Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 8
Truy cập hôm nay: 36832
Tổng số truy cập: 1957212
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

VỀ HAI CHIẾC HỘP GỐM THÁI LAN - Phạm Ngọc Uyên

2012-06-13 20:10:21

Trong hoạt động sưu tầm của Bảo tàng Lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh (BTLS - Tp.HCM) từ 10 năm trở lại đây đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bổ sung, làm phong phú thêm những bộ sưu tập vốn có cũng như góp phần hình thành các sưu tập mới cho Bảo tàng.

Hiện nay, những hiện vật này đã được BTLS – Tp.HCM lựa chọn để giới thiệu với công chúng trong chuyên đề mới - “Cổ vật sưu tầm 10 năm đầu thế kỷ XXI” từ giữa tháng 7 năm 2011. Với hơn 300 hiện vật đủ chất liệu, loại hình và xuất xứ từ nhiều nền văn hoá đặc sắc, chưa từng được trưng bày.

Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu về hai chiếc hộp bằng gốm của Thái Lan đã được BTLS – Tp.HCM sưu tầm trong năm 2011.

 * Hộp có nắp (BTLS. 30267)

Hộp cao: 13,5 cm (tính cả nắp), đường kính chân đế: 7,8 cm

Hộp gồm có:

- Phần nắp (cao: 3 cm) hình chỏm cầu có núm cầm hình búp sen, dưới chân núm trang trí 2 đường tròn đồng tâm đậm nét, rồi đến một dải gồm những vạch ngang, kế tiếp lại là 3 đường tròn với nét vẻ mảnh hơn. Vành nắp

- Phần hộp có cổ hơi thấp, khoảng 0,5 cm. Chân cổ được viền bởi hai đường tròn đồng tâm. Phần vai, thân và đáy hộp tạo thành sáu mặt phẳng.

Phần vai hộp được trang trí hai kiểu hoa văn xen kẽ lặp đi lặp lại trong sáu hình lục giác, tương ứng với sáu mặt của chiếc hộp là: những đường chéo song song đan qua lại với nhau tạo thành những ô vuông giữa có một dấu chấm; và dây lá cách điệu dạng xoắn ốc. Hai kiểu hoa văn này cũng được lặp lại tương tự ở phần thân hộp nhưng viền bao quanh chúng không còn là hình lục giác mà là hình bát giác và vị trí của chúng có sự thay đổi  so với phần vai hộp để khi nhìn ở một mặt của chiếc hộp sẽ thấy cả hai kiểu hoa văn này, tránh sự nhàm chán.

Phần thân dưới của hộp, nơi tiếp giáp với phần đế hộp cũng trang trí ở sáu mặt những hình dấu phẩy ngược và xuôi được bao bọc bên ngoài là hình ôvan. Giữa phần vai và thân hộp, cũng như giữa phần thân và thân dưới hộp trang trí sáu hình thoi giữa các mặt của chiếc hộp tạo một bố cục cân đối ở mỗi mặt của hộp. Phần đế hộp loe nhẹ, cũng được vẽ viền bởi hai đường tròn. Phần trôn hộp không tráng men.

 

      * Hộp có nắp (BTLS.30268)

Hộp cao: 13,5 cm (tính cả nắp), đường kính chân đế: 8 cm

Về hình dáng chiếc hộp này giống với chiếc hộp trên. Hộp cũng có phần nắp (cao: 3 cm) hình chỏm cầu có núm cầm hình búp sen, chân nắp trang trí 3 đường tròn đồng tâm, tiếp đến là những cánh hoa tạo thành một bông hoa có hai lớp cánh lớn nhỏ gồm 12 cánh, sau cùng bao bên ngoài là 3 đường tròn.

Ngoài phần nắp có điểm trang trí khác biệt, những phần còn lại của chiếc hộp này đều có đặc điểm giống với chiếc hộp có số hiệu BTLS.30267.

Nhìn chung, hai chiếc hộp gốm này có hình dáng giống nhau. Trang trí các hoa văn đơn giản, nét vẽ không trau chuốt nhiều. Phong cách tạo hình độc đáo. Sử dụng kỹ thuật trang trí vẽ dưới men, với nét vẽ màu đen sắt trên nền trắng xám.

Tình trạng chung của chúng còn khá nguyên vẹn, một chiếc hộp bị sứt mẻ nhỏ ở phần miệng. Đặc biệt chúng bị hà bám nhiều ở phần chân đế, chắc chắn đây là những hiện vật đã được vớt lên từ một con tàu đắm. Điều này càng khẳng định về một loại gốm thương mại, chuyên sản xuất để xuất khẩu đã tồn tại trong quá khứ của Thái Lan.

Loại hộp có nắp kiểu như thế này là một loại rất phổ biến của gốm Thái Lan. Nhiều hộp có nắp loại tương tự như vậy giống  những chiếc hộp đựng thánh tích hay tro cốt có nguồn gốc Ấn Độ [Charles Nelson Spinks 1965: 160].

Qua xem xét kiểu dáng, màu men và hoa văn có thể xác định hai chiếc hộp thuộc loại gốm truyền thống Sawankhalok, dòng men đen sắt, có niên đại khoảng thế kỷ XIII – XIV của Thái Lan.

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Charles Nelson Spinks (1965): The Ceramic wares of Siam. – Bangkok, The Siam Society, 248tr.

2. Roxanna M. Brown (1988): The Ceramics of South – East Asia their dating and identification (Second Edition). – Singapore, Oxford University Press, 130tr.

 

3.William Willetts (1971): Ceramic Art of Southeast Asia. – Singapore, The Southeast Asian Ceramic Society,194tr.