SƯU TẬP NGUYỄN ĐỨC TÙNG (12/4/2007)
Năm 2006, ông Nguyễn Đức Tùng, nhà sưu tập ngụ tại Bình Dương đã nhượng lại cho Bảo tàng LSVN-Tp.HCM bộ sưu tập khá lớn gồm 2979 hiện vật các chất liệu gốm, kim loại, thủy tinh, đá quý… mà ông đã sưu tập trong gần 20 năm từ 1976 – 1994 tại các vùng Nam Cát Tiên, Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt.
Đây là bộ sưu tập cổ vật phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình và mặc dù tất cả đều tìm thấy ở các vùng nói trên nhưng chúng có nhiều nguồn gốc từ Việt Nam đến các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á, niên đại từ thế kỉ XII – XIX với các trung tâm nổi tiếng như: Gò Sành (Champa), Quảng Đông, Phúc Kiến (Trung Quốc), Chu Đậu (Đại Việt), Sukhothaya, Sawankhalok (Xiêm La), Hizen (Nhật Bản), Chân Lạp, Miến Điện, Lào…
Xin được giới thiệu như sau:
Chất liệu gốm: (Bao gồm các loại đất nung, gốm sứ). Tổng cộng: 1926 hiện vật trong đó các các loại gốm sau:
Gốm Việt Nam (118 hiện vật): Gồm các loại gốm 10 thế kỉ đầu công nguyên đồ đất nung với các loại hình hũ; gốm men ngọc, men nâu thời Lý (thế kỉ 11 – 13), thời Trần (thế kỉ 13 – 14) với các loại hình bát, âu…; gốm men xanh trắng thời Lê (thế kỉ 15 – 18) loại hình đĩa, bình, hũ, bát, ấm…; gốm Bát Tràng men xanh trắng, men màu thời Nguyễn (TK 19) loại hình bình, bình vôi, bình điếu… và gốm Bình Dương, Biên Hòa Nam bộ (đầu TK 20) với loại hình: nậm, bình, đĩa, hũ, bát, đèn, ấm, chóe..
Gốm Gò Sành (Champa) (279 hiện vật) các loại hình gốm men nâu, men vàng nâu thuộc thế kỉ 14 – 15 với các loại hình: bát, đĩa, chóe, hũ, ấm, kendi, âu, cốc, bình vôi, nậm…
Gốm Trung Quốc (1236 hiện vật) gồm các loại gốm men xanh thời Đường (TK 7 – 9) với các loại hình ấm hình chim, bình…; gốm men ngọc thời Tống – Nguyên – Minh (TK 11 - 15) loại hình bát, đĩa…; gốm men xanh trắng, men nâu thời Minh – Thanh (thế kỉ 15 - 19) loại hình: bát, đĩa, ấm, bình, nậm, liễn, chóe, hộp…
Gốm Nhật Bản (52 hiện vật) chủ yếu là loại gốm Hizen TK 17, loại hình bát, đĩa, bình…
Gốm Thái Lan (78 hiện vật) chú yếu là loại gốm men ngọc Sawankhalok có niên đại TK 15 – 16 gồm các lại hình đĩa, bát, nậm, kendi, hũ ngải…
Gốm Myanmar (63 hiện vật) gồm các loại gốm men xanh, gốm men ngọc niên đại TK 15 – 16 với các loại hình hũ, chum, đĩa, bát…
Gốm Campuchia (74 hiện vật) gồm các loại gốm không men, gốm men nâu có niên đại TK 11 – 18 có các loại hình hũ, chum, đĩa, bát…
Chất liệu đồng - sắt: Chủ yếu của Việt Nam niên đại thế kỉ 15 – 19. Tổng cộng 853 hiện vật gồm các loại vòng tay, vòng ống tay, nhẫn, lục lạc, khuyên tai, tẩu hút thuốc, ống ngoáy trầu, vòng treo võng, chuông, bình vôi, ô trầu, nậm, gươm sắt, các chi tiết gươm, giá đèn, rìu… Ngoài ra, còn có khoảng 1 kg tiền đồng tròn lỗ vuông của Việt Nam, Trung Quốc…
Chất liệu khác: Đá màu, thủy tinh… niên đại TK 15 – 19 gồm 191 chuỗi hạt nhiều màu: trắng, đen, xanh, đỏ, vàng… và 4,5kg hạt các màu như trên.
Từ bộ sưu tập này và từ những phát hiện Khảo cổ học năm 1983 – 1993 khai quật các di tích gò mộ ở Đại Làng và Đại Lào (Bảo Lộc), cùng thời gian và có những hiện vật tương tự với những sưu tập của Nguyễn Đức Tùng, có thể thấy vùng Nam Cát Tiên, khu vực tỉnh Lâm Đồng hiện nay trong quá khứ đã trở thành trung tâm mà hàng hóa từ bốn phương đổ về: Phía Bắc là Đại Việt, Trung Quốc, Nhật Bản, phía Nam là Chân Lạp, phía Đông là Champa, phía Tây là Chân Lạp, Xiêm La, Miến Điện…
Điều đó đã hé mở phần nào cuộc sống của Nam Tây Nguyên vào những thế kỉ XII – XIX. Chắc chắn là đã có những hoạt động buôn bán khá đa dạng đường thủy, đường bộ… nhằm đưa hàng hóa lên khu vực này… Nhưng cho đến nay chưa thấy tài liệu nào đề cập đến. Chính vì vậy mà bộ sưu tập này trở thành nguồn tư liệu có giá trị trong việc tìm hiểu lịch sử – văn hóa vùng Nam Tây Nguyên.
Những năm gần đây, ngoài những phát hiện ở Đại Làng, Đại Lào, khảo cổ học liên tục có những phát hiện mới ở Tây Nguyên: năm 1994 – 1996 khai quật di tích kiến trúc đền tháp ở Nam Cát Tiên có niên đại thế kỉ VIII – XI, 1999 – 2001 khai quật lòng hồ Yaly (Lung Leng - Kontum) tìm thấy những hiện vật có niên đại cuối thời kì đá cũ kéo dài tới thời đại kim khí và những phát hiện nhỏ lẻ khác ở Lâm Đồng, Daklak về thời đại đồ đá… Tất cả những cuộc khai quật nói trên đã thấy hiện ra ở nơi đây lịch sử xuyên suốt và liên tục từ thời đồ đá qua thời kim khí đến thời trung đại của vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Hy vọng trong tương lai, một công trình lịch sử – văn hóa vùng đất Tây Nguyên sẽ ra đời trong đó bộ sưu tập hiện vật mà Nguyễn Đức Tùng sưu tập ở Nam Tây Nguyên sẽ được góp phần nhỏ bé của mình phục vụ khoa học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sở Văn hóa thông tin Lâm Đồng - Những sưu tập gốm sứ ở Lâm Đồng - Đà Lạt, 2000.
Roxanna M.Brown – The ceramics of south &east asia. Their dating and identification – Oxford University press, 1991.
Kraisri – Sankampaeng glazed pottery – 1960.