VÀI NÉT VỀ ĐỀN THỜ VÀ MỘ LÃNH BINH NGUYỄN NGỌC THĂNG
Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (Còn gọi là Lãnh Binh Thăng, sinh 1798 là một tướng quân của triều Nguyễn thời vua Tự Đức. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất nhượng ba tỉnh là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và đảo Côn Lôn cho Pháp. Vua Tự Đức xuống chiếu dụ kêu gọi bãi binh. Không đồng tình, Trương Định vẫn ở lại Gò Công để tiếp tục kháng Pháp.
Khi ấy, Lãnh Binh Thăng cũng đã rút quân về Gò Công. Kể từ đây, ông tiếp tục chiến đấu chống Pháp dưới quyền chỉ huy của Trương Định.
Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn (trước là thuộc hạ của Trương Định) dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ đánh úp bản doanh. Trương Định bị trọng thương và ông đã rút gươm tự sát tại Ao Dinh (Gò Công), để bảo toàn khí tiết vào rạng sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864. Dù bị tổn thất lớn, nhưng Lãnh Binh Thăng vẫn cùng với các nghĩa quân quyết tâm chiến đấu, không chịu qui hàng.
Vào ngày 27 tháng 6 năm 1866 (tức ngày rằm tháng 5 năm Bính Tuất), trong lúc đang chỉ huy nghĩa quân đánh nhau với đối phương ở hữu ngạn sông Soài Rạp, ông bị trúng đạn, tử thương. Lợi dụng đêm tối, các thuộc hạ trung thành đã dùng ghe đưa thi hài ông về Mỹ Lồng (nay là xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) để an táng ông
Đền thờ và mộ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng hiện an toạ tại Ấp Chợ, Xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Chôm, tỉnh Bến Tre ở hai khu vực cách nhau khoảng 450m.
1. Đền thờ
Đền nằm cạnh nghĩa trang liệt sĩ xã Mỹ Hạnh và sát cạnh điện thờ Cửu vị thần Nương (dạng thờ mẫu). Cổng và đền thờ chính của đền nằm quay mặt về hướng Đông Nam. Với kiến trúc cũ chỉ còn lại phần nóc của điện thờ chính, xung quanh điện thờ chính và hành lang, cổng, ban thờ thần…? dạng mộ được xây dựng mới vào năm 1965.
2. Lăng mộ Nguyễn Ngọc Thăng
Quần thể lăng mộ mới được sửa chữa và xây lại vào năm 2002, hiện không còn dấu hiệu nhận biết đặc điểm nguyên gốc của lăng mộ. Tạm thời khảo sát khu mộ mới này cho thấy mộ nằm trong một khu đất sâu khoảng 400m tính từ tỉnh lộ…(đi từ Bến Tre – Giồng Chôm – Ba Tri…), mộ ngoảnh mặt theo chính hướng Đông. Kết cấu quần thể mộ chính xây hình gần vuông ốp đá tráng men với cạnh Bắc Nam dài 7,1m; cạnh Đông Tây dài 6,1m. Trên nền khu mộ này có mộ của Nguyễn Ngọc Thăng ở chính giữa và 2 bên là mộ của các cháu Cụ là ông Nguyễn Ngọc Hiệp và Nguyễn Ngọc Thành. Kim tỉnh tất cả đều được xây mới lại và ốp đá tráng men mau xanh.
Kim tỉnh của Nguyễn Ngọc Thăng có dạng xây giật cấp với kích thước dưới là 2,87x1,15x0,8m.
Qua khảo sát hiện trạng cũng như tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy Mộ và đền thờ của Lãnh Binh Thăng không còn đạt các chuẩn mực đối với loại hình lăng mộ dành cho quan lại thời Nguyễn như ở giai đoạn đầu của triều đại này (Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị) tiêu biểu như các mộ của Lê Văn Duyệt, Thoại Ngọc Hầu, Lê Văn Phong..., các khu lăng mộ Hoàng gia ở Tiền Giang, một số mộ ở thành phố Hồ Chí Minh. Phải chăng đây có thể là một hiện tượng có tính chất phổ biến cho sự thoái trào chung về lăng mộ quan lại cao cấp ở giai đoạn nửa sau thế kỷ 19. Mặc dù vậy, hiện nay ngôi mộ và đền thờ của ông lại đang bị xuống cấp, dần quên lãng do nằm sâu trong ấp mà không có đường xá thuận tiện để khách viếng thăm. Do công lao và tấm gương sáng về sự anh dũng hy sinh của ông đối với lịch sử dân tộc là rất lớn, thiết nghĩ, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý cần đầu tư thích đáng để tu bổ, tôn tạo khu lăng mộ của ông sao cho xứng đáng với công lao và góp phần giáo dục truyền thống lịch sử.