VỀ CHỦ NHÂN CHIẾC MÃO VÀNG TÌM THẤY TRONG LĂNG MỘ “THIÊN VƯƠNG THỐNG CHẾ” (TÂN PHONG – BIÊN HOÀ – ĐỒNG NAI)
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử - Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ 01 hồ sơ hiện vật là những bộ phận, chi tiết của chiếc mão chôn làm đồ tuỳ táng, được tìm thấy trong quá trình khai quật lăng mộ một vị quan triều Nguyễn ở xã Tân Phong, Thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, phát hiện vào tháng 9 năm 1962. Hồ sơ mang ký hiệu BTLS1574.
Lương Chánh Tòng
Trần Thị Thuý Phượng
Theo hồ sơ lưu trữ, ngày 26/9/1962, một lăng mộ nằm tại Xã Tân Phong, Quận Châu Thành, Tỉnh Biên Hoà thuộc diện phải di rời để giải phóng mặt bằng nhằm mở rộng sân bay Biên Hoà. Tỉnh Biên Hoà đã kết hợp với Nha căn cứ hàng không – Việt Nam cộng hoà, tiến hành khai quật cải táng lăng mộ này. Trong quá trình khai quật, phát hiện một nhóm di vật tuỳ táng là những bộ phận, chi tiết của một chiếc mão làm bằng vàng, một bộ đai, một cây hốt gỗ (thẻ bài),... Toàn bộ các bộ phận, chi tiết của chiếc mão được đưa về Viện Bảo tàng Quốc Gia Việt Nam tại Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử - TPHCM). Nhóm di vật gồm 18 (mười tám) chi tiết bằng vàng của chiếc mão gắn trên 1 sơ đồ gồm:
- Mặt trước: 01 Kim bác sơn( dài 21cm, cao 5cm, dày khoảng 0,2cm), 01 hoa lớn (5cmx3cmx0,2cm), 01 hình sừng (3cmx3cm), 02 kim khoá nhãn (dài 10,5cm; rộng 1,5cm, dày 0,2cm), 01 kim nhiễu tuyến (dài khoảng 20cm), 2 hình giao long vòng ở hai cánh chuồn (5cmx1,2cm). (Hình 1)
Hình 1: Mặt trước mão “Thiên vương Thống chế”
Khai quật tại Xã Tân Phong – Biên Hoà – Đồng Nai năm 1962
(Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Tp.Hồ Chí Minh)
- Mặt sau: 01 bông hoa lớn (5cmx3cmx0,2cm), 01 hoa lớn có hình 2 giao long (7cmx3cmx0,2cm), 2 nẹp viền khung cánh chuồn (dài khoảng 20cm), 4 miếng hoa văn bịt ở đầu 2 cánh chuồn (4cmx2cm), 2 hình giao long vòng ở hai cánh chuồn (5cmx1,2cm).(Hình 2)
Hình 2: Mặt sau mão “Thiên vương Thống chế”
Khai quật tại Xã Tân Phong – Biên Hoà – Đồng Nai năm 1962
(Nguồn: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Tp.Hồ Chí Minh)
Một số di vật khác như đai, hốt, ngọc trai…được cải táng theo chủ nhân ở một ngôi mộ mới hiện nằm ở Đình Tân Phong – Phường Tân Phong, Tp. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Năm 1965, qua nghiên cứu cấu trúc lăng mộ, căn cứ trên tấm bia còn ghi lại: 南越, 天王統制神明正直 (Nam Việt, Thiên vương Thống chế thần minh chính trực), căn cứ vào các chi tiết trang trí của chiếc mão, so sánh với các ghi chép điển lệ về mũ mão qua một số nguồn tư liệu về triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Lăng và Bửu Cầm cho rằng chủ nhân của lăng mộ có thể là một vị quan Thống chế thời Minh Mệnh hoặc giả định danh từ Thống chế do triều Minh Mệnh truy phong, mang hàm Chánh nhị phẩm võ ban. Còn “Thiên vương” thì là do người dân thấy Ngài linh thiêng nên tôn thờ gọi là “Thiên Vương Thống chế” .
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, hạn chế về tư liệu, Nguyễn Bá Lăng đã không truy tìm ra lai lịch chủ nhân của lăng mộ, mà chỉ gọi tên là “Mộ Thiên vương thống chế”, không rõ tên họ, chức tước, phẩm hàm…
Năm 1972, Lương Văn Lựu đã xuất bản bộ sách “Biên Hoà sử lược toàn biên”. Phần viết về các nhân vật lịch sử gắn với vùng đất Biên Hoà có đề cập tới một nhân vật là Tiền quân Lê Văn Lễ (có đoạn ghi là Lãnh binh) vào năm đầu thời Tự Đức (1848) được cử vào dẹp loạn ở vùng đất Tân Phong - Biên Hoà. Theo tài liệu này, trước khi ra trận, Lê Văn Lễ đã tiếp cận với một bà bói, sau khi nghe bà nói: trận này tướng quân sẽ thắng, nhưng khi trở về chớ nên đi đường cái, mà phải đi đường nhỏ, nếu không sẽ có hệ luỵ. Ông cho rằng hoang đường nên sai quân chém đầu. Sau khi thắng trận, trên đường trở về, ông đi đường cái quan và đã bị tàn quân mai phục bất ngờ, nghiệm thấy lời bà bói nói đúng, hối hận trong lúc lâm nguy dẫn tới tự sát. Ghi nhớ công lao nhân dân đã an táng, lập miếu tôn thờ Ông. Ở thời điểm đó (năm 1972), tại Biên Hoà còn có một con đường lớn mang tên đường Lê Văn Lễ. .
Nhìn chung nguồn tư liệu có cung cấp cho chúng ta một số sự kiện lịch sử đã được nhân dân trong vùng ghi nhận. Song, do thiếu sự nhất quán trong việc xác định chức vụ, phẩm hàm của nhân vật; ngày, tháng, năm diễn ra sự kiện không cụ thể, hơn nữa cách trình bày thiếu trích dẫn rõ ràng, nên ít có cơ sở khoa học.
Sau năm 1975, tỉnh Biên Hoà đổi thành tỉnh Đồng Nai. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập xã Tân Phong – Tp.Biên Hoà, chính quyền địa phương đã xuất bản cuốn sách “Sơ thảo lịch sử truyền thống Tân Phong 40 năm chiến đấu và xây dựng”. Trong phần lịch sử vùng đất, các tác giả đã cho biết về 2 lăng mộ là lăng Ông trên ở xóm giữa (Tân Phong 1) và lăng Ông dưới ở xóm Dưới (Tân Phong 2), kèm theo đó dẫn lời các bô lão địa phương kể lại: Thủa ấy đất Tân Phong đã được khai phá, giặc giã thường nổi lên quấy nhiễu dân lành. Triều đình sai Thống chế Lê Huỳnh cầm quân vào dẹp loạn, tới nơi chưa kịp ra quân, chẳng may ông mắc bạo bệnh qua đời vào tháng giêng Âm lịch, nơi an táng là lăng Ông ở xóm trên. Em trai là Tiền chi Lê Trác xin triều đình cho nối tiếp công việc của anh. Lê Trác xin triều đình cho nối tiếp công việc của anh. Lê Trác là tướng giỏi, ra quân liên tiếp thắng trận. Một lần xuất quân, ông gặp bà bóng (bà bói) nói: tướng quân đánh trận này thắng, nhưng khi trở về phải đi đường nhỏ, đi đường lớn sẽ gặp nạn. Tiền chi Lê Trác cho rằng xui xẻo, sai quân chém đầu. Trận ấy quả nhiên ông thắng, nhưng khi trở về theo đường cũ thì bị một đám tàn quân nấp trong rừng, thừa cơ lúc sơ hở bắn chết, lúc đó vào tháng 10 Âm lịch và được an táng tại lăng Ông dưới. Trong phần chú dẫn, các tác giả cũng đề cập: Trong dịp mở rộng sân bay Biên Hoà, ngày 26/9 năm 1962, hai ngôi lăng được quy tụ về khuôn viên đình chùa Tân Phong (mới) ấp Đồng Tràm. Người ta tìm thấy trong quách: 1 mão vàng nạm 4 viên ngọc bích, 1 bộ cân đai, 1 cây hốt, 1 cây kiếm, 1 chiếc lược, vài đồng tiền ? (Chúng tôi phúc tra lại hồ sơ báo cáo chi tiết thì không có thống kê hay đề cập đến cây kiếm và các đồng tiền nào ghi trong biên bản, không rõ nguồn tư liệu này căn cứ vào đâu).
Trong “Đồng Nai – Di tích lịch sử văn hoá” có bài viết về “Hai lăng mộ cổ ở đình Tân Phong – Biên Hoà”. Nghiên cứu dựa trên 2 nguồn tư liệu đã đề cập ở trên, do đó, tác giả cho rằng chủ nhân lăng mộ và chiếc mão “Thiên vương Thống chế” chính là Thống chế Lê Huỳnh – một vị quan đại thần tuân mệnh triều đình từ Huế vào dẹp loạn ở vùng đất Biên Hoà năm 1838 (không rõ căn cứ vào tư liệu nào để xác định niên đại?), do bệnh nặng mà ông qua đời cùng năm, sau đó người em trai cũng là một vị quan đại thần là Tiền chi (?) tên là Lê Trác vào thay rồi cũng bị tử trận, nên cả hai anh em được xây lăng mộ ở Tân Phong – Biên Hoà mà nhân dân gọi là Lăng Ông Anh và Lăng Ông Em .
Về nhân vật Lê Trác, không có nguồn sử liệu nào nói về ông. Tuy nhiên, trong “Quốc triều chính biên toát yếu”, có một đoạn ghi chép về một nhân vật mang tên Lê Văn Trác là Án sát Biên Hoà, cùng với thự Tuần phủ Võ Quýnh và Lãnh binh Hồ Kim Truyền để mất Biên Hoà vào tháng 6 năm 1833 . Nhưng lại trùng sự kiện, chức vụ với Lê Văn Lễ đã được Đại Nam Thực Lục và Đại Nam liệt truyện ghi chép.
Để làm rõ lai lịch chủ nhân của những di vật tìm thấy trong mộ “Thiên vương Thống chế”, chúng tôi đã tiến hành phúc tra, khảo sát, sưu tầm tư liệu về hai lăng mộ hiện cải táng ở đình Tân Phong. Tuy nhiên, hiện trạng ngôi mộ đã được làm mới, tấm bia mộ của “Thiên vương Thống chế” cũng đã được làm gắn bên ngoài một phiến đá hoa cương trắng gần đây (2005), không còn dấu tích ban đầu của tấm bia. Một chi tiết được chúng tôi chú ý đó là ngày cũng giỗ của “Thiên Vương thống chế” được nhân dân Tân Phong nhiều đời truyền giữ, đó là vào ngày rằm tháng 11 Âm lịch hàng năm.
Từ tổng hợp các nguồn tư liệu, qua nghiên cứu, chúng tôi không thấy sử liệu nào của thời Nguyễn ghi chép về cái tên Lê Huỳnh, Lê Trác như lời truyền lại của bao thế hệ người dân vùng đất Tân Phong và một số nhà nghiên cứu đã đề cập. Loại bỏ những thông tin có tính huyền thoại, chúng tôi tập trung vào nhân vật Lê Văn Lễ đã được Lương Văn Lựu đề cập trong tài liệu đã trình bày ở trên. Nhưng khác thông tin mà Lương Văn Lựu đã công bố, tra cứu trong các nguồn sử liệu thời Nguyễn, không có ghi chép nào liên quan đến nhân vật Lê Văn Lễ thời Tự Đức hay cả thời Thiệu Trị gắn với lịch sử vùng đất Nam Bộ nói chung và Biên Hoà nói riêng như sách “Biên Hoà sử lược toàn biên” đã đề cập .
Ngược dòng thời gian, tra cứu đến thời Minh Mệnh, có một nhân vật lịch sử mang tên Lê Văn Lễ với nhiều thăng trầm trong chốn quan trường, được ghi chép khá rõ ràng và tóm gọn như sau:
Lê Văn Lễ, người xã Bác Vọng, huyện Quảng Điền . Năm 1821 đỗ thi Hương Ân khoa tại Huế, làm quan, rồi qua nhiều luân chuyển và làm đến chức cao nhất là Án sát tỉnh Biên Hoà, bị tội và cách chức, tiếp tục được hoạt động để chuộc tội. Do bạo bệnh mất ở Biên Hoà vào tháng 11 năm 1833, khi còn trong quân thứ. Được triều đình truy phục chức vụ .
Như vậy, từ sử liệu triều Nguyễn, qua tra cứu toàn bộ các nhân vật lịch sử gắn với vùng đất Biên Hoà, bằng phương pháp loại trừ khi có đủ các cơ sở đối với các nhân vật lịch sử đó, kết hợp với sử dụng một số thông tin từ các nhà nghiên cứu địa phương, cũng như tổng hợp lại các tư liệu hồi cố và truyền thuyết của nhân dân đã từng ghi nhận công lao đối với sinh dân trong vùng đất Tân Phong nói riêng và Biên Hoà – Đồng Nai nói chung, thậm chí đặt tên một con đường lớn ở trung tâm thành phố Biên Hoà (trước năm 1975) mang tên Lê Văn Lễ. Chúng tôi cho rằng, Lê Văn Lễ - quan Án sát tỉnh Biên Hoà thời Minh Mệnh, không rõ năm sinh, mất vào mùa Đông năm 1833, là nhân vật lịch sử có nhiều căn cứ hơn cả trong việc xác định là chủ nhân chiếc mão “Thiên vương thống chế” hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử.
Theo quy định của triều Nguyễn, chức Án sát có hàm tương đương với Chánh Tam phẩm võ ban . Căn cứ theo Đại Nam Hội điển sử lệ cũng như nhiều nghiên cứu khác về mũ áo trang phục quan lại triều Nguyễn thì chiếc mão được tìm thấy trong lăng mộ “Thiên vương Thống Chế” ở Tân Phong – Biên Hoà – Đồng Nai năm 1962 thuộc loại hình mão “phốc vuông” .
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Bá Lăng 1965: Việc cải táng mộ Thiên vương Thống chế và Ông Tiền chi tại xã Tân Phong, Quận Châu Thành, tỉnh Biên Hoà. Trong Nội san Viện khảo cổ, số 4. Sài Gòn. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử - Tp.Hồ Chí Minh. Tr.42-45.
2. Lương Văn Lựu 1972: Biên Hoà sử lược toàn biên. Quyển 2. Tác giả xuất bản.
3. Uỷ ban nhân dân phường Tân Phong 1989: Sơ thảo lịch sử truyền thống Tân Phong 40 năm chiến đấu và xây dựng 1945 – 1985. Biên Hoà. Tr.13-14.
4. Nguyễn Thị Nguyệt 2004. Hai lăng mộ ở đình Tân Phong – Biên Hoà. Trong Đồng Nai – Di tích Lịch sử văn hoá. NXB Tổng hợp Đồng Nai. Tr.257-262.
5. Cao Xuân Dục 1972: Quốc triều chính biên toát yếu. Nhóm nghiên cứu sử địa Việt Nam dịch và xuất bản. Sài Gòn. Tr.83.
6. Cao Xuân Dục 2011: Quốc triều Hương khoa lục. Nguyễn Thuý Ngà, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. NXB Lao động, Trung tâm Văn hoá ngôn ngữ Đông Tây. Hà Nội.Tr.114 -115
7. Quốc Sử quán triều Nguyễn 2006: Đại Nam thực lục. Tập 2. Bản dịch Viện sử học. NXB Giáo dục. Tr.142; 650-651.
8. Quốc Sử quán triều Nguyễn 2007: Đại Nam thực lục. Tập 3. Bản dịch Viện sử học. NXB Giáo dục. Tr.43; 116; 402; 578; 599; 601; 622; 642; 647; 885.
9. Nội Các triều Nguyễn 2005: Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ. Quyển 78 – Tập IV. Bản dịch Viện sử học. NXB Thuận Hoá. Huế. Tr. 134 -140.
10. Trần Thanh Tâm 1996: Tìm hiểu quan chức nhà Nguyễn. NXB Thuận Hoà, Huế.