Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 15
Truy cập hôm nay: 31958
Tổng số truy cập: 1912543
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

GỐM VIỆT NAM TRONG SƯU TẬP NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Phí Ngọc Tuyến

2012-06-13 11:47:47

Tháng 10 năm 2006, được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Tp. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận toàn bộ sưu tập của ông Nguyễn Đức Tùng (Bình Dương) nhượng lại. Toàn bộ sưu tập gần 3000 hiện vật thuộc nhiều chất liệu và nguồn gốc khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu cùng đồng nghiệp một phần nhỏ của bộ sưu tập, đó là gốm Việt Nam.

Chúng tôi biết rằng, gốm sứ Việt Nam không phải là “hướng” mà ông Tùng “nhắm” tới trong quá trình sưu tầm của mình. Tuy nhiên, trong sưu tập này cũng có 118 hiện vật là gốm sứ Việt Nam. Quan sát những hiện vật này, chúng tôi thấy hội tụ nhiều loại: gốm đất nung thế kỷ 2 – 3, gốm Lý – Trần, gốm Lê, Nguyễn và một số loại gốm khá đẹp ở phía Nam như gốm Sài Gòn, Lái Thiêu, Biên Hòa. Gốm Việt Nam ở đây có đủ  loại: đất nung, men ngọc, men nâu, men trắng hoa xanh, men màu…. Xuất xứ của chúng từ nhiều địa phương khác nhau: Thanh Hóa, Bát Tràng, Chu Đậu, miền Trung (trừ loại gốm Gò Sành, chúng tôi không đề cập ở đây), Sài Gòn, Biên Hòa, Lái Thiêu.
Gốm thời Bắc thuộc có 02 chiếc hũ, loại đất nung, độ nung khá cao, hoa văn khắc vạch, ô trám.
Gốm Lý – Trần có 18 hiện vật gồm một số loại hình: bát, đĩa, âu, bình. Bát men ngọc kích thước phổ biến: cao từ 4,6 – 8,8cm; đường kính miệng từ 11 – 17,6cm. Âu đa phần là gốm men ngọc, tuy nhiên mức độ, sắc màu hay độ dày, mỏng của men cũng khác nhau trong cùng nhóm này. Âu có chiều cao phổ biến từ 7,3 – 12cm; đường kính miệng từ 15,5 – 17cm. Tuy nhiên, những hiện vật men ngọc trong sưu tập này chủ yếu từ cuối thời Lý đầu thời Trần, không có những hiện vật điển hình của thời kỳ đầu nhà Lý. Các loại men xanh lục cũng vắng bóng trong sưu tập này.
Gốm thời Lê có 49 hiện vật, chủ yếu là gốm men trắng hoa xanh và men ngọc. Có nhiều loại hình khác nhau như  bát, đĩa, hũ, hộp, liễn, bình vôi… Về niên đại,  chủ yếu từ thế kỷ 15 – 18 thuộc một số địa phương như Bát Tràng, Hương Canh, Chu Đậu.
Số còn lại cũng gồm 49 hiện vật là những loại gốm có nguồn gốc ở phía Nam như Sài Gòn, Biên Hòa, Lái Thiêu. Đây là những loại gốm sinh sau đẻ muộn, niên đại từ thế kỷ 18 đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong số này, gốm có nguồn gốc từ Biên Hòa và Lái Thiêu có số lượng nhiều hơn cả. Về loại hình thường là tô, bát, đĩa, hũ, thố, bình, chậu, nậm rượu, chóe (loại lớn và nhỏ) đèn dầu và một số đồ đựng khác. Các loại gốm phía Nam có mặt ở đây thuộc loại gốm xốp, độ nung không cao, xương gốm dầy, thô. Gốm được phủ men xanh hoặc men nhiều màu: xanh, xanh dương, vàng, ngà, trắng, nâu… Nét vẽ  khá đơn giản và đề tài trang trí đa dạng, phong phú. Bên cạnh những chiếc bát, chén, đĩa có nét vẽ trang trí thô, chúng tôi còn thấy một số ít chiếc bình được vẽ khá cầu kỳ, thể hiện theo lối vẽ tranh thủy mặc rất đẹp, phóng khoáng, phản ánh sự tài ba, khéo léo của nghệ nhân. Một số loại gốm Lái Thiêu còn mang đậm dấu ấn của hội họa nam Trung Quốc (Phúc Kiến). Đặc biệt, trong sưu tập này có 03 chiếc chóe lớn có nguồn gốc từ các lò gốm Biên Hòa, cao từ 56 đến 83 cm. Chóe được phủ men xanh, hoặc nâu hay nhiều màu, dùng để đựng rượu, lương thực.
NHẬN XÉT
Sơ lược ban đầu, chúng tôi có nhận xét sau:
- Gốm Việt Nam trong sưu tập của Nguyễn Đức Tùng được sưu tầm tại vùng Nam Tây Nguyên. Những hiện vật này khá trùng khớp với những hiện vật gốm Việt Nam đã thu thập được qua các cuộc khai quật khảo cổ của Ty văn hóa thông tin tỉnh Lâm Đồng và Viện Khảo cổ vào năm 1983 gồm các di tích ở Đại Làng, Đại Lào, Đạ Đờn… cho phép nhận định, những hiện vật này cũng thuộc trong số các mộ táng ở các khu vực trên. Do không bảo vệ tốt, người dân và những người buôn bán cổ vật đã vào khai thác di tích.
- Gốm Việt Nam cũng được cư dân cổ vùng đất Nam Tây Nguyên yêu chuộng, vì thế, chúng có mặt khá đông trong sưu tập của ông Tùng. So sánh với các di tích khác và hiện vật còn lưu trữ tại Bảo tàng Lâm Đồng, thấy rằng tỉ lệ gốm Việt Nam chỉ kém gốm Trung Quốc nhưng hơn nhiều lần các loại gốm khác có nguồn gốc từ Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanma. Điều đó nói lên sự phát triển mạnh mẽ của nghể gốm Việt Nam trong thời gian dài và được lưu thông trong dòng chảy thương mại và có mặt trên vùng cao này.
Các hiện vật gốm phía nam (thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 20) vẫn được người Tây Nguyên ưa dùng bên cạnh một số sản phẩm khác của Trung Quốc, Nhật… Chứng tỏ nghề gốm ở Nam Bộ xưa tuy mới ra đời nhưng có một thị trường đáng kể.