VỀ NHÓM TƯỢNG LÀO MỚI SƯU TẦM - Hồ Ngọc Liên
Tháng 6 năm 2006, Ông Lưu Chế Vũ một doanh nghiệp tư nhân đã đem đến Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành Phố Hồ Chí Minh một số hiện vật mà theo ông cho biết là của đất nước Lào do ông bà để lại. Trong số hiện vật đó đáng chú ý là nhóm tượng Phật bằng đồng, bạc với nhiều kích thước khác nhau.
Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn giới thiệu đến độc giả, các nhà chuyên môn nhóm sưu tập gồm 9 pho tượng Phật. Nhóm tượng này, hiện phòng Sưu tầm đang tiến hành làm hồ sơ để nhập kho, chúng tôi đang xếp theo số kiểm kê của sưu tầm, và gọi theo số sưu tầm.
Tượng số ST 01 (ảnh 01), chất liệu bạc, có kích thước nhỏ nhất, cao 8,5cm. Tượng trong tư thế ngồi bán kiết già (ngồi xếp bằng, chân phải đè lên chân trái, lòng bàn chân để ngửa). Hai tay trong tư thế “gọi đất chứng giám” hay còn gọi là tư thế “ bắt quỷ dữ phải khuất phục” (tay phải đặt trên đùi phải, lòng bàn tay úp xuống, các ngón tay thẳng, chỉ xuống đất. Tay trái đặt trước bụng, lòng bàn tay ngửa lên). Khuôn mặt tượng đầy đặn, thon dần về phía cằm, các nét trên khuôn mặt hơi mờ nhạt, đôi chân mày xéo, mắt khép hờ, sống mũi thấp, cánh mũi nở, miệng cách điệu tạo thành hình vòng cung. Đôi vành tai của tượng cong và hơi nhọn, thành dầy. Tóc là những u chấm tròn nhỏ phủ trên đầu, unisa được tạo liền khối với đầu thành hình chùm lửa có dạng hình thoi (còn gọi là búp sen). Cổ ngắn không ngấn. Cơ thể thon chắc với đôi vai hẹp, đôi bàn tay tượng trông thô, bàn tay được cách điệu không có khe ngón, thành một khối liền nhau giống như búp sen.
Tượng khoác áo cà sa, choàng phủ qua vai trái, để hở vai phải. Nếp gấp áo vắt chéo, kéo dài từ trước bụng qua tới ngang lưng.
Tượng trong tư thế đang ngồi trên bệ hình bán nguyệt, cao 1,5cm, không có hoa văn trang trí. Kĩ thuật tạo tượng thô sơ và đơn giản.
Tượng số ST 02 (ảnh 02), làm bằng chất liệu kim loại. Tượng cao 10cm. Tượng ngồi trong tư thế “bán kiết già” như pho tượng trên, hai tay trong tư thế “gọi đất chứng giám”. Khuôn mặt tượng bầu bĩnh, mặc dù các chi tiết trên khuôn mặt không rõ nét, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy cặp lông mày nổi mờ, mũi thấp, môi hơi dầy. Dái tai cuộn tròn vào trong. Cổ thấp, không ngấn. Dái tai ngắn, vành tai cuộn tròn vào trong. Tóc là những bụt ốc nhỏ. Unisa nổi cao hình chùm lửa cách điệu, tròn ở đỉnh. Cơ thể đầy đặn, vai rộng. Cánh tay vạm vỡ, bàn tay to và thô với các ngón ngắn. Kỹ thuật tạo tượng kém sắc nét và đường nét còn thô sơ. Trang phục của tượng số 02 cũng tương tự như pho tượng số 01. Tượng ngồi trên bệ cao (4,5cm), đặc biệt bệ có ba chân tạo thế chân kiềng vững chắc.
Pho tượng số hiệu ST 03 (hình 3), làm bằng chất liệu đồng, cao 10,4cm, về tư thế ngồi và thế ấn của đôi tay cũng như về kiểu dáng của khuôn mặt, tóc và chỏm unisa trên đỉnh đầu hay trang phục tượng như pho tượng số ST 02 tuy nhiên pho tượng này có đường nét sắc sảo hơn, thân hình thon hơn, bộ ngực hơi nhô. Bàn tay với các ngón tay dài và thon hơn.
Tượng ngồi trên bệ hình bán nguyệt, cao 3cm. Kỹ thuật tạo tượng cũng đơn giản và không được sắt nét.
Pho tượng mang ký hiệu ST 04 (hình 4), tượng được làm từ chất liệu đồng, có màu đen, cao: 15 cm, trong tư thế ngồi trên bệ (phần bệ đã bị mất, chỉ còn lại dấu vết nối giữa bệ và thân tượng). Đầu tượng để trơn, không có bụt ốc như các pho tượng kể trên, nhìn giống như đội mũ có đường viền nhỏ ôm lấy khuôn mặt; trên đỉnh đầu unisa nổi hình chóp nón có tầng (đã bị gãy phần trên ). Tượng có khuôn mặt tròn đầy đặn, cằm tròn, gờ mày nổi rõ cong nhẹ. Đôi mắt khép hờ, nhìn xuống. Đôi môi cong vừa phải. Dái tai dài, có xu hướng tạo thành hình xoáy ốc là đặc điểm thường thấy trên các pho tượng Lào ở vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Cổ tượng cao, nổi rõ ba ngấn. Cơ thể thon chắc với đôi vai khá rộng, ngực nở. Đôi cánh tay khẳng khiu ôm sát thân hình, bàn tay với các ngón tay dài và bằng nhau, ngón cái ngắn hơn. Điểm đặc biệt trên pho tượng này là cũng kiểu trang phục như các pho tượng trên, nhưng nổi rõ mép áo chạy xiên chéo qua ngực từ vai trái xuống sườn phải. Kỹ thuật tạo tượng đã được trao chuốt hơn so với ba pho tượng trên.
Tượng số ST 05 cao 7cm, được làm bằng chất liệu đồng, có hình dáng và tư thế như tượng 4, nhưng kĩ thuật đúc không đẹp bằng, một phần do chất liệu kim loại đã bị oxy hóa cho nên tượng đã bị hư hỏng nhiều, đường nét trên khuôn mặt và cơ thể tượng không rõ ràng, tượng đã bị gãy một phần bên tay phải, một trên tai, và một trên đỉnh của unisa. Tuy nhiên, cũng có thể nhận thấy khuôn mặt hơi tròn, dài, tóc gồm nhiều bụt ốc nhỏ, unisa tạo thành một khối nhô cao trên đỉnh đầu, cặp lông mày hơi xếch. Đôi mắt khép hờ, nhìn xuống, sống mũi nhỏ và thấp, miệng cách điệu thành một đường cong. Cổ ngắn, không ngấn. Cơ thể thon chắc với đôi vai xuôi. Trừ ngón cái hơi ngắn, còn các ngón khác đều dài bằng nhau. Tượng được đúc liền với bệ. Bệ cao 5,5 cm, có hai tầng: tầng trên trang trí những kẻ dọc như những cánh sen, tầng dưới để trơn và thắt ở giữa, giữa thân bệ (mặt trước và sau) phủ một tấm vải trang trí. Áo choàng của tượng cũng giống như pho tượng số ST 03.
Pho tượng số ST 06 (hình 6) được làm bằng đồng, thân cao 21 cm. Tượng có tư thế ngồi, thế tay và trang phục như các pho tượng trên. Tượng được tạo tác khá đẹp với các đường nét mô tả rõ ràng, ngực nổi, nhô cao. Khuôn mặt tròn đầy đặn, cằm tròn, mũi khoằm. Tóc tượng là những bục ốc nhỏ, phủ khắp đầu, unisa như một chùm lửa nhô cao. Vành tai nhọn, phần dưới bị gẫy. Cổ ngắn không ngấn. Cơ thể thon chắc, cánh tay và bàn tay, với các ngón tay thon và dài. Bệ tượng cao 11cm, có ba tầng. Điểm đặc biệt đáng chú ý là hàng thứ hai có hàng chữ Lào chạm chìm xung quanh bệ (hiện chưa dịch được, nét chữ mờ).
Tượng số ST 07 (hình 7) tượng ngồi trên bệ thấp (3cm), thân tượng cao 28,5cm. Tượng có khuôn mặt dài, đầy đặn, cặp lông mày hình cung, sống mũi cao, hơi khoằm, cằm tròn. Đôi môi hơi dày, môi dưới hơi trễ, khóe miệng nhấn sâu và hơi cong nhẹ. Đôi tai cong, vành tai tròn, dái tai dài và có khuynh hướng xoáy ốc. Tóc gồm các chấm tròn nhỏ phủ xuống gáy, unisa được tạo liền khối với đầu thành một u lớn trên đỉnh như một chùm lửa cách điệu giống như một nụ hoa vươn cao với những cánh hoa bên dưới. Ngăn cách giữa tóc và trán là đường gờ nổi thô. Cổ ngắn, có một ngấn. Cơ thể thon chắc, đôi vai khá rộng, phần ngực nổi rõ. Cánh tay tròn trịa, bàn tay mập, các ngón tay dài bằng nhau, ngón cái ngắn hơn. Về trang phục cũng tương tự như pho tượng số 04 như đã nói trên, tuy nhiên, phần cuối viền nẹp của áo choàng có dạng đuôi nheo. Tượng được làm bằng đồng. Kĩ thuật đúc tượng thô sơ.
Tượng số ST 08 (hình 8) được làm bằng chất liệu sắt pha đồng, có chiều cao thân 29 cm. Về kiểu dáng, đường nét, khuôn mặt, trang phục…đều tương tự như tượng số ST 07, nhưng phần cuối viền nẹp của áo choàng không như tượng số 07 hơi ngắn và bằng phẳng. Tượng có khuôn mặt trái xoan cằm thon, cổ cao 3 ngấn, cặp lông mày cong, mềm mại, mắt nhắm khép hờ, sống mũi thẳng. Đôi môi cong hình cánh cung, mỉm cười nhân hậu. Đôi tai dài, vành tròn và dầy. Tóc tượng gồm những chấm tròn nhỏ phủ khắp đầu cho đến sau gáy. Đỉnh đầu unisa nổi cao như ngọn lửa cách điệu hình búp măng vươn lên cao. Cơ thể tượng đầy đặn với đôi vai nở rộng. Hai cánh tay dài tương tự như các tượng trên. Tượng được ngồi trên bệ thấp (2cm) hình bán nguyệt. Bệ tượng giống bệ tượng 07, tuy nhiên trên bệ tượng 08. Trang trí quanh bệ tượng là những đường vạch thẳng, nếp áo choàng phía trước của tượng phủ dài xuống bệ tượng cũng được thể hiện bằng những đường cong uốn lượn.
Tượng số ST 09 (hình số 9) về hình dáng và kiểu cách pho tượng số 09 cũng tương tự như pho tượng số 06. Tuy nhiên, cũng có một số nét riêng biệt, thể hiện ở khuôn mặt tròn, đầy đặn, nhưng ngắn hơn tượng số 06, phần trán nở rộng hơn với đường gờ cong ôm lấy phần tóc trước mặt. Gờ mày mảnh và cong như cánh cung, mắt nhìn xuống. Sống mũi cao, hơi khoằm. Môi mỏng, cong nhẹ, miệng hé cười. Hai tai dài, cong, vành tai tròn, hơi cong về phía dưới. Trên trán có một đường gờ nhỏ chạy viền bao quanh tóc. Tóc tượng giống như tượng số ST 08. Cổ cao, không ngấn, thân hình thon với đôi vai tròn trịa, ngực nở ưỡn ra trước. Đôi bàn tay dài phủ xuống đầu gối, bàn tay đầy đặn, với những ngón tay mềm mại, đầu ngón tay hơi cong. Tượng ngồi trên bệ 2 tầng, không trang trí.
Tượng được tạo tác bằng đồng, cao 36,5cm; bệ 10cm. Tạo dáng tượng đẹp, đường nét rõ ràng.
Nhận xét
Qua cách thể hiện trên trang phục, tư thế ngồi “đất chứng giám” của các pho tượng, đó chính là phong cách đặc biệt của các pho tượng Phật giáo tiểu thừa - Phật Thích Ca.
Tuy có những điểm khác nhau giữa các pho tượng, nghệ thuật điêu khắc của nhóm tượng này thô, không trau chuốt so với những tượng Phật Lào thường thấy trong thế kỷ XVI, nhưng đều có một số đặc điểm chung của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Lào: tư thế ngồi bán kiết già, hai tay trong tư thế “gọi đất chứng giám” hay còn gọi là tư thế “ bắt quỷ dữ phải khuất phục”. Trang phục là áo cà sa, choàng phủ qua vai trái, để hở vai phải. Unisa nhô cao giống như hình “ngọn lửa” cách điệu. Các yếu tố này được sử dụng phổ biến trong phong cách nghệ thuật điêu khắc Lào ở giai đoạn từ thế kỷ XV và vẫn sử dụng ở giai đoạn sau này. Những pho tượng này thể hiện rõ nét ảnh hưởng văn hóa Khmer qua khuôn mặt đầy đặn – một đặc trưng của nghệ thuật tạo tượng Khmer (hình 02, 03) (1) những đường nét hài hòa, nhẹ nhàng, khuôn mặt trái xoan, áo cà sa hở vai phải, tạo gấp nếp trên vai rồi rũ xuống từ thân trước cho đến ngang lưng thể hiện qua những pho tượng ký hiệu ST 04, 06,07, 08, 09, có thể phần nào chịu ảnh hưởng phong cách Sukhothai của Thái (hình 04, 06, 09) (2)
Những lọn tóc rất nhỏ, sống mũi cong, khóe miệng uốn cong cách điệu thành hình cung, vành tai xoáy ốc, unisa hình chùm lửa được cách điệu theo nhiều motif như búp sen, hình chóp nhọn, bàn tay, với những ngón tay thon dài và bằng nhau, còn ngón cái hơi ngắn là những nét văn hóa đặc trưng của nghệ thuật Lào (3).
Trên cơ sở khảo tả, đối chiếu, so sánh về kiểu dáng, trang phục, nghệ thuật với tượng Phật Lào, có thể nhận thấy các pho tượng nói trên có những nét tương tự với những pho tượng Lào ở vào cuối thế kỷ XVII. Đó là thời kỳ nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Lào vẫn chịu ảnh hưởng những yếu tố của tượng Phật Lào vốn đã định hình ở những giai đoạn trước, về mỹ thuật có thể nói thô hơn, kém trau chuốt hơn và cũng kém phần trang nhã hơn, nhưng lại thấm đượm yếu tố dân gian hơn.
Nhìn chung, những pho tượng này tuy thô sơ, mộc mạc, những vẫn toát lên tình cảm cao quý, linh thiêng và cũng rất bình dị, góp phần xác định một số nét riêng đặc sắc của Phật giáo tiểu thừa nói chung, Phật giáo Lào nói riêng.
Chú Thích
(1).(2).(3). Quế Lai, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Đức Ninh, Nguyễn Hào Hùng (1985), Tìm hiểu văn hóa Lào, Nhà xuất bản Văn hóa Hà Nội, tr122 – 123.