Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 7
Truy cập hôm nay: 48986
Tổng số truy cập: 2527953
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

THỜI BẮC THUỘC - ĐẤU TRANH GIÀNH LẠI ĐỘC LẬP DÂN TỘC (NĂM 179 tr. CN – NĂM 938)

2012-06-07 09:07:46

Năm 179 tr. CN sau khi Triệu Đà (Nam Hải - Quảng Đông, Trung Quốc) dùng kế đánh bại An Dương Vương, nhân dân Âu Lạc rơi vào ách thống trị của ngoại bang phương Bắc. Suốt hơn 1000 năm – bị ngắt quãng vì những cuộc khởi nghĩa chống đối của nhân dân Việt

– các triều đại phương Bắc từ nhà Triệu, Tây Hán, Đông Hán, Đông Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường, Hậu Lương, Nam Hán…đã tiến hành vơ vét tài nguyên, nhân lực, vật lực với một chính sách cai trị hà khắc và thâm độc: tàn sát, đày đọa nhân dân Việt Nam trong cảnh lầm than, đói nghèo. Không những thế, họ còn phá hủy, tịch thu những thành tựu của thời Hùng Vương - Văn hóa Đông Sơn và thực hiện chính sách đồng hóa, ra lệnh xóa bỏ văn hóa, tập tục truyền thống của dân tộc Việt, buộc người Việt phải theo lễ giáo, phong tục Trung Hoa.

Đứng trước nguy cơ diệt vong, nhân dân Việt Nam kiên trì chiến đấu, một mặt ra sức bảo tồn văn hóa, tiếng nói, cốt cách dân tộc, đồng thời tiếp thu và Việt hóa những yếu tố tích cực của kinh tế - văn hóa Trung Quốc làm nền tảng lâu dài, mặt khác liên tục khởi nghĩa vũ trang nhằm đánh đuổi quân xâm lược giành lại quyền tự chủ, mở đầu là cuộc nổi dậy oanh liệt của những người phụ nữ: khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40 – 43) tại huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc hiện nay). Tiếp theo, qua mười thế kỷ sau đó, ở khắp mọi miền đất nước nổ ra rất nhiều cuộc khởi nghĩa như: khởi nghĩa Chu Đạt (năm 157), Lương Long (năm 178 - 179), Khu Liên (năm 192) thành lập nước Lâm Ấp (Champa), Bà Triệu (năm 248), Triệu Chỉ (năm 299 - 319), Lương Thạc (năm 319 - 323), Lý Trường Nhân - Lý Thúc Hiến (năm 468 - 485), Lý Bí (năm 542 - 548), Triệu Quang Phục (năm 548 - 571), Lý Tự Tiên – Đinh Kiến (năm 687), Mai Thúc Loan (năm 722), Phùng Hưng (năm 766 – 791), Vương Quý Nguyên (năm 803), Dương Thanh (năm 819 - 820).  

Từ năm 905 - 931 gia đình Khúc Thừa Dụ mở đầu thời tự chủ khi giành quyền làm Tiết độ sứ kiểm soát đất Việt rồi thay đổi, sửa sang, cải cách hệ thống cai trị, chuẩn bị cho một chính quyền độc lập. Năm 931 khi họ Khúc thất bại, Dương Đình Nghệ nhanh chóng tiếp nối sự nghiệp. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị hại, Ngô Quyền đã kịp thời kế tục: tiến hành tiêu diệt thù trong và đánh tan giặc ngoài với trận thắng vang dội trên sông Bạch Đằng năm 938, chấm dứt ách đô hộ hơn 1.000 năm của phong kiến Trung Quốc.

Trong thời này, tuy quân xâm lược coi đất nước Việt Nam như là nơi bòn rút của cải và luôn tìm cách kìm hãm sự phát triển nhưng ngoài ý muốn của họ, kinh tế - xã hội, văn hóa Việt Nam vẫn không ngừng đi lên. Về nông nghiệp với việc đào kênh, dẫn nước, dùng giống lúa mới, năng suất tăng lên rõ rệt, các đặc sản tơ lụa, trầm hương, ngọc trai… sản xuất dồi dào [61, tr.73]. Thủ công nghiệp: nghề gốm, nghề đúc đồng, nghề rèn sắt, nghề dệt… có nhiều kỹ thuật mới, làm ra sản phẩm tốt hơn, đẹp hơn. Các loại mỏ sắt, đồng, vàng… khắp nước đuợc khai thác liên tục. Buôn bán, giao dịch thương mại quốc tế phát triển với các bến sông, cảng biển, đường thủy bộ liên thông được xây dựng ở Vân Đồn (Quảng Ninh hiện nay), Lạch Trường (Thanh Hóa hiện nay)…

Các hiện vật thời Bắc thuộc để lại chứng minh sự biến chuyển văn hóa của cư dân Việt 10 thế kỷ sau công nguyên trong đó giai đọan đầu phong cách Đông Sơn còn cố gắng được bảo lưu nhưng khi những ảnh hưởng của văn hóa Hán - Đường ngày càng mạnh thì xuất hiện những hiện vật mang phong cách hỗn hợp cũng như xuất hiện khá nhiều hiện vật có nguồn gốc Trung Quốc, cuối thời kỳ đã xuất hiện một phong cách mới, chuẩn bị cho sự ra đời của văn minh Đại Việt.

+ Hiện vật mang phong cách Đông Sơn

Gạch đất nung: sản xuất tại Việt Nam dùng trong xây dựng, nhưng đây là viên gạch dùng xây mộ của tầng lớp cai trị. Trên mặt bề dầy cạnh dài viên gạch trang trí đối xứng qua hình trâm ở giữa là các cặp hoa văn thoi lồng, chữ S, đan mắt cáo và vòng tròn… Ngoài hoa văn đan mắt cáo, các hoa văn còn lại đã được thấy trên trống đồng Đông Sơn.

 + Hiện vật mang phong cách hỗn hợp Việt – Hán

Chậu trống: Hiện vật này để ngửa thì có hình dáng cái chậu, một loại đồ đựng gia dụng với hoa văn trong lòng chậu là 2 con cá đối đầu nhau – đây là loại hoa văn phổ biến mà người Trung Quốc thường dùng trang trí trên đồ vật- nhưng khi để úp xuống lại thấy mặt ngoài và trôn chậu lại có các hoa văn họa tiết theo phong cách Đông Sơn: trôn chậu trang trí như mặt trống đồng với hình mặt trời nhiều tia và các vòng hoa văn đồng tâm, chim mỏ dài… mặt ngoài thân chậu cũng có hoa văn tương tự, dễ làm liên tưởng đến một chiếc trống đồng.

Hiện vật vừa có thể dùng làm chậu đựng nước vừa có thể dùng như một chiếc trống đồng, trên hiện vật vừa có hoa văn Đông Sơn vừa có hoa văn Hán- một kiểu kết hợp khá sáng tạo. Đây có lẽ là một cách bảo lưu văn hóa Đông Sơn một cách “hợp pháp” của người Việt cổ.

 + Hiện vật mang phong cách Trung Quốc

 Gương đồng: Mặt gương nhẵn bóng nhưng bị phủ một lớp ten đồng dày nên không còn phản chiếu được hình ảnh. Lưng gương trang trí 2 cấp: cấp ngoài thoải vào trong có 3 vòng hoa văn răng cưa, cấp trong thụt sâu 0,02cm có vòng hoa văn gạch ngắn song song, tiếp đến là vòng hoa văn như kiểu chữ tượng hình, phía trong hoa văn sấm của Trung Quốc rải đều khắp bề mặt vào đến gần tâm gương. Từ khoảng cách đều giữa tâm gương và cấp trong đúc 2 hình vuông lồng nhau, trên các góc cạnh bố trí 12 nhũ đinh nhỏ trong vòng tròn, xen kẽ là những chữ tượng hình chưa được giải mã. Phía ngoài hình vuông cứ một cạnh lại có 2 nhũ đinh lớn hơn đặt song song. Tâm gương tạo hình một núm hình bán cầu nổi có lỗ xuyên tâm dùng để móc dây treo gương, từ núm bán cầu tỏa ra 4 cánh hoa nhọn đầu. Đây là đồ vật của tầng lớp cai trị mang từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Bình: có cổ thon cao, miệng vành trụ hơi loe,quai hình một con rồng thân trơn từ vai bình vươn lên ngậm miệng bình, vòi nhỏ hình đầu gà đặt đứng hơi xiên ra ngoài đối xứng với quai ở vai bình. Đây là sản phẩm đặc trưng của thời Đường - Trung Quốc, hình dáng đẹp nhưng bị tróc men.

+ Hiện vật mang phong cách mới:

Mô hình nhà: là kiểu trang viên có tường bao và cổng chính, gồm sân ở phía trước có nhà bếp một bên, trên sân có gia súc, gia cầm, cây rơm, phía sau là 1 dãy nhà gồm 2 căn mái cong cách biệt nhau: 1 căn nhà sàn lớn và 1 căn trệt nhỏ hơn. Phía ngoài khuôn viên tường bao là cái bát có bậc đi xuống thể hiện giếng nước (cầu ao?). Mô hình được sản xuất tại miền Bắc Việt Nam và là đồ tùy táng trong mộ quý tộc thời thuộc Hán.

Trống đồng: Tìm thấy trong mộ người dân tộc Mường.

Gồm 3 phần: tang, thân và chân. Mặt trống chìa ra khỏi thân trống 2 - 3 cm, trên mặt trống có đúc nổi mặt trời nhiều tia và các vòng hoa văn hình học, hoa lá. Rìa mặt trống có 4 khối tượng cóc. Tang trống không phình, thân hình nón cụt, chân hơi choãi. Hoa văn trên tang và thân trống dạng hình học như ô vuông, hình thoi, hình tròn và các loại hoa văn thực vật: lá đề, hoa chanh, rồng, phượng, ong, chim. So sánh với trống Đông Sơn thì trống này khác biệt hoàn toàn về kiểu dáng, đặc biệt là hoa văn. Đây là trống đồng loại II theo phân loại của Heger ( nhà khảo cổ học người Áo).

Khác biệt về kiểu dáng và hoa văn trên trống đồng loại II so với loại I cho thấy một điều quan trọng: Đông Sơn đã hoàn toàn mất. Tuy nhiên sự hiện diện của trống đồng loại II chứng tỏ truyền thống Đông Sơn đã tự thân biến đổi để phù hợp với điều kiện mới: Trống đồng vẫn còn trong cộng đồng Việt, tuy không phải là Đông Sơn nhưng là một hình thức gợi nhớ Đông Sơn sâu sắc.

Ngàn năm đã trôi qua với sức sống âm ỉ mà dữ dội, văn hóa Đông Sơn dần mất nhưng thực tế đã cuộn sâu trong tâm thức những thế hệ người Việt để chuyển hoá thành một văn hóa mới có sự tiếp thu những tiến bộ của văn hóa Trung Hoa và những văn hóa khác đương thời. Vào thế kỷ X, khi đã hội đủ các điều kiện chủ quan và khách quan, di duệ người Việt và di duệ những người di dân Trung quốc tự nguyện trở thành dân Việt đã hợp lại thành một sức mạnh chuẩn bị cho một thời kỳ mới và, vận hội đã đến với trận thắng oanh liệt lần thứ nhất năm 938 trên sông Bạch Đằng.

Sau khi đuổi quân phương Bắc về nước, năm 939, Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa - Đông Anh (nay thuộc Hà Nội) mở đầu thời đại quân chủ phong kiến độc lập kéo dài gần 10 thế kỷ với lần lượt hơn 10 dòng họ sau đó thay nhau nắm quyền lãnh đạo đất nước.