'Voi lửa' - cỗ 'xe tăng' khủng khiếp của vua Quang Trung
Từ thời Hai Bà Trưng cho đến thời của Quang Trung - Nguyễn Huệ, một cuộc cách mạng đã diễn ra trong nghệ thuật sử dụng voi chiến của người Việt.
Uy lực của những chiến binh khổng lồ
Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, voi chiến luôn là đơn vị chiến đấu đặc biệt được các triều đại sử dụng trong chiến trận. Những con vật khổng lồ này vừa là phương tiện vận chuyển quân nhu, lương thực trong các cuộc hành quân, vừa là một chiến binh đầy dũng mãnh trên chiến trận.
Được điều khiển bởi nài voi, voi chiến có thể trực tiếp tiêu diệt địch bằng cách dùng ngà, vòi, chân làm vũ khí. Những người lính trên mình voi có lợi thế về độ cao, tầm quan sát tốt, tỏ ra rất lợi hại với các mũi giáo dài và các loại vũ khí tầm xa như cung, nỏ. Đặc biệt, voi còn là khắc tinh của kỵ binh bởi loài ngựa có nỗi sợ hãi bản năng với chúng.
Trong các cuộc đụng độ với những triều đại phương Bắc, voi chiến của người Việt đã nhiều lần chứng tỏ ưu thế của mình, khiến đối phương khiếp sợ.
Người Việt đã sử dụng voi làm vũ khí chiến đấu từ thời Hai Bà Trưng.
Kỹ thuật sử dụng voi chiến đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất sớm. Nhiều nguồn sử liệu ghi nhận hình ảnh Hai Bà Trưng sử dụng voi chiến để đối đầu với quân Hán trong cuộc khởi nghĩa năm 40 sau công nguyên. Hình ảnh tương tự cũng được ghi nhận với Bà Triệu trong cuộc khởi nghĩa chống quân Ngô. Có khả năng, voi chiến đã được sử dụng từ thời Hùng Vương dựng nước.
Vào thời kỳ sau này, voi chiến đã lập chiến công trong trận đánh thành Ung Châu ở nước Tống (1075) của quân đội Lý Thường Kiệt. Sử Trung Quốc thuật lại, khi tướng Quách Quỳ của nhà Tống tiến tới huyện Quang Lang thì quân tiên phong nhà Lý do Thân Cảnh Phúc chỉ huy đã đem voi cản đường khiến quân Tống không thể tiến được. Người Tống vừa sợ hãi vừa nể phục voi chiến nước Việt. Sau chiến thắng trước quân Tống, trong một cử chị ngoại giao, nhà Lý đã dâng tặng vua Tống năm thớt voi để đổi lại việc quân Tống trả đất Quảng Nguyên cho ta.
Vào thời nhà Trần, voi chiến đã tham gia đắc lực vào cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Trong cuộc kháng chiến này, tướng Dã Tượng (tên do Trần Hưng Đạo đặt, có nghĩa là voi rừng) là người có tài thuần phục và chỉ huy đội voi chiến đã lập nhiều chiến công và được sử sách ghi danh như một dũng tướng của nhà Trần.
Trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi, mỗi đội quân khởi nghĩa thường trang bị 5 - 7 thớt voi, khiến cho quân Minh hết sức lo sợ. Vào thời kỳ hùng mạnh, số lượng voi của nghĩa quân lên đến cả nghìn con. Bình Ngô đại cáo viết "Gươm mài đá đá núi cũng mòn, voi uống nước nước sông cũng cạn" là cũng dựa vào thực tế này.
Voi chiến tiếp tục được sử dụng phổ biến vào thời Trịnh, Nguyễn phân tranh, nhưng chỉ đạt được sự đột phá mạnh mẽ về cả chất và lượng vào thời Tây Sơn.
‘Voi lửa’ của vua Quang Trung
Vào các thời kỳ trước, voi chiến thường được sử dụng làm lực lượng đột kích với số lượng tương đối hạn chế cho mỗi mũi tiến công. Phải đến thời Tây Sơn, voi chiến mới được sử dụng tập trung với số lượng lớn.
Đặc biệt, Nguyễn Huệ đã biến voi thành những chiếc “xe tăng”, mang theo cả đại bác và hỏa pháo trên lưng. Sử nhà Thanh viết: "Quân giặc đều dùng voi chở đại bác xông ra trận" và "Trên lưng mỗi con voi có ba, bốn tên giặc chít khăn đỏ, ngồi ném tung hỏa cầu lưu hoàng ra khắp nơi, đốt cháy cả người nữa".
Voi vốn là loài sợ lửa và tiếng nổ lớn, việc huấn luyện được những con vọi chịu đựng được môi trường chiến đầu khắc nghiệt như vậy thể hiện trình độ quân sự rất đáng nể của các nài voi và tướng lĩnh Tây Sơn.
Với những trang bị như vậy, voi chiến của Nguyễn Huệ đã biến thành một lực lượng hỏa lực cơ động có sức mạnh đột kích đáng sợ. Đến lúc này, đội quân voi của Nguyễn Huệ đã hội đủ cả 3 yếu tố chiến thuật: cơ động, đột kích và hỏa lực. Đây thực sự là một cuộc cách mạng so với các thời kỳ trước đó.
Trận đánh nổi tiếng của đội voi Tây Sơn là trận Ngọc Hồi - Đống Đa (1789). Trong trận đánh này, 100 voi chiến do nữ tướng Đô đốc Bùi Thị Xuân chỉ huy đã đánh tan tác đội kỵ binh đông đảo của quân Thanh, góp phần làm nên chiến thắng vang dội trong lịch sử Việt Nam.
Bên cạnh việc trang bị hỏa lực cho voi, một yếu tố khác cũng làm tăng cường đáng kể sức mạnh của đội voi chiến Tây Sơn là sự ra đời của những chiến hạm khổng lồ Định Quốc. Với khả năng chở được voi, những chiến hạm này khiến cuộc hành quân xuyên Việt của đội voi diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều bằng đường biển.
Khi nhà Nguyễn kiểm soát toàn bộ nước Việt, lực lượng voi chiến tiếp tục được duy trì trong quân đội. Tuy nhiên, kể từ đây voi chiến dần trở nên lạc hậu trước sức mạnh khủng khiếp của hỏa lực phương Tây. Mất vai trò trên chiến trận, chúng chỉ còn là những con vật mang tính biểu tượng, được sử dụng trong các nghi lễ hay mua vui cho quan lại và dân chúng trong những cuộc chiến với hổ tại Hổ Quyền. Thời kỳ huy hoàng của những chiến binh khổng lồ đã kết thúc.