GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ TÀI PHỤC VỤ HỘI THI VẼ “KINH ĐÔ THĂNG LONG QUA TRÍ TƯỞNG TƯỢNG CỦA TUỔI THƠ” - PHẦN 1
KINH ĐÔ THĂNG LONG THỜI LÝ (1009 – 1225) Trong kế hoạch chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM phối hợp với Phòng Giáo dục Quận 1, Phòng VHTT Quận 1 tổ chức cuộc thi vẽ “Kinh đô Thăng Long qua trí tưởng tượng của tuổi thơ” vào tháng 3/2010 cho các em học sinh khối lớp 4,5,6 thuộc các trường Tiểu học và PTCS trong quận. Bài viết sau đây cung cấp những kiến thức cơ bản nhằm gợi ý cho thí sinh chọn đề tài trong cuộc thi vẽ sắp tới.
1. Các công trình kiến trúc:
a. Kiến trúc cung đình:
- Kinh đô Thăng Long gồm có 2 khu vực thành và thị (thành là nơi sinh sống của vua và hoàng tộc, cũng là nơi tập trung các cơ quan đầu não của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, thị là nơi tập trung dân cư làm ăn sinh sống).
Kinh đô Thăng Long gồm 3 lớp thành: Khu sinh họat làm việc của vua, hòang tộc và triều đình gọi là Đại Nội, trong đó có cụm kiến trúc trung tâm gồm 8 điện, 3 cung, bao quanh khu vực này có một vòng thành bảo vệ gọi là Cấm Thành. Vòng thành thứ hai gọi là Hoàng thành là nơi tập trung dân cư bao gồm những xóm làng nông nghiệp, những phố phường công thương nghiệp và một hệ thống bến chợ của kinh thành. Hoàng thành có 4 cửa chính, hướng ra phía đông là cửa Tường Phù (ra phố Cửa Đông hiện nay), phía bắc có cửa Diệu Đức (ra Hoàng Hoa Thám), phía tây có cửa Quảng Phúc (ra các phường ven hồ Tây) và cửa Đại Hưng (hướng ra Quốc Tử Giám bây giờ). Những quần thể kiến trúc cung điện được bố trí theo kiểu trục đối xứng ngay ngắn. Vòng thành thứ 3 (gọi là ngoại thành) bao bọc toàn bộ khu vực thành và thị vừa là thành lũy phòng vệ vừa là đê ngăn ngừa lũ lụt, thành được đắp bằng đất, phía ngoài có hào nước.
- Cung điện, lầu gác trong cấm thành và hoàng thành có quy mô khá lớn, trong cấm thành có lầu vua ngự 4 tầng, vua ở tầng thứ 2. Điện Phụng Thiên có lầu Chính Dương xem giờ khắc; điện Trường Xuân có gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi, ngắm cảnh; Hòang thành có cung Hoài Đức dành cho Thái tử để thái tử hiểu rõ việc của dân. Phía đông sông Hồng dựng điện Hàm Quang để vua xem đua thuyền, múa rối. Trạm Hoài Viễn dựng tại làng Cự Linh (Gia Lâm) là nơi đón tiếp và trú ngụ của các sứ thần nước ngoài: Trung Quốc, Lào, Chân Lạp, Xiêm, Đại Lý (Vân Nam), Tây vực (Trung Á, Bắc Ấn). Phía Bắc có cung Dâm Đàm bên cạnh Hồ Tây là nơi vua xem cảnh đánh bắt cá và nghỉ ngơi.
- Phía nam hòang thành giữa 1 khu vực rộng lớn bao bọc bởi ao hồ và vườn cây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám (năm 1070) là trung tâm giáo dục đào tạo tri thức, được xem là trường đại học đầu tiên của Đại Việt. Vào thời kỳ này chưa đặt bia Tiến sĩ.
- Trong hòang thành còn có Giảng Võ điện là nơi nghe giảng và luyện tập võ nghệ. Xạ Đình (sân bắn) lập năm 1170 là nơi vua, võ quan tập bắn cung, cưỡi ngựa và tập trận.
b. Kiến trúc Phật giáo:
- Chùa Diên Hựu (Một Cột) xây dựng phía Nam Hòang thành năm 1049 theo giấc chiêm bao của vua Lý Thái Tông. Vua cho đào hồ Linh Chiểu, giữa hồ dựng một cột đá, đỉnh cột là đóa hoa sen nghìn cánh, trên đó dựng tòa điện màu xanh. Trong điện đặt pho tượng Quan Âm. Vòng quanh hồ là dãy hành lang. Lại đào ao Bích Trì, mỗi bên đều bắc cầu vồng để đi qua. Phía sân cầu đằng trước, hai bên tả hữu xây tháp lưu ly.
- Tháp Báo Thiên có 12 tầng xây năm 1057 trên một gò đất cao bên cạnh hồ Hoàn Kiếm. Đỉnh tháp bằng đồng nặng hơn 7 tấn và có khắc một bài minh của vua Lý Thánh Tông
c. Kiến trúc đền miếu:
- Đền Hai Bà Trưng (ở phường Bố Cái – Nay là quận Hai Bà Trưng) thờ 2 vị nữ anh hùng chống quân Hán; đền Bạch Mã ở Giang Khẩu (Nay là phố Hàng Buồm) thờ thần Tô Lịch; miếu Đồng Cổ ở phía tây thành Thăng Long thờ thần núi Đồng Cổ hay thần Trống Đồng, Đền Xã Tắc (nay thuộc quận Đống Đa) cầu được mùa, mưa thuận gió hòa.
2. Hiện vật thời Lý:
Chủ yếu là các loại gạch và ngói bằng đất nung
+ Gạch gồm nhiều kiểu: hình vuông, hình chữ nhật với các hoa văn hoa sen, hoa cúc … dùng để xây tường, lát nền, ốp bìa, một số viên gạch có khắc chữ Hán như: 李家苐三帝龍瑞太平四年造 - Lý Gia Đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo (Làm năm thứ 4 (1057) niên hiệu Long Thụy Thái Bình đời vua thứ 3 nhà Lý), 李家苐三帝彰聖家慶七年造 - Lý Gia Đệ tam đế Chương Thánh Gia Khánh thất niên tạo (làm năm thứ 7 (1065) niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh đời vua thứ 3 nhà Lý)
+ Ngói là loại dùng để lợp mái nhà, mái cung điện. Ngói có nhiều loại như: ngói úp nóc, ngói ống, ngói âm dương, ngói lòng máng…
- Ngói úp nóc lợp trên đường chia nước thường gắn tượng chim, tượng người, lá đề (lá đề là lá cây bồ đề).
- Ngói ống: là loại ngói có hình ống, mặt tròn của ngói thường trang trí hình rồng uốn lượn, hình hoa sen, hoa cúc với nhiều biến thể khác nhau. Trên lưng ngói cũng thường gắn thêm “lá đề”
-Lá đề có hai loại : lá đề thẳng và lá đề lệch. Với kỹ thuật chạm nổi và chạm lộng, trên mặt các lá đề có trang trí hoa lá, hình rồng, chim phượng. Lá đề lớn được đặt ở giữa nóc mái cung điện. Các lá đề lệch kích thước nhỏ hơn được đặt đối xứng hai bên lá đề lớn
+ Tượng đầu rồng, đầu phụng có nhiều kích thước thường đặt ở đầu đao của mái cung điện của Vua, Hoàng hậu.
+ Cột của cung điện được làm bằng gỗ đặt trên bệ đá vuông mặt chạm hình cánh sen.
3. Kinh tế:
- Năm 1108 triều đình tổ chức đắp đê Cơ Xá (đê sông Hồng), từ Yên Phụ đến Lương Yên để ngăn lũ lụt bảo vệ nông nghiệp và kinh thành.
- Các chợ nổi tiếng là Chợ Đông và Chợ Tây là nơi tập trung các hoạt động buôn bán tấp nập của kinh thành tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền rất nhộn nhịp.
- Các nghề thủ công nằm rải rác ở nhiều phố phường nhưng tập trung nhất là khu Đông và Tây của thành Thăng Long, gồm nghề dệt, nhuộm, làm gốm, giấy, đồ trang sức, đúc đồng, mộc. Thập tam trại: là một tên gọi chung chỉ 13 làng nghề ở phía Tây kinh thành Thăng Long. Tương truyền, các làng này được lập nên thời vua Lý Nhân Tông, bởi công của dũng sỹ họ Hoàng và dân làng Lệ Mật. Từ thời nhà Lý đã có tên các thôn trại: Vạn Bảo, Đại Yên (Đại Bi), Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Giảng Võ, Thủ Lệ, Liễu Nhai (Liễu Giai), Cống Yên. Các làng này đóng vai trò cung cấp các nhu yếu phẩm cho kinh thành Thăng long.
- Các xưởng thủ công nhà nước như xưởng đúc tiền, đóng thuyền, làm vũ khí, làm xe kiệu.
4. Lễ hội:
- Lễ hội đền Đông Cổ: Do Lý Thái Tông (Thái tử Phật Mã) lập ra nhằm khẳng định sự trung thành đối với quốc gia, xã tắc, bảo đảm cho sự ổn định lâu dài của đất nước.
- Hội chùa, hội làng, hội quán thường diễn ra vào mùa xuân, mùa thu. Đó là những cảnh đua thuyền, múa rối nước, đá cầu, chọi gà, chọi trâu, múa hát… Những hình thức văn hóa, nghệ thuật dân gian này được vua ưa chuộng và thường biểu diễn ở cung đình. Đặc biệt là lễ mừng sinh nhật của vua do hội đèn Quảng Chiếu tổ chức ở khắp các cửa thành đây là lễ hội lớn nhất, náo nhiệt nhất của Thăng Long.
5. Danh nhân thời Lý sinh tại Thăng Long
5.1 Lý Thường Kiệt (1019 – 1105): tên thật là Ngô Tuấn, thuở nhỏ ông rất chăm học đặc biệt ông rất say mê luyện tập võ nghệ và nghiên cứu binh thư. Ông tạo được uy tín trong triều đình, từng giữ chức Thái bảo, Thái phó và Thái Úy, ông được ban họ vua. Ông có công lớn đối với đất nước bình Chiêm đánh Tống để giữa vững độc lập cho dân tộc.
5.2 Ỷ Lan (? – 1117) tên thật là Lê Thị Yến Loan là cô gái hái dâu chăn tằm xinh đẹp làng Dương Xá – Gia Lâm. Khi vua Lý Thánh Tông viếng thăm chùa Dâu, tình cờ gặp cô đứng tựa gốc lan trong nương dâu. Vua cảm mến đưa về kinh tuyển làm cung phi và đặt tên là Ỷ Lan. Ỷ Lan là người phụ nữ thông minh, thương dân và giỏi việc nước. Trong lúc vua Lý Thánh Tông thân chinh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Tống, bà được giao quyền trị nước, nhiếp chính triều đình, lập nhiều công lao trong việc giữ gìn đất nước, phát triển văn hóa, xã hội đương thời.
Thăng Long thời Trần
Dưới thời Trần, Thăng Long vẫn giữ vị trí là kinh đô của nước Đại Việt. Kinh đô Thăng Long thời kỳ này có những thay đổi như sau:
1. Công trình kiến trúc:
Về mặt cấu trúc, Thăng Long thời Trần hầu như không khác Thăng Long thời Lý. Nhà Trần bên cạnh việc sử dụng tu bổ những cơ sở đã có từ trước, còn mở mang thêm và kiến tạo một số công trình mới.
Năm 1230, nhà Trần tu sửa, mở rộng thêm thành Đại La (vòng thành thứ 3 thời Lý). Thành có 4 cửa: cửa Tây Dương (Cầu Giấy), cửa Chợ Dừa, cửa Cầu Dền, cửa Vạn Xuân (Đồng Mác). Quân Tứ Sương – quân bảo vệ kinh đô ở phía ngoài các cổng thành - luân phiên canh giữ bốn cửa thành này.
Hai vòng thành phía trong là Hoàng Thành và Cấm Thành vẫn dựa vào thành cũ đời Lý. Năm 1243, nhà Trần cho đắp lại Cấm Thành và gọi là thành Long Phượng (hay Phượng Thành). Những đội quân cấm vệ tin cậy do tôn thất hoặc những người đặc biệt tin tưởng như Phạm Ngũ Lão chỉ huy, được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng thành quan trọng này.
Các cửa của Hoàng Thành và Phượng Thành xây dựng kiên cố theo lối cửa tam quan (có 3 cửa cổng gồm 1 cổng chính ở giữa và 2 cổng phụ ở 2 bên), trên cổng có lầu gác, mỗi cửa đều có đề rõ tên bằng chữ vàng: cửa Nam của Hoàng Thành gọi là cửa Đại Hưng (大興) (khu chợ Cửa Nam bây giờ), cửa Nam của Phượng Thành gọi là cửa Dương Minh (陽明).
Năm 1230 nhà Trần cũng bắt đầu xây dựng, sửa chữa lại các cung thất. Một điều đặc biệt trong chính trị thời Trần là vua trị vì một thời gian sẽ nhường ngôi lại cho con và lên làm Thái Thượng Hoàng, nhưng vẫn trông coi chính sự, việc làm này nhằm rèn luyện cho vua con quen dần việc nước. Chính vì vậy trong Long Thành còn có nơi Thượng Hoàng ở gọi là cung Thánh Từ (聖詞), nơi vua ở gọi là cung Quan Triều (). Trong quần thể kiến trúc Hoàng cung còn có điện Thiên An (天安), điện Bát Giác (八), điện Diêu Hiền là nơi vua làm việc và thết yến (mở tiệc đãi các quan); điện Tập Hiền, điện Quang Thọ là nơi tiếp sứ thần các nước; điện Diên Hồng (nơi diễn ra hội nghị Diên Hồng vào tháng 1 năm 1285. Thượng Hoàng Trần Thánh Tông mời các bậc phụ lão có uy tín về Kinh đô để bàn kế đánh giặc.
* Viện Quốc Học:
Quốc Tử Giám đến thời Trần được tu sửa lại và năm 1253 được gọi là Viện Quốc Học. Trường học được mở rộng cho nho sĩ cả nước. Năm 1247 nhà Trần đặt 3 học vị Trạng Nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa (còn gọi là Tam khôi) cho những người đỗ cao nhất trong khoa thi. Ba vị Tam khôi đầu tiên đều rất trẻ là: Trạng nguyên Nguyễn Hiền (12 tuổi), Bảng nhãn Lê Văn Hưu (17 tuổi, sau này trở thành nhà sử học lớn, tác giả của bộ sử Đại Việt sử ký). Thám hoa Đặng La Ma (13 tuổi)
* Giảng Võ trường?:
Năm 1253, nhà Trần lập Giảng Võ trường trên khu vực Giảng võ điện của thời Lý (khu vực Giảng Võ ngày nay). Đây là trường học đào tạo ra những tướng soái của quân đội nhà Trần. Hai bộ sách lý luận quân sự của Trần Quốc Tuấn là “Binh thư yếu lược” và “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” đã được dùng giảng dạy, huấn luyện và đào tạo võ quan trong Giảng Võ trường.
2. Những địa điểm quan trọng khác của Thăng Long thời Trần.
Năm 1230, nhà Trần chia Thăng Long thành 61 phường như: An Hoa, Cơ Xá, Hạc Kiều, Giang Khẩu, Các Đài, Nhai Tuân...
Trong các bến cảng của Thăng Long thời Trần thì quan trọng nhất là bến Đông Bộ Đầu (còn gọi là bến Đông). Nơi đây không chỉ là bến cảng dân sự mà còn là bến cảng quân sự, là nơi thao diễn thủy quân và đua thuyền mùa thu. Đông Bộ Đầu còn là nơi tiếp nhận nhiều thương thuyền của nước ngoài đến làm ăn buôn bán.
* Làng nghề thủ công:
Một trong những làng nghề nổi tiếng là làng gốm Bát Tràng: Từ thời Lý một số thợ gốm từ làng Bồ Bát (Tam Điệp – Ninh Bình) đã vào Thăng Long, đặt cơ sở đầu tiên cho nghề gốm Bát Tràng. Đến thời Trần thì làng này trở thành một trung tâm sản xuất gốm quan trọng, lưu thông rộng trên thị trường. Gốm Bát Tràng gồm những lọai men trắng ngà, men ngọc, men nâu, tạo tác tinh xảo, được sử dụng trong nước, làm đồ cống phẩm và buôn bán với nước ngoài.
3. Danh nhân sinh tại Thăng Long:
* Chu Văn An (1292 - 1370). Ông quê ở thôn Văn, làng Quang Liệt (nay là xã Thanh Liệt, Thanh Trì). Ông là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh, mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Đại Việt. Đời vua Trần Minh Tông (1314–1329) ông được mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức là vua Trần Hiến Tông. Đến đời Dụ Tông, thấy quyền thần làm nhiều điều vô đạo, ông dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông từ quan về ở núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) dạy học, viết sách cho tới khi mất. Cuộc đời thanh bạch và trung trực của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến. Ông là một trong số rất ít bậc hiền Nho được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông cũng được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ông đã đào tạo cho đất nước nhiều học trò giỏi như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát…
* Trần Nhật Duật (1255 - 1330) là một vị tướng – nghệ sĩ, biết nhiều tiếng nước ngoài, say mê âm nhạc, nghệ thuật, tác giả nhiều khúc nhạc, điệu múa.
* Trần Quang Khải (1241 - 1294): Có công trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên.
* Trần Huyền Trân ( ? – 1340): người có công trong lĩnh vực ngoại giao và mở mang bờ cõi, bà là công chúa con gái của vua Trần Nhân Tông và em gái vua Trần Anh Tông. Năm 1306, Huyền Trân được gả cho vua Chế Mân nước Chiêm Thành. Chế Mân đã dâng hai châu (châu Ô và châu Lý) (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay) - để làm sính lễ cưới công chúa Huyền Trân.
4. Hiện vật và hình ảnh:
- Gạch chạm hoa cúc (TK 13 - 14) – đất nung: Gạch hoa sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc thời Trần, chủ yếu dùng để lát nền nhà hoặc đường đi. Gạch có nhiều kích thước và hình dáng khác nhau, thông thường hình vuông cạnh 35 cm, dày 6 – 9 cm, được chạm nổi, có bố cục hoàn chỉnh được chế tạo bằng khuôn theo phương pháp in hoa trên mặt viên gạch khi đất còn mềm hoặc dùng khuôn hoa văn để tạo hình. Trên mặt viên gạch trang trí những đường viền nổi bên ngoài, bên trong là hoa cúc chen nhau nhiều cánh. Các họa tiết trên viên gạch sắp xếp hợp lý, chủ đề chính trong hình tròn tạo cảm giác nhẹ và hài hòa với hình dạng vuông nhưng dày và thô của viên gạch. Loại gạch này cũng có thể dùng để ốp mặt ngoài của công trình xây dựng tạo nên mảng tường chạm nổi.
- Đầu Rồng và đầu Phụng – đất nung: Đầu Rồng và đầu chim Phụng là một trong những loại hình gốm mỹ thuật, về thực tế nó không có chức năng kiến trúc mà làm nhiệm vụ trang trí, gắn lên mái của cung điện tạo về vẻ hoành tráng và vẻ đẹp nghệ thuật của công trình kiến trúc từ phía xa. Chính vì thế mà nó trở thành bộ phận không thể thiếu trong các công trình kiến trúc.
Rồng thời Trần đã khác rồng thời Lý về mào lửa, bờm râu, riêng răng nanh ngắn, sừng nhú lên và trong miệng có ngọc. nói chung hình rồng thời Trần mập mạp khỏe khoắn.
Đầu chim Phụng được gắn lên đầu mái cung điện của hậu cung những nơi sinh hoạt chính của hoàng hậu. Phụng có cổ dài, mắt tròn, mỏ quặp, đầu nhỏ, bờm gáy thể hiện sự mềm mại.