TRÂM NGỌC THỜI NGUYỄN - Trần Thị Ngọc Lan
Nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, vào những ngày cuối tháng 07 năm 2011 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử đã đưa vào phục vụ một chuyên đề trưng bày mới với chủ đề “Cổ vật sưu tầm 10 năm đầu TK XXI”.
Chuyên đề tập hợp gồm hơn 300 cổ vật tiêu biểu, độc đáo lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng. Những cổ vật này đa đạng về loại hình và phong phú về chất liệu. Chúng tôi xin được giới thiệu về chiếc trâm làm bằng ngọc hiện có mặt tại chuyên đề này.
Cấu tạo của hiện vật: gồm 2 phần:
- Thanh trâm và bông hoa làm bằng chất liệu ngọc
1. Thanh trâm dài 10,7 cm; rộng 1cm
- Thân có hai đầu:
+ Một đầu được vát hình bầu tròn, đầu này dùng để cài vào tóc nhằm giữ cho tóc được chắc hơn tùy theo kiểu bới.
+ Một đầu có gắn một bông hoa. Phần đầu này được tạo thành một đoạn gấp khúc dài 3cm, nghiêng khoảng 1200 so với thanh trâm và cuối phần gấp khúc đó uốn vào tạo thành một khối hình tròn.
2. Bông hoa: gồm có cuống hoa và hoa
- Cuống hoa: được làm bởi dây kim loại màu vàng. Một đầu dây được quấn 4 vòng vào phần gấp khúc để nối liền với thanh trâm. Từ dây kim loại này được quấn nhiều đường tròn nhỏ liên tục hình lò xo đứng để tạo thành cuống hoa, việc tạo hình lò xo đã giúp cho bông hoa gắn phía trên có sự uyển chuyển, lay động khi chủ nhân sử dụng. Đầu còn lại của dây kim loại được xỏ vào 2 lỗ tròn ở dưới cánh hoa để gắn hoa vào cuống và được khóa mối rất khéo léo.
- Hoa : có dạng là loài hoa phù dung, gồm 3 lớp cánh, đặt xen kẽ nhau. Đường kính hoa: 4,7cm
+ Lớp dưới cùng có 4 cánh gồm 2 cánh lớn và 2 cánh nhỏ. Rìa mỗi cánh hoa cắt khấc 3 phần (phần thứ nhất và thứ ba bằng nhau, phần giữa cao hơn).
+ Lớp giữa cũng có 4 cánh gồm 2 cánh lớn và 2 cánh nhỏ. Rìa mỗi cánh hoa cắt khấc 2 phần bằng nhau.
+ Lớp trên cùng có 5 cánh hoa: hai cánh hoa đối xứng lớn hơn và 3 cánh nhỏ xen kẽ xung quanh. Rìa cánh hoa tròn.
Chính giữa là một nhụy hoa được làm bằng viên đá quý màu đỏ. Hiện vật tương đối nguyên vẹn, tuy nhiên sứt mẻ vài chi tiết ở cánh hoa.
Qua những phát hiện khảo cổ học ở Việt Nam, vào thời tiền sử con người đã có nhu cầu thẩm mỹ. Thời kỳ đá mới với kỹ thuật mài, cưa và khoan tách lõi … họ đã biết cách chế tác ra nhiều sản phẩm trang sức bằng đá, vỏ nhuyễn thể, xương cá, răng thú, các di vật này được tìm thấy ở di tích Tràng Kênh (Hải Phòng), văn hóa Hòa Bình… Bước sang thời đại kim khí, các loại hình đồ trang sức của người Việt cổ cũng đa dạng và phong phú hơn đó là vòng tay, khuyên tai, vòng cổ, vật đeo, trâm cài tóc… được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, phố biến nhất là bằng đồng và các loại đá quý, đá bán quý… thể hiện trình độ chế tác của cổ nhân.
Mỗi một thời kỳ, người Việt lại có phong cách làm đẹp khác nhau thể hiện qua việc sử dụng đồ trang sức cùng kết hợp với trang phục. Tuy nhiên, có một điều đáng ngạc nhiên là trong các hiện vật trưng bày tại các bảo tàng, ngoài những hiện vật tiêu biểu được giới thiệu cho công chúng, hầu như chúng ta hiếm khi thấy được sự xuất hiện của đồ trang sức qua các thời kỳ phong kiến. Phải chăng do chiến tranh, thời tiết hoặc một nguyên nhân nào đó đã làm biến mất đi những loại hình này? Hay cũng có thể chúng vẫn còn được lưu giữ trong nhân dân?
Trở lại với hiện vật trên thì trâm cài bằng ngọc là một trong những hiện vật quý hiếm của dòng sản phẩm trang sức có niên đại thế kỷ 19 của Việt Nam đã được Bảo tàng mua lại vào năm 2008. Đây là vật dụng làm đẹp cho phái nữ và chủ nhân của trâm cài này thuộc tầng lớp thượng lưu thời Nguyễn.
Tài liệu tham khảo
Hà Văn Tấn – Khảo cổ học Việt Nam, tập I: Thời đại đá Việt Nam. Nxb Khoa Học Xã Hội, H, 1998.