Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 8
Truy cập hôm nay: 74445
Tổng số truy cập: 3311436
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).

2012-06-11 16:08:12

Đầu năm 1226, sau những mưu kế sắp đặt của Trần Thủ Độ, nữ vương Lý Chiêu Hoàng (8 tuổi) nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (cùng 8 tuổi). Triều Lý chấm dứt, triều Trần ra đời.

Với sức sống của triều đại mới, nền văn minh Đại Việt bước vào thời kỳ đỉnh cao. Về nông nghiệp, thái ấp, điền trang, ruộng đất tư hữu được mở rộng, công cuộc trị thủy được đẩy mạnh, riêng hệ thống đê điều thủy lợi ở Thăng Long ngày càng hoàn chỉnh, sản xuất thóc lúa được tăng cao, vì vậy mặc dù trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất nước và kinh đô bị tàn phá nhưng lương thực vẫn đảm bảo cho nhân dân ổn định cuộc sống. Về thủ công nghiệp: nghề rèn, đúc đồng, làm gốm, khai khoáng, dệt vải, nghề làm giấy và nghề in, nghề chạm khắc có nhiều tiến bộ. Văn hóa nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu tuồng, chèo, lễ hội phát triển mạnh mẽ, chữ Nôm ngày càng phổ biến, nhiều tác phẩm sử học, văn thơ tự hào dân tộc ra đời trong đó có bộ sử đầu tiên của đất nước: bộ “Đại Việt sử” do người đứng đầu Quốc sử viện là Lê Văn Hưu soạn.

Tổ chức bộ máy trung ương đã có lục bộ (6 bộ: bộ Lại quản lý các quan; bộ Lễ phụ trách việc lễ nghi, ngoại giao; bộ Hộ coi việc kinh tế; bộ Binh quản việc quân sự; bộ Hình coi về pháp luật; bộ Công quản lý việc xây dựng); Hàn lâm viện (cơ quan văn phòng của vua); Ngự sử đài (cơ quan thanh tra, giám sát) [61, tr.180]. Về quân sự, lý luận và kỹ thuật quân sự đều có buớc tiến mạnh với việc ra đời bộ “Binh thư yếu lược”, bộ “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của Trần Hưng Đạo và việc Giảng Võ đường được thành lập; từ đó chính binh, phiên binh được huấn luyện tinh nhuệ, thiện chiến với tinh thần chiến đấu cao, đủ sức đương đầu với những đội quân mạnh nhất thời bấy giờ. Tiêu biểu là quân đội nhà Trần đã liên tiếp đánh bại ba lần xâm lược( 1258 – 1285 – 1288) của đế quốc Mông – Nguyên, đế quốc mạnh nhất đương thời- giữ vững chủ quyền đất nước. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đóng góp vào sự nghiệp chính nghĩa quốc tế: chặn đứng đà tiến quân của đế quốc Mông - Nguyên, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

 Một thành tựu về quân sự đáng ghi nhận là vào cuối thế kỷ XIV, Hồ Nguyên Trừng đã chế tạo được súng thần cơ sang pháo và súng này trở thành một trong những hỏa lực chính trong trận chiến trên sông Luộc (Thái Bình) bắn chết vua Chăm Chế Bồng Nga năm 1390.

Kế tục thời Lý, nhà Trần có nhiều cố gắng trong việc mở rộng biên giới về phía Nam. Cuối thời Trần, lãnh thổ Đại Việt đã đến Thừa Thiên - Huế hiện nay.

Thời Trần đã để lại rất nhiều công trình kiến trúc và di vật nhưng phần lớn đã bị quân Minh phá hủy hoặc mang về Trung Quốc trong những năm chiếm đóng Đại Việt (1414 - 1427), trong đó các loại sách và đồ đồng hầu hết bị mất mát.

* Gốm thời Trần

 Nghề gốm thời Trần tiếp tục có nhiều tiến bộ trên cơ sở truyền thống của thời Lý. Gốm thời Trần có nhiều chủng loại phong phú từ đồ đất nung sử dụng chủ yếu trong xây dựng cho đến loại gốm gia dụng men ngọc, men trắng, men lục, men hoa nâu, men sắt được gia công chế tạo một cách khá trau chuốt. Đặc biệt cuối thời Trần xuất hiện loại men trắng vẽ hoa văn xanh nhạt, bước khởi đầu của sự phát triển mạnh loại gốm xanh trắng ở Hải Dương xuất khẩu đến thị trường Trung Đông, Nhật Bản và Đông Nam Á đầu thế kỷ XV. Những trung tâm chế tạo gốm được biết đến dưới thời Trần là khu vực Thăng Long (Hà Nội), Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa... nổi tiếng nhất là khu vực Mỹ Thịnh (Nam Định) với sản phẩm có hiệu đề chữ Hán “Thiên Trường phủ chế”, “Vĩnh Ninh Trường”...

Tháp đất nung (TK 13)

Từ xa xưa ở Ấn Độ, tháp là nơi cất giữ hài cốt của vua chúa hoặc những nhân vật quan trọng trong xã hội. Khi đạo Phật phát triển, tháp là nơi chứa xá lợi Phật hoặc là phần mộ của các bậc cao tăng đắc đạo. Tháp xuất hiện ở Việt Nam có lẽ vào thời Bắc thuộc, thời Trần tháp được xây dựng khá nhiều nhưng đến nay chỉ còn lại 2 ngọn tháp có quy mô lớn là tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc) và tháp Phổ Minh (Nam Định) trong đó tháp Phổ Minh có 14 tầng cao đến 21m là nơi an trú di cốt vua Trần Nhân Tông (1278 - 1293).

 Vì chứa di cốt các nhân vật được người đời trọng vọng nên nơi có các ngọn tháp đã trở thành điạ điểm hành hương và bản thân ngọn tháp cũng trở thành đối tượng sùng kính của mọi người: ngọn tháp được coi là có công dụng hỗ trợ cho việc thiền định nên người ta đã bắt đầu chế ra các loại tháp nhỏ phân phát cho các tín đồ để dùng tập trung tư tưởng khi thiền định ở bất cứ nơi đâu. Có lẽ niềm tin này cũng được chia xẻ ở Đại Việt nên trong “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” có nhiều đoạn ghi chép về việc các vua thời Lý và thời Trần cho chế tạo hàng ngàn tòa tháp nhỏ bằng đất nung phân phối trong cả nước. Hiện nay các tòa tháp này với các kích cỡ lớn nhỏ đã được tìm thấy rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

 Đó là loại tháp gồm nhiều tầng mặt cắt vuông hoặc hình lục giác, thu nhỏ dần ở các tầng trên và đỉnh tháp thường có hình quả “hồ lô” để hứng nguồn lực siêu nhiên của trời. Các tầng tháp đều có mái hẹp nhô ra và các mặt đều trổ cửa. Trang trí của các tháp nhỏ thường chỉ có tính ước lệ, đơn giản.

Gạch chạm hình hoa cúc (TK 13 – 14) - Đất nung

Gạch hoa sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc thời Trần, chủ yếu dùng để lát nền nhà hoặc đường đi. Gạch có nhiều kích thước và hình dáng khác nhau, thông thường hình vuông cạnh 35cm, dày 6 - 9cm, được chạm nổi, có bố cục hoàn chỉnh, được chế tạo bằng khuôn theo phương pháp in hoa trên mặt viên gạch khi đất còn mềm hoặc dùng khuôn hoa văn để tạo hình. Trên mặt viên gạch trang trí những đường viền nổi bên ngoài, bên trong là hoa cúc chen nhau nhiều cánh. Các họa tiết trên viên gạch sắp xếp hợp lý, chủ đề chính trong hình tròn tạo cảm giác nhẹ và hài hòa với hình dạng vuông nhưng dày và thô của viên gạch.

 Loại gạch này cũng có thể dùng để ốp mặt ngoài của công trình xây dựng tạo nên mảng tường chạm nổi.

Đầu Rồng và đầu Phụng - Đất nung:

Năm 2003, việc phát hiện di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long (Ba Đình - Hà Nội) đã mở ra cho nhân dân Việt Nam một hy vọng thấy lại được hình ảnh kinh đô xưa mà nhiều đời qua tưởng chừng như đã mất dấu. Trong số hàng triệu di vật được tìm thấy bao gồm các loại gốm kiến trúc cổ như gạch, ngói, các hình tượng trang trí trên nóc các công trình kiến trúc của các thời Lý – Trần - Lê, đặc biệt là đầu rồng và đầu chim phụng thuộc thời Trần.

Đầu rồng và đầu chim phượng là một trong những loại hình gốm mỹ thuật, về thực tế nó không có chức năng kiến trúc mà làm nhiệm vụ trang trí, gắn lên mái của cung điện tạo vẻ hoành tráng và vẻ đẹp nghệ thuật của công trình kiến trúc từ phía xa. Chính vì thế mà nó trở thành bộ phận không thể thiếu trong các công trình kiến trúc.

 Đầu rồng và đầu chim phượng bằng đất nung thường được làm với kích thước phù hợp với công trình kiến trúc mà nó được gắn nhưng vì chúng thường có trọng lượng nặng nên các “kiến trúc sư” đương thời đã có sự tính toán kỹ lưỡng sức chịu lực của giàn cột và khung mái đảm bảo cho sự bền vững của chúng sau khi được gắn lên. Đầu rồng thường gắn lên đầu mái cung điện phục vụ các sinh họat thuộc nhà vua. Rồng thời Trần đã khác rồng thời Lý về mào lửa, bờm râu, riêng răng nanh ngắn, sừng nhú lên và trong miệng có ngọc. Nói chung hình rồng thời Trần mập mạp khoẻ khoắn.

Đầu chim phượng được gắn lên đầu mái cung điện của hậu cung những nơi sinh hoạt chính của hoàng hậu. Phượng có cổ dài, mắt tròn, mỏ quặp, đầu nhỏ, bờm gáy thể hiện sự mềm mại.

Tuy không còn nguyên vẹn nhưng hiện vật còn lại của hoàng thành Thăng Long thời Trần làm hình dung một nền kiến trúc Đại Việt hoành tráng, có trình độ thẩm mỹ, mang đậm bản sắc dân tộc.

Ấm men xanh trắng: có hình cầu, quai hình móc tròn, vòi hình đầu chim, đáy bằng. Cổ ấm hình trụ, hơi cao, miệng tròn loe rộng có thành thẳng, có nắp. Ấm có nền men trắng trên vai là một băng hoa sen men xanh xám nhạt.

Cọc Bạch Đằng:

Bằng gỗ lim để thô còn nguyên vỏ cây, đầu được chuốt nhọn. Vào khoảng tháng 4 năm 1288 có rất nhiều cọc tương tự được quân dân nhà Trần cắm thành một trận địa trên một nhánh sông Bạch Đằng thuộc huyện Thụy Nguyên - Kiến An ( nay thuộc Hải Phòng), nơi toàn bộ quân thủy của Ô Mã Nhi sẽ đi qua trên đường rút về Trung Quốc. Khi thủy triều lên, nước sông phủ trùm bãi cọc. Để dụ được quân Mông – Nguyên đi vào bãi cọc đúng thời điểm, quân nhà Trần phải bố trí đánh chặn làm chậm bước quân địch, buộc địch phải đến khu vực trận địa vào ngày đã định lúc thủy triều lên. Đúng ngày giờ đã định, quân Nguyên đến khu vực trận địa cọc. Lúc đó quân nhà Trần do Nguyễn Khoái bơi thuyền ra khiêu chiến nhử quân Mông – Nguyên chạy qua bãi cọc. Do chủ quan, quân Mông – Nguyên đuổi theo. Khi thấy quân địch đã qua bãi cọc, quân Trần quay thuyền đánh trả. Hai bên đang đánh nhau thì quân Trần Hưng Đạo đến. Quân Mông - Nguyên chống không nổi quay thuyền chạy nhưng đến bãi cọc thì thủy triều đang xuống, thuyền quân Mông – Nguyên không kịp trở lái đâm vào cọc, rồi đâm vào nhau tan vỡ. Quân Trần ở phía sau vừa thả thuyền hỏa công vừa xông tới tấn công. Quân Mông – Nguyên lớp bị đốt cháy lớp bị truy sát bỏ thuyền lội vào bờ thì bị phục kích chém giết và bắt gọn. Trận chiến kéo dài từ sáng đến chiều thì kết thúc, toàn bộ thủy quân Mông – Nguyên gồm 600 chiến thuyền bị tiêu diệt làm nên trận thắng kỳ vĩ trên sông Bạch Đằng lần thứ 2.

          Cuối TK XIV, các vua Trần hèn yếu, quan lại thối nát lo ức hiếp dân, nhân dịp đó quân Chiêm, quân Lào thường xuyên xâm phạm biên giới. Cuộc sống của nhân dân ngày càng cùng cực. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra. Trong tình trạng rối ren đó, năm 1400 Hồ Quý Ly, một ngoại thích có thế lực trong triều, chính thức lật đổ nhà Trần, phế truất cháu ngoại là Trần Thiếu Đế (bấy giờ mới 5 tuổi) rồi lên ngôi vua, lập ra vương triều Hồ (1400 - 1407), đổi quốc hiệu là Đại Ngu.

Triều Hồ có nhiều cải cách như: phát hành tiền giấy “Thông Bảo hội sao”, củng cố quân đội, xây dựng kinh đô (Ly cung) và thành Tây Đô (nay gọi là thành nhà Hồ - Thanh Hóa), chuẩn bị chống nhau với nhà Minh, sửa sang luật lệ và việc học hành, đặc biệt là thành lập Y tỳ lo việc chữa bệnh cho dân chúng.

Tuy thời gian tồn tại rất ngắn ngủi, nhưng nhà Hồ cũng đã để lại được một số di vật và di tích: đó là tiền bằng đồng, di tích thành nhà Hồ và Ly cung (Thanh Hóa).

Tiền bằng đồng thời Hồ: có tiền “Thánh Nguyên thông bảo” - niên hiệu của Hồ Quý Ly (1400 - 1401). Tiền “Thánh Nguyên thông bảo” có nhiều tiêu bản khác nhau chứng tỏ có nhiều loại khuôn, có thể được đúc ở nhiều thời điểm nhưng có một điều thống nhất chung: chúng đều là loại tiền kích thước nhỏ và mỏng, lưng tiền để trơn, không có gờ viền mép và lỗ để bảo vệ chữ trên mặt tiền. So sánh với tiền đồng Việt Nam các thời kỳ thì tiền “Thánh Nguyên” là loại nhỏ nhất. Những điều này cho thấy sự quan tâm của nhà Hồ đối với tiền “Thánh Nguyên” là không cao vì nó đi ngược với chủ trương dùng tiền giấy của họ. Tiền “Thánh Nguyên thông bảo” thể hiện sự mâu thuẫn, sự thiếu nhất quán trong chính sách của nhà Hồ, có lẽ sự tồn tại của nó chỉ đơn giản là đánh dấu sự ra đời của triều đại mới hơn là để làm vật trao đổi ngang giá vì trước đó đã có lệnh: “Cấm hẳn tiêu tiền đồng. Không được chứa và tiêu riêng” [54, tr.55-66]

Năm 1406, lấy cớ lập lại nhà Trần, quân Minh (Trung Quốc) vượt biên giới tấn công nhà Hồ. Hồ Quý Ly - 71 tuổi – đã tích cực tổ chức kháng chiến ngăn chặn quân Minh, nhưng vì không được sự ủng hộ của nhân dân, nên quân đội mau chóng tan rã. Nhà Hồ mất, nước Đại Việt lại rơi vào ách thống trị của ngoại bang.

THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).
Xem Ảnh lớn
THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).
Xem Ảnh lớn
THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).
Xem Ảnh lớn
THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).
Xem Ảnh lớn
THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).
Xem Ảnh lớn
THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).
Xem Ảnh lớn
THỜI TRẦN - HỒ (1226 - 1407).
Xem Ảnh lớn