VỀ MỘT CHIẾC MIỆN BẰNG VÀNG CỦA BẢO TÀNG CHU LAI
Đồ trang sức là một phần không thể thiếu trong đời sống của con người từ hàng ngàn năm qua. Tuỳ vào tập quán, văn hoá và phong cách sống mà mỗi cộng đồng cư dân hình thành cho mình những loại hình trang sức rất độc đáo với nhiều chất liệu khác nhau được sử dụng. Trong đó kim loại được sử dụng khá phổ biến trong việc chế tác trang sức.
Nguyễn Thị Nguyệt
Phạm Xuân Long
Trong sưu tập hiện vật của bảo tàng Chu Lai nằm trong khu Resort Thiên Đàng tỉnh Quảng Nam có một hiện vật phong cách rất lạ đó là một chiếc mũ miện bằng kim loại màu vàng.
Miện dạng hình giọt nước vòng ôm đầu, phần mũi ở phía trước hơi cúp ôm lấy trán người đội, thân miện cao đúc liền khối. Kích thước nơi cao nhất của thân miện là 6,5 cm, đường kính 20 x 16,5 cm, nặng khoảng 150 gram. Hoa văn trên miện sử dụng kỹ thuật thúc nổi rất công phu.
Phần thân trên trang trí hoa văn theo dạng bước sóng đều nhau. Giữa hai bước sóng ở phần chân thúc nổi nửa bông hoa 4 cánh với phần cánh hoa và phần nhụy rất rõ ràng, trên cánh hoa chính giữa là 4 chấm tròn (nhũ đinh) lớn dần từ dưới lên được xếp thẳng hàng dọc, trên đỉnh của hàng chấm tròn cũng là một phần của bông hoa 4 cánh có phần nhụy nhô cao. Đặc biệt giữa 2 bước sóng ở phần mũi của miện thúc nổi 6 chấm tròn tương tự nhưng phần đỉnh thì không phải là một phần của hoa 4 cánh mà là một nụ hoa đang hé nở.
Những bước sóng của thân miện đều nhau, chỉ riêng 2 bước sóng ở phần mũi phía trước lớn hơn những bước sóng còn lại một chút, tất cả những bước sóng đều được thúc nổi những băng hoa văn như sau: trên cùng là băng văn chấm tròn trong 2 đường chỉ, những chấm tròn nhỏ ở 2 đầu và lớn dần vào giữa, tiếp đến là băng văn đường chỉ tròn dẹt, trơn; rồi lại một băng văn chấm tròn trong 2 đường chỉ, cuối cùng thúc nổi nửa bông hoa nhiều cánh.
Phần thân dưới trang trí hai đường văn thừng nổi trong 2 đường chỉ. Ở giữa hai đường văn thừng đó là một băng những ô tròn cẩn đá hình oval. Những viên đá đã bị mất gần hết chỉ còn lại một vài viên đá màu xanh biếc.
Miện trong tình trạng bị thủng nhiều chỗ nhưng nhìn chung còn khá nguyên vẹn với hình dáng và những môtip hoa văn rất rõ ràng.
Về hoa văn: phong cách hoa văn sử dụng trên miện như chấm tròn, hoa lá có sự tương đồng với những môtíp trang trí trên hiện vật chất liệu gốm, kim loại và điêu khắc đá thuộc văn hoá Champa. Tuy nhiên hoa văn trang trí của văn hóa Champa thường có tạo hình ngọn lửa, chẳng hạn hình hoa trên miện hoặc trên những đồ trang sức ở tay của các vị thần đều có dạng cách điệu ngọn lửa
Về hình dáng: Miện được tạo hình dạng giọt nước ôm sát đầu, hình dạng này rất lạ. Đối chiếu với một số loại hình mũ miện của các văn hóa Việt và văn hóa Champa thì chưa thấy có hình dạng này. Đặc trưng của loại hình mũ miện của văn hóa Champa quan sát trên các tác phẩm điêu khắc thấy chúng thường có 2 loại hình được coi thuộc dạng kirita – mukuta. Một loại có hình ống trụ (mitre), trên hẹp, dưới rộng; loại này ít phổ biến và thường thấy trên một số lượng thần cấp cao (Vishnu, Siva…). Loại thứ hai có hình chóp thon cao, đỉnh nhọn hoặc hơi tù, loại này phổ biến hơn, được sử dụng rộng rãi hơn từ các vị thần tối cao (Vishnu, Siva, Krishna, Rama…), các vị thần thứ cấp (Dharmapala, Dvarapala…) đến các thần động vật (Garuda, Ganesa…), và đến cả lớp bình dân (tu sĩ, người cầu nguyện, vũ nữ…) . Hơn nữa loại hình mũ miện của Champa nếu có vành vương miện bao quanh đầu thì cũng nằm ngay dưới chân mái tóc chứ không có dạng ôm lấy vành đầu và trán như chiếc miện này. Kiểu dáng của chiếc miện này lại khá tương đồng với những loại phục trang của cư dân vùng Trung Đông. Như vậy có chăng đây là sự thoa văn hoá giữa cư dân văn hoá Champa với khu vực Trung Đông (?).
Về chất liệu: mặt ngoài của miện có màu nâu vàng, nhưng mặt trong của miện thì có màu vàng tươi. Qua nhận định ban đầu thì chất liệu làm miện là kim loại vàng, tuy nhiên hàm lượng vàng ít và có pha với những hợp kim khác.
Về kỹ thuật chế tác: miện được chế tác từ một miếng kim loại nguyên khối với kỹ thuật thúc từ bên trong để tạo ra những băng hoa văn nổi ở mặt ngoài. Những băng hoa văn uốn lượn dạng bước sóng nhưng nhìn tổng thể thì giống với những cánh hoa cách điệu. Riêng băng những ô tròn cẩn đá dùng kỹ thuật hàn nguội để gắn vào thân miện. Đối diện với phần mũi ở chính giữa nửa sau của miện thấy có 2 lỗ tròn có dấu vết của vật gắn vào. Như vậy chiếc miện này chưa phải là hoàn chỉnh mà có thể còn có một số bộ phận nữa được gắn vào phía sau hoặc bên trong.
Về niên đại: qua so sánh đối chiếu bước đầu nhận định hiện vật này có thể thuộc văn hoá Champa có niên đại khoảng thế kỷ 13 – 14. Tuy nhiên vì đây là một hiện vật rất lạ mà trước nay chưa thấy nên cần những nghiên cứu sâu hơn để đánh giá chính xác về chủ nhân chiếc miện này.
Trang sức không chỉ là sản phẩm làm đẹp cho con người, mà nó còn thể hiện đẳng cấp của người mang nó. Cũng giống như những loại hình vật chất khác, trang sức cũng còn thể hiện tiến trình lịch sử của một cộng đồng, sự giao lưu tiếp biến văn hoá với các nền văn hoá khác. Việc tìm hiểu sâu hơn về chiếc miện này sẽ góp phần nghiên cứu về sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của các nền văn hóa ở Việt Nam với các nền văn hóa trên thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://baotanglichsuvn.com/thu-tim-lai-dang-xua-cua-loai-mu-mien-bang-vang-thuoc-nghe-thuat-champa-lexuan-diem--111.html
2. Guimet musée national des arts asiatiques, Trésors d’art du Vietnam la sculpture du Champa, 2006
3. Phạm Hữu Mý, Điêu khắc đá Champa, TP.HCM, 2005
4. Ủy ban KHXHVN, Viện Đông Nam Á, Tập ảnh điêu khắc Chàm, Nxb KHXH, 1988