Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 5
Truy cập hôm nay: 36833
Tổng số truy cập: 1957213
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

VỀ MỘT KIỂU PHONG CÁCH TƯỢNG PHẬT THÁI LAN THẾ KỶ 19 TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ - TP. HỒ CHÍ MINH - Nguyễn Khắc Xuân Thi, Hoàng Hữu Quang

2012-06-13 20:07:54

Bảo tàng Lịch sử – TP.HCM hiện đang lưu giữ một số hiện vật được tiếp nhận từ Công an TP. Hồ Chí Minh trong số đó có tượng Phật Thái Lan bằng đồng ký hiệu BTLS.28595.

          Tượng được làm bằng đồng thếp vàng, cao 49 cm, ngang (rộng nhất): 17,5 cm, dày: 9 cm, được gắn vào bệ bằng gỗ (cao 4,5cm) hai cấp, màu đen. Tượng bị bong tróc nhiều chỗ thếp vàng, mất chân, lưng tượng bị thủng một lỗ.

Tượng trong tư thế đứng, khoác áo choàng bên ngoài, bên trong mặc áo cà sa có thắt lưng, vạt trước hẹp và dài tới gấu áo. Đầu đội mũ có chóp nhọn (đã bị mất), nét mặt phụ nữ, cung mày hình nửa vòng tròn, hai mắt nhắm, miệng nhỏ, cằm tròn mũi nhìn nghiêng rất cong và sắc nét. Tai có vành cách điệu và dái tai dài. Hai lòng bàn tay đưa ra phía trước, áo choàng xòe trùm sau lưng, vạt trước trang trí nổi. Hai bắp tay đeo vòng, vai và trước ngực đeo trang sức có khảm đá quý (ảnh 1).

 Nhận xét:

 - So sánh với một số tượng Phật Thái Lan hiện Bảo tàng Lịch sử đang lưu giữ có cùng tư thế, trang phục và trang sức: ký hiệu BTLS.2281 (cao: 54 cm) (ảnh 2), BTLS.12684 (cao: 51cm) (ảnh 3), BTLS.12683 (cao: 38cm) bị mất chóp nhọn (ảnh 4) và một tượng Phật hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Bangkok - Thái Lan (cao: 248cm) [1,tr.53] (ảnh 5). Trang phục và trang sức rất cầu kỳ kiểu hoàng gia, đầu đội mũ có phần chóp nhọn cao “mukuta”. Tuy nhiên, các tượng Phật này còn khá nguyên vẹn với phần mũ miện còn nguyên phần chóp nhọn, tòa sen và bệ hình bát giác.

 - Đây là những tượng Phật trường phái Tiểu thừa, rất phổ biến thời kỳ Bangkok vào thế kỷ 19, phong cách thể hiện sự kết hợp giữa vua và Phật. Tượng đứng thẳng trên toà sen, hai tay trong tư thế đưa ra phía trước như đang đẩy vật gì đó (ảnh 6). Ở Thái Lan người ta gọi là “tĩnh hải ấn” (ấn làm biển lặng không dâng lên) qua câu chuyện liên quan đến trận lụt tại một tu viện ở bờ sông Ấn Độ.

Câu chuyện kể rằng khi đức Phật đi đến lều trại của Kasyapa (Ca Diếp) - người có đoàn đệ tử gồm 1.000 đạo sĩ thờ lửa - đức Phật xin tá túc lại một đêm, Ca Diếp chỉ một chòi nhỏ bên bờ một con sông ngập nước. Đức Phật dùng thần thông làm cho nước rút xuống khiến cho Ca Diếp và đoàn tùy tùng ngạc nhiên xin theo quy y làm đệ tử Phật. Vì vậy tư thế này ở Thái Lan gọi là “hàng phục thủy thần” (làm nước rút xuống, làm sông tĩnh lặng và làm cho biển không nổi sóng). Tư thế đức Phật dùng để ngăn lũ lụt không cho nước dâng lên với cả hai lòng bàn tay đưa ra (gọi là ấn “abhaya mudra”) và đã trở thành biểu tượng cho sự tự tại của đức Phật đối với mọi phiền não [2].

Trên đây là một trong những tượng Phật đã bổ sung thêm vào bộ sưu tập tượng Phật Thái Lan mà Bảo tàng hiện đang sở hữu. Qua đó cũng giúp hiểu thêm về một trong những phong cách và tư thế tượng Phật của Thái Lan.

 

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1- The National Museum volunteers – Treasures from the National Museum Bangkok, 1987, p.53.

2 - www.azibaza.com/lecture/lectures_gestures.htm

3 - www.umich.edu/~hartspc/acsaa/LLabelPdf/81LL.pdf