PHÁT HIỆN DI VẬT CỦA THOẠI NGỌC HẦU và PHU NHÂN tại lăng Thoại Ngọc Hầu - Núi Sam (Châu Đốc-An Giang)
- Phạm Hữu Công (BTLS- Sở VHTT&DLPTHCM), Ngô Quang Láng (Sở VHTT&DL An Giang), Phan Văn Trắng (Ban Quản lý khu Di tích LM Núi Sam), Dương Ái Dân, Nguyễn Minh Sang (BT An Giang). Tháng 9/2010 trong quá trình tu bổ lăng Thoại Ngọc Hầu -thuộc Khu Di tích Lăng Miếu Núi Sam (KDTLMNS), thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang
những nhát cuốc dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị lát gạch chung quanh ngôi mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân: bà Châu Vĩnh Tế đã phát hiện một lằn phui sụp xuống. Sự việc được báo cáo cho Ban Quản lý KDTLMNS. Nhận định rằng đây có thể là dấu tích của một khu vực chôn đồ tuỳ táng, Ban Quản Lý KDTLMNS liền báo cho Bảo tàng An Giang (BTAG). Đến xem khảo sát hiện trường, BTAG và Ban Quản lý KDTLMNS nhất trí rằng khả năng có khu vực chôn đồ tuỳ táng là rất lớn. Vì vậy, BTAG và Ban Quản lý KDTLMNS đã lập tức xin phép Ủy ban Nhân dân và Sở Văn Hoá Thể Thao và Du Lịch tỉnh An Giang (VHTT&DLAG) khai quật khẩn cấp khu vực này. Được sự chấp thuận của các cơ quan nói trên, công cuộc khai quật đã được tiến hành hết sức khẩn trương. Sau 4 ngày, cuộc khai quật khẩn cấp đã thu được thành công tốt đẹp với tổng số 523 hiện vật và hàng trăm tàn tích đồ gỗ, đồ kim loại...
Tháng 12 năm 2010, sau khi BTAG và Ban Quản lý KDTLMNS chỉnh lý hiện vật, Sở VHTT&DLAG tiến hành lập hội đồng giám định thẩm định toàn bộ các hiện vật nói trên (1). Kết quả của việc thẩm định đã đem lại nhiều nhận thức mới và rất nhiều điều lý thú về cổ vật thế kỷ 18-đầu thế kỷ 19 của Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Bồ Đào Nha, Pháp, Tây Ban Nha …cũng như về cuộc sống của tầng lớp quan lại cấp cao Việt Nam đầu thế kỷ 19 nói chung và khu vực biên giới phía Tây Nam đất nước nói riêng trong mối quan hệ với các nước, các tổ chức trong khu vực, đặc biệt là trong cuộc sống của gia đình quan Án thủ đồn Châu Đốc kiêm quản quân vụ trấn Hà Tiên-Thống chế bảo hộ Cao Miên Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại.
Sau đây xin được giới thiệu một số nét chính về kết quả của phát hiện khảo cổ rất quan trọng này:
1. Hố khai quật: 2 (một bên phải phần mộ bà Châu Thị Tế cách huyệt mộ 40cm, gọi là hố 1 quy mô 3m², một bên phía trái phần mộ Thoại Ngọc Hầu cách huyệt mộ 40cm, gọi là hố 2 quy mô 3m²). Hiện vật được sắp xếp thành nhiều nhóm đồ đồng, đồ gốm, đồ vàng bạc…tách biệt nhau, sau khi lấy hết hiện vật khoảng độ sâu 150cm thì gặp sinh thổ.
2. Số hiện vật, đơn vị hiện vật, bộ phận, chi tiết, tàn tích hiện vật các loại chất liệu gốm sứ, kim loại: đồng, antimol, vàng, bạc, sắt.., đá quý, thuỷ tinh, hữu cơ (mảnh vụn sơn, gỗ, giấy, răng…) xuất xứ từ Việt Nam (thời Tây Sơn, thời Nguyễn), Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…) niên đại từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 thu được tại hố 1- thuộc phần mộ bà Châu Thị Tế- là 304 gồm: hiện vật bằng gốm có 88 (gốm Trung Quốc 83, Thái Lan 5), hiện vật bằng đồng 46 sản phẩm (Việt Nam 32, Campuchia 7, Trung Quốc 7 và những phụ liệu không đếm số lượng), hiện vật bằng vàng 32 sản phẩm (Việt Nam 29, Thái Lan 1, Bồ Đào Nha 2) hiện vật bằng bạc 78 sản phẩm, 1 bịch 75 đồng kê ngân và 1 số đồ phụ liệu không đếm số lượng ( Việt Nam 57, Tây Ban Nha 10, Campuchia 1 bịch 75 đồng kê ngân, Chăm 1, không rõ nguồn gốc 10), hiện vật bằng sắt 3 sản phẩm và các phụ liệu không đếm số lượng Việt nam sản xuất, hiện vật bằng antimon 5 (Trung Quốc 3, Việt Nam 2), hiện vật bằng thuỷ tinh 22 sản phẩm và 4 chuỗi hạt ( Châu Âu 22, Việt Nam 4), hiện vật bằng đá 4 (Thái Lan 2, Việt Nam 2), hiện vật bằng gỗ và hổ phách của Việt Nam 3 và các mảnh rương hộp, hiện vật bằng xương, răng, ngà, vỏ ốc Việt Nam 2, hiện vật chất liệu tổng hợp 6.
3. Số hiện vật, đơn vị hiện vật, bộ phận, chi tiết, tàn tích hiện vật các loại chất liệu gốm sứ, kim loại: đồng, antimol, vàng, bạc, sắt.., đá quý, thuỷ tinh, hữu cơ (mảnh vụn sơn, gỗ, giấy…) xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Châu Âu (Pháp, Tây Ban Nha…) niên đại từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 thu được tại hố 2-bên phần mộ Thoại Ngọc Hầu- là 219 cụ thể như sau: hiện vật gốm có 73 sản phẩm (gốm Trung Quốc 68, Thái Lan 4, Châu Âu 1), hiện vật bằng đồng có 49 sản phẩm (Việt Nam 39, Campuchia 2, Trung Quốc 7, Pháp 1) và những phụ liệu không đếm số lượng), hiện vật bằng vàng 9 sản phẩm đều của Việt Nam, hiện vật bằng bạc 34 sản phẩm và 1 bịch 350 đồng kê ngân (Việt Nam 13, Tây Ban Nha 10, Campuchia gồm 1 sản phẩm và 1 bịch 350 đồng kê ngân), không rõ nguồn gốc 10), hiện vật bằng sắt 1 sản phẩm và các phụ liệu không đếm số lượng Việt Nam sản xuất, hiện vật bằng antimon 3 (Trung Quốc 2, Việt Nam 1), hiện vật bằng thuỷ tinh 13 sản phẩm đều của Châu Âu, hiện vật bằng đá 15 (Thái Lan 12, Châu Âu 3), hiện vật bằng gỗ và hổ phách của Việt Nam là các mảnh rương hộp và hạt chuỗi, hiện vật bằng xương, răng, ngà, vỏ ốc Việt Nam 3, hiện vật chất liệu tổng hợp 6, dấu vết giấy và sơn: có nhiều mảnh vụn giấy và sơn…
Tổng hợp như sau:
1-Gốm sứ là 161 gồm:
* 151 sản phẩm gốm sứ Trung Quốc đồ gia dụng chén bát đĩa, thố, chung…loại men trắng Phúc Kiến, men xanh trắng, men nhiều màu chế tạo tại Cảnh Đức trấn một số ở trôn có chữ 玩玉(Ngoạn Ngọc), 珍玉(Trân Ngọc), chữ 日(Nhật) hoặc chữ triện Đại Thanh Gia Khánh niên chế, một số sản phẩm sử dụng kỹ thuật tạo hình hoa thấu quang trên nền trắng mà giới buôn bán gọi là đĩa chén “hạt dưa”, loại ấm đất nung Nghi Hưng (Giang Tô) khắc chữ Hán 宋公製 (Tống Công chế), 窔倍製 (Yểu Bội chế), loại men trắng Quảng Đông: lọ hít hình trụ ghi chữ Hán: 同人堂四 (Đồng Nhân Đường Tứ) và 平安撒 (Bình An Tán)
*09 sản phẩm gốm men nhiều màu Bencharong Thái Lan vẽ tiên nữ.
*01 sản phẩm gốm Châu Âu: bình rót men nhiều màu có nắp đắp hoa nổi.
2-Đồ đồng toàn bộ là 96:
* Đồ đồng Huế Việt Nam sản xuất 69 sản phẩm gồm đồ nhà bếp và gia dụng như chảo, chậu, nồi, ấm, ô trầu, ống nhổ, lồng ấp, bàn ủi, bát, âu, môi, móc treo mùng, trâm, nút áo, hộp đựng thuốc lá, dầu cù là, mâm, khay, ổ và chìa khóa, bình hoa, đồ lấy ráy tai…đồ ban thưởng: 2 cái lệnh bài đoạn trên hình khánh đoạn dưới hình tròn trong có chữ Hán dập nổi 賞(Thưởng) phía trên có 4 chữ 宣封使者(Tuyên Phong Sứ Giả) kích thước 11,2x8,9cm, mẻ 1 góc, tiền đồng: 1 đồng tiền 明德通寶(Minh Đức Thông Bảo) lưng có chữ 萬歲Vạn Tuế của Nguyễn Nhạc (1778-1793) (trong hố 1 của bà), và đồ phụ kiện, phụ liệu dùng trang trí, gia cố đồ gỗ: rương, hòm, hộp, khay…(không đếm số lượng): tay xách, quai, bản lề, miếng ốp góc, nẹp, khoen..., và dây (15 sợi) có lẽ dùng trong kết nối các chi tiết gì đó… Đồng tam khí Việt Nam: 2 cái hộp hình trụ tròn có nắp (1 chiếc có ngăn bằng bạc) cẩn dây lá hoá phượng, chữ 壽(Thọ) đơn và kép.
* Đồ đồng Trung Quốc: 10 cái chân đèn thân kiểu con tiện, miệng tròn nhỏ dùng cắm đèn cầy, 2 cái chân hình đĩa có móc có thể dùng đốt dầu, 2 cái chân đế khum úp. Đồng tráng men (pháp lam) 5 cái: ô hình bán cầu men nhiều màu có nắp trang trí hoa cúc trôn có chữ 其章坫造 (Kỳ Chương Điếm Tạo), bình men nhiều màu có đế, trang trí hoa lá, ấm men nhiều màu trang trí trúc mai, có nắp hình nón, có nắp.
* Đồ đồng Campuchia: 9 cái gồm đĩa chân cao chạm thủng hoa lá, vành miệng hình cánh sen đkm 19,5cm, mâm bồng và mâm, bình vôi hình con tiện có nắp có đế
* Đồng tráng men (pháp lam) Pháp: 1 cái ống nhổ thân hình trụ nhiều màu chạm hoa lá phương Tây.
3-Đồ bằng vàng tổng cộng là 41, có xuất xứ từ Việt Nam,Thái Lan, Bồ Đào Nha như sau:
* Vàng Việt Nam sản xuất: 38 cái gồm 1 mão quan chánh nhị phẩm (33 mảnh) (trong hố 2 của ông), đồ trang sức: nhẫn mặt cẩn đá, bông tai hình móc câu và dấu ngã mặt hình đài sen, vòng tay trơn, hộp hình chim, trâm mặt hình hoa cẩn đá, đồ hình ống có khoen và móc, Tiền: 4 đĩnh (mỗi đĩnh nặng 5 lạng cạnh đóng dấu 公甲 Công Giáp, 五兩 Ngũ lạng, 中平 Trung bình, 寶 Bảo…).
* Vàng Thái Lan (Campuchia?) sản xuất: 1 hộp đựng vôi hình tháp tròn có nắp cao 9cm.
* Tiền vàng Bồ Đào Nha- công ty Đông Ấn Hà Lan : 2 đồng tiền hình tròn dẹt, mặt và lưng có chữ thuộc ngữ hệ Latin, hình nữ hoàng Mari I và quốc huy Bồ Đào Nha phát hành khoảng năm 1799(trong hố 1 của bà),.
4. Đồ chất liệu bạc là 112 sản phẩm và 475 đồng kê ngân, có xuất xứ từ Việt Nam, Châu Âu (Tây Ban Nha- Đông Ấn Hà Lan), Campuchia… như sau:
*Bạc do Việt Nam sản xuất: 70 sản phẩm gồm 55 đĩnh và thoi từ 2 tiền cho tới 10 lạng khắc nhiều chữ Hán như 公甲 Công Giáp, 中平 Trung bình, 寶省 (Bửu Tỉnh), 嘉隆年造 (Gia Long niên tạo), 明命年造 (Minh Mạng niên tạo), đồ gia dụng: 15 cái hộp hình trụ, hình bát giác, hình chữ nhật thân và nắp chạm lộng chim và hoa, trôn mỗi hộp khắc chữ Hán 重貳十完金花重心智 (Trọng Nhị Thập Hoàn, Kim Hoa Trọng Tâm Tri), 重斤九兩貳錢 (trọng cân cửu lượng nhị tiền), 重 斤兩貳錢 (trọng cân ngũ lượng nhị tiền), 墅中 (Thự Trung), ống nhổ, môi, thìa chạm hoa lá, thân là vỏ ốc, chén, tẩu hút thuốc…đồ phụ liệu dùng trang trí, gia cố đồ gỗ, đồ gia dụng: đầu đũa, mảnh ốp đồ gỗ…
*Đồng bạc niên hiệu vua Tây Ban Nha do công ty Đông Ấn Hà Lan sản xuất: 20 đồng niên đại từ năm 1747 (Ferdinand đệ Lục), 1762 (Charles đệ Tam), 1799 (Charles đệ Tứ) đến 1812 (Joseph)…và một số đồng chưa đọc được niên hiệu.
*Chất liệu bạc do Campuchia sản xuất: 425 đồng tiền kê ngân mặt in nổi hình con gà trống ? đk 1,5cm, 1 ống đựng vôi hình tháp có nắp cao 11,5cm.
*Chất liệu bạc do người Chăm sản xuất: 1 hộp kiểu tròn miệng đứng vai nở có nắp có đế cao 7,2cm, nắp tạo hình hoa sen với cánh kép xen nhau, thân chạm văn hình học,
*Chất liệu bạc không rõ nguồn gốc: 20 thỏi dung ngân hơi hình cầu đk 1,5cm trên chạm hình lá đề
5. Chất liệu sắt có 4 sản phẩm và các phụ liệu không đếm số lượng, có xuất xứ từ Việt Nam như sau: 2 bếp 3 chân quỳ, có quai xách 3 dây, 2 cây kéo đã bị rỉ sét rất nặng gãy làm nhiều đoạn được ráp lại và đồ phụ kiện, phụ liệu dùng trang trí, gia cố đồ gỗ: rương, hòm, hộp, khay…(không đếm số lượng): tay xách, quai, bản lề, miếng ốp góc, nẹp, khoen, ổ khoá, đinh…
6. Chất liệu Antimon: 8 sản phẩm có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc như sau:
* Antimon Trung Quốc: 5 gồm hộp có nắp lòng in khuôn nổi ô chữ nhật trong có 2 chữ Hán 同合 (Đồng Hợp), lọ cổ cao, thân phình, nắp hình trụ
* Antimon Việt Nam?: 3 gồm cù lao (bếp nấu lẩu) lõi đồng có nắp, có quai; hộp hình khối chữ nhật.Tất cả bị hư hại rất nặng, chưa phục hồi nguyên dạng.
7.Chất liệu thuỷ tinh có tất cả 35 sản phẩm và 4 chuỗi, xuất xứ Châu Âu, Việt Nam:
*Thuỷ tinh Châu Âu: 35 sản phẩm gồm thố có nắp màu trong và màu tím, đĩa màu trong, ống nhổ màu trong và ve chai, chung màu trong, cốc hình trụ loe màu trong, lọ dầu màu trong và màu ve chai thân vuông 6 hoặc 8 cạnh, muỗng màu trong, chai màu trong dát vàng hình hoa lá, ly chân cao màu trong.
* Thuỷ tinh Việt Nam: 4 chuỗi gồm các hạt màu đen, màu xanh lơ hình bầu dục;
8-Chất liệu đá gồm 19 sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, Châu Âu, Việt Nam như sau:
*Đá Châu Âu: 3 sản phẩm gồm bát, thố cẩm thạch màu trắng, 1 lọ dầu thân vuông
* Đá Thái Lan: 14 sản phẩm gồm thố có nắp vân xám, bình cổ cao có 3 phần: nắp hình tháp, cổ hình phễu, thân hình cầu; đế, vai, nắp khắc cánh hoa thếp vàng chạy quanh, bát vân màu cà phê sữa bịt kim loại, chung vân màu cà phê sữa, ly chân cao vân màu hồng và cà phê sữa miệng bịt kim loại, đĩa miệng hình cánh sen vân xám, thanh dẹp chặn giấy? vân xám, hộp hình trụ vân vàng xám.
* Đá Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng- Việt Nam: 2 vòng cẩm thạch
9.Chất liệu gỗ và hổ phách có 3 sản phẩm và nhiều hạt chuỗi, mảnh ruơng, hộp (không đếm)... có xuất xứ từ Việt Nam như sau: vòng tay bằng gỗ mun, hộp hình quả nho bằng hổ phách…
10. Chất liệu xương, răng, ngà, vỏ ốc gồm 5 sản phẩm không kể các mảnh xà cừ, mảnh đũa.., có xuất xứ từ Việt Nam như sau: 1 chiếc răng tiền hàm của người (trong hố 1 của bà), vòng tay bằng vỏ nhuyễn thể, nanh hổ bọc đồng bị vỡ dài 5,7cm, mảnh răng voi.., mảnh đũa ngà?(không đếm), các mảnh ốc xà cừ cẩn trên đồ gỗ (không đếm)…
11.Chất liệu tổng hợp có 12 sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, Châu Âu: dao bổ cau lưỡi sắt, cán gỗ có khâu bằng bạc và đồng đã bị gãy, mảnh lược (trong hố 1 của bà), chìa vôi bằng đồng và sắt, 1 kính đeo mắt Châu Âu loại kính lão (viễn thị 2º5) gọng kim loại có thể gấp lại, tròng thuỷ tinh tròn còn nguyên vẹn (trong hố 2 của ông), 1 môi dài 20,4cm cán bằng gỗ, phần lưỡi mất còn lại đường viền lòng mo và đoạn nối vào cán bằng bạc, khung hình vuông lòng bằng cẩm thạch mỏng viền ngoài là khung bạc chạm hoa lá (chưa biết công dụng, có thể là một khung trang trí của rương hòm…)
12. Dấu vết của giấy và sơn: một số mảnh giấy vụn in hoa văn và in màu bị cong nát kích thước 1-3cm, 1 số mảnh sơn vụn màu đỏ bị cong nát kích thước 1-3cm
Theo các tài liệu thì Nguyễn Văn Thuỵ (sau vì kiêng huý nên gọi là Nguyễn Văn Thoại và khi được nhà Nguyễn phong tước hầu thì ông được gọi là Thoại Ngọc Hầu) sinh năm Tân Tỵ (nhằm năm 1761 DL) tại Diên Phước, Quảng Nam cụ thể là làng An Hải, tổng An Lưu Hạ huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam -nay thuộc phường An Hải, quận 3, thị xã Đà Nẵng (2). Khi Quảng Nam trở thành bãi chiến trường tranh chấp lúc thì Nguyễn-Tây Sơn, lúc thì Nguyễn-Trịnh lúc thì Tây Sơn-Trịnh, cậu bé Nguyễn văn Thuỵ theo mẹ chạy vào cù lao Dài thuộc dinh Long Hồ (Vĩnh Long). Năm 1777 khi mới 17 tuổi, Nguyễn văn Thuỵ ra đầu quân cho Nguyễn Ánh (bấy giờ cũng chỉ 16 tuổi) tại dinh Long Hồ và chẳng bao lâu sau đã trở thành một nhân sự đắc lực trong lực lượng phò giá thân cận của Nguyễn Ánh. Ông đã được sai đi trong nhiều công vụ từ Bắc vào Nam và lập được nhiều công trạng nhưng sự nghiệp to lớn nhất của ông gắn liền với công cuộc khai phá miền Hậu Giang của đất nước mà bắt đầu với chức vụ Trấn thủ Định Tường năm 1808. Từ năm 1813 ông được lãnh ấn Bảo Hộ Cao Miên (3) và luôn nắm quyền cai quản khu vực miền Tây sông Hậu với nhiều vị trí khác nhau cho đến lúc qua đời. Có thể nói từ khi vào Nam bộ, ông đã chọn vùng đất này làm quê hương và gắn trọn phần đời còn lại với nơi này, có công lao rất lớn trong việc khai phá đất đai miền Hậu Giang vào đầu thế kỷ 19, làm nên sự nghiệp kỳ vĩ cho quê hương thứ 2 của mình. Tại đây ông đã cưới bà Châu Thị Tế và sau này cưới thêm bà Trương Thị Miệt, cũng tại đây ông chọn cho gia đình mình nơi an nghỉ cuối cùng là trên triền núi Sam đối diện với khu miếu bà Chúa Xứ và ông đã an táng hai người vợ của mình là bà thứ Trương Thị Miệt khi bà mất vào năm 1821 và năm 1826 an táng bà Châu Thị Tế cũng trong khu vực đó trước khi ông đoàn tụ với hai bà vào năm 1829.
VÀI NHẬN XÉT BƯỚC ĐẦU:
Có rất nhiều vấn đề về kinh tế xã hội, ngoại giao, ngoại thương, chính trị, nếp sống…cần nghiên cứu trong phát hiện khảo cổ học tại lăng Thoại Ngọc Hầu (Châu Đốc-An Giang), bước đầu xin có một vài nhận xét:
- Về đồ gốm sứ tìm thấy trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân: Đồ sứ Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao trong số hiện vật phát hiện (khoảng 25%). Không thấy có đồ gốm sứ Việt Nam, cho dù đương thời đồ gốm men Bát Tràng cũng khá nổi tiếng. Từ đó thấy rõ khuynh hướng sử dụng đồ gốm sứ Trung Quốc trong hàng ngũ quan lại cấp cao thời Nguyễn. Thực ra điều này đã bắt đầu thành “phong trào” từ thế kỷ 17 khi nước ta còn trong thời kỳ phân tranh. Điều đáng nói là các loại hình và hoa văn gốm sứ Trung Quốc thuộc sưu tập Thoại Ngọc Hầu có sự khác biệt so với những hiện vật Trung Quốc sản xuất thế kỷ 18-19 đã được công bố.
- Về đồ đồng tìm thấy trong lăng mộ Thoại Ngọc Hầu và phu nhân: Có thể thấy được khá nhiều tiêu bản của làng nghề đúc đồng Huế rất quen thuộc hiện nay.
- Về các đồng tiền: Không thấy có các đồng tiền bằng đồng niên hiệu Gia Long, Minh Mạng. Điều này cho thấy tiền bằng đồng không phải là đồ quý cần chôn theo. Tuy nhiên sự xuất hiện của đồng tiền bằng đồng 明德通寶(Minh Đức Thông Bảo) phát hành thời Nguyễn Nhạc trong hố 1 thuộc khu vực mộ bà Châu Thị Tế là một điều hết sức đặc biệt, có thể liên quan đến một bí mật lịch sử mà đến nay chưa từng được biết. Thân thế Thoại Ngọc Hầu cho biết là ông cùng quê, cùng làng với Thiếu phó Trần Quang Diệu của Tây Sơn. Có lẽ Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Tế đã có một mối liên hệ nào đó? với phong trào Tây Sơn nên hai ông bà cố lưu giữ một kỷ niệm là đồng tiền nói trên (dù biết là nó có thể gây tai hoạ) và khi bà Châu Thị Tế mất, ông đã chôn theo bà đồng tiền kỷ niệm này. Cạnh đó, sự xuất hiện của các đồng tiền quý kim của Châu Âu và những đồng kê ngân, dung ngân… cho thấy quan hệ ngoại thương của miền Hậu Giang đầu thế kỷ 19 hết sức phong phú.
- Về hiện vật quý kim: Mẫu mã của đồ trang sức bằng vàng như nhẫn, khuyên tai, vòng tay… rất quen thuộc với hiện nay. Riêng 33 mảnh trang sức trên chiếc mão quan chánh nhị phẩm là vật liệu quan trọng để phục dựng chiếc mão, góp phần vào việc nghiên cứu phẩm phục thời kỳ đầu triều Nguyễn. Những đĩnh vàng 5 lượng thời đầu Nguyễn cũng là hiện vật hiếm mang giá trị cao về mọi mặt. Những cây trâm vàng được chế tác tinh vi cũng góp phần vào việc nghiên cứu nghề mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam đầu tk 19. Hai đồng tiền vàng Bồ Đào Nha cũng là những hiện vật độc đáo cần có sự nghiên cứu thêm
- Về đồ đá: ít thấy sản phẩm đá Ngũ Hành Sơn mặc dù Ngũ Hành Sơn là ở Đà Nẵng rất quen thuộc với Thoại Ngọc Hầu
- Ngoại trừ những đồ dùng cá nhân của từng người như chiếc mão quan chánh nhị phẩm của ông, một số hiện vật tìm được trong 2 hố khai quật giống nhau đến lạ kỳ: tưởng như có sự thoả thuận phân chia từ trước.
- Có khá nhiều hiện vật của Campuchia, Thái Lan cho thấy sự giao lưu khá mật thiết giữa các tầng lớp trên của Việt Nam với Cao Miên và Xiêm La đương thời.
- Một vấn đề quan trọng là hiện vật tuỳ táng của Thoại Ngọc Hầu được chôn bên ngoài huyệt mộ. Điều này cho thấy có thể có một kiểu chôn đồ tuỳ táng của thời Nguyễn. Vì vậy khi khai quật mộ táng cổ, nhất là mộ táng thời Nguyễn cần hết sức lưu ý vấn đề này và đặc biệt cần có sự thám sát lại đối với những ngôi mộ cổ thời Nguyễn đã khai quật trước đây.
- Riêng phần mộ bà thứ Trương Thị Miệt cách đó khoảng 2m, do không có kế hoạch tu sửa và nằm ngoài khu vực lát gạch nên chưa thể biết có hố chôn đồ tuỳ táng hay không? Vì thiếu phương tiện nên Ban Quản Lý KDTLMNS cũng chưa dùng máy rà kim loại thám sát được. Vấn đề vẫn còn đang bỏ ngỏ chờ ý kiến của cấp trên.
KẾT LUẬN:
Với số lượng hiện vật quý giá trên, có thể nói phát hiện khảo cổ học tại lăng mộ Thoại Ngọc Hầu là rất độc đáo và thú vị, cho đến nay trong lịch sử các quan lại đại thần phong kiến Việt Nam chưa từng có nhân vật nào vừa có công lao, tài đức mà còn để lại một khối lượng di vật phong phú như vậy. Vì thế việc bảo quản, gìn giữ, nghiên cứu, phục dựng…để đi đến thành lập một bảo tàng Thoại Ngọc Hầu tại thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang là một hành động rất cần thiết, có ý nghĩa không chỉ về mặt di sản văn hoá mà còn về mặt ngoại giao, giáo dục tư tưởng, chính trị…
(1) Hội đồng có 7 thành viên là các chuyên gia khảo cổ học và sử học: TS Ngô Quang Láng (Sở VHTT&DL An Giang), TS Phạm Hữu Công (BTLS- Sở VHTT&DLPTHCM), PGS-TS Đặng Văn Thắng (Trường ĐHKHXHNVTPHCM), PGS Lê Xuân Diệm, PGS-TS Bùi Chí Hoàng (Viện PTBV vùng Nam Bộ), TS Hoàng Anh Tuấn (BTTPHCM), ThS Dương Ái Dân, CN Nguyễn Minh Sang (BT An Giang) và một số cán bộ phụ việc: CN Lương Chánh Tòng, Lê Thảo Nguyên (BTLS), CN Đào Xuân Hợp (BTTPHCM)…
(2) Nguyễn Văn Hầu: Thoại Ngọc Hầu và công cuộc khai phá miền Hậu Giang.
(3) Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam chính biên liệt truyện