Về chiếc gối tre của Bảo tàng Lịch sử - Đỗ Như Kiếm
Cổ vật trong dân gian luôn chứa đựng nhiều thông tin lịch sử văn hóa về cư dân sử dụng nó, vì vậy những hiện vật mang tính thẩm mỹ cao, đặc sắc của các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam luôn là đối tượng rất quan trọng trong công tác sưu tầm và trưng bày cho công chúng thưởng lãm. Hiện vật chiếc gối bằng chất liệu tre (số kiểm kê BTLS.4126) là một hiện vật độc đáo mà bảo tàng Lịch sử - Tp. Hồ Chí Minh may mắn sở hữu từ những ngày đầu tiếp thu bảo tàng cũ và hiện đang trưng bày tại bảo tàng.
Hiện vật có kích thước: cao 12cm; dài 35cm và rộng 11cm bằng chất liệu cây tre. Chiếc gối có hình dáng như chiếc bàn nhỏ, được cấu tạo bằng nhiều phần của thân cây tre dày mỏng khác nhau, lắp ghép bởi kết cấu lỗ mộng, không dùng đinh. Chiếc gối gồm ba phần: mặt gối, khung sườn và chân.
- Mặt gối được cấu tạo thành mặt phẳng hình chữ nhật hơi khum. Hai đầu sử dụng hai mảnh tre già, thân dày khá lớn, lợi dụng độ cong của thân tre tạo dáng hình cuốn thư kết hợp hoa văn khắc chìm hai bên hoa mai cách điệu đóng khung nền chính chạm chữ Hán với lối chữ thảo, mỗi đầu có sáu chữ:
Bên phải: Bốn chữ lớn: 細 柳 鶯 聲 Tế liễu oanh thanh
Hai chữ nhỏ: 永 春 Vĩnh Xuân
Bên trái: Bốn chữ lớn: 高 梧 鳳 舞 Cao Ngô Phượng Vũ
Hai chữ nhỏ: 芳 山 Phương Sơn
Dịch nghĩa: Tiếng vàng anh hót trong hàng liễu nhỏ
Chim phượng múa trên cây ngô đồng cao
Tức là tiếng chim hót trong hàng liễu và cảnh phượng múa bên cây ngô đồng như sẽ mang đến giấc ngủ cho chủ nhân chiếc gối vào những giấc mơ êm đềm. Hai chữ nhỏ “Vĩnh Xuân” và “Phương Sơn” có lẽ là danh từ chỉ địa điểm.
Hai đầu và viền quanh mặt gối được chạm khắc nổi hồi văn chữ “đinh” (丁) song song hồi văn nửa chữ “công” (工) giữa hai đường chỉ chìm. Hai mảnh nối với nhau bằng những thanh tre mỏng ghép lại thành hình sống cố định hai đầu bằng lỗ mộng.
- Khung sườn của gối cũng sử dụng loại tre già, gỗ dày chắc chắn chạm khắc công phu hồi văn kỷ hà và đường diềm trang trí hồi văn chữ đinh và ½ chữ công, hai thành ngang chạm nổi khung bên trong có hai cành hoa lan. Hai thành dọc chạm nổi bốn chữ Phúc Lộc - Thọ Khang dạng chữ triện vuông trong khung hình chữ nhật.
- Gối có bốn chân dạng chân quỳ ghép từng đôi gắn với khung ở hai đầu, ¼ thân trên có lỗ ngàm hình thoi kết hợp với chốt để tăng giảm chiều cao gối cho người sử dụng. Trên chân cũng trang trí chạm nổi hồi văn kỷ hà.
Đây là một hiện vật rất độc đáo trong kho tàng mỹ thuật Việt Nam, chiếc gối, bộ sập - trường kỷ là những vật dụng đẹp về mỹ thuật phổ biến trong đời sống, nó chứa đựng những tinh hoa của kỹ thuật chạm khắc gỗ. Chất liệu tre - một loại vật liệu rất phổ biến ở nhiều nơi, người chế tác ra chiếc gối này có trình độ cao về kỹ thuật tạo hình, làm mộc, đã lựa chọn nhiều bộ phận từ cây tre: Tre già thân dày để làm khung, làm chân và bản rộng để có thể chạm khắc lên đó… chúng được lắp ghép với nhau rất chắc chắn và phân bố thật hài hòa: khung sườn chắc dày, nhưng phần để gối lại sử dụng nan tre mỏng tạo sự êm ái cho chủ nhân.
Những họa tiết hoa văn mang phong cách Trung Quốc nhưng cũng gần gũi ở Việt Nam bởi quá trình giao lưu văn hóa thế kỷ 19, đặc biệt lối chữ thảo chạm khắc rất bay bướm uyển chuyển trên hiện vật có thể cho chúng ta thấy trình độ hay chữ của người thợ này.
Loại hiện vật này, chúng tôi chưa thấy chiếc thứ hai nên rất có khả năng chủ nhân của nó cũng là người tạo ra nó trong một lúc ngẫu hứng để tưởng nhớ về cố hương. “Vĩnh Xuân”, “Phương Sơn” là những địa danh của tỉnh Phúc Kiến vùng Nam Trung Quốc là nơi cũng có rất nhiều tre. Ở Việt Nam, tre được người dân từ xưa đã gắn bó gần gũi và sử dụng đa dạng mọi mặt trong cuộc sống: làm kiến trúc, làm công cụ lao động, dụng cụ trong nhà, đồ trang trí mỹ thuật…
Những hiện vật như thế này còn lưu giữ đến ngày nay không nhiều, chúng chứa đựng các giá trị về nhiều mặt lịch sử văn hóa, mỹ thuật, là nguồn tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu và thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.
Tài liệu tham khảo:
- Đặng Văn Thắng, Hoàng Anh Tuấn: Đôi nét về văn hóa nghệ thuật Nguyễn, Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn, NXB KH Hà Nội, Tập 1, 1992.
- Tạp chí Xưa và Nay: Nam bộ xưa và nay, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1998.
- Trịnh Thị Hòa: Luận án Phó Tiến sỹ KHLS - Đồ gỗ thời Nguyễn (thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX) tàng trữ tại Bảo tàng Lịch sử - Tp. Hồ Chí Minh, 1995.