuộc loại hình ngẫu tượng Linga – Yoni rất đáng chú ý. Căn cứ vào kiểu dáng, chất liệu chúng tôi chia ra làm 2 loại hình: Linga – Yoni và Kosa linga.

Phạm Xuân Long
Nguyễn Thị Nguyệt

- Loại hình Linga – Yoni gồm 2 chiếc:
+ Chiếc thứ nhất có dạng khối hình chữ nhật. Kích thước toàn khối cao 11cm; cạnh: 11 x 8,5cm. Được làm bằng gỗ trầm hương, bọc kim loại màu bạc ở phần Yoni và bọc vàng ở phần Linga bên ngoài. Phần linga có cấu tạo 3 phần: trên cùng là khối hình cầu dẹt, ở giữa là phần trụ tròn và dưới cùng (gắn với bệ Yoni) có hình bát giác. Hiện vật bị sứt phần bạc bọc bên ngoài ở nhiều chỗ, bệ gỗ mục nứt. Căn cứ vào kiểu dáng, loại hình, so sánh với một số Linga khác trong sưu tập văn hoá Champa, chúng tôi cho rằng di vật này có niên đại vào khoảng thế kỷ 9-10.(Hình 1)
      
Hình 1: Linga – Yoni văn hoá Champa - thế kỷ 9-10

+ Chiếc thứ hai có dạng khối tròn đúc rỗng, làm bằng đồng. Toàn khối có kích thước cao 6cm, đường kính phần bệ 10,8cm. Linga hình trụ tròn gắn lên bệ Yoni. Phần Yoni có cấu tạo dạng một bệ tròn giật 2 cấp. Phần máng nước thiêng được đúc lõm xuống dưới so với gờ bệ. Về chất liệu chúng tôi cho rằng phân Linga được làm bằng vàng, nhưng hàm lượng vàng rất ít còn bệ yoni bằng chất liệu đồng vì rỉ ten đồng trên hiện vật khá dày và rõ nét. Tình trạng hiện vật khá nguyên vẹn chỉ bị rỉ sét và lên ten màu xanh. Căn cứ vào kiểu dáng, loại hình, so sánh với một số di vật khác cùng loại hình trong văn hoá Champa, chúng tôi cho rằng hiện vật có niên đại vào khoảng thế kỷ 11- 12. (Hình 2)
      
Hình 2: Linga – Yoni văn hoá Champa - thế kỷ 11-12

Một vài nhận xét:
- Những loại hình ngẫu tượng Linga – Yoni là loại hình đồ thờ rất thường thấy trong các khu đền tháp Champa. Tuy nhiên hầu hết những loại hình ngẫu tượng này trong các đền tháp đều được làm bằng chất liệu đá sa thạch có kích thước lớn và thường được đặt trước bệ thờ trong đền hoặc ở bên ngoài, khu vực cúng lễ của người dân. Hai hiện vật này có hình dáng, phong cách tạo tác rất giống với những loại hình ngẫu tượng bằng đá có kích thước lớn, nhưng trong những khu đền tháp hầu như không thấy những loại hình có kích thước nhỏ như những hiện vật này.
- Những loại hình ngẫu tượng Linga – Yoni có kích thức nhỏ và làm bằng chất liệu kim loại như những hiện vật này rất hiếm, ít được công bố. Hiện nay tại phòng trưng bày văn hóa Champa của Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM có trưng bày 2 hiện vật ngẫu tượng Linga – Yoni tương đồng với 2 hiện vật này về hình dáng và chất liệu, chỉ khác là chiếc ngẫu tượng của bảo tàng Lịch sử giống hiện vật thứ 1 thì chất liệu toàn bộ bằng đồng, bên trong không có gỗ, phần vòi của bệ Yoni không nhô ra ngoài mà nằm trên thành bệ. Còn chiếc giống hiện vật thứ 2 thì lại, phần vòi nhô ra ngoài.
- Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng những hiện vật này vẫn là loại hình đồ thờ cúng, nhưng do được làm từ chất liệu kim loại quý là vàng, bạc, đồng và gỗ trầm hương nên có thể những hiện vật này chỉ được đem ra sử dụng cúng tế trong những dịp lễ tại các khu đền tháp sau đó lại được chủ nhân hoặc các Pôsà (Thầy cả) đem cất. Vì được dùng trong các lễ cúng tế thần linh nên nên gỗ trầm hương được sử dụng làm vật thiêng để tỏa ra hương thơm. Nhưng cũng có thể những hiện vật này được chủ nhân làm để đem theo trong các chuyến đi xa giống như một thứ bùa hộ mệnh và dùng để làm lễ khi không có điều kiện trở về tham dự những lễ cúng tế tại các khu đền tháp (?).
Đây là nhóm di vật thuộc loại hình ngẫu tượng Linga – Yoni rất tiêu biểu và quý hiếm thuộc nền văn hoá Champa để lại. Nhóm di vật có niên đại từ thế kỷ thứ 9 -10 sau Công nguyên đến khoảng thế kỷ 13 -14. Nhưng căn cứ vào chất liệu, kiểu dáng, hình thức trang trí...thì chúng là những di vật chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, tôn giáo – tín ngưỡng, văn hoá – nghệ thuật, góp phần bổ sung vào kho tàng di sản văn hoá Champa ở Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Tạp chí khoa học xã hội năm 1994
2.    Sakaya, Văn hóa chăm nghiên cứu và phê bình, Nxb Phụ nữ, 2010
3.    Guimet musée national des arts asiatiques, Trésors d’art du Vietnam la sculpture du Champa, 2006
4.    Phạm Hữu Mý, Điêu khắc đá Champa, TP.HCM, 2005
5.    Ủy ban KHXHVN, Viện Đông Nam Á, Tập ảnh điêu khắc Chàm, Nxb KHXH, 1988