Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 15
Truy cập hôm nay: 73617
Tổng số truy cập: 3306132
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)

2012-06-07 12:48:20

Những tiến bộ cuối thời tiền sử và việc sử dụng kim loại đồng thau khoảng hơn 4.000 năm cách ngày nay ở Việt Nam đã đưa cư dân cổ bước vào thời đại mới: Thời sơ sử – Thời đại kim khí. Vào thời sơ sử trên đất nước đã hình thành 3 trung tâm văn hóa có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đó là Văn hóa Đông Sơn - Hùng Vương dựng nước Văn Lang ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; Văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ; Văn hóa Đồng Nai ở Nam Bộ.

Ba trung tâm văn hóa ở Việt Nam trong thời sơ sử nói trên đã có sự phát triển hoàn toàn độc lập và khác biệt so với các văn hóa cùng thời như Thương - Chu của Trung Quốc và Vệ Đà của Ấn Độ. Nhưng bước ngoặt lịch sử vào năm 179 tr. CN đối với Văn Lang - Âu Lạc và sự du nhập ồ ạt của người Ấn Độ sang vùng Đông Nam Á vài thế kỷ trước Công Nguyên đã làm lụi tàn sự phát triển ấy và đưa lịch sử theo một chiều hướng khác mà hệ quả của nó còn kéo dài đến tận sau này.

Văn hóa Đông Sơn – Hùng Vương dựng nước Văn Lang (Bắc Bộ - Bắc Trung Bộ)

Sau hàng ngàn năm định cư, cư dân Việt cổ đã biến nơi đây thành trung tâm văn minh lúa nước phát triển liên tục từ thời đại đồ đá sang thời đại kim khí với 4 giai đoạn: Văn hóa Phùng Nguyên – Phú Thọ (sơ kỳ đồ đồng), Văn hóa Đồng Đậu – Phú Thọ (trung kỳ đồ đồng), Văn hóa Gò Mun - Phú Thọ (hậu kỳ đồ đồng) với niên đại hơn 4.000 – 2.500 năm cnn và Văn hóa Đông Sơn (sơ kỳ đồ sắt khoảng 2.500 năm cnn), trong đó văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa) phát hiện từ năm 1924 là tiêu biểu nhất.

Cho đến nay di vật văn hóa Đông Sơn đã phát hiện lên tới con số hàng vạn tiêu bản với nhiều loại chất liệu: đá, gốm, đồng, sắt, thủy tinh, gỗ… Trong đó kim loại đồng là nguyên liệu chính để đúc những công cụ sản xuất như: lưỡi cày, rìu, cuốc…; đồ đựng như: thạp, thố, chậu, lọ, bát, ấm…; đồ vũ khí như: giáo, dao găm, lao, lẫy nỏ, mũi tên, qua... ; đồ trang sức nghệ thuật như: vòng tay, vòng ống chân, khuyên tai, vòng cổ, khóa thắt lưng, tượng người, tượng cóc, tượng chim, tượng voi…; đồ nhạc khí như: trống, chuông… Đặc biệt trống đồng Đông Sơn với các hoa văn đặc trưng như: chim mỏ dài, người hóa trang lông chim, thuyền, nhà sàn đã trở thành biểu tượng của văn hóa Việt.

Sự phong phú đa dạng của các vật dụng chứng tỏ cư dân Đông Sơn có một cuộc sống tương đối tiến bộ với nhiều loại nghề: luyện kim đúc đồng, rèn sắt, chế tác đá, chế tạo đồ gốm, thuỷ tinh, nghề mộc và sơn, kiến trúc, đóng thuyền, dệt vải, đan lát… phục vụ cho các nhu cầu cơ bản của con người về ăn, mặc, ở, đi lại [75, tr.331].

Trên lĩnh vực tinh thần, người Việt cổ đã sáng tạo và thưởng thức các loại hình nghệ thuật: âm nhạc, múa hát. Họ cũng đã có tín ngưỡng, tôn giáo nguyên thủy, hình thành các tập tục nhuộm răng, ăn trầu, vẽ mình và các nghi lễ của vòng đời người: cưới xin, tang ma, trong đó việc chôn cất thi hài với nhiều đồ tùy táng quý giá trong những chiếc quan tài bằng gỗ có hình thuyền là táng thức khá độc đáo.

Các loại hình vũ khí phong phú được tìm thấy đồng thời thể hiện qua các hình khắc trên hiện vật… chứng tỏ xã hội Đông Sơn đã có một binh đội vũ trang và như vậy có thể đã có nhà nước cai quản cư dân trong đơn vị xã hội cơ bản là làng xã với lũy tre xanh truyền thống.

Dấu tích khảo cổ có sự trùng khớp tuyệt đối với huyền sử đời Hùng cho phép các nhà sử học khẳng định rằng đây chính là thời dựng nước của người Việt dài hàng ngàn năm với niên đại khỏang hơn 4.000 năm cnn. Trong thời kỳ này hiệu nước là Văn Lang, kinh đô ở Phong Châu (Phú Thọ ngày nay), người đứng đầu là các vua Hùng, liên tục truyền qua nhiều đời và đã đánh bại nhiều cuộc chiến tranh xâm lược từ phương Bắc, bảo vệ được độc lập, tiêu biểu là cuộc kháng chiến chống quân Tần năm 218 tr. CN của liên minh hai bộ lạc Tây Âu và Lạc Việt. Cuối thời kỳ, khỏang năm 208 tr. CN, một thủ lĩnh Tây Âu là Thục Phán thay thế vua Hùng, xưng hiệu An Dương Vương, xây thành Cổ Loa, lập ra nước Âu Lạc.

Thời đại Hùng Vương – An Dương Vương được xem là thời kỳ hình thành tính cách, lối sống, truyền thống dân tộc và để lại dấu ấn không bao giờ phai trong lịch sử Việt Nam.

v       Hiện vật văn hóa Phùng Nguyên (Phú Thọ)

Các loại rìu tứ giác, chày, vòng tay, bàn mài… bằng đá Bazan thuộc Văn hóa Phùng Nguyên là đỉnh cao nhất của kỹ thuật chế tác đá, là tiền đề kỹ thuật để cư dân Việt cổ chuyển sang thời đại kim khí.

Rìu đá có hình dạng gần như hình chữ nhật đứng, được chế tác rất công phu với kỹ thuật mài và cưa, được sử dụng khá đa năng trong nông nghiệp, trong chế tác vật dụng…

 v       Công cụ sản xuất thuộc văn hóa Đông Sơn

Gồm các loại rìu, lưỡi cày…bằng đồng. Rìu đồng văn hóa Đông Sơn có nhiều kiểu lưỡi: xéo, xoè, hình chiếc hài… có lẽ được chế tạo để sử dụng trong những điều kiện khác nhau. Lưỡi cày đồng chế tạo cân đối phù hợp với điều kiện canh tác trên ruộng nước, chúng được đúc với kích thước nhỏ, có hình con cá đuối đầu nhọn thân bầu, họng tra cán khá lớn nhằm giữ chắc lưỡi cày trước một lực mạnh tác động khi canh tác.

 v       Vũ khí thuộc văn hóa Đông Sơn

Gồm các loại như: giáo, lao, mũi tên, kiếm, dao găm, rìu chiến, mảnh giáp che ngực…

Rìu chiến: có hình dạng một con dao chặt thịt hiện nay với mũi xéo, lưỡi dài ở dưới và sống ngắn ở trên. Loại này thường kích thước nhỏ, họng tra cán hẹp, chủ yếu dùng trong tự vệ.  

 Dao găm Đông Sơn thường mỏng và có bản rộng với mũi nhọn, hai cạnh sắc với phần chặn tay không rõ ràng nhưng chế tác cầu kỳ. Cán dao có nhiều kiểu: chữ T, củ hành hoặc hình người phụ nữ với trang phục chỉnh tề. Cán dao có hình người phụ nữ là một trong những cơ sở để tìm hiểu về y phục và trang sức thời Hùng Vương.  

Dao dẹp, cân đối với mũi nhọn và cạnh sắc 2 bên như kiểu mũi lao, cán dao tròn hình củ hành được trổ thủng chung quanh nhiều lớp hình chữ nhật đứng từ trên xuống dưới. Phần chặn tay hầu như không có: Đây chính là điểm yếu về kỹ thuật của người xưa vì dao găm không có phần chặn tay khó thể đảm bảo an toàn cho tay người sử dụng trong động tác đâm.  

  Mũi lao, mũi tên là vũ khí đánh xa. Mũi lao dùng để phóng ra sát thương, có thể được trang bị dây thu hồi. Mũi tên được bắn ra bởi các loại nỏ. Khảo cổ học đã phát hiện kho mũi tên đồng trong thành Cổ Loa xưa – kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương (nay thuộc Đông Anh – Hà Nội). Mũi tên đồng khá độc đáo: đầu có ba cạnh sắc, thuôn dài để có thể cắm sâu bám chắc vào mục tiêu.

Mũi giáo có hình tam giác cân thuôn dài, dẹp và nhọn với 2 cạnh sắc ở 2 bên, khu vực đường trung tuyến hơi gồ lên tạo thành sống giáo ở 2 mặt trước sau. Họng tra cán tròn đường kính khá lớn có lỗ đóng chốt chặn nhằm giữ chắc lưỡi giáo khỏi bung khỏi cán khi dùng lực quá mạnh. Phần cuối mũi giáo thường đúc trổ thủng cân đối 2 - 4 khe hở nhỏ.

Trống gồm mặt và thân trống. Thân trống chia ba phần rõ rệt: tang, thân và chân. Mặt, tang, thân đều được đúc nổi các hoa văn đặc trưng: Mặt trống có mặt trời nhiều tia và các vòng hoa văn răng cưa, chim mỏ dài bay theo chiều từ phải sang trái. Tang trống có vòng hoa văn răng cưa, đoạn thẳng ngắn song song, vòng tròn tiếp tuyến. Thân trống có hoa văn hình thoi, vòng tròn có chấm, vòng hoa văn răng cưa, người hóa trang lông chim, người chơi nhạc cụ, giã gạo, thuyền, nhà…

Trống có bốn quai đôi đối xứng trên thân, quai trang trí những đường xương cá. 

THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)
Xem Ảnh lớn
THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)
Xem Ảnh lớn
THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)
Xem Ảnh lớn
THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)
Xem Ảnh lớn
THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)
Xem Ảnh lớn
THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)
Xem Ảnh lớn
THỜI SƠ SỬ – HÙNG VƯƠNG DỰNG NƯỚC (Năm 2.879 tr. CN – Năm 179 tr. CN)
Xem Ảnh lớn