VỀ NHÓM HIỆN VẬT TÌM THẤY TẠI THANH HÓA HIỆN LƯU GIỮ TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ - TP.HCM
Hiện nay, Bảo tàng lịch sử TP.HCM có lưu giữ một số hiện vật thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trong đó có nhóm hiện vật được đưa về Bảo tàng vào năm 2002 có xuất xứ rõ ràng được phát hiện tại một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa. Nhóm hiện vật này gồm có 11 tiêu bản có số đăng ký BTLS.21749 -> 21759:
Nguyễn Khắc Xuân Thi
Trần Thị Thúy Phượng
Trần Thị Thanh Đào
1. Mô hình nhà đất nung BTLS. 21749: màu xám gồm hai ngôi nhà có gác (2 tầng) và một nhà bếp. Phía trước có 2 ngôi nhà trệt nhỏ đối xứng nhau. Toàn bộ quần thể nhà đặt trên nền đất hình chữ nhật có mái bao quanh và có bờ dậu. Bên ngoài bờ dậu có một tháp canh, mái nhà có đường sống nổi. Kích thước: Cao: 21,0cm; bờ dậu: 45,5 x 37,0cm. Bị vỡ một phần tháp canh. Tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa. Mô hình nhà theo phong cách Hán. Thế kỷ 1-3.
2. Mô hình nhà đất nung BTLS.21750: đất nung màu gạch cam gồm 2 gian nhà, một nhà bếp, một mô hình giếng làng, một tượng vịt, một tượng chó và một ụ rơm. Toàn bộ khu nhà được dặt trên một nền đất có bờ dậu được lợp mái bao quanh. Sống mái nhà có dạng đầu đao. Kích thước: Cao: 20,5cm; nền đất: 18,7 x 9,0cm. Bị sứt một góc mái nhà bếp. Tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa. Mô hình nhà theo phong cách Việt, thuộc Văn hóa Đông Sơn.
3. Mô hình bếp lò và nồi đất nung BTLS.21756: màu vàng nhạt, bếp lò có hình chim, mặt trên có khoét lỗ để đặt nồi. Nồi hình cầu, cổ thẳng, màu cam. Kích thước: Cao: 11,7cm; Dài: 34,5cm; Rộng: 19,0cm; nồi: cao: 8,0cm, đkm: 7,5cm. Tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa. Văn hóa Hán TK 1-3.
4. Mô hình bếp lò và nồi đất nung BTLS.21757: màu vàng nhạt và đỏ cam, bếp lò có hình khối chữ nhật, mặt trên có khoét hai lỗ tròn để đặt nồi, một đấu lò có tiết diện chữ nhật, một đầu có hình vòi ấm. Nồi hình cầu, miệng loe, cổ cao, thân phình, đáy bằng. Kích thước: Cao: 11,5cm; 24,0 x 15,0cm; nồi: Cao: 10,0cm, đkm: 9,0cm. Tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa. Văn hóa Hán TK 1-3.
5. Mô hình bếp lò và nồi đất nung BTLS.21758: màu vàng nhạt, bếp lò có hình khối chữ nhật, mặt trên có khoét hai lỗ tròn để đặt nồi, một đầu lò có tiết diện chữ nhật, một đầu có hình vòi ấm. Nồi hình phễu, nắp có núm cầm hình chóp. Kích thước: Cao: 11,5cm; 24,0 x 15,0cm; nồi: Cao: 10,0cm, đkm: 9,0cm. Tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa. Văn hóa Hán TK 1-3.
6. Mô hình bếp lò đất nung BTLS.21759: màu vàng nâu, thân hình ống rỗng, mặt trên đắp nổi 3 chiếc nồi dính hẳn vào bếp, một đầu lò có khoét lỗ tròn. Kích thước: Cao: 11,5cm; 24,0 x 15,0cm; nồi: Cao: 10,0cm, đkm: 9,0cm. Tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa. Văn hóa Hán TK 1-3.
7. Nồi đất nung BTLS.21755: màu cam nhạt, miệng có gờ, cổ thắt, một bên cổ có đính một tay cầm nhỏ và một quai nhỏ đối xứng nhau. Dưới có 3 chân choãi. Kích thước: Cao: 12,8cm; Đkm: 10,5cm. Tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa. Theo phong cách Hán. TK 1-3.
8. Thạp đồng BTLS.21751: màu xám xanh, vành miệng có gờ, thân hơi phình thuôn dần về đáy, hai bên thân có 2 quai, thân khắc chìm văn hình học: tròn, vạch thẳng, chữ S và chim, thú. Kích thước: Cao: 24,5cm; Đkm: 24,0cm. Tìm thấy tại huyện Vĩnh Lộc. Thuộc Văn hóa Đông Sơn.
9. Chõ đồng BTLS.21752: màu xanh lục, vành miệng loe hình chảo, có hai dạng văn thừng; miệng thu nhỏ có gờ thấp, cổ thẳng, thân bầu phình ở gần đáy. Đáy tròn. Thân có 4 đường chỉ nổi. Kích thước: Cao: 41,0cm; Đkm: 11,0cm; Đk vành miệng 49,5cm. Tìm thấy tại huyện Thường Xuân. TK 5-10.
10. Nồi đồng (có nắp) BTLS.21753: màu xanh lục, miệng có gờ, trên nắp có khoen tròn, thân trên phình, thân dưới bầu, đáy tròn phẳng. Phân cách giữa hai phần thân là một vành tròn mỏng. Dưới có 3 chân choãi. Cán cầm có 4 cạnh, trong rỗng; mặt ngoài khắc vạch. Kích thước: Cao: 26,0cm, Đkm: 10,0cm; Cán dài: 12,5cm. Tìm thấy tại huyện Thường Xuân. Văn hóa Hán, TK 1-3.
11. Hũ gốm BTLS.21754: màu nâu và kem nhạt, miệng có gờ để mộc. Vai và thân màu nâu, trên vai có hai vòng tròn nổi và đắp nổi 3 con cá theo chiều ngược kim đồng hồ. Đáy hơi vát vào. Kích thước: Cao: 34,0cm; Đkm: 18,0cm. Tìm thấy tại huyện Thọ Xuân. Thời Lý TK 11-13.
- Trong số 11 hiện vật trên có 7 hiện vật được tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa (số thứ tự từ 1-7), chúng đều được làm bằng đất nung; 1 hiện vật tìm thấy tại huyện Vĩnh Lộc (số thứ tự 8) bằng đồng; 2 hiện vật tìm thấy tại huyện Thường Xuân (số thứ tự 9, 10) làm bằng đồng và 1 hiện vật tìm thấy tại huyện Thọ Xuân (số thứ tự 11) bằng gốm.
- Về loại hình, ở huyện Thiệu Hóa chủ yếu là các mô hình nhà và mô hình bếp lò; còn các huyện còn lại là đồ đựng dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
- Về chất liệu, các hiện vật tìm thấy tại huyện Thiệu Hóa đều làm bằng đất nung, hiện vật tìm thấy tại huyện Vĩnh Lộc và huyện Thường Xuân bằng đồng. Còn hiện vật ở huyện Thọ Xuân làm bằng gốm.
- Về niên đại, thuộc Văn hóa Đông Sơn có 1 hiện vật đất nung ở huyện Thiệu Hóa và một hiện vật đồng ở huyện Vĩnh Lộc; thuộc Văn hóa Hán có 6 hiện vật đất nung ở huyện Thiệu Hóa, 2 hiện vật đồng ở huyện Thường Xuân; thời Lý có 1 hiện vật ở huyện Thọ Xuân.
- Những hiện vật được tìm thấy trải đều ở các huyện của tỉnh Thanh Hóa thuộc vùng đồi núi như Thường Xuân, Thiệu Hóa, Thọ Xuân đến vùng ven biển như Vĩnh Lộc,…
- Trong nhóm hiện vật này, việc tìm thấy các loại hiện vật là mô hình nhà hay mô hình dinh thự với tường rào bao bọc, bên trong có đủ các phương tiện phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như giếng nước, nhà ở, chuồng nuôi gia súc…; mô hình bếp lò… đều tập trung ở huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa phải chăng đây là vùng đất vượng khí được các quan lại Trung Hoa chọn lựa làm nơi chôn cất? Mô hình nhà ở được thu nhỏ với kiểu dáng riêng biệt có lẽ họ đã làm theo mẫu của kiến trúc đương thời cho gần gũi khi qua thế giới khác, kể cả các vật dụng dùng trong đời sống thời bấy giờ cũng được gởi gắm vào thế giới bên kia, và các mẫu mô hình này liệu có phải do các quan lại Trung Hoa khi qua đất nước ta xây dựng, chúng thể hiện kiến trúc thời Hán đã hiện diện ở nước ta thời bấy giờ?