Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 8
Truy cập hôm nay: 30571
Tổng số truy cập: 1911052
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

PHẬT NGỒI TRÊN RẮN NAGA

2013-01-02 08:39:47

Trong suốt lịch sử Campuchia, các trào lưu tôn giáo đã ảnh hưởng và in dấu sâu sắc vào nghệ thuật của Campuchia. Phong cách nghệ thuật Khmer rất độc đáo là sự kết hợp giữa tín ngưỡng duy tâm bản địa với các tôn giáo gốc Ấn Độ là đạo Hindu và đạo Phật từ chất liệu đá tới đồng.

Đỗ Như Kiếm

Nhân dịp hội nghị Asean lần 20 và kỷ niệm 45 năm thành lập ASEAN đã được tổ chức tại Phnôm Pênh – Campuchia vào tháng 7 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử đã thực hiện trưng bày chuyên đề “Cổ vật một số nước Asean”, giới thiệu nhiều cổ vật Campuchia lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng trong đó hiện vật “Phật ngồi trên rắn Naga” là tiêu biểu.
Tượng bằng đồng lên ten xanh, có kích thước cao 12cm; ngang 6cm gồm 2 phần: Phật ngồi và bệ rắn Naga.
-    Tượng Phật ngồi thẳng xếp bằng trong tư thế bán kiết già: Khuôn mặt vuông, lông mày kết hợp với trán thành đường gờ nổi nằm ngang, mắt khép hờ hướng thẳng về trước, mũi thấp, miệng rộng, môi dày, đầu Phật đội mũ có chóp nhọn, vành mũ rộng trang trí nhiều sọc đứng và những đường viền quanh mũ, tai Phật lớn, trái tai dài đeo đôi bông tai hình ốc. Phật mặc áo bó sát, cổ áo rộng có trang trí viền hình răng lược, trên cổ đeo kiềng 2 lớp. Tượng có dáng ngực nở, bụng thóp, bắp tay đeo đôi vòng chuỗi, 2 tay để xuôi theo vai, lòng bàn tay ngửa, xếp chồng lên nhau, bàn tay phải nằm trên, 2 bàn chân ngửa thẳng, chân phải đặt chồng lên chân trái, quần dạng sampot bó sát thân.
-    Rắn Naga có 5 đầu, thân mập mạp, trên mình có vẩy cá xếp lớp, đuôi dấu ra sau và thân dưới rắn Naga khoanh uốn khúc chồng lên nhau ba lớp tạo thành đế hình thang ngược – đây là phần bệ ngồi cho tượng Phật. Từ phần trên phía sau của đế, thân rắn chia thành 7 nhánh xòe vươn lên và hướng về phía trước thành hình lá đề che phần vai lên trên đầu tượng Phật. Đầu rắn nhìn dữ tợn, mắt tròn lớn lồi, lông mi dựng ngược, mũi tẹt, miệng rộng mím chặt, cổ bành rộng như đang phùng mang.
        Naga là tên gọi của một loài linh vật rắn trong thần thoại Ấn Độ. Trong tín ngưỡng Đông Nam Á lục địa, rắn thần Naga sống trong cõi thủy cung có tên là Mương Bađan nằm dưới lòng sông Mê-kông. Trong trí tưởng tượng, Naga thường có một, ba, năm hoặc bảy đầu, nói chung là những con số lẻ - số dương theo tư duy truyền thống phương Đông.                                       
        Trong điêu khắc Bà La Môn (Brahmanism) thường có các kiểu tượng thần Bà La Môn cưỡi trên mình rắn Naga, còn trong Phật giáo thì có kiểu tượng Đức Phật Cồ Đàm (Thích Ca) tọa thiền trên mình rắn thiêng. Trong kiến trúc Phật giáo Nguyên thủy (Therevada) tại Đông Nam Á, rắn Naga thường được trang trí trên các mái chùa ngụ ý xua đuổi tà ma và bảo vệ các ngôi chùa tránh khỏi hỏa hoạn.

 

(Một bức tượng cùng niên đại của Campuchia)


Trong sự tích về hình tượng này kể về “Bảy ngày tu đầu tiên của Đức Phật”, khi ngài đang đang tọa thiền dưới cội Bồ Đề (Boddhi) thì một cơn mưa trái mùa như trút nước dội xuống thân thể ngài, đúng lúc đó một vị vua rắn Naga liền bò ra khỏi nơi trú ẩn của mình, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng Đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc tàng che chở cho Đức Phật. Do vậy, hình tượng rắn Naga rất phổ biến trong văn hóa Khmer và Phật giáo Nam tông.
Hiện nay, tại Campuchia có rất nhiều hiện vật có phong cách mô típ về hình tượng Phật ngồi trên rắn Naga tương tự như hiện vật trên bằng đủ mọi chất liệu: Đá, bạc, đồng được phát hiện nhiều ở Kongpong Cham và  Siem Reap mang dáng dấp phong cách Angkor qua hình dáng, tư thế, trang phục... với niên đại được xác định thế kỷ 12-13. Hiện vật này tuy về hình thức gần giống những hiện vật đã phát hiện ở Campuchia nhưng vẫn cho thấy những điểm khác nhau như: kích thước nhỏ, rắn Naga 5 đầu (thường là 7 đầu).
Bảo tàng Lịch sử may mắn có được bức tượng này từ nhóm hiện vật cũ của bảo tàng trước để lại, nó góp phần cho chúng ta nghiên cứu văn hoá phật giáo ở Đông Nam Á nói chung và Campuchia nói riêng, sự truyền bá Phật Giáo từ Ấn Độ đến với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt với Thái Lan, Myamar, Campuchia, Lào, Việt Nam, Phật giáo sau khi thâm nhập và bản địa hoá đã tạo nên những tính cách vô cùng đặc sắc và phong phú, qua đó thấy được một phần nền tảng quan trọng tạo nên những nét văn hoá đặc trưng cho mỗi nước.
 

 

Tài liệu tham khảo:
Chu Quang Trứ: Mỹ thuật Phật giáo. NXB Thuận Hóa – 1988
Khun Samen: The New Guide to the National Museum Phnom Penh. 2008
National Museum of Cambodia 2010: Khmer Art History.
Robert F. Fisher. “Mỹ Thuật và Kiến trúc Phật giáo”. NXB Mỹ thuật 1996.