NHỮNG HIỆN VẬT CHAMPA BẰNG KIM LOẠI TẠI BẢO TÀNG CHU LAI (Quảng Nam) -Phạm Xuân Long (BT Chu Lai), Phạm Hữu Công, Lê Thảo Nguyên
Bảo tàng Chu Lai (BTCL) là một bảo tàng tổng hợp tư nhân được thành lập ngày 26 tháng 04 năm 2011 theo Quyết định số: 1289/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Nam. BTCL thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Miền Trung, địa chỉ giao dịch tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam,
các khu trưng bày và kho hiện vật được bố trí nằm trong liên hợp resort Thiên Đàng – Chu Lai – Phi Trường dài 18km cách sân bay Chu Lai 05km, dọc theo bờ biển từ Nam ra Bắc từ địa phận tỉnh Quảng Ngãi ra đến Quảng Nam. Để hình thành bảo tàng, trong 30 năm qua, chủ nhân BTCL đã sưu tầm, thu thập được khoảng 60.000 hiện vật thuộc quá trình lịch sử Việt Nam và các hiện vật giao lưu văn hóa với Campuchia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và các nước phương Tây…nhiều nhất là những hiện vật gốm sứ, đá, kim loại và quý kim…do khu vực Trung Bộ- Việt Nam sản xuất từ thời tiền sử đến văn hóa Sa Huỳnh cho tới đầu thế kỷ 20…trong đó có nhiều hiện vật trước đây chưa từng xuất hiện…Bước đầu BTCL đã hình thành 05 khu vực trưng bày với diện tích khoảng 50.000m2 (trong 100.000 m2 dự kiến) để giới thiệu đến nhân dân địa phương và khách tham quan nghỉ dưỡng trong và ngoài nước những chuyên đề có liên quan đến lịch sử Việt Nam từ thời dựng nước đến thời cận -hiện đại như: văn hóa Đông Sơn, văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa, văn hóa Óc Eo…những chuyên đề về lịch sử Việt Nam, lịch sử khu vực và những chuyên đề đương đại như: Đồng hồ thế giới thế kỷ 18-20; Điện thoại di động cuối thế kỷ 20…với quy mô như trên, BTCL được một số cơ quan truyền thông và nhà nghiên cứu đánh giá là một trong những BT lớn nhất Việt Nam…
Những sưu tập đáng chú ý mà BTCL sở hữu là: sưu tập thẻ tạ ơn hình Phật bằng bạc dán trên các cột kinh của Chămpa thế kỷ 9-10, sưu tập đồ kim loại Chămpa gồm: Kendi bằng đồng, ngẫu tượng Linga-yoni bằng bạc và vàng, sưu tập hạt chuỗi Tây Nguyên thế kỷ 18-20, sưu tập chuông và lục lạc thế kỷ 18-20, sưu tập hỏa khí thế kỷ 17-19 gồm: súng lệnh, súng thần công bằng đồng và bằng gang do Việt Nam và Phương Tây sản xuất, sưu tập đồ gốm Miền Trung – Trung Bộ thế kỷ 15-20, sưu tập chày, con lăn và bàn nghiền Nam Bộ thế kỷ 8-12…Hiện nay BTCL vẫn còn trong quá trình xây dựng và hoàn thiện để cố gắng tạo lên một phong cách riêng biệt đậm nét Trung Bộ – Việt Nam từ hình thức đến nội dung trưng bày.
Phần trưng bày về văn hóa Chămpa của BTCL tọa lạc trong Khu resort Chu Lai chiếm diện tích khoảng 30.000 m2 gồm 02 tầng và khu vực ngoài trời với nhiều hiện vật các loại chất liệu như: Đất nung, gốm, đá, kim loại…trong đó có sưu tập kendi, phạm vi bài viết này xin được giới thiệu một số hiện vật bằng kim loại đáng chú ý:
1/ KENDI : Miệng có vành, cổ thắt nhỏ lại, thân hình cầu không có quai. Vòi hình chữ S với đầu vòi hình hoa 04 cánh. Kendi cao 24cm, đường kính miệng 14cm. Tiêu bản này có hình dạng rất gần gũi với loại kendi bằng đất nung trong sưu tập của linh mục Nguyễn Văn Thăng ở Trà Kiệu. Có thể được sản xuất tại Bình Định niên đại khoảng thế kỷ 13-15 (hình 1). Chiếc kendi này có nét tương đồng về hình thể chiếc vòi với chiếc kendi tìm thấy tại Trường xá- Quảng Trị giới thiệu trong “Trésors d’art du Vietnam- La sculpture du Champa V-XV sìeclles” của Bảo tàng Guimet (tr. 296) nhân cuộc trưng bày phối hợp với các bảo tàng Việt Nam vào năm tháng 10/2005- đến tháng 2/2006 tại Paris.
2/ KENDI : Miệng có vành, cổ thắt nhỏ lại, thân hình cầu, không có quai. Vòi hình núm vú. Kendi cao 20cm, đường kính miệng 8,5cm. Chiếc kendi này có hình dạng tương tự như chiếc nói trên, nhưng thanh hơn, niên đại cũng như nơi sản xuất có thể tương đồng (hình 2).
3/ KENDI : Miệng có vành, cổ thắt nhỏ lại, thân hình cầu, không có quai. Vòi hình trụ, nhỏ dần về phía đầu, đầu vòi có khoanh thoạt trông tựa như một linga dựng xiên 60 độ, chỗ vòi gắn vào thân là một miếng nổi tựa như hình yoni. Kendi cao 15,5cm, đường kính miệng 7cm. Chiếc kendi này tìm thấy tại Quảng Trị, niên đại vào khoảng thế kỷ 8-10 sớm hơn so với 2 chiếc trên (hình 3). Đây là chiếc kendi có dáng đẹp nhất trong 03 chiếc.
Có thể thấy 03 chiếc kendi đã tạo lên một bộ sưu tập thú vị của loại bình đựng rượu Chămpa thời thịnh đạt.
4/ LINGA TRÊN BỆ VÚ : Gồm 02 phần. Phần trên là linga hình trụ dài 12cm, đường kính 02cm có 02 đoạn: trên hình trụ và dưới là 08 cạnh cắm vào tâm hình 03 lớp cánh sen tỏa ra của mặt bệ. Bệ hình trụ như hình chiếc bánh sinh nhật cao 14cm, đường kính 26,5cm. Chạy quanh thân là hình băng hoa văn với băng bầu 16 vú có núm ở giữa, trên và dưới lần lượt là băng sọc dọc và băng bện thừng xen kẽ. Toàn bộ bệ vú và linga cao 26cm làm bằng bạc mới sơn lại màu đỏ. Riêng đoạn trên của linga dài 05cm được bọc một lớp kim loại vàng non tuổi. Đây là hiện vật sưu tập được ở khu vực Miền Trung. Nhiều khả năng nó do các thế hệ con cháu Hoàng gia Chămpa làm lại sau này, khoảng thế kỷ 17-18 để thờ cúng. (hình 4). Linga trên bệ vú của BTCL có nét tương tự như chiếc Linga-Yoni giới thiệu trong tài liệu nói trên về số tầng của linga (tr.294-295).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
-Musée Guimet (2005): Trésors d’art du Vietnam- La sculpture du Champa V-XV sìeclles.
-Lê Xuân Diệm-Vũ Kim Lộc (1996): Cổ vật Champa, NXB Văn Hoá Dân Tộc.