THỜI NGUYỄN (1802 - 1945)
Xóa bỏ triều Tây Sơn, thống nhất một lãnh thổ rộng lớn từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài cũ, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lập ra triều Nguyễn, triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Xóa bỏ triều Tây Sơn, thống nhất một lãnh thổ rộng lớn từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài cũ, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lập ra triều Nguyễn, triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu (1802 - 1883), triều Nguyễn theo Nho giáo, có nhiều cố gắng trong việc quản lý và xây dựng đất nước. Do thiếu sự quyết đoán nên tên nước được đổi nhiều lần: Việt Nam (1804), Đại Việt (1813) và cuối đời Minh Mạng xác định là Đại Nam (1838). Để kiểm soát đất nước, nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), xây kinh thành, tiến hành một số cải tổ hành chính để quản lý lãnh thổ, trong đó cuộc cải cách năm 1831 của Minh Mạng đổi các dinh trấn trong cả nước thành 30 tỉnh là có tác dụng tích cực nhất. Nhà Nguyễn ban hành Hoàng Việt luật lệ, tổ chức quân đội với các binh chủng tượng binh, thủy binh, pháo binh và các loại lính: thân binh (bảo vệ vua và hoàng gia), cấm binh (phòng thủ hoàng thành), biền binh (còn gọi là tinh binh là lính ở kinh thành và địa phương), thuộc binh (bảo vệ các quan)… Súng đại bác được đúc rất nhiều lên tới hơn ngàn khẩu dùng đặt bảo vệ kinh thành và các tỉnh thành địa phương. Về mặt ngoại giao, nhà Nguyễn thần phục nhà Thanh, khống chế Campuchia, Lào, còn với Xiêm La chính sách không ổn định: lúc hoà hoãn, lúc căng thẳng. Với các nước Anh, Pháp, Mỹ là chính sách “đóng cửa” không giao thiệp về ngoại giao cũng như làm ăn buôn bán [60, tr. 453].
Về nông nghiệp, nhà Nguyễn đo đạc lại ruộng đất, áp dụng chính sách quân điền, lập đồn điền, tổ chức khai hoang, ở Nam Kỳ hình thành kinh tế vườn, lúc này nhiều giống hoa quả hạt rau củ mới như hoa hồng, trái nho, cà phê, xà lách, khoai tây…được du nhập vào Đại Nam. Thủ công nghiệp có phát triển nhưng phần lớn do nhà nước quản lý, tổ chức; thủ công nghiệp nhân dân chỉ là những ngành nghề chế tác đồ nhật dụng gắn chặt với nông nghiệp, không thay đổi về phương thức sản xuất. Đã thấy có sự manh nha của ngành cơ khí qua việc chế tạo xe “thủy hỏa ký tế”, thuyền máy chạy hơi nước…được ghi chép trong Đại Nam thực lục. Về thương nghiệp, dù đường xá, kênh sông được xây đắp và khai đào khá nhiều nhưng việc buôn bán cũng không phát triển do chính sách thuế nặng nề của nhà nước. Về ngoại thương, việc buôn bán với nước ngoài bị hạn chế tối đa: chỉ có nhà buôn người Hoa, Xiêm La, Mã Lai, Ấn Độ được chấp nhận, còn thương nhân phương Tây bị khước từ. Nhà nước đã tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài nhưng thực tế vì không thay đổi tư duy nên kết quả không khả quan. Trong khi đó, có nhiều người Việt Nam đi ra nước ngoài, thấy được những tiến bộ kỹ thuật cũng như đường lối chính trị mềm dẻo của các nước nên họ đã dâng sớ đề nghị canh tân đất nước, nhưng triều đình không chấp nhận.
Văn hóa thời Nguyễn nở rộ với hàng loạt tác phẩm sử học, văn học, y học, địa chí… trong đó truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) bằng chữ Nôm của Nguyễn Du đạt tới mức hoàn thiện và trở thành tuyệt tác văn chương Việt Nam. Giáo dục vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo nhưng có một điểm mới là vào năm 1836, Minh Mạng cho thành lập “Tứ dịch quán” chuyên dạy tiếng nước ngoài như tiếng Pháp, tiếng Xiêm La cho một số giám sinh…
Tuy nhiên tất cả những điều đó vẫn không che lấp một sự thực là các vua Nguyễn đã không tận dụng được vận hội mới đầu TK XIX của Việt Nam để canh tân đất nước mà trái lại còn không kiểm soát được tình hình: nạn mất mùa, thiên tai, bệnh dịch, thuế khóa nặng nề, quan lại ức hiếp, việc cấm đạo Thiên Chúa…đã là những vấn đề làm cho xã hội thời đầu Nguyễn liên tục bị rối ren, tiếp đó là nhiều cuộc khởi nghĩa, nổi dậy với những ngọn cờ đủ loại sắc màu từ nông dân, tôn giáo, nho sĩ, sắc tộc, bất mãn nội bộ… nổ ra từ Bắc vào Nam đã chứng minh nhà Nguyễn rất lúng túng trong việc lãnh đạo đất nước.
Sau nhiều năm chuẩn bị, năm 1858 tại Đà Nẵng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Việt Nam. Ban đầu nhà Nguyễn tổ chức kháng chiến nhưng không đủ sức chống cự nên dần dần phản bội đất nước, ký những hàng ước cắt đất cho giặc. Năm 1883 nhà Nguyễn chính thức đầu hàng và trở thành tay sai cho thực dân Pháp. Nhân dân Việt Nam tiếp tục chiến đấu chống “cả Triều lẫn Tây”.
Trong gần nửa thế kỷ từ năm 1885, qua nhiều cuộc khởi nghĩa dưới nhiều khuynh hướng tư tưởng giai cấp khác nhau không thành công, đến năm 1930 nhân dân Việt Nam đã tìm được con đường đúng đắn: làm Cách mạng Vô Sản. Ngày 3 - 2 - 1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời và nắm trọn ngọn cờ lãnh đạo: Trải 3 cao trào Cách Mạng: 1930 - 1935, 1936 - 1939, 1939 - 1945, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh, tận dụng thời cơ lịch sử, nhân dân Việt Nam đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên cuộc Cách Mạng tháng Tám đánh thực dân Pháp, đuổi phát xít Nhật, lật đổ chế độ quân chủ phong kiến tay sai nhà Nguyễn, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, mở ra một thời đại mới độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Thời Nguyễn để lại rất nhiều di vật và di tích, đặc biệt là di tích kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 và các di vật thuộc hòang tộc. Điều đáng tiếc là phần lớn chúng đã bị phá hủy trong các cuộc chiến tranh sau đó hoặc bị lấy đi bởi các lực lượng xâm lược.
- Con dấu “Hoàng Đế Tôn Thân Chi Bảo”
Dưới thời Nguyễn, con dấu của hoàng gia: vua, hoàng hậu, quốc mẫu, thái hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu, thái tử, thái phi… đặc biệt của một số cung điện được gọi là “bảo”, riêng dấu của vua còn được gọi là “tỷ”. Bảo thường làm bằng vàng nên có tên Kim Bảo, tỷ thường làm bằng ngọc hay ngà nên có tên Ngọc Tỷ, gọi chung là “Kim Ngọc Bảo Tỷ” . Vua Nguyễn có khá nhiều kim ngọc bảo tỷ, mỗi con dùng cho một mục đích khác nhau, nhưng hình thức đều là loại khối chữ nhật có mặt vuông với núm dấu được thiết kế thành nhiều hình rồng khác nhau. Hiện nay thống kê được khoảng 14 bảo và 5 tỷ chuyên dùng cho việc quân quốc trọng đại tức việc lớn của nhà nước. Thí dụ như con dấu “ Sắc Mệnh chi bảo” thường đóng trên các văn bản sắc phong thần hoặc phong chức; con dấu “Hoàng Đế chi tỷ” thì đóng trên các tờ chiếu nhân dịp đại xá hoặc dịp cải nguyên (thay đổi niên hiệu)…tuy nhiên đó chỉ là thống kê trên hình dấu, còn con dấu thì chưa có Bảo tàng nào công bố quyền sở hữu. Năm 1945, sau khi Cách Mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại đã nộp ấn kiếm tượng trưng quyền lực nhà Nguyễn cho chính quyền Cách Mạng. Những hiện vật quý giá này- không rõ gồm bao nhiêu bảo tỷ, kim sách, vương miện… đã được chuyển về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam- Hà Nội. Năm 19?? đã xảy ra một vụ trộm lấy cắp mất một con dấu (bảo)bằng vàng của triều Nguyễn đang trưng bày tại đây. Khi Công An phá được vụ án thì chiếc bảo này đã bị kẻ gian phá ra bán theo giá vàng, một “quốc bảo” đã vĩnh viễn mất đi.
Các bảo tỷ có tính chất quốc gia thường cất giữ ở điện Trung Hòa trong khu vực điện Cần Chánh thuộc Đại Nội, mỗi bảo tỷ có một hộp đựng chạm trổ, sơn son thếp vàng được niêm phong và sắp xếp theo một trật tự nhất định cất trong những chiếc tủ sơn son thếp vàng. Việc sử dụng bảo tỷ được quy định rất nghiêm ngặt, mỗi lần đóng dấu gọi là “hầu bảo” có nhiều người tham dự thuộc Nội các, Thị vệ, Khoa đạo, Nội thần, Trực thần, Cung giám và các viên quan giám sát kiểm duyệt việc “hầu bảo” thuộc hàng ngũ thân binh… Nơi đóng dấu thường là ở giữa gian tả nhất (gian nhà thứ nhất bên trái) điện Cần Chánh trên một cái án thư rộng đặt giữa gian nhà. Kết thúc công việc đóng bảo tỷ, các cơ quan hữu quan phải lập biên bản ghi vào sổ. Khi tham gia “hầu bảo” các quan phải mặc phẩm phục theo quy định và phải có thái độ hết sức nghiêm túc, kính cẩn [84, tr.335-336].
Con dấu “Hoàng đế tôn thân chi bảo” được dùng đóng trên các bản văn phong tặng cho người trực hệ họ vua hoặc tiến dâng tên húy, thụy hiệu cho các vua Nguyễn. Theo ghi chép của Khâm Định Đại Nam Hội Điển sự lệ thì con dấu này được đúc năm Minh Mạng thứ 8 (1827) với chất liệu vàng mười, nặng 234 lạng 4 tiền 3 phân. Tuy nhiên con dấu “Hoàng đế tôn thân chi bảo” tại đây là con dấu làm bằng ngà voi nặng 275gram.
Con dấu “ Hoàng đế tôn thân chi bảo” bằng ngà có hình khối chữ nhật mặt vuông, có màu son đỏ sơn chung quanh,núm dấu là một con rồng trên bệ với đầu ngửng lên, thân khoanh thành hình số 8 ngả ra hai bên, đuôi có vây dựng đứng thẳng hàng với đầu. Bệ rồng gồm 2 cấp được gắn vào thân dấu bằng ốc vít ở 4 cạnh vuông, dọc 2 bên rồng mỗi bên có 1 hàng chữ Hán dạng khải viết ngược. Bên phải là 9 chữ: “Minh Mạng bát niên thập nguyệt bát nhật tạo” (Làm vào ngày tốt tháng 10 năm Minh Mạng thứ 8 (1827). Bên trái có 10 chữ: “Thập tuế kim trọng nhị bách tam thập tứ lạng” ( Vàng 10 tuổi, nặng 234 lạng). Mặt dấu có 6 chữ Hán dạng triện “Hòang Đế Tôn Thân Chi Bảo”.
Theo các nhà nghiên cứu thì con dấu bằng vàng đã mất trong vụ biến loạn kinh thành năm 1885, đây là con dấu được Đồng Khánh cho tái tạo lại khoảng sau năm 1885 phục vụ kịp thời yêu cầu của nhà vua trong việc phong tặng cho thân nhân.
- Cuốn sách phong bằng đồng truy tặng hoàng thân Nguyễn Phúc Miên Áo làm Phú Bình Công:
Dưới thời Nguyễn, sách được làm bằng 5 loại chất liệu: sách bằng vàng (kim sách), sách bằng bạc (ngân sách), sách bằng đồng (đồng sách), sách bằng lụa (thể sách), sách bằng giấy (chỉ sách) trong đó sách bằng giấy là các loại sách thường như sách sử, sách thuốc, sách bói tóan… dùng đại trà, không có loại sách giấy dùng phong tặng mà chỉ có loại “sắc phong”, “chiếu” hoặc “chỉ” dùng 1 tờ giấy loại tốt vẽ rồng mây được đóng “bảo, tỷ” để phong tặng thần, điều động các quan, ban bố chính sách… 4 loại sách còn lại là loại sách đặc biệt do vua phong tặng vì vậy còn gọi chúng là “sách phong” tức sách phong chức tước.
Sách phong chức sẽ được cấp phát kèm con dấu nên còn gọi là “sách bảo” nếu phong cấp cho hoàng hậu, thái tử… hoặc “sách ấn” nếu phong cấp cho người trong hoàng tộc. “Bảo” hoặc “ấn” thường có cùng chất liệu với sách. Chữ trong sách gọi là “sách văn”. Ngoài ra trong nhân dân cũng có loại sách bằng đồng ghi lại thân thế sự nghiệp của các vị lương thần, danh tướng, hoặc một sự kiện quan trọng nào đó…
Sách phong của Phú Bình Công còn nguyên vẹn, được chế tạo hoàn toàn bằng đồng đỏ cán thành lá. Sách có 5 tờ hình chữ nhật đứng gồm bìa trước, bìa sau là tờ đơn, ở giữa là 3 tờ đôi. Các tờ sách được đục thủng 4 lỗ ở phía phải theo chiều dọc, gáy sách nằm ở phía phải và sách được mở từ trái sang phải theo kiểu sách chữ Hán.
Sách có màu nâu xỉn ở tờ bìa, các tờ trong màu hơi đỏ, đôi chỗ có vài chấm xanh rỉ đồng, được trang trí tương đối đơn giản.
- Bìa trước và bìa sau trang trí giống nhau theo thủ pháp chạm, đột, dập: ở giữa bìa là một khung chữ nhật 16,5 x 8 cm bố trí đề tài chính: Long Vân Sơn Thủy (Rồng Mây Non Nước). Bức tranh Long Vân Sơn Thủy này có những đường viền trơn khoảng 0,2cm. Phía ngoài đường viền này là một khung viền lớn 4 góc đột chạm hoa sen, các cạnh trang trí hồi văn, những ô trám kép mà bên trong là hoa thị, bên ngoài là nửa bông mai.
Bìa được chừa lề mỗi bên trên dưới rộng 0,6cm.
Ba tờ phía trong gồm 6 trang bố cục như sau: trang 1: 24 chữ, trang 2: 51 chữ, trang 3: 41 chữ, trang 4: 52 chữ, trang 5: 50 chữ, trang 6: 47 chữ, tổng cộng 265 chữ theo đúng các quy định viết văn bản dưới thời Nguyễn.
Chữ Hán:
維 嗣 德 拾 捌 年 歲 次 乙 丑 正月 辛 酉 蒴 越 陸 日 丙 寅 承 天 興 運 皇 帝 若 曰
朕 惟 王 者 仁 親 緣 情 而 制 禮國 家 悼 往 破 格 以 推 恩 蓋 至 性 罔 間 然 枝 葉 同 夫 根 本 故 親 愛 而 已 矣 雨 露 繼 于 雷 霆 所 以 敘 彝 倫 而 昭厚 道 也 睠 惟 故 富 平 公 得 革 銀 湟 衍 派 玉 葉 聯 輝 承 心 法 之 傳 性 於 仁 厚