Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 11
Truy cập hôm nay: 74914
Tổng số truy cập: 3307429
 
Yahoo Messenger
donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

VÀI Ý KIẾN VỀ CÁCH CHẾ TÁC ĐẦU TƯỢNG THẦN SIVA BẰNG KIM LOẠI GẮN TRÊN KOSA CỦA CHAMPA - Lê Xuân Diệm, Phạm Hữu Công

2012-06-13 19:55:51

Vào năm 1920, tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) và tại Hương Định, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), lần lượt phát hiện được mỗi nơi một đầu tượng thần Shiva bằng kim loại (kiểu dùng gắn trên kosa). Có thể đây là phát hiện đầu tiên về loại đầu tượng này (1) .

Phải đến nửa sau những năm 90 của thế kỉ XX, mới có thêm một số đầu tượng thần Shiva bằng kim loại kiểu như trên được tìm thấy quanh phạm vi khu di tích thánh địa Champa ở Mĩ Sơn cũng như tại khu di tích kinh đô Champa tại Trà Kiệu thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1997 còn thu thập một cái nữa tại địa điểm thuộc thôn Phú Long 1, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam)… Tính cho đến nay, có lẽ đã có trên 20 đầu tượng thần Shiva bằng kim loại đã được biết đến. Trong đó, có khoảng 8 cá thể bằng vàng hoặc hỗn hợp vàng - bạc và khoảng 12 cá thể bằng bạc. Thật đáng tiếc là đa số chúng đều đã bị bán ra nước ngoài và trở thành tài sản của của tư nhân hoặc vài bảo tàng nào đó trên thế giới. Vì vậy, chúng ta biết đến chúng chỉ từ những hình ảnh, những tài liệu khoa học về văn hóa Champa trong các ấn phẩm xuất bản từ sau năm 2000; hoặc chỉ có thể chiêm ngưỡng chúng tại các phòng trưng bày của Bảo tàng nước ngoài (2). Tuy nhiên, tình hình quá ít hiện vật thật để nghiên cứu đã khiến cho bài viết này khó thể tránh khỏi những khiếm khuyết, thậm chí sai lầm.

Từ các công bố của các chủ sở hữu đầu tượng thần Shiva bằng kim loại, thì trong những cái đã phát hiện, ngoại trừ một cái ở Bảo tàng Guimet (Pháp) đã mất phần chỏm tóc trên đỉnh và một mảng quanh phần đỉnh đầu, các cái khác hầu như còn nguyên vẹn với đầy đủ các chi tiết như: phần chỏm tóc trên đỉnh đầu, toàn bộ đầu, mặt, mắt, miệng, cằm, mũi, hai tai, cổ, vành tròn dưới cổ; thậm chí các bím tóc, sợi tóc, gờ mắt, lông mày, cánh mũi, râu mép, cặp môi, các đường nét khắc chìm, dập nổi vẫn còn rõ nét đến từng chi tiết cho dù chất liệu của đầu tượng là vàng, bạc dát mỏng. Có thể nói, đây là những cổ vật ở trạng thái bảo tồn nguyên vẹn nhất trong kho tàng cổ vật bằng kim loại của văn hóa Champa. Cũng từ đó, các đầu tượng thần Shiva bằng kim loại này có thể đưa đến cho khoa học những dữ liệu chính xác nhất, đầy đủ nhất khi được nghiên cứu.

Trước hết, từ những dấu tích còn lưu lại có thể thấy các đầu tượng thần Shiva bằng kim loại đã được chế tác theo kĩ thuật kim hoàn với một quy trình gồm nhiều công đoạn chặt chẽ. Mở đầu cho quy trình đó hẳn là việc tạo phần cốt bên trong có hình dáng cơ bản gần giống như đầu người. Chất liệu phần cốt là hỗn hợp gồm hai thành phần, một là cát thạch anh mịn; một là tàn tích rễ loài cây có tên là “dammar”- loài thực vật khá phổ biến ở Đông Nam Á. Hợp chất này còn lưu lại dấu tích ít ỏi ở mặt trong một đầu tượng thần Shiva bằng kim loại.

Tiếp sau việc tạo cốt là công đoạn sử dụng kĩ thuật dập nổi, khắc chìm trên những miếng kim loại vàng, bạc dát mỏng bọc trên mặt cốt có hình đầu người. Từ đó tạo nên toàn bộ dáng một cái đầu Shiva với những bộ phận như búi tóc, bím tóc, mái tóc, 3 mắt, mũi, mồm, cằm, cũng như các chi tiết khác như gờ mắt, lông mày, râu mép… Có thể nói, đây là công đoạn kĩ thuật phức tạp nhất, tỷ mỷ nhất, đòi hỏi trình độ kĩ thuật và kĩ năng thuần thục, cũng như tính toán chính xác để trong công đoạn sau không bị lệch lạc.

Sau công đoạn tạo dáng tốn nhiều công sức và mất thời gian là công đoạn gá lắp, gò, hàn các miếng vàng hoặc bạc. Nếu lần theo dấu vết mờ nhạt còn lưu lại ít ỏi về kĩ thuật gá lắp, gò, hàn…, người ta có thể suy đoán chí ít có 4 miếng kim loại đã được sử dụng để tạo nên hình đầu tượng. Trong đó, búi tóc gồm 2 miếng, mặt má mũi 2 miếng. Chúng được bọc từ hai mặt trước ra sau. Dấu tích gá lắp được ghi nhận trên đường dọc từ đỉnh đầu xuống sát cổ. Phần cổ, vành tròn phía dưới cổ và hai tai được chế tạo riêng biệt và được gá lắp vào sau cũng bằng kĩ thuật gò hoặc hàn.

Sau công đoạn thứ ba này chắc hẳn còn có công đoạn tu sửa các chi tiết trên đầu, trên mặt…. Đến đây, có thể coi như đầu tượng thần Shiva bằng kim loại được hoàn thành về cơ bản. Ngoài ra, còn thấy có thêm một công đoạn trang điểm: Đó là việc khảm hạt thủy tinh, đá quý mà ta thấy trên đầu tượng thần Shiva bằng kim loại ở bảo tàng Indisch Kurnt (Đức).

Như vậy, để tạo nên một đầu tượng thần Shiva bằng kim loại, ngoại trừ kĩ thuật đúc, hầu như toàn bộ kĩ thuật chế tác tượng tròn trong nghề kim hoàn đều đã được vận dụng. Có thể nói hầu hết đầu tượng thần Shiva bằng kim loại đều là những sản phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ; thể hiện chuẩn xác, đầy đủ ba biểu tượng đặc trưng và thần thái của  Shiva: 1. Mái tóc được tết thành nhiều bím (tresse) dựng ngược theo hướng thẳng đứng trên đỉnh đầu rồi được cuộn thành vòng (một, hai, ba vòng) tạo thành búi tóc cao, những bím khác được buông thả về hai bên (Kiểu mái tóc này có tên gọi là Jatamukuta); 2. Vành trăng khuyết nằm ngang ở mặt trước mái tóc. 3. Hình thoi dựng đứng trên trán ngay chính giữa, có dạng như hình con mắt thứ ba của thần Siva.

Trên các đầu tượng thần Shiva bằng kim loại còn thể hiện khá rõ nét những đặc điểm của bộ mặt nhân thần thường thấy khá phổ biến trong văn hóa Champa. Đó là đường lông mày nổi thành gờ cao liền nhau có hình chữ V hơi uốn cong về phía dưới; là đôi mắt mở to, hơi xếch có hình hạnh nhân, hơi kéo dài về phía đuôi, con ngươi lộ ra toàn bộ có hình tròn; là sống mũi cao, thẳng dọc dừa, hai cánh mũi cân đối; là đôi môi dày, hơi trề ra phía trước, với bộ râu mép cứng, khá rậm.

Có thể nói những đầu tượng thần Shiva bằng kim loại này không chỉ là những sản phẩm chuẩn mực mà chúng còn mang những đặc điểm chung của tượng nhân thần Champa. Hay nói gọn thì chúng là sản phẩm tiêu biểu của loại hình tượng thần Siva/ Champa kể cả các chất liệu khác.

Tuy nhiên, phần cổ của đầu tượng thần Shiva bằng kim loại lại có những biểu hiện riêng, không giống phần cổ trong các loại hình tượng thần Siva các chất liệu khác. Nó không ở tư thế thẳng gắn liền với thân (1) mà ở tư thế uốn cong, vươn dài lên trên, phía dưới to rộng, phía trên hẹp dần, phía dưới cùng có vành kim loại bao quanh, trên mặt vành có bốn lỗ tròn ở vị trí đối xứng, cách đều nhau, bốn lỗ này chính là điểm ráp nối, gắn chặt phần cổ và đầu tượng với một vật thể khác theo chiều thẳng đứng.

Nhìn chung cả 2 phần đầu và cổ của các đầu tượng thần Shiva bằng kim loại đã phát hiện còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Trong ấn phẩm “Nghệ thuật Champa” và ở Bảo tàng Guimet (Pháp) vật thể đầu tượng thần Shiva bằng kim loại gắn vào còn lại phần nào hình dáng. Cả hai vật thể này được chế tác thành hình trụ tròn, bề mặt phía trên hơi lồi, phía dưới rỗng, có dáng giống như cái mũ đội hình trụ tròn; hay chúng tương tự phần chóp hình trụ tròn của Linga –cũng là một thực thể biểu tượng của thần Siva mà tên khoa học gọi là Rudrabhanga. Theo L. Finot thì Kosa là một vật thể học Linga, nếu đúng như vậy thì vật thể nói trên chính là một Kosa.

Sự gắn kết hai vật thể này, giữa đầu tượng thần Siva kim loại với Kosa dưới dạng Rudrabhanga – Linga có hai dạng: dạng thứ nhất là một đầu tượng thần Siva được gắn vào một Kosa mà trường hợp cụ thể là đầu tượng thần Siva – Kosa ở bảo tàng Guimet (Pháp). Dạng thứ hai thì một Kosa có gắn bốn đầu tượng thần Siva kim loại được giới thiệu trong ấn phẩm “ Nghệ thuật Champa”. Có điều dù ở dạng nào việc gắn kết đầu tượng thần Siva vào Kosa đều tuân thủ theo quy định thống nhất. Đó là đầu tượng thần Siva đều gắn thẳng đứng, song song với thân hình trụ của Kosa và phải cao hơn đầu chỏm của Kosa. Thêm nữa, mặt tượng thần Siva đều trong tư thế nhìn thẳng ra phía trước. Trong trường hợp Kosa có gắn bốn đầu tượng thần Siva thì ngoài quy định trên, các đầu tượng thần đều phải cùng một cỡ, được gắn kết cách đều nhau, đối xứng nhau, phù hợp với bốn hướng chính Đông, Tây, Nam, Bắc.

Ngoài hai dạng trên, chúng ta còn biết Champa có một dạng Kosa gắn sáu đầu thần Shiva qua tư liệu gốc. Đó là Kosa miêu tả trong văn bia có niên đại năm 1088 sau công nguyên, dựng trong khu di tích Thánh địa Mĩ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam). Sáu đầu Shiva ở đây được gắn có mặt nhìn về sáu hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Bắc và Đông Nam. Đây là một hiện vật độc đáo nhưng tiếc rằng chưa một ai được thấy.

 

 

Tài liệu tham khảo

1.Pierre Baptise – Thierry Zéphir – 2006

“ Trésores d’art du Viet Nam: la sculpture du Champa Ve - XVe siècles” Paris. Museé des arts asiatiques Guimet printed in Belgigue. 303p

2.Léon Vandermeersch – Jean. Pierre Ducrest 1997

“ Le museé de sculpture Cam de Đà Nẵng” Paris Ed. AFAO printed in France. 205p.

3.Jean Francois Hubert 2005

“ The art of Champa”. Parkstone press International printed in China. 323p

4. Karl Heing Golzio. 2004

“Inscriptions of Campà” Berichte aus der Orientalistik printed in Germany. 201p.

5. Jean Boisselier 1963

“ La statuaire du Champa: recherches sur les cultes et l’iconographie". Paris. P.E.F.E.O. 466p; 257 fig, 9 desin, 3 planches

method man snoop dogg buy cialis or generic tadalafil