Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 12
Truy cập hôm nay: 31949
Tổng số truy cập: 1912534
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

Điện Kính Thiên

2012-06-14 16:47:33

Hoàng thành Thăng Long qua các triều đại có thể to nhỏ khác nhau, vòng thành có thể rộng hẹp khác nhau, nhưng trên trục hoàng đạo nối từ Cửa Bắc đến Cửa Nam có một địa điểm không khi nào thay đổi, đó chính là Điện Kính Thiên.

Từ khi triều Nguyễn rời đô vào Huế, đã đổi cả tên lẫn đơn vị hành chính của Kinh thành Thăng Long ra Bắc Thành rồi tỉnh Hà Nội, thành quách bị phá đi xây gọn nhỏ lại. Không gian của Điện Kính Thiên xưa, nay được làm nền xây Hành Cung để mỗi lần Hoàng đế ngự giá Bắc Hà làm nơi Ngài ngự và tiếp kiến quần thần.

Điện Kính Thiên đương nhiên không còn như xưa, duy nhất còn mấy đôi rồng đá rất đặc trưng của nghệ thuật tạo hình thời Lê là còn nguyên vẹn, trừ mấy đôi rồng nhỏ phía sau đã bị mất. Toà Hành Cung vẫn hiện diện khi quân Pháp mới chiếm thành nên ta mới có hính ảnh toà nhà xây trên nền Điện cũ khá hoành tráng. Ảnh này được chụp nhưng để in họ phải chuyển sang hình thức khắc đồng (iconographie) (ảnh 1).

Ảnh 1: Đôi rồng đá thời Lê còn nguyên vẹn
Ảnh 1: Đôi rồng đá thời Lê còn nguyên vẹn

Nhưng rồi toà kiến trúc ấy cũng biến mất, thay bằng những bức tường dày xây gạch làm công trình phòng thủ của đội quân chiếm đóng khi chiến sự chưa chấm dứt (ảnh 2).

anh-2.jpg
Ảnh 2: Công trình phòng thủ của đội quân chiếm đóng

Hình bóng những tên lính đánh thuê ngoại quốc lố nhố trên nền điện linh làm ta liên tưởng đến câu ca trong áng văn vần  “Hà Thành thất thủ” nói lên cái nỗi nhục của một dân tộc bị mất nước :
                                  
“Kính Thiên ngai ngự thiếp vàng
Tây ngồi đánh chén với đoàn thanh lâu”

Đến năm 1887, khi công cuộc bình định của người Pháp đã hoàn thành, trên nền điện cũ, thực dân xây một kiến trúc hoàn toàn Tây phương làm Đại bản doanh lực lượng Pháo binh thuộc địa (Direction d’ Artillerie)

Sau ngày ta tiếp quản Thủ đô (1954), khu vực thành cũ trở thành doanh trại quân đội ta và Toà nhà trên Điện Kính Thiên được củng cố tầng hầm để trở thành “Tổng hành dinh” chỉ huy  cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vì thế ngày nay, không gian này trở thành một di tích “kép” cho cả hai thời đại, Điện Kính Thiên của Hoàng thành Thăng Long xưa (đang được đệ trình UNESCO công nhận quần thể Hoàng thành là Di sản Văn hoá Thế giới) và Bộ Tổng chi huy Quân đội Nhân dân, di tích lịch sử quan trọng của Lịch sử hiện đại Việt Nam.

  • Dương Trung Quốc