Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 11
Truy cập hôm nay: 74665
Tổng số truy cập: 3307180
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

TƯỢNG PHẬT CÁC NƯỚC CHÂU Á

2012-06-13 06:33:28

Đạo Phật do Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập tại miền Bắc Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Sau khi đức Phật đắc đạo, đạo Phật đã được truyền đi khắp nơi, phát triển lên phía Bắc đến vùng núi Tây Tạng, qua miền Trung Á đến Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản với dòng Bắc tông (Đại Thừa); xuống phía Nam đến Sri Lanka, các quốc gia thuộc khu vực Nam Á và Đông Nam Á như: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào…với dòng Nam tông (Tiểu thừa).

Khi du nhập vào các nước, đạo Phật đã hòa nhập với tín ngưỡng tôn giáo riêng của mỗi nước, để hình thành sắc thái văn hóa Phật giáo đặc trưng của mỗi vùng, miền khác nhau, thể hiện qua các công trình kiến trúc tôn giáo, hình thức thờ cúng và nghệ thuật điêu khắc tượng thờ.

Tượng Phật Trung Quốc:

Theo con đường tơ lụa, đạo Phật du nhập vào Trung Quốc khoảng thế kỷ thứ I trước Công nguyên. Buổi đầu, đạo Phật gặp phải sức đề kháng của hai luồng tư tưởng tôn giáo bản địa là Khổng giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên, chẳng bao lâu đạo Phật đã thích nghi và phù hợp với 2 tôn giáo nói trên của người Hoa và hình thành nên một hệ thống thờ cúng Phật giáo đặc biệt đan xen những hình ảnh của cả 3 đạo.

Thời Lục triều (220 - 589), khi đạo Phật đã lan rộng ở Trung Quốc có nhiều hang động ở Vân Cương, Long Môn và Đôn Hoàng trang trí tranh tượng Phật giáo trên vách đá. Những hình tượng trang trí nghệ thuật này còn in đậm phong cách Ấn Độ.

Giai đoạn đầu thế kỉ VII, phong cách Gupta vẫn còn in dấu trên các điêu khắc Phật giáo ở Trung Quốc. Cuối thế kỉ VII, điêu khắc đã thể hiện rõ đường nét nhân chủng Trung Quốc với khuôn mặt đầy đặn và mi mắt dầy hơn.

Vào cuối thế kỷ thứ IX, điêu khắc Phật giáo Trung Quốc có vẻ như đã hoàn thiện. Dưới các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh các hình tượng Phật giáo hầu như ít thay đổi [44, tr.40-41].

Trong các vị Bồ Tát, Quán Thế Âm là vị được thể hiện với nhiều hình thức nhất và cũng được nhiều người sùng bái nhất trong điện thờ Phật giáo Đại thừa Trung Quốc. Về nguyên gốc, Quán Thế Âm ở Ấn Độ là một hình tượng nam giới, nhưng vì có những đức tính thuộc về người phụ nữ như: lòng từ bi, tính dịu dàng phù hợp với tín ngưỡng thờ “mẫu” của Trung Quốc nên sau khi qua Trung Quốc được chuyển hóa thành nữ giới và được thờ phụng, sùng kính như là một vị nữ Phật có quyền năng siêu việt.

 Quan Thế Âm Trung Quốc được diễn tả với nhiều hình thức khác nhau như: Quán Thế Âm tay cầm cuốn kinh sách (BTLS.3690); Quán Thế Âm Nam Hải đứng trên mình rồng,tay cầm bình cam lồ cứu nạn, Quan Thế Âm trong hình tướng nữ tiên, một tay cầm giỏ cá, hai bên có hai vị đệ tử (Thiện Tài và Long Nữ) (BTLS.985). Quan Thế Âm ngồi thiền,Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn, Chuẩn Đề.. Đặc biệt là Quan Âm Tống Tử vừa mang nét dịu dàng của người mẹ vừa mang đặc điểm của tín ngưỡng thờ “Mẫu” của người Trung Quốc. Quan Âm tống tử thường được những phụ nữ Trung quốc hiếm muộn đến cầu khấn để mong sớm có con trai nối dòng.

Tượng Quan Âm tống tử: trong tư thế ngồi, xung quanh là sóng nước cách điệu. Hai tay bế một em bé trước ngực cả hai cùng nhìn về một hướng. Tượng mặc áo choàng, đầu trùm một tấm khăn. Phía sau là vầng hào quang cách điệu ngũ nhạc, một bên có chiếc bình cắm cành dương, một bên là con chim chầu.

 Tượng Phật Nhật Bản:

Đạo Phật được truyền vào Nhật Bản khá muộn, khoảng thế kỉ thứ VI qua đường Triều Tiên nhưng đã nhanh chóng có ảnh hưởng trong đời sống của người dân Nhật.

Tới thời Nara (710 – 794), điêu khắc Phật giáo Nhật Bản vẫn còn chịu ảnh hưởng nghệ thuật Gupta ở Ấn Độ qua việc mô phỏng phong cách này từ Triều Tiên và Trung Quốc. Cuối thời Nara, Phật giáo Nhật ít nhiều chịu ảnh hưởng của Phật giáo thời Đường Trung Quốc.

Thời Heian (794 – 1185) là thời kì phát triển nhất của nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản, đây là giai đoạn sáng tạo thật sự của các nghệ nhân Nhật Bản, không còn những tác phẩm sao chép, bắt chước những khuôn mẫu của Triều Tiên hay Trung Quốc. Hình tượng Phật giáo cũng phong phú thêm do sự xuất hiện của tư tưởng Mật Tông. Hình tượng được chú ý nhiều trong nghệ thuật tạc tượng Phật giáo Nhật Bản là A Di Đà và chư Bồ tát. Đây cũng là giai đoạn Phật giáo Nhật bắt đầu mang dấu ấn bản địa.

Thời đại Kamakura (1185 - 1333), điêu khắc Phật giáo mang tính hiện thực hơn. Các pho tượng Phật đã thể hiện rõ nét nhân chủng Nhật Bản với khuôn mặt nhân hậu, thân hình đầy đặn. Sau thời đại này, điêu khắc Phật giáo Nhật Bản không có sự thay đổi nhiều nữa.

* A - Di - Đà tiếng Sanskrit là Amitabha, theo người Nhật thường gọi là Amida, có nghĩa là Vô lượng quang, Amitayus là Vô lượng thọ. Đây là vị Phật đại diện của đời sau, của thế giới bên kia. Phật A - Di - Đà tượng trưng mặt trời lặn, cũng như cõi Tây phương cực lạc. Với vai trò đấng cứu thế trong học thuyết Tịnh Độ khiến cho biểu tượng A - Di - Đà được nhiều tín đồ Nhật Bản tin theo.

Hình tượng A - Di - Đà xuất hiện rất sớm ở Nhật Bản, vào thế kỷ thứ 9, nhiều đền chùa thờ A - Di - Đà đã được xây dựng trên đất nước Phù Tang. Một trong những hình tượng xưa nhất của vị Phật này ở Nhật Bản có lẽ là hình tượng Phật được đặt trong Zushi (một thứ trang thờ hay còn gọi là khám thờ, dễ dàng mang đi được).

Tượng A - Di - Đà thường được diễn tả trong hai tư thế đứng và ngồi. Đôi khi Phật thường được biểu thị ngồi với đôi chân hoàn toàn được dấu kín trong áo choàng như một dấu hiệu thuộc về Mật tông, có lúc hình tượng vị Phật này lại được biểu thị ngồi với đôi tay làm thủ ấn Dhyana hay Vitarka một mình hoặc với hai môn đồ.

Tượng có khuôn mặt tròn, tóc xoắn nhỏ dạng nụ bèo, trên đỉnh đầu có nhục kế (Unisa) như bát úp xuống, giữa hai hàng chân mày cong, mềm mại nhô lên núm tròn thường gọi là Bạch ngọc hào (Urma) được đính bằng đá. Hai mắt khép hờ, mũi cao, miệng nhỏ và thanh, hơi mỉm cười, cổ cao có ba ngấn. Khoác áo cà sa phủ hai vai hở bộ ngực đầy đặn, trên thân áo có nhiều nếp gấp mềm mại.

 Tượng tạc trong tư thế ngồi kiểu Kim cương tọa hay còn gọi là thế Kiết già (Vajrasama) là một trong tư thế Liên hoa tọa (Padmasanas) với chỉ một bàn chân lộ ra đặt chân trái trên chân phải hoặc ngược lại. Tay tượng trong thế định ấn (Dhyana mudra), hai bàn tay đặt trước lòng đùi, đầu ngón tay cái chạm nhau, hai ngón kế cong giáp lưng nhau.

Tượng ngồi trên bệ gồm 2 phần: phần trên có 5 hàng cánh sen xếp xen kẽ nhau, bao quanh đài sen, eo thắt cổ bồng, dưới là lớp cánh sen lật ngửa còn gọi là “hoa thỉnh nguyệt” phần dưới có nhiều tầng lục giác với những hồi văn hoa thị, chân bệ có văn hoa lá, cạnh góc dạng chân quỳ, được thể hiện dưới hình thức sư tử.

Sau lưng tượng là vòng hào quang, biểu tượng của sự tỏa sáng tự thân.

* Quan Thế Âm trong tiếng Nhật là Kannon. Quan thế âm Bồ tát được sùng bái và thờ cúng từ thế kỷ VII. Hình tượng Quan Thế Âm được phát hiện đầu tiên trong đền chùa ở Nagamo, gần Shinamo được xây dựng năm 602, tượng Quan Thế Âm được thờ chung với bộ tượng A - Di - Đà tam tôn (A - Di - Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí). Tại chùa Yakushi - Ji ở Nara, một tượng đồng của Quan Thế Âm cũng được dựng lên cuối thế kỉ thứ VII.

Ở Nhật Bản, Quan Thế Âm thường được thờ với nhiều hình tượng khác nhau như: Thập Nhất Diện Quan Thế Âm, Thiên Thủ Quan Thế Âm, Thiên Nhãn Quan Thế Âm, Quan Âm Chuẩn Đề.

 Tượng Phật Việt Nam

 Đạo Phật du nhập sang Việt Nam vào khoảng thế kỷ II sau CN bằng hai con đường: đường biển từ phía Nam lên và đường bộ từ phía Bắc xuống.

Trong giai đoạn đầu, Phật giáo Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ, vừa chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc với ảnh hưởng khá sâu đậm của phái Thiền tông.

Từ thời đầu độc lập - thế kỷ X, đạo Phật đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị cũng như đời thường và đã có những chuyển biến, phát triển, hình thành nhiều hệ phái, tạo cho Phật giáo Việt Nam những nét đặc trưng, nổi tiếng trong thời kỳ này là công trình kiến trúc, điêu khắc: chùa Một Cột (Hà Nội) và tượng A di đà bằng đá chùa Phật Tích (Bắc Ninh).

Từ thế kỷ XV, ảnh hưởng đạo Phật chủ yếu đi vào đời sống tinh thần của người Việt và để lại nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc đặc sắc như chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) với pho tượng ngàn mắt ngàn tay bằng gỗ…

Thế kỷ XVIII - XIX, chủ đề tượng thờ trên Phật điện của các ngôi chùa khá phong phú như tượng Di Lặc, tượng La Hán, tượng Tổ, và sự xuất hiện tượng Thích Ca sơ sinh có vành cửu long. Có điểm đặc biệt là ảnh hưởng phái Đại thừa chủ yếu tập trung ở phía Bắc, ở miền Nam là sự kết hợp giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Vì vậy trong Phật điện các chùa phía Bắc vô cùng phong phú các tượng Phật và Bồ tát, La Hán. Riêng tượng Phật Thích Ca cũng có tới 4 loại hình tượng biểu thị cho 4 giai đoạn khác nhau trong cuộc đời đức Phật như Thích Ca sơ sinh, Thích Ca tu thiền, Thích Ca tu khổ hạnh (Tuyết Sơn ), Thích ca nhập Niết bàn. Trong các ngôi chùa ở miền Nam có nhiều chùa chỉ có thờ Phật Thích ca qua các giai đoạn khác nhau (Thích Ca thiền định, Thích Ca nhập Niết bàn).

Tượng Thích Ca sơ sinh được mô tả hình dáng một đứa bé bụ bẫm, mặc chiếc cũn ngắn quấn quanh người đứng trên tòa sen. Tay trái tượng kết ấn, chỉ lên trời, tay phải chỉ xuống đất biểu thị âm dương hài hòa (tay trái - âm chỉ trời là dương, tay phải - dương chỉ xuống đất là âm). Vòng quanh thân hình tượng Thích Ca sơ sinh là vành chín rồng ẩn lượn trong mây, nên còn gọi là tượng Cửu Long.

Hình tượng Thích Ca sơ sinh có vành Cửu Long trên diễn tả lại tích Đức Phật ra đời. Theo Phật thoại Trung Quốc, khi Phật mới ra đời bước chân trên bảy đóa hoa sen, tay phải kết ấn chỉ lên trời, tay trái hạ xuống nói rằng: “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn”. Đồng thời, khi Đức Phật ra đời có Phạm Thiên Vương (vị chúa tể của tam thiên đại thiên thế giới, chủ cõi ta bà) và Đế Thích (Indra – vua của chư thiên ở trên cảnh trời) đã xuống hộ trì và cho chư thiên tung hoa ca hát và có chín con rồng phun nước để tắm cho Ngài.

 Tượng Thích Ca sơ sinh là một trong những tượng thờ khá phổ biến trong chùa Việt. Vào thế kỷ XVII, tượng có vành Cửu Long xuất hiện (chùa Thanh Lam – Thanh Oai – Hà Tây). Sang thế kỷ XVIII, XIX có điểm xuyết thêm trên vành cửu long các loại tượng, phản ánh về thế giới Phật.

Tượng Phật Thái Lan

  Đạo Phật đã sớm có mặt ở Thái Lan. Theo đường biển các nhà sư Ấn Độ truyền bá đạo Phật ở miền Nam và miền Trung Thái. Ở phía Bắc, do người Môn từ Myanmar truyền vào; phía Đông, lại do người Khmer mang tới. Vào cuối thế kỉ VI – thế kỉ XI, quốc gia toàn tòng theo Phật giáo được gọi là Dvaravati có nhiều tác phẩm điêu khắc mang triết lý Phật giáo tiểu thừa và đại thừa bằng đá, đồng và đất nung. Những tác phẩm điêu khắc thường miêu tả đức Phật ngồi giác ngộ và những thời điểm chủ yếu khác trong cuộc đời của đức Phật.

TK XI - XIII, vùng đất Thái nằm dưới ảnh hưởng của vương quốc Khmer vì vậy nghệ thuật Phật giáo Thái Lan rất gần gũi với nghệ thuật Phật giáo Khmer.

Vào thế kỷ XIII - XV, một nhóm người Thái đến từ Trung Quốc đã lập nên vương quốc Sukhothai ở vùng Trung Bắc Thái Lan và có mối quan hệ chặt chẽ với trung tâm Theravada ở Sri Lanka nên phần lớn kiến trúc Phật giáo thời kì này có những nét tương đồng với nghệ thuật Phật giáo Sri Lanka. Những bức tượng Phật mang phong cách Sukhothai có những nét đặc trưng về sự thanh thoát của hình thể, khuôn mặt hiền hòa, thanh tú và một chóp nổi cao trên đỉnh đầu (unisa) hình ngọn lửa. Bước phát triển đáng kể nhất là về cách tạo hình tượng Phật đi, một hình tượng duyên dáng, thon thả, uyển chuyển.

Từ thế kỉ XIV, ở vùng hạ Thái, một vương quốc khác cũng theo Phật giáo được lập nên ở Ayuthaya và tồn tại cho đến khi bị quân Miến Điện cướp phá vào năm 1767. Nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo thời kì này thể hiện rõ ảnh hưởng Phật giáo Môn – Khmer.

 Tượng Thích Ca nhập niết bàn

Tượng được chế tác theo Phật thoại: khi Phật Thích ca về già, trong khu rừng cây sinh đôi, Phật nói với A Nan Đà: “hãy giăng một cái võng, đầu về hướng Bắc. Nửa đêm nay, ta sẽ nhập vào cõi niết bàn”

A Nan Đà tuân lời, giăng võng giữa 2 cây Çala (còn được gọi là Pipala) sinh đôi. Phật đi đến chỗ ấy và nằm nghiêng trên võng, đầu kê cao về phía Bắc, chân này ngay trên chân kia, đây là một tư tưởng liên kết chặt chẽ nhau nhằm cho tâm linh sáng suốt. Thích Ca mất (nhập Niết bàn) trong tư thế như vậy.

Tượng Thích ca nhập niết bàn mặc áo cà sa để hở vai phải, nẹp áo chạy dài xuống chân, nằm nghiêng trên bệ chạm trổ hoa sen, cánh tay trái để xuôi theo chân trái, co bàn tay mặt cạnh má, hai mắt nhắm nghiền, đầu đặt trên gối 2 tầng hai bên có trang trí hoa văn.

Tượng Phật Campuchia

Phật giáo vào Campuchia rất sớm. Nhưng đến TK VI, vương quốc Khmer mới bắt đầu phát triển và bành trướng. Các triều đại Khmer lúc đầu theo cả hai đạo Ấn Độ giáo và Phật giáo.

Sang đến thời kỳ Angkor, Phật giáo được sự bảo trợ của hoàng gia Khmer, đặc biệt dưới thời trị vì của Jayavarman VII (1181 - 1219), nghệ thuật Phật giáo đạt đến đỉnh cao, tiêu biểu nhất là kiến trúc đền đài Bayon nằm trong quần thể kiến trúc Angkor Thom. Hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được tạo với số lượng lớn dưới thời của vị vua này với vật liệu chủ yếu bằng đá. A di đà thường được trình bày trong tư thế ngồi thiền, tư thế “kiết già hàng ma” giống các tượng thờ của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào. Hình tượng Phật ngồi trên các khoanh thân và tán che bằng các đầu của rắn Mucilinda – rắn thần bảo vệ đức Phật khỏi những cơn bão khi ngài đang ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề, được vua Jayavarman VII rất ưa chuộng. Sau này tượng các vua Khmer cũng được chế tác trong tư thế ngồi nói trên. Đây là hình tượng rất phổ biến trong nghệ thuật Phật giáo Khmer.

Phật ngồi trên rắn Mucilinda còn được thấy trong các điêu khắc ở Ấn Độ và Miến Điện, là những nước theo Phật giáo Tiểu thừa - được thể hiện ngồi trong tư thế xếp bằng, hai tay chắp lại, đặt trên lòng trong thế thiền. Phật có khuôn mặt tròn, đầy đặn, mang đặc điểm của chủng tộc Khmer, mũi bè, đôi môi dày, vành môi dưới trề xuống, dường như đó cũng là dấu vết của nghệ thuật Môn - Dvaravati.

 Ngoài những hình tượng Phật Thích Ca, nhóm hiện vật Campuchia còn có ba tấm lá đề cán dài, ở giữa lá đề có hình tượng Phật, những vật này được sử dụng trong các lễ thiêu xác hoặc lễ tôn vương.

TƯỢNG PHẬT CÁC NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
TƯỢNG PHẬT CÁC NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
TƯỢNG PHẬT CÁC NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
TƯỢNG PHẬT CÁC NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
TƯỢNG PHẬT CÁC NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn