Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 11
Truy cập hôm nay: 36681
Tổng số truy cập: 1957061
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

Về chiếc choé gốm Bát Tràng trang trí tứ linh - Đỗ Như Kiếm

2012-06-13 12:10:35

Xã hội hóa hoạt động bảo tàng là một việc làm rất cần thiết và hữu ích trong giai đoạn xã hội đang không ngừng phát triển. Nhà nước và nhân dân cùng đảm trách vai trò bảo tồn và quảng bá văn hóa Việt Nam đến với công chúng. Bảo tàng Lịch sử đã có nhiều cuộc trưng bày lớn phối hợp với các nhà sưu tập tư nhân nhằm phát huy tối đa mục đích đó.

Qua những chuyên đề này, chúng tôi phát hiện nhiều hiện vật độc đáo thú vị qua các hiện vật tham gia trưng bày của họ. Chiếc chóe gốm Bát Tràng của nhà sưu tập Nguyễn Minh Tú tham gia trưng bày trong chuyên đề “Rồng về Thăng Long” khai mạc tại bảo tàng Lịch sử trong tháng 4 vừa qua là một hiện vật khá đặc sắc.

Chiếc chóe cao 52cm; đkmiệng 18cm, gồm hai phần: nắp và thân. Toàn thân phủ men trắng ngà rạn, men xanh lam vẽ các hoa văn và men nâu vàng để tô các mảng trang trí nổi.

- Phần nắp: Có dáng một chiếc lồng bàn úp, giữa có núm tròn như búp sen, phần trên nắp khá bằng phẳng, gấp khúc tròn xuống miệng rồi loe lớn ra thành vành chờm lên miệng chóe. Bên trong nắp để mộc có đường gờ tròn nhỏ định vị nắp với vành miệng. Trên đỉnh nắp trang trí 3 cụm vân mây đắp nổi vẽ men nâu vàng cách đều núm tạo thành thế tam giác đều, trên vành nắp còn vẽ các vân mây, ngọn lửa men lam.

- Phần thân: Mép miệng chóe phẳng, để mộc tạo điều kiện tiếp giáp với nắp rất khít, vành ngoài vê tròn thành gờ nhỏ. Cổ đứng, ngắn vẽ những cụm vân mây vòng quanh. Vai nở, thân phình thuôn dần về đáy. Trên vai, giáp phần cổ là diềm văn cánh sen nổi cách điệu. Trên phần nở nhất của thân đắp nổi 4 núm quai hình mặt rồng ngậm vòng cách đều nhau. Xen kẽ giữa các quai trang trí tứ linh đắp nổi (long, lân, qui, phụng) từ phải sang trái:

·        Long: Rồng trong tư thế giáng long – hí thủy (lao xuống đùa với nước). đầu nghiêng, mắt lồi, miệng phun nước, sừng và râu cong, bờm gáy dày, vây nhọn, thân phủ vảy, đuôi dựng ngược, 4 chân ẩn hiện trong những áng mây. Đầu, thân rồng màu nâu sậm, bờm, vây, lông vẽ chàm. Xung quanh rồng có những dải mây nổi hình ngọn lửa, xen kẽ các dải mây hình khánh.

·        Lân: Ở tư thế đứng, bốn chân như đang bước đi, chân trước dẫm lên một đồng tiền âm dương. Mắt to, mũi nở, miệng há rộng, lông bờm rậm, bao phủ mặt và 1 phần thân. Lông đuôi dày, dựng ngược như cờ.

·        Qui: Hình tượng một con rùa đang vươn lên từ ngọn thủy ba sóng nước, bốn chân co duỗi ở tư thế đang bò, cổ vươn dài, mắt to tròn, miệng nhọn như đang cố đớp cụm vân mây lưỡi mác. Mai rùa hình ovan, ngoài vẽ đường viền đơn bao bọc các ô rạn lớn nhỏ trên mai.

·        Phụng: Tư thế đang cưỡi trên một đám mây, thân hình hơi chùng xuống xòe cánh như lấy thăng bằng, đầu ngoảnh về sau, miệng ngậm dải lụa mềm buộc cổ đồ - cuốn thư, trên đầu có cụm mây hình lưỡi mác. Mắt tròn nhỏ kéo dài ra sau, trên đầu có mào khá lớn, toàn thân phủ lông vũ dày.

- Dưới cùng là chân đế choãi, sát mép dưới vẽ văn thủy ba nối tiếp với ba đường bán nguyệt lồng vào nhau màu xanh lam tạo bố cục trang trí cân đối cho sản phẩm, gờ đế và đáy để mộc, ở giữa có bôi một ít men.

Chóe được chế tác bằng kỹ thuật bàn xoay, kết hợp kỹ thuật đúc nổi, dán ghép, chạm khắc các họa tiết motip trang trí, sau đó mới phủ men, tô màu và vẽ thêm hoa văn cho sản phẩm. Cốt gốm dày nặng, nhiệt độ nung khá cao tạo cho chóe có hình dáng đẹp, cân đối và vững chắc.

Cách bố cục các họa tiết hài hòa, được thể hiện bằng thủ pháp vẽ lam trên nền men trắng rạn, nhìn có chiều sâu, cổ kính tạo cho chóe có vẻ đẹp mộc mạc sâu lắng - yếu tố này cũng tạo nên một nét riêng biệt của đồ gốm Bát Tràng. Họa tiết trang trí trên chóe không dày, đề tài trang trí với những đường nét mềm mại thanh thoát, chủ đề trang trí chính của chóe là tứ linh.

Đây là một loại đồ gốm gia dụng có kích thước khá lớn, dùng trong trang trí nội thất, thường là 1 cặp đặt đối xứng ở những nơi trang trọng trong nhà.

Thông qua nhiều nguồn tư liệu nghiên cứu về gốm Việt Nam, căn cứ vào những đặc điểm chung: hình dáng, kích thước, xương gốm, đề tài trang trí, bố cục hoa văn, màu men… chúng tôi có thể khẳng định niên đại của chiếc chóe này vào cuối thế kỷ 19 của dòng gốm truyền thống Việt Nam: Bát Tràng.

Những năm gần đây người ta có cơ hội nhìn lại và chợt nhận ra vẻ đẹp riêng biệt của các loại gốm cổ Việt Nam trong đó có dòng gốm Bát Tràng, chúng không những được đánh giá cao trên thị trường đồ cổ mà còn được giới chuyên môn khoa học không ngừng nghiên cứu và thu thập cho nhà nước quản lý, bảo tồn để phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

 

Tài liệu tham khảo:

 - Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc - Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV-XIX - Nxb Thế giới, 2004

 http://vi.wikipedia.org/wiki/G%E1%BB%91m_B%C3%A1t_Tr%C3%A0ng