NHỮNG TƯỢNG RỒNG CHẤT LIỆU ĐỒNG TẠI BẢO TÀNG LỊCH SỬ - TP.HCM
Nghề đúc đồng là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của nước ta. Những sản phẩm phong phú có trình độ cao về kỹ thuật lẫn mỹ thuật còn lưu giữ được trên khắp đất nước ta đã phản ánh được trình độ, thẩm mỹ và óc sáng tạo của người thợ thủ công Việt Nam. Tại Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM hiện lưu giữ rất nhiều hiện vật chất liệu đồng, đa dạng và phong phú về loại hình cũng như kỹ thuật chế tác, trong số đó có 5 tượng có tạo đáng chú ý.
Nguyễn Thị Huỳnh Như
Hoàng Hữu Quang
Xét về tạo dáng, chúng tôi chia 5 tượng rồng trên thành 3 nhóm trong đó có 2 nhóm cặp và 1 nhóm tượng lẻ. Nhóm 2 và 3 có niên đại vào cuối TK 19 được Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM tiếp quản từ Viện Bảo tàng quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn. Tượng rồng nhóm 1 – dạng đốt tre có niên đại muộn hơn – đầu TK 20, Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM nhân được từ Hải quan năm 2011.
Đề án “Mai – trúc – tước”
Nhóm 1: 2 tượng rồng tạo dáng đốt tre với hình dáng đối xứng nhau và bằng nhau về kích thước. Cao: 52 cm, ngang: 23 cm. Rồng được thể hiện trong tư thế Hồi Long – từ trên bay xuống rồi hướng đầu lên trên. Toàn bộ thân rồng được cách điệu từ cây tre tạo thành đề án “Trúc hóa long” với gốc tre là đầu rồng, mình rồng là thân tre với cành và lá tạo thành chân và vảy, đuôi rồng là ngọn tre được chia thành 5 nhánh xòe ra thành chiếc đĩa. Ngoài đề tài “Trúc hóa long” còn có sự phối hợp của các đề tài “Mai – điểu”, “Trúc – mai”, “Trúc – tước” với các chú chim và hoa mai nằm xen kẽ, rải rác khắp thân rồng hình thành nên một đề án lớn “Mai – trúc – tước”.
Nhóm 2: 2 tượng rồng có hình dáng giống nhau và bằng nhau về kích thước. Cao: 26 cm, ngang: 14 cm.. Rồng trong tư thế Thăng Long ¬– rồng vươn từ dưới ao sen bay lên tay nâng lá sen. Đầu rồng thể hiện đầy đủ các chi tiết: mắt to, mũi lân, râu xếch ngược lên mang tai, sừng nhỏ. Thân uốn lượn trong mây, đuôi xoắn tròn. Bên dưới là bệ tròn tượng trưng cho ao nước với các loại động vật: cua, uyên ương, rùa và khóm sen mọc lên chia thành 4 nhánh: 2 nhánh lá búp, 1 hoa sen đang nở và 1 nhánh xuyên lên trên chia thành 2 nhánh: 1 nhánh hoa đang nở và 1 lá sen rồng đang nâng … tạo thành đề tài “Cá hóa long” Rồng bay lên từ ao sen phải chăng thể hiện nghị lực, ước muốn của người dân muốn vươn lên trong cuộc sống được người nghệ nhân thể hiện thành công trong đề tài “Cá hóa long” này.
Nhóm 3: Kích thước: Cao: 42 cm, Ngang: 18 cm. Rồng trong tư thế Thăng Long được thể hiện khá đơn điệu. Mặt rồng thể hiện đầy đủ các chi tiết: mắt, mũi, răng, râu, bờm và sừng. Thân rồng không thể hiện rõ lớp vảy.
* Nhận xét:
Hình tượng rồng là sự thể hiện phổ biến nhất trong nghệ thuật thời Nguyễn. Người nghệ nhân tạo nên những hình tượng rồng phải tuân thủ theo những định chế xã hội và những thiết chế văn hóa đương thời nên hình tượng rồng ở thời Nguyễn rất phong phú và đa dạng về chất liệu, không gian trang trí cũng như nghệ thuật thể hiện.
Xét về mặt chức năng thì tượng rồng nhóm 1 và 2: cách thể hiện cũng như thế đặt, có đầy đủ đĩa đèn đã được cách điệu thì 2 nhóm tượng này được sử dụng làm chân đèn. Tượng nhóm 3 (có thể đã bị lạc mất 1 tượng) được thể hiện đơn điệu, dựa vào thế đứng thì tượng được dùng để trang trí mang màu sắc thờ cúng. Về nhóm tượng rồng làm chân đèn, đáng chú ý là chân đèn đốt tre thường được sử dụng chung với lư đốt tre tạo thành bộ. Bộ lư – chân đèn đốt tre là sản phậm khá tiêu biểu của lò đúc đồng Nam Bộ nhưng không phổ biến lắm, chỉ có một số nghệ nhân và một số lò mới đúc được. Ở khu vực Chợ Lớn mới chỉ tìm được lò đúc đồng Tân Hòa Đông đúc lư, chân đèn tre.
Qua những hình tượng rồng trên cũng như những hình tượng rồng trang trí trên nhiều chất liệu khác nên chăng suy nghĩ thêm về việc phân loại rồng theo một tiêu chí thống nhất?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Thông – Huế: nghề và làng nghề thủ công truyền thống – NXB Thuận Hóa – 1994.
2. Phạm Hữu Công – Nghề đúc lư ở Tân Hòa Đông (TP.HCM). Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992: 167 – 169.