VỀ MỘT ĐỈNH BẠC MANG NIÊN HIỆU “TỰ ĐỨC” - Hoàng Anh Tuấn - Diệp Minh Cường (Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh)
Trong một dịp đi nghiên cứu, sưu tầm hiện vật tiền cổ Việt Nam, chúng tôi được một nhà sưu tập cho xem một đỉnh bạc khá độc đáo mang niên hiệu của một vị vua thời Nguyễn: vua Tự Đức.
Đây quả thực là một đỉnh bạc rất đặc biệt vì ngoài tiền đúc bằng vàng, loại tiền đúc bằng bạc của các triều đại phong kiến Việt Nam hiện lưu giữ trong giới sưu tập cũng như công bố qua các tư liệu nghiên cứu không nhiều. Cuốn sách giới thiệu về tiền cổ Việt Nam Catalogue of Annam coins của Bernard F.Permar năm 1963 được đánh giá là tương đối đầy đủ về các tiêu bản đỉnh bạc thì cũng chỉ có bản rập của một số đỉnh bạc thời Nguyễn như Thiệu Trị (1lạng, 5lạng, 20 lạng, 30 lạng, 40 lạng, 50 lạng và 100 lạng), riêng về thời Tự Đức thì chỉ có mẫu 10 lạng. Trong cuốn Tiền cổ Việt Nam của Đỗ Văn Ninh cũng bổ sung thêm tiêu bản đỉnh bạc thời Gia Long 1 lạng hoặc Cuốn Standard catalog of World coins tái bản gần đây nhất (2004) giới thiệu thêm một bản rập đỉnh bạc Tự Đức 1 lạng. Tất cả các đỉnh bạc này theo đánh giá của các chuyên gia được xếp vào loại hiếm trên thị trường quốc tế.
Giới thiệu về đỉnh bạc Tự Đức:
Bạc được đúc theo hình thoi chữ nhật sáu mặt, dài 770mm, rộng 34mm, dày 6mm.
Mặt đỉnh: bốn chữ Hán “Tự Đức nguyên bảo” theo kiểu chữ chân, hàng dọc nổi trong một khung có gờ viền đơn hình chữ nhật bao quanh. Ngoài mép có một khung gờ viền nổi. Giữa khung chữ và khung mép là hoa văn khắc nổi. Trên cạnh phía đầu là hình mặt trời và mây. Hai cạnh dọc là hai hình rồng đầu hướng lên uốn khúc trong mây. Cạnh phía dưới cũng là hình mặt trời và mây.
Lưng đỉnh: tám chữ Hán “ Nội thảng kim ngũ thập lạng” kiểu chữ chân được khắc nổi theo hàng dọc từ trên xuống và từ phải qua trái. Hàng thứ nhất, bốn chữ “ Nội thảng kim ngũ”. Hàng thứ hai, hai chữ “Thập lạng”; dưới là hai dấu vuông có chữ triện “thất tuế”. Ngoài mép có một khung gờ viền nổi. Giữa khung chữ và khung mép là hoa văn khắc nổi; cạnh trên và cạnh dưới là hình mặt trời và mây; hai cạnh dọc trang trí hai rồng đầu hướng lên uốn khúc trong mây.
Hai cạnh biên dọc: Trang trí nổi hình mặt trời và mây,
Hai cạnh biên ngang: Trang trí nổi hình mặt trời và mây.
Cân nặng: 154.087g. (41.09chỉ)
Hình bản dập.
Ngay từ đời Gia Long thoi bạc hay đỉnh bạc đã được đúc bởi Nhà nước phong kiến. Sử có chép: “Nhâm Thân, Gia Long năm thứ 11 (1812). Tháng 10. Bắt đầu đúc bạc đỉnh một lạng. Vua bảo Bộ Hộ rằng: chế định tiền bạc là để giàu nguồn của cho dân dùng. Trước kia Nhà nước đúc bạc trung bình, đỉnh 10 lạng ngang tiền 28 quan; gần đây đều đã thông dụng, nhưng đem bạc đổi tiền hay đem tiền đổi bạc thì đều dùng đỉnh mười lạng làm hạn nên khi số xuất nhập lẻ loi thì dùng không tiện. Vậy sai đúc thêm bạc đỉnh để ban hành” (1) (Đại Nam Thực lục chính biên, tậpIV, trang 169).
Cho đến tháng 3 năm Nhâm Ngọ, Minh Mệnh thứ 3 (1822) triều đình “bắt đầu chế sáu hạng đỉnh bạc, gửi cho Cục tạo tác ở Bắc Thành theo quy tắc mà chế tạo (Hạng nhất nặng 1 lạng, hạng nhì 5 đồng cân, hạng ba 4 đồng cân, hạng tư 3 đồng cân, hạng năm 2 đồng cân, hạng sáu 1 đồng cân…) (2) (Đại Nam thực lục chính biên, tập VI, trang 84)
Bạc thoi thời Thiệu Trị được đúc ngay vào những năm đầu.Vào tháng 7 năm Giáp Thìn (1844) vua “Ban kiểu những thoi bạc mới chế cho các địa phương trong Kinh và ngoài các tỉnh. Kiểu cũ hơi dầy, kẻ làm gian dễ trà trộn. Đến đây định kiểu mới, hơi mỏng so với kiểu cũ. Bèn hạ lệnh ban hành. (3) (Đại Nam Thực lục chính biên, tập XXV, trang 103-105)
Dưới thời Tự Đức, từ tháng 1 năm Mậu Thân (1848) Tự Đức thứ 1, triều đình đã “ đúc bạc đỉnh kiểu mới (Hạng nào nên đúc in niên hiệu thì tuân theo hiệu mới để đúc)” (4) (Đại Nam Thực Lục chính biên, tập XXVII, trang 70-110).
Như vậy, việc đưa bạc vào lưu thông dưới thời Nguyễn được tiến hành chính quy và khá mạnh mẽ. Bằng chứng là ở các đời vua từ Gia Long đến Tự Đức đều có những văn bản ghi nhận việc đúc bạc của Nhà nước. Tuy nhiên về quy chuẩn thì có những điểm khác biệt được thay đổi qua các thời kỳ.
Với bạc đỉnh một lạng dưới thời Gia Long được ghi nhận về quy cách như sau: “Dùng bạc đủ tuổi nặng một lạng, sáu mặt đều có in dấu và chữ. Mặt trên văn tròn, mặt dưới văn vuông, một mặt in bốn chữ “Gia Long niên tạo”, một mặt in bốn chữ “Tinh ngân nhất lạng”, một mặt in ba chữ “Trung bình hiệu”, một mặt in sáu chữ “Trị tiền nhị quan bát mạch” (5) (Đại Nam Thực lục chính biên, tập IV, trang 169)
Một loại bạc khác dưới thời Gia Long được ghi nhận đó là bạc phiến 5 tiền. Về loại bạc này Đại Nam thực lục chép: “Ất Hợi, Gia Long năm thứ 14 (1815). Tháng 6, đúc phiến bạc trung bình. (Mỗi thoi nặng 5 đồng cân, hai mặt đều in chữ, một mặt in bốn chữ “Gia Long niên tạo” một mặt in sáu chữ “Trung bình ngân phiến ngũ tiền” Trị giá 1 quan 4 tiền) (6) (Đại Nam Thực lục chính biên, tập IV, trang 169).
Riêng về những thoi bạc có đóng dấu “trung bình” hay “trung bình hiệu” đã ra đời từ thời Gia Long, nguyên do việc này là vào năm Gia Long thứ hai, tháng 5 năm Quý Hợi (1803) nhận lời tâu của Nguyễn Văn Khiêm, Bộ Hộ Bắc thành về việc bạc thoi thời Tây Sơn có pha nhiều thiếc, kẽm, thậm chí có thoi không đủ cân lạng, do đó xin đúc bạc có khắc chữ để làm tin, Gia Long mới hạ lệnh cho Trần Bình Ngũ, đồ gia Bắc Thành rằng:“ Các trấn ở Bắc Thành là nơi sản xuất vàng bạc, dân hay trà trộn làm gian, chỉ trộn chút ít mà lợi rất to, tệ nạn giả mạo như thế phải trừ. Nay cho người làm Trung Bình hầu, phàm vàng thoi, bạc thoi công hay tư, có dấu “trung bình” của ngươi thì mới được thông dụng. Ngươi nên cẩn thận. Kẻ làm gian xảo thì trị tội” (7) (Đại Nam Thực Lục chính biên, tập III, trang 129) và cũng từ đó có thể căn cứ vào việc có hay không có dấu “trung bình” mà phân biệt thoi bạc có được Nhà nước xác nhận hay không.
Dưới thời Gia Long, nhà Đồ gia ở kinh thành Huế có 3 con dấu bằng sắt, Cục tạo tác ở Bắc Thành có 6 con dấu bằng sắt để in vào vàng bạc. Ba con dấu ở Kinh khắc chữ Công Chính, Thập (chỉ vàng 10 tuổi), Bát ngũ (chỉ vàng tám tuổi rưỡi). Vàng từ 10 lạng hết thảy đều phải đóng dấu đó. Sáu con dấu ở Bắc Thành khắc chữ Trung bình, Thập lạng, Giáp (hạng tốt), Khán (đã kiểm tra), Thực (không phải giả), Công. Nhân dân có vàng bạc phải đem xét nghiệm để in những chữ ấy vào mới được tiêu dùng. Các viên chức ở Cục, Sở phải thu tiền in dấu chữ.
Tháng 6 năm Nhâm Thìn, Minh Mệnh thứ 13 (1832) Nhà nước định lại chữ hiệu in vào vàng bạc, Vua theo lời tâu của Bộ Hộ mà ra lệnh làm những dấu mới để in chữ vào vàng bạc. “ Nội vụ phủ có 2 dấu sắt: một dấu khắc chữ can chi năm đúc, một năm một lần khắc lại, một dấu khắc chữ Nội thảng (kho tiền nội phủ). Các địa phương cũng đều có 2 con dấu, một dấu khắc can chi năm đúc, một dấu khắc tên tỉnh hoặc trấn, đều dùng lối chữ nổi. Phàm vàng bạc ở kho từ đỉnh một lạng trở lên đều có in vào mặt đỉnh. Về vàng tốt lại có tám con dấu sắt riêng khắc những chữ: thất, bát, cửu, thập, thất ngũ, bát ngũ, cửu ngũ, thắng thập để in sau lưng đỉnh vàng ấy, thợ xem sắc vàng bạc cũng cho tự chế một con dấu sắt khắc một chữ tên mình để in từ bên tả từng đỉnh. Còn dấu bằng sắt khi trước đều thu lại, hủy đi, vàng bạc hiệu cũ vẫn cho dân gian thông dụng.
Vua y lời bàn ấy. Lại thêm ra lệnh phàm vàng bạc, những đỉnh từ 10 lạng trở lên đều in thêm hai chữ “Minh Mệnh” để nêu rõ danh hiệu quan trọng. (8) (Đại Nam thực lục chính biên, tập XI, trang 114).
Có thể thấy, sự kiện định lại quy chuẩn trong in chữ hiệu vào tiền năm Minh Mệnh thứ 13 khá quan trọng. Nếu như dưới thời Gia Long đối với bạc thoi 1 lạng và bạc phiến 5 tiền ngoài “niên hiệu” của vua, “trọng lượng” và chữ “trung bình hiệu” thì đến thời kỳ này chữ hiệu in vào vàng bạc có thêm các con dấu để đóng là “can chi” để nhận biết năm đúc, dấu “Nội thảng” để phân biệt vàng, bạc giữa Kho nội phủ và Kho các địa phương, “tên địa phương” đúc bạc, “dấu định tuổi” vàng bạc, và đặc biệt là cả “dấu tên” của người thợ giám định chất lượng vàng bạc.
Dưới thời Thiệu Trị, Nhà nuớc quy định ngoài bạc đỉnh có chữ “Công Giáp”do Cục Tạo tác ở Bắc Thành đúc trước đây đã có thực nghiệm, những kiểu cũ mà dân gian đúc ra không có in dấu tên tỉnh, niên hiệu và chữ “Công Giáp” thì cho đến tháng giêng năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) hết được lưu hành và buộc phảido Nhà nước đúc lại.
Cho đến thời Tự Đức, việc đúc bạc trong dân chúng đã không còn tự do như trước nữa, cùng với việc đúc bạc đỉnh kiểu mới, tháng 7 năm Tự Đức thứ 1(1848) triều đình một lần nữa nhắc lại quy định “Bạc đỉnh 1 lạng phải do Nhà nước đúc ra, nên y theo lệ trước, cấm dân đúc riêng. Còn đỉnh bạc 10 lạng mẫu cũ tuy không có in dấu niên hiệu, tên tỉnh và dấu chữ công giáp trừ ra không phải là hàng giả mạo thì cùng với bạc lẻ, phiến, khối đều được nhất luật tiêu dùng để cho được tiện. Người nào đem thứ bạc ấy nộp thuế cho Nhà nước thì cứ theo kiểu mới mà đúc lại để tỏ rõ phân biệt” (8) (Đại Nam thực lục chính biên, tập XXVII, trang 70-110)
Năm Tự Đức 21(1868) thể thức làm bạc đỉnh dưới thời Tự Đức ra đời khá muộn màng: “Đỉnh 1 lạng theo cách cũ khoảng năm Gia Long, một mặt in chữ tên tỉnh, sau in tên thợ đúc, đỉnh 10 lạng vẫn in chữ “trung bình hiệu” (9) (Đại Nam thực lục chính biên, tập XXXI, trang 188).
Với hình thức tiền tệ, bạc thoi đã được đưa vào lưu thông chính quy dưới thời Gia Long với trị giá lớn mười lạng ngang với 28 quan tiền đồng tiếp sau là một lạng ngang với 2 quan 8 để giải quyết tiêu dùng buôn bán lẻ, tuy nhiên chưa thực sự phổ thông. Cho đến thời Minh Mệnh việc đúc những thoi bạc có giá trị nhỏ hơn từ 5 đồng cân tới 1 đồng cân cho thấy việc tiêu dùng bạc thoi ngày càng phổ biến hơn thời trước.
Như vậy, ngay dưới thời các vua Nguyễn từ giai đoạn đầu khi mới thiết lập chính quyền, việc đúc bạc đã được chú ý và qua các triều đại chuẩn hóa dần các quy định. Cho đến thời Minh Mệnh, Thiệu Trị,Tự Đức việc ban hành bạc thoi, những luật lệ ngăn cấm hiện tượng đúc giả, những quy định về hình thể thoi bạc cho tới việc quy định giá giữa bạc thoi Nhà nước và bạc của thổ ngân tại các vùng dân tộc cũng như những định chế tạo tác bạc ngày càng chi tiết hơn. Triều Nguyễn muốn tiến tới nắm chắc và thống nhất tổ chức về mọi quy định trong tiền tệ nên đã có ban hành những điều lệ tỉ mỉ về Cục Bảo tuyền, Cục Bảo hóa và những quy định trong việc đúc và lưu hành giao thương. Tuy nhiên, việc nới lỏng cho dân tự đúc thoi bạc cũng như kéo dài thời hạn lưu hành của bạc thoi tự đúc trong dân mãi cho đến đời Tự Đức cho thấy sự uyển chuyển trong chính sách tiển tệ của triều Nguyễn giai đoạn này.
Trở lại với đỉnh bạc mà chúng tôi đã giới thiệu ở trên, chúng tôi thấy có một vài điểm cần lưu ý:
Thứ nhất: đó là các chữ Hán ở mặt và lưng của đỉnh bạc.
Ở mặt đỉnh bạc đúc nổi bốn chữ Hán:Tự Đức Nguyên bảo (嗣 德w 元¸ 寶_) dạng chữ chân. Trong chữ Đức, phía trên chữ Tâm không có nét ngang (一@). So sánh với những tư liệu, tiêu bản đỉnh bạc đã đề cập ở trên chúng tôi thấy không có tiêu bản nào có lỗi như vậy. Kế đến hai chữ “nguyên bảo”, hai chữ này chỉ thấy xuất hiện trên những đỉnh vàng có trọng lượng lớn mà trong những đỉnh bạc thì không thấy sử dụng (Ví dụ: thời Minh Mệnh đỉnh vàng trọng lượng từ 30 đến 100 lạng được gọi là nguyên bảo, qua thời Thiệu Trị: đỉnh vàng trọng lượng 50, 100 lạng thì được gọi là nguyên bảo). Trên những đỉnh bạc từ thời Gia Long cho đến Tự Đức từ bạc phiến 5 tiền trở lên đến 100 lạng ở mặt chính đều chỉ đúc nổi niên hiệu của vua như: Gia Long niên tạo, Minh Mệnh niên tạo, Thiệu Trị niên tạo, Tự Đức niên tạo.
Ở lưng đỉnh bạc có tám chữ Hán “Nội thảng kim ngũ thập lạng Thất tuế”
(內º 帑® ª÷ 五 拾B 兩 柒m 歲³ ) được khắc nổi thành hai hàng (trong khi trên tiêu bản đỉnh bạc 50 lạng thì dòng chữ Hán “Nội thảng ngân ngũ thập lạng” được đúc thành một hàng dọc). Trong đó 6 chữ đầu theo dạng chữ chân, hai chữ cuối dạng chữ triện. Ở đây điều làm chúng tôi hoài nghi là tại sao chữ: “kim” (vàng trong trường hợp này) lại được đặt ở đây. Khảo sát các tiêu bản đỉnh bạc đã đựơc cập nhật thì ở vị trí của chữ “kim” như trên đỉnh bạc này là chữ: “ngân” (bạc). Hai chữ Hán “thất tuế” dạng chữ triện: (bảy tuổi) được khắc nổi trên đỉnh bạc cũng không được khắc trên những tiêu bản đỉnh bạc thời Nguyễn hiện có. Hai chữ Hán chỉ tuổi của vàng chỉ được đóng chìm và chữ nổi trên những đỉnh vàng bởi con dấu sắt, điều này Thực lục đã có ghi nhận ở trên.
Tất cả những chữ Hán trên đỉnh bạc đều được khắc nổi, sắc sảo và không khác so với những tiêu bản đỉnh vàng đã được giới thiệu trong các tư liệu trên.
Thứ hai: đỉnh bạc 50 lạng này khung viền các chữ Hán là khung đơn trong khi ở các đỉnh bạc cùng trọng lượng là khung có gờ viền kép. Bên cạnh đó, ở lưng đỉnh bạc 50 lạng này, hai cạnh dọc giữa khung chữ và khung mép được khắc nổi hai rồng đầu hướng lên uốn khúc trong mây trong khi các tiêu bản đỉnh bạc cùng trọng lượng thì chỉ thấy đúc nổi hình dơi và mây.
Thứ ba: kích thước đỉnh bạc 50 lạng thời Thiệu Trị dài: 140mm, rộng:67 mm còn đỉnh bạc Tự Đức lại có kích thước, dài 770mm, rộng 34mm.
Thứ tư: về trọng lượng: bạc đỉnh 50 lạng thời Thiệu Trị cân nặng 1.915g, riêng đỉnh bạc ký hiệu Tự Đức này có trọng lượng là 154.087g. Về sai số quả là khó có thể chấp nhận được.
Ghi nhận về mặt kỹ thuật; đỉnh bạc được khắc khá tinh xảo, các chi tiết hoa văn và chữ Hán thể hiện trên đỉnh bạc đều rất sắc nét và chỉnh chu, ngoại trừ những điểm dị biệt mà chúng tôi có lưu ý so với những tiêu bản hiện vật đã được giới thiệu.
Tóm lại: Đỉnh bạc “Tự Đức nguyên bảo” 50 lạng mà chúng tôi giới thiệu ở trên là một đỉnh bạc khá đặc biệt, nó thể hiện một trình độ chế tác khá tinh xảo của nghệ nhân làm kim hoàn ở cuối thế kỷ XX, được làm mô phỏng theo đỉnh vàng 50 lạng thời Nguyễn. Đây là một tiêu bản nên xem, nên nghiên cứu để có một cái nhìn chân xác hơn về một loại tiền quý hiếm của triều đại này.
Tài Liệu Tham Khảo
1. Bernard F.Permar, Catalogue of An Nam Coins 968 – 1955, 1963 (bản đánh máy.)
2.Colin R. BruceII – Thomas Michael – Market Analyst, Standard Catalog of World
Coins 1801 – 1900, Kp books 4th edition, 2004.
3.Đỗ Văn Ninh, Tiền cổ Việt Nam - NXB KHXH Hà Nội, 1992.
4.Đại Nam Thực Lục Chính Biên, NXB Sử học Hà Nội, 1963.