VỀ MỘT KENDI BẰNG ĐỒNG CỦA CAMPUCHIA - Phạm Ngọc Uyên
Triễn lãm mang tên - “Cổ vật sưu tầm 10 năm đầu thế kỷ XXI” tại Bảo tàng Lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh (BTLS - Tp.HCM), diễn ra từ giữa tháng 7 năm 2011 đã giới thiệu với công chúng hơn 300 hiện vật với đủ chất liệu, loại hình và xuất xứ từ nhiều nền văn hoá đặc sắc như Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Hà Lan, Bỉ… Tất cả trong số chúng đều chưa từng được trưng bày từ trước đến nay.
Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu về một chiếc Kendi bằng đồng có nguồn gốc của Campuchia. Đây là chiếc Kendi mà Bảo tàng đã mua được từ năm 2009.
Kendi có hình dáng cân đối, đẹp mắt. Miệng có vành bẻ loe ra ngoài, vành có gờ nổi. Phần cổ thuôn; có vai[U1] hơi nở; thân[U2] hình bán cầu; phần chân cao hơi choãi làm cho phần đế xoè ra, tạo thế vững chắc cho chiếc bình.
Từ giữa phần vai và thân bình là một chiếc vòi hình chữ “S” (cao: 10cm), đầu vòi được tạo hình đầu gà có mào, mỏ ngậm một vật hình cầu, vật hình cầu này khi nhìn trực diện vào đầu gà chính là lỗ để rót. Phần tiếp giáp của vòi và thân trang trí một dải những chấm tròn nổi nối tiếp nhau xung quanh vòi như thể cổ của gà đeo một chuỗi hạt trang sức, rất sinh động. Phía trước cổ gà có một vòng tròn nổi, giữa tâm có vết lõm.
Hoa văn trang trí trên chiếc bình đơn giản, chỉ có ba băng hoa văn nổi là văn thừng, dải chấm tròn và dải hoa văn giống hình những chiếc lá có gân xếp cạnh nhau nghiêng về bên phải. Ba băng hoa văn này được lặp lại ba lần ở phần cổ, thân và chân của chiếc bình tạo thành một bố cục cân đối.
Tình trạng của chiếc Kendi còn khá nguyên vẹn, bị rỉ xanh và nâu.
Nhìn chung, tuy được làm bằng chất liệu đồng nhưng chiếc Kendi này có hình dáng gần giống với những chiếc bình gốm truyền thống của Khmer. Ngoài ra, hình dáng của nó cũng còn bắt gặp ở những chiếc Kendi bằng kim loại của Champa mà Bảo tàng Chu Lai (Quảng Ngãi) đang sở hữu [Phạm Hữu Công 2011: 1].
Chiếc Kendi mà bài viết đang đề cập có thể được dùng đựng “nước thánh” trong các nghi lễ tôn giáo của người Khmer xưa và có niên đại khoảng thế kỷ XII - XIII, nguồn gốc của Campuchia.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Piriya Krairiksh 1977: Khmer Bronzes,. – Corner Bank Ltd, Lugano, Switzerland, 126tr.
2. Phạm Hữu Công 2011: Những hiện vật Champa bằng kim loại tại Bảo tàng Chu Lai (Quảng Nam), 2tr. (Bài viết tham dự Thông báo Khảo cổ học 2011).
Internet:
3. National Museum of Cambodia 2010: Khmer Art History.
http://cambodiamuseum.info/en_khmer_art_history.html
http://www.google.com.vn/search?q=khmer+bronzes&hl=vi&biw=1366&bih=643&prmd=ivns&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=ID5iTqykGPCViAfl_pGqCg&sqi=2&ved=0CEIQsAQ
[U1]Vai hơi nở
[U2]Thâân hình bán cầu