NHỮNG HIỆN VẬT ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG NGÔI MỘ CỔ Ở QUẬN PHÚ NHUẬN – TP.HCM - Trần Thị Thúy Phượng, Trần Thị Thanh Đào, Nguyễn Khắc Xuân Thi
Bảo tàng Lịch sử - TP. Hồ Chí Minh hiện đang lưu giữ một số hiện vật tùy táng trong một ngôi mộ cổ ở quận Phú Nhuận, gồm có: 1. Mão có thể làm theo kiểu hình trụ, hai bên có cánh chuồn.
* Mặt trước [hình 1a]: kích thước: Rộng: 20,5cm, cao: 4,0cm
- Phần trên: mảnh kim loại màu vàng hình cánh cung, hai đầu hơi xoắn, trên có đính hai đóa hoa nổi, hoa có 2 lớp: lớp dưới hình cánh sen, lớp trên là các vòng xoắn trôn ốc nhỏ bao quanh một nhụy tròn có đính hạt trắng trong suốt, mảnh hình cánh cung chạm thủng nhuyễn dây lá hóa rồng, đỉnh hình tam sơn, đỉnh giữa có chạm nổi mặt rồng ngậm châu. Giữa phía dưới là một đóa hoa to, đường kính 3,0cm có 2 lớp: lớp dưới hình cánh sen, khắc cạnh như cánh bướm, lớp trên cùng hình xoắn quanh một nhụy cũng có cẩn hạt trắng, trong suốt và to hơn hai đóa hoa ở hai đầu
- Phần giữa: có một đóa hoa tương tự như đóa hoa trên nhưng nhụy có cẩn hạt màu đõ, đường kính hoa: 3,5cm.
- Phần dưới: có hai cánh hình chữ nhật, đầu trên vát xiên, chạm thủng hình dây lá hóa rồng, xen kẽ với một đóa hoa to ở giữa là hai mảng trang trí (đã mất một) hình dây lá hóa rồng “chầu” vào đóa hoa (rộng 4,0cm, cao 1,0cm), đóa hoa có đệm lớp dưới hình bầu dục (đk lớn: 5,5cm, đk nhỏ: 4,0cm) là hoa văn dây lá chạm thủng, giữa cẩn hạt xà cừ màu trắng lấp lánhnhiều màu.
* Mặt sau [hình 1b]:
- Phần trên: có một đóa hoa nổi kích thước bằng đóa hoa ở giữa phía trước
- Phần dưới: có một đóa hoa và lớp đệm như phần dưới của phía trước nhưng có thêm hai hình rồng “chầu” vào quả châu có tỏa ngọn lửa phía trên
2. Đai [hình 2]: gồm 17 khối hình chữ nhật lớn kích thước 7,5 x 3 x 1cm (khối), chữ nhật vừa 5 x 3 x 1cm (6 khối), chữ nhật nhỏ 3 x 1,5 x 1 (3 khối) (đã mất 1), hình trái tim 3,5 x 3 x 1cm (6 khối) xen kẽ là các hoa lá xoắn xít, chạm trổ tinh vi (nhưng đã mất chỉ còn 2 hoa). Các hình khối này được làm từ những miếng kim loại màu vàng dát mỏng và bọc gỗ bên trong.
3. Mắt kính [hình 3]: có 1 tròng, xung quanh bọc kim loại màu vàng.
4. Một móc tai [hình 4]: dài 10cm, 2 kim đính dài 9,5cm và 7,5cm.
5. Một mặt rồng hình hoa 4 cánh [hình 5]: đường kính 4cm màu xám có móc hình bầu dục bên dưới có 4 vòng tròn nhỏ, đường kính mỗi vòng 1cm.
6. Một mảnh kim loại [hình 6] màu vàng, mỏng, là 2 hình bán nguyệt ráp vào nhau, đường kính 4cm.
7. 7 nút áo hình cầu và 1 hạt trang trí hình hoa bằng kim loại màu vàng có nhụy bôi đỏ? [hình 7]
8. Một hình hoa bằng kim loại bị rỉ đen [hình 8].
Trước đây khi tiếp nhận, Bảo tàng chỉ được biết những hiện vật này tìm thấy trong một ngôi mộ cổ ở quận Phú Nhuận vào ngày 3/11/1961. Có lẽ với kiểu dáng chất liệu như thế người mang những phẩm phục này là quan nhất phẩm.
Cho đến tháng 4/2011 qua việc tìm hiểu gia phả của dòng họ Lê Văn (Lê Văn Duyệt), Trung tâm Nghiên cứu và Thực hành gia phả tiến hành tìm kiếm dấu tích lăng mộ của Ngài Tả dinh Đô thống chế Lê Văn Phong (là em ruột của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt) tìm được vị trí ngôi mộ nằm trong đất quân sự, cổng 2 Doanh trại Quân đội, số 17 đường Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận.
Được biết những hiện vật nêu trên là những hiện vật của Ngài Tả Dinh Đô Thống chế Lê Văn Phong, được lấy từ khu Lăng mộ, chôn theo năm 1824 và được đưa về Bảo tàng Lịch sử - TP.HCM vào ngày 3/11/1961.
Đây là những hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, nghiên cứu chúng giúp tìm hiểu một giai đoạn lịch sử với một vị quan tên là Lê Văn Phong (sanh năm Kỷ Sửu 1769 tại làng Hòa Khánh, tỉnh Định Tường - nay là tỉnh Bến Tre). Lê Văn Phong theo anh ruột (Tả quân Lê Văn Duyệt) phò chúa Nguyễn, đánh quân Tây Sơn, được phong đến chức Đô Thống chế. Qua đó biết được những phẩm phục gắn với một chức quan trong triều đình. Từ đó cần tìm hiểu rõ hơn về hình dáng, công dụng của những phẩm phục, những vật dụng chôn theo trong ngôi mộ cổ này để có phương pháp bảo quản, phục chế thành nguyên trạng nhằm giới thiệu công chúng một cách hiệu quả nhất.