Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 18
Truy cập hôm nay: 73503
Tổng số truy cập: 3306018
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

SƯU TẬP KENDI MỚI SƯU TẦM CỦA BẢO TÀNG LỊCH SỬ - TP.HCM

2013-01-04 15:43:10

Trong công tác sưu tầm bổ sung hiện vật cho những sưu tập của Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM luôn chú trọng đến những hiện vật thuộc các nền văn hoá ở phía Nam của Việt Nam. Tháng 4/2012 Bảo tàng đã sưu tầm được một số hiện vật chất đá, thuỷ tinh, mã não, kim loại… đặc biệt trong số đó là sưu tập 10 chiếc kendi (bình có vòi) bằng đất nung.

Nguyễn Thị Nguyệt



Đặc điểm chung của những chiếc kendi này là có hình thể tròn, miệng nhỏ và đứng, vành miệng tràn ra ngoài, cổ cao, vòi được gắn vào phần phình rộng nhất của thân. Phần miệng, cổ, vai có tô các đường chỉ màu nâu đỏ. Có thể chia ra thành 2 nhóm:
Nhóm 1 gồm 6 chiếc có thân hình cầu, miệng nhỏ, vành miệng loe có gờ, cổ cao và thắt, trôn bằng, đế thấp hơi loe. Vòi cong gần hình chữ S hoặc thẳng, đầu rót nhỏ và lớn dần ở phần gắn vào thân bình. Những chiếc kendi này có kích thước khác nhau:
Chiếc có ký hiệu TVT6.01: cao 28,5 cm, đường kính miệng 9,5 cm. Vành miệng dạng hình tháp cong tràn ra ngoài. Phần đầu vòi cắt vát xiên, hơi dày và loe nhẹ, nhìn hình thể của chiếc vòi gần giống với vòi voi. Bình trong tình trạng vành miệng bị vỡ mất khoảng ½, nứt thân và đế.
 
Chiếc ký hiệu TVT6.05 trên thân có vết sửa chữa, miệng loe, cổ đứng, phần vai tô đường văn răng cưa màu nâu đỏ chạy vòng quanh, giữa thân tô 2 đường chỉ song song vòng quanh thân. Vòi nằm ở phần vai có dáng thẳng và nhỏ gắn vào thân theo phương xiên. Toàn bình cao 18,4 cm, đường kính miệng 13,4.
 
Chiếc bình TVT3.02 và TVT.28 có kích thước cao 26 cm, đường kính miệng 10,2 - 11 cm. Vòi cong gần hình chữ S, đầu vòi có gờ nhô ra (thường gọi là kiểu gờ nhẫn). Phần gờ nhẫn lớn, vuông góc với đầu vòi, mép vuốt tròn. Thân vòi phình dần xuống phần tiếp giáp với thân bình. Bình bị nứt thân, miệng và vòi gãy gắn lại.
      
Chiếc TVT4.04 khá nguyên vẹn, có hình thể và cấu tạo giống với TVT6.05 với miệng loe, cổ thắt, vòi có dáng thẳng và nhỏ, đầu vòi cắt bằng gắn vào thân theo phương xiên. Thân trơn. Kích thước cao 23,5 cm, đường kính miệng 12 cm.
 
Chiếc TVT.27 có hình thể giống với 2 chiếc TVT3.02 và TVT.28, tuy nhiên phần vòi với đầu vòi cắt vát xiên, hơi dày và loe nhẹ, nhưng theo quan sát thì phần vòi này không đồng bộ với bình mà có lẽ được lựa chọn một chiếc vòi gãy gắn lại. phần cổ và thân bình cũng bị nứt. Kích thước của bình cao 27 cm, đường kính miệng 9,5 cm.
 
Nhóm 2 gồm 4 chiếc có thân dạng hình trứng, miệng loe rộng, cổ cao và thắt, vai phình, đế thấp hơi loe, vòi cong gần hình chữ S. Trong đó:
Chiếc mang ký hiệu TVT6.02 miệng đứng, cách vành miệng khoảng 1cm có vành rộng dạng đĩa kết hợp với phần miệng tạo thành một rãnh mà khi đổ nước vào sẽ có cộng dụng ngăn côn trùng (như kiến) bò lên miệng bình. Vòi cong, đầu vòi cắt vát. Bình trong tình trạng nứt thân, vòi gãy gắn lại. Kích thước bình cao 24,5 cm, đường kính miệng 9,7 cm.
 
Chiếc TVT6.03 cổ và vòi gãy gắn lại. Vòi cong, đầu vòi cắt vát. Kích thước cao 26 cm, đường kính miệng 9,1 cm.
 
Chiếc TVT6.04 còn khá nguyên vẹn, vành miệng khắc 2 đường văn răng cưa vòng quanh. Phần vai ngoài 2 đường chỉ màu nâu đỏ vòng quanh thân như những chiếc bình khác thì còn có thêm một băng văn nửa vòng tròn chạy vòng quanh. Kích thước cao 25,1 cm, đường kính miệng 9 cm.
 
Chiếc TVT4.02 cao 26,5 cm, đường kính miệng 8,5 cm. Về hình dáng và hoa văn giống với chiếc TVT6.03 nhưng vòi của chiếc này hơi vươn ra ngoài, cong gần hình chữ S, đầu rót nhỏ, đầu vòi có gờ nhô ra (thường gọi là kiểu gờ nhẫn) giống với chiếc TVT3.02.
 
Về chất liệu: sưu tập kendi này làm từ loại đất sét mịn được gạn lọc kỹ, không pha cát. Từ những vết vỡ để lộ xương gốm màu trắng xám và hồng nhạt. Áo gốm màu đỏ hồng và hồng nhạt.
Về kỹ thuật chế tác: thân bình được nặn bằng bàn xoay, vòi và chân đế nặn bằng tay rời bên ngoài sau đó mới gắn vào bình.
Về niên đại: Hiện nay trong sưu tập hiện vật văn hóa Óc Eo của Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM đang lưu giữ 9 chiếc kendi, trong đó có 5 chiếc do Louis Malleret sưu tầm và 4 chiếc do bảo tàng sưu tầm trong những năm gần đây. Ngoài ra còn có 10 chiếc bình gần nguyên được tìm thấy trong các di tích Cạnh Đền (3), Phú Long (1), Gò Thành (1), Trường Sơn A (1), Nhơn Thành (2) và Núi Sập (2) . So sánh với những tư liệu khảo cổ đã được công bố và hiện vật trong sưu tập văn hoá Óc Eo của Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM và bảo tàng An Giang chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng về kiểu dáng, phong cách cũng như chất liệu. Từ đó có thể đoán định sưu tập kendi này là những hiện vật thuộc văn hoá Óc Eo, có niên đại thế kỷ 6-7. Tuy nhiên, những chiếc kendi thuộc nhóm thứ 2 có hình dáng thân, và kiểu tạo tác phần cổ tương đồng với một số hiện vật gốm giai đoạn “hậu Óc Eo” có niên đại khoảng thế kỷ 9 – 10.
Về nơi tìm thấy: Những chiếc kendi này được sưu tập tại tỉnh Tà Keo – Campuchia, khu vực biên giới giáp ranh với tỉnh An Giang vốn là nơi tìm thấy những dấu tích đầu tiên của nền văn hóa Óc Eo. Cho đến nay các nhà nghiên cứu đã chứng minh văn hóa Óc Eo phân bố trên một diện rộng bao gồm khu vực Nam bộ - Việt Nam và một phần Campuchia và ảnh hưởng trên một diện rộng ra cả khu vực Malaysia, Thái Lan… Với sưu tập kendi được tìm thấy tại đây càng thêm khẳng định khu vực tỉnh Tà Keo – Campuchia xưa kia cũng nằm trong địa vực của văn hóa Óc Eo.
Về công dụng chính của những chiếc bình kendi này là dùng để đựng các chất lỏng. Có ý kiến cho rằng loại hình kendi này ảnh hưởng từ những loại hình đồ đựng của Ấn Độ, đôi khi còn được nhập từ Ấn Độ vào bởi vì khu vực văn hoá Óc Eo thời kỳ này là một thương cảng, nơi giao lưu của nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới.
Kendi (bình có vòi) là những hiện vật đặc trưng, rất phổ biến trong văn hoá Óc Eo, số lượng kendi được tìm thấy và công bố cũng khá nhiều, tuy nhiên phần nhiều không nguyên vẹn. Với sưu tập kendi khá nguyên vẹn này góp phần bổ sung nguồn tư liệu cho các nghiên cứu về văn hoá Óc Eo cũng như làm phong phú thêm bộ sưu tập hiện vật văn hoá Óc Eo hiện có của Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Lê Xuân Diệm, Đào Linh Côn, Võ Sĩ Khải, Văn hóa Óc Eo những khám phá mới, Nxb Khoa học xã hội, HN, 1995
2.    Louis Malleret, Khảo cổ học Đồng bằng sông Cửu Long, tập 2: Văn hóa vật chất ở Óc Eo, BTLSVN, HN, 1970
3.    Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nxb Mỹ thuật, 2003
4.    Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2004, 2005, 2006