THỐ ĐỒNG ĐÔNG SƠN LẠ TRANG TRÍ CÓC VÀ CHUÔNG CỦA BẢO TÀNG LỊCH SỬ - TP. HỒ CHÍ MINH - Trần Thị Thanh Đào, Nguyễn Văn Quốc
Trong các hiện vật có chất liệu kim loại do Hải quan TP. Hồ Chí Minh giao Bảo tàng lịch sử năm 2005 có một tiêu bản có hình dáng một chiếc lẳng hoa khá lớn với đường kính miệng là 35cm, chiều cao là 26cm.
Thố có miệng loe, vành miệng bẻ ngang, có bề rộng là 4cm, trên bề rộng vành miệng có 2 đôi quai đặt nối tiếp, mỗi quai gồm 3 đường vòng cung xếp khít nhau, giữa 2 đôi quai mỗi bên có đắp nổi 2 tượng cóc cách đều mỗi quãng 15cm, tượng cóc nằm, tư thế như chớm nhảy, đầu hơi chếch lên và hướng ra ngoài. Giữa các quai và tượng cóc còn có 2 dải văn vạch xéo và song song viền giữa 2 dải văn đường tròn tiếp tuyến.
Trên thân có 2 dải hoa văn: một dải sát vành miệng và một dải sát chân đế, cách nhau 10cm, mỗi dải hoa văn có 2 đường hoa văn vạch đứng song song, xen giữa là một dải hoa văn đường tròn có chấm ở tâm cách đều và nối tiếp.
Dưới vành miệng ngay trên đôi quai là 2 móc nhỏ hình vòng cung, mỗi móc có treo 1 chuông hình bán cầu, 2 bên xẻ rãnh (không thấy quả lắc bên trong). Chuông cao 5cm, đường kính 2cm. Chân đế loe và bề rộng vành ngoài chân đế cũng là 4cm, cùng kích thước với bề rộng vành miệng tạo thế cân đối cho sản phẩm.
So sánh với các tiêu bản hiện có ở Bảo tàng lịch sử - TP.HCM (5 tiêu bản) nhưng kích thước nhỏ hơn (đường kính 5,2cm, cao 6cm) nhận về bảo tàng năm 1938 và một số nữa bổ sung từ năm 2003 và với tiêu bản tìm thấy tại Thiệu Dương, Thanh Hoá (*) thì đây là loại hình thố đồng hiện diện trong văn hoá Đông Sơn và về hình dáng chúng rất tương đồng: miệng loe, thân hình phểu, đáy bằng, vành miệng có 2 quai nổi. Trên vành miệng có trang trí nổi những hoa văn đường tròn tiếp tuyến và trên thân cũng có trang trí hoa văn vạch đứng song song, duy chỉ không có đắp nổi tượng cóc trên vành miệng và không có treo thêm chuông bên dưới như tiêu bản Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM đang có.
Chuông dạng này còn thấy treo trên bao tay đồng tìm thấy tại Làng Vạc, Nghĩa Đàn, Nghệ An (*) và trên Nhạc đồng tìm thấy trong quan tài hình thuyền Việt Khê, Hải Phòng (*).
Với các đặc điểm có tượng cóc và chuông, có thể đây là một tiêu bản thố đồng khá hiếm thuộc văn hoá Đông Sơn có niên đại 2500-2000 năm cách ngày nay đã được Bảo tàng phục hồi để mang ra trưng bày phục vụ công chúng.
Tài liệu tham khảo
(*) Cổ vật Việt Nam - Bộ Văn hoá Thông tin - Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bảo tàng lịch sử Việt Nam xuất bản năm 2003, tr. 58, tr. 62, tr.63.