Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 13
Truy cập hôm nay: 76144
Tổng số truy cập: 3308659
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

SƯU TẬP QUA ĐỒNG “LONG GIAO” CỦA NHÀ SƯU TẬP NGUYỄN VĂN PHÅM - Đỗ Như Kiếm

2012-06-13 11:43:00

Vào trung tuần tháng 12 năm 2006, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.Hồ Chí Minh phối hợp với nhà sưu tập tư nhân là ông Nguyễn Văn Phẩm trưng bày chuyên đề “Công cụ, vũ khí thời đại kim khí ở Nam bộ” giới thiệu một số công cụ và vũ khí bằng đồng. Đặc biệt, bộ sưu tập qua đồng hơn 100 chiếc là điểm nhấn quan trọng trong cuộc trưng bày.

Theo tác giả về bộ qua đồng này thì ông đã bỏ nhiều công sức sưu tầm từ năm 1990 đến 2006, phần lớn tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai. Cũng tại nơi đây vào những năm đầu thập niên 80, các nhà khảo cổ học đã từng phát hiện 19 tiêu bản qua đồng, địa điểm tìm thấy những chiếc qua này nằm trên sườn đồi 57 đất đỏ bazan do ngöôøi daân trong quaù trình làm rẫy đã phát hiện hàng trăm chiếc ở độ sâu 0,2m, trong đó có rất nhiều chiếc qua đồng bị vỡ vụn nát.
Các loại “qua“ Long Giao kích thước lớn, trọng lượng khá nặng, toàn thân phủ lớp patin dầy màu xanh xám và bị bong tróc nhiều chỗ làm mất hoa văn trang trí. Chúng có cấu tạo thành ba phần rõ rệt: đốc, chuôi (hai bên có cánh nhỏ hình mang cá khá cân xứng) và lưỡi. Hình dáng chuôi và đốc tương đối giống nhau, chuôi ngắn gần hình thang với các cạnh thẳng hơi cong, đốc giống hình một lưỡi dao với 1 cạnh thẳng và hợp 1 cạnh lượn cong thành mũi vát nhọn. Dọc theo rìa cạnh thẳng của đốc, tất cả tiêu bản đều có 3 lỗ hình chữ nhật dài để xỏ dây buộc cán, các lỗ này nằm trên một đường thẳng, kích cỡ gần bằng nhau phụ thuộc vào chiều dài của đốc. Lỗ xỏ dây kết hợp với hai cánh giúp cố định một cách chắc chắn lưỡi qua với cán gỗ của nó. Lưỡi là bộ phận biến dạng nhiều nhất, sống lưỡi dày ở giữa, mỏng dần về hai bên và vát nhỏ về phía mũi, góc lưỡi mở rộng hợp với đốc thành một góc “tù”, rìa lưỡi phía dưới sắc bén phát triển dài theo cạnh cong của đốc, rìa trên của lưỡi ở nhiều chiếc cũng vát mỏng tới tận chuôi. Cùng với trọng lượng, độ bén nhọn, sự mở rộng rìa lưỡi là một đặc điểm kỹ thuật bộc lộ tính năng ưu việt của nhóm “qua” này, công dụng ngoài chém, bổ người ta còn có thể lia quét nhằm mở rộng tối đa tầm hoạt động của “qua” và đó cũng là khả năng sát thương của nó.
Nhìn chung, bộ sưu tập qua đồng Long Giao ở đây có thể chia thành hai nhóm chính: Lưỡi cong và lưỡi thẳng, về từng loại lại không giống nhau hoàn toàn, kích thước không đều, độ dày, mỏng, trọng lượng khác nhau và đặc biệt một số tiêu bản có hoa văn (đều đối xứng hai mặt) nhưng lại khác biệt chi tiết ở ngay cả những chiếc gần nhau về hình dáng nhất, chứng tỏ chúng được đúc bằng những khuôn hoàn toàn khác nhau, điều đó cho thấy kỹ thuật và trình độ đúc đồng của cư dân cổ thời kỳ này khá phát triển. Xét về cấu tạo hình dáng lưỡi, kích thước và trọng lượng, chúng tôi có thể chia nhóm qua Long Giao thành 2 loại chính như sau:
- Loại qua lưỡi cong (Hình 1 – 64 hiện vật): có lưỡi cong hình mỏ chim, góc lưỡi mở rộng khoảng 1300, mũi rất nhọn và sắc. Các loại qua này có độ dài từ 22 – 27cm, lưỡi rộng 6 – 8cm. Trên thân không có hoa văn trang trí. Một số tiêu bản, trên phần sống gần chuôi có 1 đến 3 lỗ tròn thẳng hàng đường kính khoảng 1cm.
Đặc biệt một tiêu bản có hình dáng giống như “qua” lưỡi cong nhưng đầu lưỡi chặt góc và cắt tròn chứ không nhọn. Phần lưỡi gần đốc trang trí hoa văn hình tròn với những đường hoa văn đồng tâm (chấm dải, khép kín và cánh sao) bao quanh ba vòng tròn xoắn ốc tiếp xúc nhau. Trên đốc cũng có dải hoa văn hình chữ U chạm chìm với những đường chấm nối nhỏ. (Hình 2)
- Loại qua lưỡi thẳng (Hình 3 - 45 hiện vật): Có dáng giống như loại trên nhưng lưỡi qua kiểu này thẳng, mũi nhọn hình tam giác cân, bề rộng của lưỡi gần như bằng nhau (3 – 4cm) giữa có sống nổi. Góc lưỡi mở rộng khoảng 1000, dài từ 25–30cm. Gần một nửa số tiêu bản loại hình này có chạm khắc hoa văn hai mặt trên chuôi, đốc và lưỡi (phần sát chuôi) bằng những khung hoa văn hình bình hành với môtip trang trí như nhau, bên ngoài là đường diềm làm khung trang trí hoa văn kẻ sọc dày xen kẽ đường xoáy trôn ốc hình ovan, bên trong là hai dãy các vòng tròn xoáy trôn ốc nối với nhau theo từng cặp giống chữ S.
- Ngoài hai loại trên còn một tiêu bản khá độc đáo (Hình 4): Kích thước  lớn, kiểu dáng đẹp, nguyên vẹn, dài 60cm, bản lưỡi rộng 4cm rất sắc bén, lưỡi cong như lưỡi kiếm, mũi nhọn. Đặc biệt, lưỡi qua có 2 sống nổi chạy dài tạo thành một rãnh lưu huyết, có thể tác dụng làm cho lưỡi qua đâm sâu hơn, bớt sức cản. Hai mặt của qua trang trí đối xứng hoa văn hình học tinh xảo: hình tròn, tam giác, hình chiếc khánh và những đường viền. Đốc có dáng đuôi cá.
Nhận xét:
Sưu tập qua đồng Long Giao của nhà sưu tập Nguyễn Văn Phẩm là bộ sưu tập tương đối lớn, gây được sự chú ý cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm về lịch sử phát triển Đông Nam Bộ cũng như vùng đất phía Nam. Mặc dầu chưa xác định chính xác vị trí tìm được của chúng ở Long Giao – Cẩm Mỹ nhưng xét về đặc điểm, hình dáng, kích thước của chúng với tư liệu của các nhà khảo cổ học đã điều tra, chúng tôi nhận định: chúng xuất phát từ một nguồn gốc là kho lưu giữ vũ khí của người Đồng Nai cổ.
“Qua” ban đầu được làm bằng đá, xuất hiện ở nhiều vùng trên thế giới từ thời đại Đá mới. Bước vào thời đại đồ Đồng, “qua” bằng đồng trở thành một vũ khí độc đáo của văn minh Trung Quốc. Dưới ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, nhiều nơi ở châu Á cũng có “qua” (như Myanma, Thái Lan, Việt Nam - Văn hoá Đông Sơn) nhưng mỗi nơi đều có những đặc điểm mang tính bản địa từng vùng. Trước đây ở miền Nam, người ta đã tìm thấy một số chiếc ở Dốc Chùa (Bình Dương), Bầu Hòe (Bình Thuận). Ở mỗi nơi đều chung kiểu dáng nhưng rất khác biệt về chi tiết với những đặc trưng riêng, điều đó thể hiện tính bản địa của sưu tập qua Long Giao, chứng minh cho chúng ta thấy nó là thứ vũ khí khá quen thuộc được ưa chuộng của người cổ ở miền đất rộng lớn này. Khi lịch sử chuyển qua thời đại đồ Sắt và khi đồ sắt đã tương đối phổ biến, kéo theo các loại công cụ sản xuất và vũ khí cũng thay đổi để thích nghi hơn với con người, loại hình vũ khí “qua” cũng dần dần bị đào thải và thay thế bằng loại vũ khí có uy lực, linh hoạt hơn (ví dụ như “kích”).
Niên đại hiện vật sưu tập này theo các nhà khảo cổ thì nó cùng thời với các di chỉ khảo cổ học thuộc thời kim khí trong vùng, niên đại C14 có thể tham khảo là 2495 ± 50 năm cách ngày nay. Qua đồng Long Giao có thể thuộc nửa sau thiên niên kỉ 1 TCN.
“Qua” là một loại vũ khí giáp chiến đánh xa thuộc hệ “bạch khí” trong lịch sử với các công dụng bổ, chém và móc bởi cấu tạo khá đặc biệt với mũi nhọn, góc lưỡi mở rộng tối đa kết hợp với rìa lưỡi dưới lan rộng sang rìa chuôi tạo cho ta hình dung được uy lực hướng chuyển động của chúng không chỉ trên xuống mà còn phạt ngang. Ngoài ra, kiểu dáng và những đặc trưng trang trí hoa văn của các loại “qua” đã cho ta thấy trình độ thẩm mỹ, sáng tạo của cư dân cổ Nam Bộ trong cuộc sống. Một số ít tiêu bản có trang trí họa tiết tinh xảo, chúng chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong sưu tập, có thể những chiếc qua này sản xuất riêng cho những thủ lĩnh quân đội hoặc để phân biệt đẳng cấp? Tất cả điều đó cũng cho chúng ta thấy chủ nhân của loại vũ khí trên đã đạt trình độ cao trong luyện kim, đúc đồng.
Tóm lại, bộ sưu tập “qua” đồng thời kim khí ở Nam Bộ  của ông Nguyễn Văn Phẩm trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử VN – TP. HCM có tính chuyên sâu về một loại hình trong một không gian và thời gian nhất định đã cho chúng ta một cái nhìn khái quát về loại hình vũ khí vào thời kỳ này tại miền đất phía Nam. nhằm giới thiệu vài nét về di sản văn hóa có truyền thống riêng biệt thuộc thời sơ sử Nam Bộ đã góp phần làm nên văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Những hiện vật đã trưng bày hay trong kho của một số Bảo tàng chắc chắn có số lượng còn rất nhỏ so với thực tế, những loại hiện vật này bị đào bới, tìm kiếm vì mục đích kinh tế đã và đang diễn ra ở nhiều nơi ở Đồng Nai, Bình Dương… Vấn đề khảo sát, khai quật và bảo vệ các di tích có chứa di vật loại này đang là một vấn đề cấp bách đặt ra cho các cấp các ngành, đặc biệt là ngành Văn hoá Thông tin ở một số địa phương ở Đông Nam Bộ.
________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Lê Trung Khá. Sài Gòn thời tiền sử. Đạ chí Văn hóa TP Hồ Chí Minh, tập 1. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987
Phạm Đức Mạnh. Qua đồng Long Giao (Đồng Nai) – Tạp chí Khảo cổ học 1-1985. Viện Khảo cổ học, 1985
Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, BT LSVN – TP.HCM. Khảo cổ học Tiền sử và sơ sử TP.HCM. NXB Trẻ Tp. Hồ Chí Minh, 1998