Đường bờ sông - Hà Nội
Những nhịp cầu rất đặc trưng in trên nền trời giúp chúng ta dễ dàng định vị được con đường được chụp trên tấm ảnh này. Người Pháp gọi chung con đường chạy dọc bờ sông Hồng này là “Quai de Commerce” (Kè Thương mại).
Có thời, nó được gắn với tên một ông Thủ tướng bên chính quốc: “Quai Clémenceau”. Còn dân thì gọi đơn giản là “Đường bờ sông”. Hết thời thuộc địa cho đến nay, đoạn đường trong tấm ảnh mang tên “Trần Nhật Duật”.
Về lịch sử quy hoạch thành phố Hà Nội, đây cũng là một trục đường quan trọng được hình thành sớm nhất.
![]() |
Đi bộ hay bằng xe tay, người ta có thể đi dọc sông, lên cầu rồi quay lại đi tiếp lên Hồ Tây... Đây là thú vui của người Hà Nội đầu thế kỷ trước |
Từ khu “nhượng địa” mà đạo quân viễn chính Pháp đặt chân làm căn cứ đầu tiên sau những sức ép quân sự đối với triều đình Việt Nam (nay vẫn còn lưu được cái địa danh “Đồn Thuỷ”) khi người Pháp đã được vua Đồng Khánh “cho phép” mở rộng nhượng địa ra toàn bộ không gian của kinh thành xưa năm 1888), cùng với tuyến xâm nhập theo hướng Tây từ Tràng Tiền thọc qua Cửa Nam đến khu trung tâm hành chính đặt ở khu vực Ba Đình ngày nay, tuyến đường được phát triển theo hướng Bắc dọc theo bờ sông đến sát Hồ Tây, rồi vòng theo con đường phân cách với Hồ Trúc Bạch (đường Cổ Ngư) cùng chiếu thẳng vào nơi xây dựng Phủ Toàn quyền, tạo thành một vành đai bao cái không gian lõi của Hà Nội thời Pháp thuộc.
Con đường dọc bờ sông càng quan trọng vì nó tiếp cận với nhiều bến tàu nội địa của nhiều hãng tàu kết nối Hà Nội với toàn bộ các địa bàn trong lưu vực sông Hồng và xa hơn. Khi chiếc cầu mang tên Toàn quyền Doumer hoàn thành, con đường này còn trở thành một tuyến dạo chơi đẹp nhất thành phố nhượng địa này.
Đi bộ hay bằng xe tay, người ta có thể đi dọc sông, lên cầu rồi quay lại đi tiếp lên Hồ Tây... Đây là thú vui của người Hà Nội đầu thế kỷ trước. Do vậy mà nó là tuyến đường được thiết kế hệ thống chiếu sáng công cộng sớm nhất thành phố. Những cột điện với các cọc sứ cách điện và hàng cột đèn điện trong ảnh cho thấy điều đó.
Một điều đáng để người “đọc ảnh” nhận thấy là vào thời điểm này, Hà Nội chưa phải là “thành phố quay lưng lại với dòng sông của mình”. Lũ trẻ chạy chơi trên lề đường chỉ cần vài bước là bước xuống sông. Không hề có một mô đất nào cản bước chân và tầm mắt của chúng ra con sông Hồng khi hiền khi dữ.
Chỉ sau những cơn lụt lớn diễn ra vào nửa cuối thập kỷ 20 của thế kỷ trước, chính quyền thực dân mới đầu tư củng cố toàn bộ hệ thống đê điều Bắc Kỳ và xây đoạn đê ngang qua con đường chụp trong ảnh. Con đê ấy tồn tại hơn nửa thế kỷ thì được cải tạo thành con đường vành đai chạy dọc sông Hồng như ngày hôm nay.
- Dương Trung Quốc