Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 12
Truy cập hôm nay: 73666
Tổng số truy cập: 3323040
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

SÚNG THẦN CÔNG (TK XVIII – XIX)

2012-06-13 06:29:36

Vào thời thượng cổ, để tiêu diệt quân địch ở ngoài tầm tên nỏ, người ta đã nghĩ ra loại vũ khí tấn công từ xa mà tiêu biểu là máy bắn đá của Archimèdes (287 - 212 tr. CN) nhằm chống quân La Mã cứu thành Syracuse của Hy Lạp. Máy bắn đá chính là tiền thân của các loại súng thần công và pháo sau này.

 Sau khi thuốc súng được phát minh vào thời Tống ở Trung quốc, người ta cũng chưa biết dùng nó trong kỹ thuật quân sự. Phải đợi đến thế kỷ XIV khi người Châu Âu tiếp thu kỹ thuật làm thuốc súng và từ những quả pháo giấy nổ tung của người Trung quốc, họ mới nghĩ ra cách chế tạo súng thần công. Súng thần công là loại hỏa khí nhằm tiêu diệt địch quân từ xa. Loại súng này thường có kích thước lớn, trọng lượng nặng, lúc đầu được đúc bằng đồng, sau được chế bằng sắt hoặc gang; đạn súng thần công là những quả cầu đặc bằng gang hoặc sắt được bắn ra bởi sức đẩy của thuốc đạn nhồi. Ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIV, Hồ Nguyên Trừng là người đầu tiên chế được súng “Thần cơ sang pháo” bắn bằng thuốc đạn.

   Súng thần công có cấu tạo: nòng súng, trục quay, thước ngắm, lỗ điểm hỏa, khối hậu … trong đó khối hậu được đúc kín chứa thuốc nổ, nòng súng chứa những trái đạn, trục quay để điều chỉnh góc bắn, lỗ điểm hỏa để châm ngòi và thường được gắn thêm bánh xe ở trục quay để cơ động. Từ khi xuất hiện đến thế kỷ XIX, súng thần công tuy có một số cải tiến nhưng vẫn là loại súng nạp tiền( nạp đạn phía trước,phía đầu nòng) tức thuốc nổ và đạn được nạp từ họng súng xuống khối hậu, sau đó bắn ra bằng cách châm ngòi nơi lỗ điểm hỏa ở mặt trên khối hậu, đạn là loại đặc nên khả năng sát thương không cao, súng không có đường khương tuyến nên đạn bắn không được xa, khả năng chống giật kém làm đạn đi không chính xác và đôi khi sức ép thuốc nổ trong lòng súng quá lớn sẽ làm vỡ tung khẩu súng gây nguy hiểm cho pháo thủ…

Khoảng giữa thế kỷ XIX, tại Châu Âu, súng thần công được cải tiến thành các loại pháo với đặc điểm: có đường khương tuyến để bắn xa hơn chính xác hơn, khối hậu không còn đúc kín mà được chế thành khóa nòng để lắp đạn (gọi là nạp hậu tức nạp đạn từ phía sau), đạn đặc được chế thành đạn nổ để tăng hiệu quả sát thương hoặc tiêu diệt gọn cứ điểm.

 Tại Việt Nam, sau thế kỷ XIV, súng thần công không được phát triển, thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Đàng Ngoài và Đàng Trong phải nhờ đến các chuyên gia Hà Lan, Bồ Đào Nha trong việc đúc súng… Thời Tây Sơn, súng thần công được sử dụng khá phổ biến.

Thời Nguyễn, súng thần công được đúc bằng đồng, sắt hoặc gang và có nhiều loại, nhiều kiểu từ lớn tới nhỏ với 4 cấp bậc từ thấp tới cao: tướng quân, trung tướng quân, đại tướng quân và thượng tướng quân. Loại đại tướng quân và thượng tướng quân thường được đặt những tên rất kêu như: Ngự chế thần uy phá địch thượng tướng quân, Bảo quốc an dân đại tướng quân…Trên cửu đỉnh có hình 2 loại thần công: 1 loại được gọi là đại bác (pháo lớn) khắc trên đỉnh Cao có hình 1 khẩu thần công to mập với 4 khoang được đặt trên 1 chiếc xe 4 bánh. Loại thứ 2 được gọi là luân xa pháo (pháo trên bánh xe) khắc trên đỉnh Nhân hình 1 khẩu thần công thon hơn đặt trên 2 bánh xe lớn có càng.

Súng loại lớn khi xuất xưởng đều được phong ngay là tướng quân hoặc trung, đại, thượng tướng quân với tên gọi đúc sẵn trên thân súng. Khi ra trận, nếu súng sát thương được nhiều quân địch, thắng trận thì được triều đình gia phong thêm tước hiệu, còn nếu bại trận có khi bị giáng cấp. Súng thần công sau khi đúc xong tại Huế, thường được chia cấp về các địa phương theo yêu cầu để trang bị cho quân bộ (có bánh xe kéo bằng gỗ bọc sắt) hoặc được trang bị trên thuyền chiến hoặc được bố trí cố định để phòng thủ, bảo vệ cứ điểm. Việc quản lý súng sau đó được giao trực tiếp cho các đơn vị vũ trang thủy bộ liên quan, tuy nhiên việc cấp phát đạn dược và các loại vật tư khác như đá lửa, bùi nhùi… thì do các kho tàng ở địa phương đảm nhận với chỉ tiêu theo từng loại được tính toán chi ly đến từng phát đạn.

 Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có những ghi chép rõ ràng và khá đầy đủ về các loại súng thần công thời Nguyễn. Thống kê sơ bộ từ sách trên, tổng số súng thần công bằng đồng đúc từ thời Gia Long đến thời Tự Đức, cộng chung các loại là khoảng 1052 khẩu, nhưng hiện nay chỉ biết được 30 khẩu còn tồn tại (11 khẩu thượng tướng quân, 2 khẩu đại tướng quân, 1 khẩu trung tướng quân, 16 khẩu tướng quân). Nguyên nhân súng thần công thời Nguyễn còn lại ít chính là vì sự phá hủy của thực dân Pháp:

Sau cuộc đánh chiếm kinh thành Huế 1885, những khẩu thần công của nhà Nguyễn ở Huế bị thực dân Pháp “bắt giam” tập trung tại thành nội rồi đem đi phá hủy. Tuy nhiên không phải chỉ ở Huế, những khẩu thần công của nhà Nguyễn mới bị “bắt giam”, ở Sài Gòn có 12 khẩu súng (10 khẩu Thắng Uy, 1 khẩu Hùng Uy, 1 khẩu Vũ Công) cũng bị thực dân Pháp dựng ngược họng chúi xuống đất, và bị xiềng xích ngay bến sông đầu đường Catina (nay là đường Đồng Khởi) mãi đến sau năm 1936 các khẩu súng này mới được “giải thoát” đưa về Bảo tàng Blanchard de la Brosse (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam -  TPHCM) [63, tr.118].

Khẩu Thắng uy tướng quân số 53.

Khẩu súng có hình dạng như một ống hình trụ (dài 152cm), miệng hơi loe (đường kính 18cm), nhỏ phần đầu lớn dần về phần đuôi. Đuôi súng được đúc kín gọi là khối hậu. Gắn liền khối hậu là chuôi súng với đọan cuối là một núm hình cầu hơi dẹp, đường kính 10cm, có gờ đai quanh chu vi, núm này có lẽ dùng để cầm, nắm cho khỏi nóng khi cần chỉnh góc bắn, trên núm có một chữ Hán : (âm Hán - Việt là Chỉ) đó là tên riêng của khẩu súng.

 Thân súng chia ra làm sáu khoang không đều nhau phân cách bởi những gờ đai dẹp (rộng 3cm) và u nửa hình cầu (đk 1cm) trong đó khoang thứ tư và khoang cuối cùng (kể từ đầu nòng) là những vị trí đặc biệt dùng để bố trí phần quan trọng. Các khoang còn lại để trơn.

Khoang thứ 4 rộng 22cm là nơi bố trí trục quay và hai quai súng:

 - Trục quay hình trụ nằm ngang dài 7cm, đường kính 8cm, cách đầu nòng 75cm, được đúc đối xứng chìa ra hai bên thân súng 7cm. Trên mặt tròn của trục quay có khắc những chữ Hán. Mặt tròn của trục quay bên trái mang 4 hàng chữ chỉ dẫn cách bắn, đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái như sau:

Chữ Hán:

Âm Hán - Việt: Đích xạ hảo hạng dược nhị cân tứ lạng bi chỉ dụng cương bi nhị thốn nhất phân.

Nghĩa là: để bắn (trúng) tốt nhất (thì dùng) thuốc (đạn) hai cân bốn lạng (khoảng 1,34kg), đạn bi (thì) chỉ dùng đạn bi sắt (đường kính) hai tấc một phân (khoảng 99, 2mm).

Mặt tròn của trục quay phía phải mang năm hàng chữ giới thiệu trọng lượng kích thước khẩu súng, đọc từ trên xuống dưới, từ phải qua trái như sau:

Chữ Hán:

 Âm Hán - Việt: Lục bách tứ cân thông trường tam xích tứ thốn nhị phân tâm trường tam xích tâm hoành vãng nhị thốn nhị phân.

Nghĩa là: (nặng) 604 cân (khoảng 365kg), chiều dài (tổng cộng) thông thường ba thước bốn tấc hai phân (khoảng 145,4cm). Chiều dài nòng ba thước (khoảng 128cm), bề ngang (đường kính) nòng (đạn) có thể qua hai tấc hai phân (khoảng 10,4cm)

Chỗ trục quay gắn nối với nòng súng nổi lên một gờ vành khăn nhỏ cao 1cm, rộng 1cm, trên gờ này có những chữ Hán được khắc bằng những vật cứng chắc là do các pháo thủ khắc vào.

Trục quay được dùng làm điểm tựa để đặt súng. Chúng có thể còn được dùng để điều chỉnh góc bắn. Đó cũng chính là nơi để người ta gắn bánh xe khi cần di chuyển súng.

 Hai quai được gắn song song nhau ở mặt trên súng. Mỗi quai (dài 16cm) có hình rồng non ngắn, đầu to đuôi nhỏ uốn cong hình dấu ngã, đỉnh cao nhất 8cm, gắn vào thân súng ở hai tiếp điểm miệng ngậm trụ và phần cuối bụng. Khoảng cách giữa hai quai 12cm thẳng chính giữa thân súng có lẽ được dùng làm thước ngắm. Quai súng được dùng để làm móc dây kéo hoặc cố định súng.

 Khoang cuối cùng (khối hậu) có gờ đai ở phần cuối, sát trên gờ đai là khung hoa văn nổi hình cánh sen 7 x 4,5cm, trong có lỗ điểm hỏa. Hai bên khoang này còn có hai móc được gắn vào súng bằng phương pháp răng ốc. Hai móc bằng sắt không đồng bộ với chất liệu của súng là đồng, có lẽ đây là bộ phận mới được làm thêm sau này.

Trên gờ chót cùng của khối hậu có hai hàng chữ Hán nằm ngang: Hàng phía trên có ba chữ Hán: (âm Hán - Việt: Mệnh Gia Long), đọc từ phải sang trái có nghĩa là theo lệnh của vua Gia Long,  bố trí giữa gờ cuối ngay dưới lỗ điểm hỏa.

Hàng chữ dưới được chia làm hai phần tách rời đối xứng hai bên với 3 chữ Mệnh Gia Long:

-          phần phía trái ghi năm tháng chế tạo, đọc từ phải sang trái như sau:

Chữ Hán:       

        Âm Hán - Việt: Thập lục niên tuế thứ đinh sửu cát nhật nguyệt tạo.

Nghĩa là: chế tạo ngày tháng tốt năm thứ 16 Đinh Sửu (tức năm 1817).

-          phần phía phải ghi vị thứ tên nhóm, đọc từ trái qua phải như sau:

Chữ Hán:       

        Âm Hán - Việt : Danh Thắng uy tướng quân nhất bách vị đệ ngũ thập tam.

        Nghĩa là: (xếp) thứ 53 trong 100 vị (có) tên Thắng uy tướng quân.

Nếu tính khẩu độ thì đây là khẩu 105 ly vì bề rộng của nòng súng tính cả chiều dày là 18cm nhưng riêng bề dầy vành là 3,75cm vì vậy thực tế nòng súng chỉ còn rộng 10,5cm.

Về cách bắn: Muốn bắn khẩu súng này trước hết phải luồn dây ngòi qua lỗ châm ngòi vào trong khối hậu, rồi dộng 1,34kg thuốc súng thật chặt vào khối hậu, kế đến cho đạn gang tròn có đường kính 9,92cm vào nòng. Sau đó đánh lửa châm ngòi. Ngòi cháy dẫn lửa vào khối hậu đốt thuốc nhồi. Thuốc nhồi cháy phát sinh năng lượng tống viên đạn ra khỏi nòng súng.

Việc bắn súng phức tạp như vậy nên cần có một cơ đội phục vụ khẩu súng. Đó là những người kéo súng, mang thuốc, mang đạn, đánh lửa, nhồi thuốc, châm ngòi, chỉ huy…

 Đây là khẩu đại bác rất lớn và bề thế, có chiều dài tổng cộng 492cm, chia làm 2 phần rõ rệt: khối hậu hình trụ tròn đường kính 96,5cm, dài 202cm; nòng súng thuôn, đường kính đầu nòng 42cm, dài 255cm; nối giữa khối hậu và nòng súng là một đoạn ngắn hình nón cụt ba nấc thuôn dần dài 35cm. Như vậy, đường kính khối hậu lớn hơn gấp đôi đường kính đầu nòng.

Đầu nòng có khẩu độ 24cm (tức súng 240 ly) nhưng bề dày đến 9cm. Từ miệng súng chạy suốt vào trong lòng là 5 đường khương tuyến dọc, mỗi đường rộng 5cm sâu 0,8cm, được khắc chìm số thứ tự từ 1 đến 5 theo chiều kim đồng hồ trên miệng súng.

Trục quay dài 23cm, đường kính 25cm, cách đầu nòng 288cm, cách điểm chót của khối hậu 179cm, đúc đối xứng 2 bên thân súng. Súng không có đai, đoạn gắn liền với trục quay nổi thành gờ vuông rộng 24cm.

Khối hậu của súng không được đúc kín mà có một bộ phận khóa nòng. Bộ phận này đã mất, vì vậy không thể hình dung được hình dạng của nó.

Nòng khối hậu có khẩu độ 30,5cm (lớn hơn khẩu độ đầu nòng 6,5cm). Đây chính là lỗ lắp đạn. Từ chỗ lắp đạn có thể nhìn xuyên qua nòng súng. Lỗ lắp đạn được tiện 13 đường răng ốc cao 0,5cm đứt 3 đoạn cách đều, sâu vào trong lòng súng 27,7cm. Từ đây nòng súng thu nhỏ lại 3 gờ với khẩu độ 25,5cm gần bằng khẩu độ đầu nòng. Khối hậu có bề dày 33cm, gần gấp 4 bề dày đầu nòng súng.

Mặt khối hậu nhìn rõ những đường đồng tâm nhưng hoàn toàn phẳng nhẵn khắc những dòng chữ và số như sau:

N0 68                               14604K                     R1868

Trong đó         N0 là nombre tức số thứ tự

K là kilogramme tức cân tây (kí lô gam)

R có thể là Rouen?, một tỉnh ở Tây Bắc nước Pháp có nền công nghiệp vũ khí rất phát triển.

Như vậy, đây là một khẩu pháo do Pháp sản xuất năm 1868 ở tỉnh Rouen? mang số thứ tự 68 và có trọng lượng là 14.064 kg (tức 14 tấn 604 kg).

Đây là loại pháo hiện đại của thời bấy giờ, khẩu pháo này so với súng thần công Việt Nam có những điểm tiên tiến như sau :

- Có bộ phận khóa nòng, nghĩa là người ta đã sử dụng loại đạn có cát tút và đầu đạn được kích nổ bằng kim hỏa khi chạm mục tiêu. Người bắn súng lúc này không phải nhồi thuốc đạn nữa mà chỉ cần có nhiều quả đạn và cứ thế lắp vào theo đường răng ốc rồi canh tọa độ bắn.

- Đạn là loại nổ 2 lần, hiệu quả sát thương và hiệu quả công phá lớn, có khả năng phá được những cứ điểm phòng thủ, hoặc tạo hỏa lực cho bộ binh xung trận.

- Có những đường khương tuyến cho phép đạn bắn ra được xa hơn, chính xác hơn, khống chế được khoảng cách.

Có thể nói về lĩnh vực kỹ thuật quân sự thì đây là một tiến bộ lớn. Đó chính là ưu thế của thực dân Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam vào giữa thế kỷ XIX.

- Khẩu pháo này có niên đại xuất xưởng là năm 1868. Vào năm này, Nam kỳ lục tỉnh của Việt Nam đã bị chiếm và trở thành thuộc địa của thực dân Pháp. Tuy nhiên, cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp vẫn chưa chấm dứt. Chúng vẫn chưa khuất phục được nhà Nguyễn. Có lẽ khẩu pháo này đã được bố trí trên một pháo hạm nào đó để tiếp tục xâm lược Việt Nam. Công việc của nó chủ yếu là chuyên tấn công các cứ điểm trên bờ để dọn đường cho bộ binh đổ bộ. Căn cứ của nó là khu vực cảng Ba Son – thủy trại cũ của nhà Nguyễn – bấy giờ đã trở thành nơi đồn trú, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền của quân viễn chinh.