THỜI TIỀN SỬ (Khoảng 500.000 năm CNN – Năm 2.879 tr. CN)
Việt Nam ở bán cầu Bắc của trái đất, nằm ngay rìa phía Đông Nam lục địa châu Á, Bắc giáp Trung Quốc, Tây giáp Lào và Campuchia, Đông và Nam nhìn ra biển Thái Bình. Lãnh thổ Việt Nam bao gồm đất liền có hình chữ S cùng với khoảng 3.000 hòn đảo và vùng đất nổi, diện tích tổng cộng 331.590km2, thuộc khí hậu nhiệt đới gió mùa: một năm có hai mùa mưa nắng với nắng ấm quanh năm.
Đất nước Việt Nam đã được hình thành từ rất lâu trước khi con người xuất hiện, tuổi địa chất từ thời tiền Cambri cho đến Mesozoi (Trung sinh) muộn khoảng 570 - 65 triệu năm về trước. Những biến đổi khí hậu và môi trường trong những thời kỳ dài, đặc biệt ở kỷ thứ 3 và đầu kỷ thứ 4 (Kỷ Nhân sinh) cách ngày nay 1,6 - 0,7 triệu năm, đã là điều kiện thuận lợi cho con người có thể sinh sống được.
THỜI ĐẠI ĐÁ CŨ (Khoảng 500.000 – 10.000 năm CNN)
Sơ kỳ đá cũ (khoảng 500.000 – 30.000 năm CNN)
Tuy nhiên, khảo cổ học mới chỉ phát hiện được dấu vết cách nay khoảng 500.000 năm - giữa thời Pleistocen theo địa chất học - của người vượn tại hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đó là những chiếc răng người vượn lẫn với các xương răng động vật khác, tất cả đã hóa thạch nằm trong lớp bùn trầm tích. So với những phát hiện khảo cổ học khác về thời đại đá cũ trên thế giới, dấu tích này cho thấy Việt Nam là một trong những nơi có con người sinh sống khá sớm.
Trải hàng vạn thế hệ, qua cuộc sống bầy đàn tiến lên công xã thị tộc, với hoạt động lao động săn bắt hái lượm để sinh tồn, người tiền sử Việt Nam đã tự hoàn thiện kỹ năng đôi tay, năng lực tư duy, tiếng nói… đi từ sử dụng cục đá sẵn có trong tự nhiên lên trình độ chế tác công cụ đá, từng bước có những phát minh làm thay đổi chất lượng cuộc sống.
§ Di tích sơ kỳ đá cũ ở Việt Nam có 2 loại tiêu biểu là:
- Di tích cổ sinh hóa thạch của người Homo Erectus (người đứng thẳng) ở hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn) và người Homo Sapiens (người khôn ngoan sớm) ở Thẩm Òm (Nghệ An) niên đại 250.000 – 140.000 năm cách ngày nay, hang Hùm (Yên Bái) niên đại 80.000 – 70.000 năm cách ngày nay.
- Di tích cư trú, chế tác công cụ ở núi Đọ, núi Nuông, Quan Yên (Thanh Hóa), Suối Đá, Gia Tân (Đồng Nai)…
§ Công cụ sơ kỳ đá cũ:
Một số loại mảnh tước, công cụ chặt thô, công cụ mũi nhọn… bằng đá gốc Bazan có dấu vết sử dụng của người tiền sử trong việc săn bắt, xẻ thịt hoặc trong chiến đấu. Các động tác thường được thực hiện là: chém, đâm, cắt, chặt, ném, nạo, gọt… Việc biết sử dụng công cụ có cạnh sắc, mũi nhọn cho thấy người tiền sử đã vượt ra khỏi cuộc sống động vật.
Đây là mảnh đá tách từ một khối đá bazan, do kích thước vừa bàn tay người lại có cạnh sắc có thể chặt, chém sát thương nên được người tiền sử chọn làm công cụ hoặc làm vũ khí.
Hậu kỳ đá cũ (khoảng 30.000 – 10.000 năm cách ngày nay)
Công cụ đá ở thời đại này đã có dấu vết chế tác, cụ thể là người tiền sử đã tiến bộ hơn, tìm ra kỹ thuật ghè đẽo, gia công, tu chỉnh để chế tạo công cụ ngày càng sắc bén.
§ Di tích hậu kỳ đá cũ ở Việt Nam cũng gồm 2 loại tiêu biểu:
- Di tích cổ sinh hóa thạch của người Homo Sapiens Sapiens (người khôn ngoan hiện đại) ở Thung Lang (Ninh Bình), Kéo Lèng (Lạng Sơn) niên đại khoảng 30.000 năm cách ngày nay.
- Di tích cư trú, chế tác công cụ ở Mái đá Ngườm (Thái Nguyên) niên đại khoảng 30.000 – 23.000 năm cách ngày nay, ở Lung Leng (Kon Tum) niên đại 30.000 – 18.000 năm cách ngày nay, ở Sơn Vi (Phú Thọ) niên đại khoảng 23.000 – 11.000 năm cách ngày nay.
§ Công cụ hậu kỳ đá cũ:
Xuất hiện kỹ nghệ Ngườm (Thái Nguyên) chế tác công cụ mũi nhọn và công cụ nạo cắt bằng đá cuội với kỹ thuật gia công mảnh tước, ghè đẽo và tu chỉnh, cho phép người tiền sử cải tiến năng suất lao động cao hơn.
Với việc phát minh kỹ thuật ghè đẽo, tu chỉnh đá cuội, người tiền sử đã bước đầu tự chế được công cụ cho mình theo ý muốn, không còn lệ thuộc vào những cạnh sắc bất kỳ của những mảnh tước như trước nữa. Công cụ Ngườm đã được ghè đẽo tạo cạnh sắc theo chiều ngang, mở ra ý tưởng hình thành những con dao đá sau này.
v Công cụ đá văn hóa Sơn Vi
Văn hóa Sơn Vi có phạm vi phân bố rộng rãi với hàng trăm di tích được phát hiện trên các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Công cụ văn hóa Sơn Vi được chế tác từ đá cuội một cách công phu với kỹ thuật ghè đẽo, bổ ở hai đầu hay ở rìa cạnh thành hình “múi” thực hiện được nhiều chức năng hơn so với giai đoạn trước.
So với công cụ Ngườm, công cụ cuội Sơn Vi ghè đẽo rìa cạnh đã có hình dạng ổn định, thuận lợi hơn trong việc sử dụng với cạnh sắc hình múi tạo vết cắt hoặc vết chém sâu hơn mà vẫn sử dụng lực bình thường.
THỜI ĐẠI ĐÁ MỚI (Khoảng 10.000–4.000 năm CNN)
Nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật chế tác công cụ cuối hậu kỳ đá cũ, người tiền sử Việt Nam có điều kiện sống tốt hơn nên ngày càng đông hơn, từ thị tộc đã phát triển thành bộ lạc và từ các miền rừng núi tràn xuống đồng bằng, vùng ven biển để bắt đầu cuộc sống định cư với các hoạt động kinh tế đa dạng: săn bắn, hái lượm theo chu kỳ của nền nông nghiệp nguyên thủy, chăn nuôi nguyên thủy, chế tạo đồ đá, đồ gốm, đồ gỗ, đồ xương… phát triển các loại hình đan, dệt, làm đồ trang sức… cũng như các hoạt động nghệ thuật, tín ngưỡng, tôn giáo. Một thời đại mới đã ra đời: thời đại Đá mới.
Đặc điểm quan trọng nhất trong thời đại này là việc chế tạo công cụ đá có những tiến bộ vượt bậc với những kỹ thuật mới như: mài, cưa, khoan… làm công cụ ngày càng hoàn thiện, có hình dạng đẹp đẽ, vừa bền chắc vừa dễ sử dụng trong lao động, chiến đấu hoặc dùng để chế tạo các loại công cụ khác.
Sơ kỳ đá mới (khoảng 10.000 – 6.000 năm CNN)
Di tích sơ kỳ đá mới xuất hiện đều khắp các vùng miền Việt Nam: vùng núi Tây Bắc (Hòa Bình, Bắc Sơn), vùng Đông Bắc (Cái Bèo – Hải Phòng), Soi Nhụ (Quảng Ninh), đồng bằng ven biển Quỳnh Văn (Nghệ An), Đa Bút (Thanh Hóa), Bàu Dũ (Quảng Nam)… Di tích sơ kỳ đá mới thường gặp là các loại mộ táng có công cụ đá, công cụ xương, mảnh gốm, tàn tích than tro, xương động vật, vỏ nhuyễn thể… đôi khi còn di cốt
Nguyên liệu để chế tác công cụ đá sơ kỳ đá mới đã phong phú hơn thời trước, ngoài đá cuội còn có sa thạch, đá ngọc, thạch anh, phiến thạch…
v Hiện vật văn hóa Hòa Bình
Văn hóa Hòa Bình là văn hóa nổi tiếng tiêu biểu cho kỹ thuật chế tác đá thời sơ kỳ đá mới ở Việt Nam. Kỹ thuật này đã được sử dụng trong một vùng rộng lớn từ Nam Trung Quốc đến hết khu vực Đông Nam Á và hiện nay đã trở thành một thuật ngữ khảo cổ học quốc tế: “Hoabinhian” nghĩa là công cụ đá kiểu Hòa Bình.
Các loại công cụ đá cuội Hòa Bình với kỹ thuật ghè chung quanh và ghè hai mặt trong đó công cụ hình đĩa nhiều cạnh sắc, các loại rìu ngắn và nhóm công cụ mài lưỡi… là loại hình đặc trưng của văn hóa Hòa Bình. Cũng đã có dấu vết đồ gốm trong văn hóa Hòa Bình.
Kỹ thuật ghè hai mặt với trình độ khá điêu luyện tạo ra công cụ hình đĩa có độ sắc bén cao. Công cụ này tạo điều kiện thoải mái hơn cho người tiền sử khi sử dụng và tạo được năng suất cao hơn.
v Hiện vật văn hóa Bắc Sơn
Gồm các loại công cụ đá, mảnh gốm…trong đó đáng chú ý nhất là loại rìu mài lưỡi cho thấy kỹ thuật mài đá đã trở nên phổ biến. Từ đó người tiền sử đã sở hữu loại công cụ sắc bén làm tăng năng suất lao động. Một loại di vật nổi tiếng là công cụ có vết mài lõm đôi, vết mài lõm này thường được gọi là dấu Bắc Sơn. Kỹ thuật cưa đá cũng đã thấy xuất hiện trong văn hóa Bắc Sơn. Đồ gốm thuộc văn hóa Bắc Sơn không nhiều, phần lớn là các loại đồ đựng có miệng loe đáy tròn, kiểu dáng thô, độ nung thấp [72, tr.174].
Chiếc rìu được chế tác bằng phương pháp ghè và phương pháp mài từ một hòn cuội. Đây là sản phẩm có kỹ thuật cao và là công cụ khá hoàn chỉnh trong lao động của người tiền sử.
Hậu kỳ đá mới (khoảng 6.000 – 4.000 năm CNN)
Di tích hậu kỳ đá mới đã được tìm thấy lên tới hàng ngàn di tích trên đất Việt Nam từ vùng rừng núi Tây Bắc (văn hóa Hà Giang), Đông Bắc (văn hóa Mai Pha – Lạng Sơn), trung du đến vùng đồng bằng ven biển (văn hóa Bàu Tró – Nghệ An), vùng Tây Nguyên (văn hóa Biển Hồ- Gia Lai), Đông Nam Bộ (di tích Cầu Sắt – Đồng Nai) và hải đảo (văn hóa Hạ Long – Quảng Ninh, Côn Đảo- Bà Rịa Vũng Tàu).
Di vật thuộc các di tích hậu kỳ đá mới cực kỳ phong phú: công cụ đá, đồ gốm, đồ xương, vỏ nhuyễn thể, đồ trang sức, di cốt… trong đó công cụ đá là các loại rìu, cuốc, bôn… có lưỡi sắc được mài nhọn, đánh bóng. Đồ trang sức là các loại vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi đá…chế tác với kỹ thuật cưa, khoan, tiện và mài nhẵn, đánh bóng đẹp. Đồ gốm gồm đồ đựng và đồ đun nấu như nồi, bát bồng, âu… có hoa văn thừng, khắc vạch hoặc trổ thủng được sản xuất rất nhiều. Sự phát triển của các loại đồ đựng bằng gốm đảm bảo việc lưu trữ đồ ăn thức uống, đã góp phần giải phóng cư dân Việt cổ khỏi các mối lo tìm kiếm lương thực hàng ngày để có thể tập trung vào những công việc sản xuất khác làm ra nhiều sản phẩm cho xã hội.
v Di vật di tích Cầu Sắt (Đồng Nai)
Rìu có kích thước nhỏ, chủ yếu sử dụng trong việc gọt, nạo, cắt, bổ… Người tiền sử Đồng Nai - Nam bộ dùng kỹ thuật cưa và mài để chế tác chiếc rìu này.