Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 9
Truy cập hôm nay: 71414
Tổng số truy cập: 3320788
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

NHẬN ĐỊNH VỀ GIÁP NGÂN, KHÊ NGÂN, DUNG NGÂN TRONG PHỦ BIÊN TẠP LỤC QUA DI VẬT KHẢO CỔ TRONG LĂNG THOẠI NGỌC HẦU

2013-01-04 15:36:25

Ngay từ nửa sau thế kỷ 18, trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã đề cập tới một số vấn đề về kinh tế hàng hoá – tiền tệ…ở xứ Đàng Trong. Trong đó, Ông đã ghi chép một số loại tiền vốn được lưu hành có tính chất chính thống và rộng rãi trong giai đoạn thời Chúa Nguyễn thế kỷ 17-18 như: Giáp ngân, Khê ngân, Dung ngân…

 Phạm Hữu Công
Lương Chánh Tòng


Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào cho biết hình dáng, đặc điểm, đơn vị đo lường của các loại tiền trên mà Lê Quý Đôn đã đề cập. Điều này tạo ra một thắc mắc trong nhận thức của chúng ta về một thời kỳ kinh tế hàng hoá, tiền tệ phát triển đa dạng ở một khu vực được coi là “vùng kinh tế mở” trong lịch sử Việt Nam.
Nghiên cứu về tiền tệ xứ Đàng Trong, cho đến nay mới chỉ có rất ít các công trình nghiên cứu, có thể liệt kê một số công trình như sau: “Tiền tệ và chính sách tiền tệ ở Đàng Trong” của tác giả Trương Ngọc Tường ; “Tiền cổ Việt Nam” của Đỗ Văn Ninh ; “Tiền kim loại Việt Nam” của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) ; “Đôi điều về các chặng đường hình thành và phát triển tiền cổ Việt Nam” của Hoàng Văn Khoán ; “Những nhận định về tiền kẽm xứ Đàng Trong” “Lịch sử tiền tệ Việt Nam-sơ truy&lược khảo” của Nguyễn Anh Huy …Có một thực tế, những công trình trên chỉ đề cập chủ yếu về tiền do các thế lực chính trị Việt Nam qua các thời phát hành. Chưa có một công trình nào đề cập đến các hình dạng loại hình Giáp ngân, Khê ngân và Dung ngân. Hơn nữa, hầu hết các công trình nghiên cứu về tiền tệ xứ Đàng Trong chỉ dừng lại dựa trên những ghi chép trong sử liệu (chủ yếu từ những công trình của Lê Quý Đôn), mà chưa có những bằng chứng vật thật, cho nên chưa hình dung ra 3 loại tiền này có hình dạng thế nào mặc dù thời gian cách nay chỉ khoảng hơn hai thế kỷ.
Trong những năm gần đây, từ những phát hiện khảo cổ học ở Nam Bộ, chúng tôi đã bắt đầu chú ý nghiên cứu về những đồng tiền Kê (Khê) ngân và Dung ngân .
Đặc biệt vào năm 2010, từ kết quả khai quật, chỉnh lý, nghiên cứu giám định khối di vật phát hiện trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu (Núi Sam – Thị xã Châu Đốc – An Giang), trong số hàng trăm di vật có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19 , đã phát hiện được ở phần mộ ông Thoại Ngọc Hầu 5 thỏi, phần mộ bà Châu Vĩnh Tế 10 thỏi, tổng cộng là 15 thỏi Giáp ngân; đồng Khê ngân khu mộ Ông Thoại Ngọc Hầu 320 đồng, khu mộ bà Châu Vĩnh Tế 75 đồng, tổng cộng là 395 đồng; Dung ngân ở cả hai khu mộ Ông và Bà mỗi bên 10 thoi, tổng cộng là 20 thoi.
Những phát hiện này góp phần quan trọng trong việc nhìn nhận các loại tiền giáp ngân, khê (kê) ngân, dung ngân mà Lê Quý Đôn đã ghi chép trong Phủ biên tạp lục, vốn cho đến nay vẫn chưa rõ hình dạng.
Trở lại với Phủ biên tạp lục, tập trung ở quyển thứ 4 – viết về thuế khóa, tiền tệ, tổng hợp các ghi chép của Lê Quý Đôn Viết về các loại hình Giáp ngân, Khê ngân, Dung ngân như sau:
Trước đây, để cấp thưởng lộc cho quan Ngoại hữu Trương Phúc Loan, nên hai tiểu nguyên này phải nạp giáp ngân là 22 thoi, 7 lượng, 9 đồng cân, 2 phân…Đầm Yên Xuân thuộc huyện Quảng Điền, xứ Thuận Hoá, hàng năm phải nạp thuế là 8 thoi bạc giáp ngân .
Theo lệ cũ của nhà Nguyễn, các xứ phải nạp vàng bạc cùng trầm hương, đại mạo (đồi mồi) đều phải đệ nạp đến Nội phòng, giao phó cho thuyền Tân Nhất bắt lính canh giữ. Còn quan chức ở các phủ được thăng thưởng, cùng với các xã nạp lễ bằng thứ bạc như hình lá cây si, thì ty Lệnh sử phải thâu và giao nộp vào kho .
Vàng hàng năm thâu vào được 83 hoặc 84 thoi, hoặc 80 hay 90 thoi, nghĩa là đều ở mức độ trên dưới 85 thoi.
Giáp ngân thâu vào hoặc 24 thoi, hoặc 29 thoi.
Dung ngân thâu vào hoặc 240 thoi, hoặc 248 thoi.
Kê ngân thâu vào 10.100 đồng, hoặc 10.400 đồng, hay không có đồng nào cũng nên, vì không có tiêu chuẩn nhất định.
Chỉ có năm Nhâm Thân (tức năm 1752), thứ bạc giáp ngân được thâu vào cọng 257 hốt (thoi ), thứ bạc dung ngân được thâu vào cọng 223 hốt. Người ta thử tính trong 7 năm ấy, số vàng thâu được cọng 576 thoi, 8 lượng, 4 đồng cân, số giáp ngân thâu được cọng 997 thoi, 8 lượng, số dung ngân thâu được cọng 1.427 hốt, số kê ngân thu được cộng 21.150 đồng. Quyển sổ ấy, cứ đến cuối năm tính xong, người ta viết: “lây ngày mùng 3 tháng giêng năm tới trình nạp”. Hàng năm, người ta cứ cọng rõ số mục như vậy, khỏi phải phiền tra khảo tính lại, (chỉ thoạt trông cũng biết ngay). Đó là một việc rất hay vậy .
Trong bản dịch Phủ biên tạp lục, dịch giả Lê Xuân Giáo đã chú thích Giáp ngân là “bạc hạng nhất”; Dung ngân là “bạc hình lá si”; Kê ngân là “bạc hình con gà”, mặc dù vậy, vẫn khó cho chúng ta một hình dung cụ thể về hình dáng, các đặc điểm và đơn vị đo lường của các loại hình đó như thế nào.
Thứ nhất về Giáp ngân (甲銀), theo dịch giả, người đọc được hiểu là bạc hạng nhất. Tuy nhiên thế nào là hạng nhất, phải chăng dùng để chỉ chất lượng của bạc? Chữ Giáp (甲) trong Phủ biên tạp lục được hiểu là gắn cho một thứ gì đó đứng đầu – thiên về chỉ tính chất. Vì ngày xưa, lấy mười Can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) kể lần lượt, cho nên cái gì hơn hết cả hoặc là cái bắt đầu hay cái đầu tiên đều gọi là Giáp . Chẳng hạn giáp bảng, giáp thủ, kho giáp…
Thứ hai về Dung ngân (榕 銀): được hiểu là bạc hình lá si. Tuy nhiên trong nguyên gốc chữ Hán thì chữ 榕 được đọc là Dong (Dung) – có nghĩa là cây dong, một loài như cây si.
Thứ ba về Kê ngân (雞 銀), thực ra Lê Xuân Giáo đã phiên âm và dịch không đúng với nguyên gốc chữ Hán, vì ở trang 37a phần chữ Hán, Lê Quý Đôn viết là 鸂 銀 (khê ngân), được hiểu là bạc có hình con chim giống với con Le, tục gọi là Tử uyên ương . Mặc dù về bản chất không có sự thay đổi đáng kể, nhưng cần tôn trọng nguyên gốc, do đó phải gọi là Khê ngân chứ không thể gọi là Kê ngân như nhầm lẫn của nhiều nhà nghiên cứu trong thời gian qua.
Từ tổng hợp những di vật đang lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử - Tp.Hồ Chí Minh, ở Khu di tích Lăng miếu Núi Sam (Châu Đốc – An Giang) và một số nhà sưu tập tư nhân cũng như hiện vật trên thị trường  xin bước đầu xác định về hình dạng loại hình, đặc điểm, trọng lượng của các loại Giáp ngân, Khê ngân, Dung ngân như sau:
- Giáp ngân, hiện nay thường gọi là “Đĩnh” (Hình 1): dạng hình hộp chữ nhật, mặt lõm, lưng hơi cong, cạnh trái có chữ Hán 中平 (Trung Bình) hoặc chữ 中平 (Trung Bình) và chữ 長 (Trường), hoặc chữ 中平 (Trung Bình) và chữ  全 (Toàn); cạnh phải chữ 甲 (Giáp) hoặc 公甲 (Công Giáp); cạnh đáy đóng dấu 寶省 (Bảo Tỉnh ), lưng khắc chữ 十兩 (Thập lạng). Kích thước dài: 12 - 12,1cm; ngang: 2,8 - 3cm; dày: 1,4 - 1,6 cm; trọng lượng từ 10 lượng, 2 li đến 10 lượng 8 phân, 9 li.
      
 
Hinh 1: Giáp ngân – di vật tìm thấy trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu

Ngoài Giáp ngân, trong sưu tập di vật khảo cổ trong khu Lăng Thoại Ngọc Hầu còn có một loại hình, tạm gọi là Giáp kim (vàng hạng nhất?) với 4 thỏi vàng, có hình dáng tương gần giống với Giáp ngân: dạng hình hộp chữ nhât, một di vật trên mặt đúc chữ 寶 (Bảo); hai thoi ở một bên hông có chữ 中平甲寶 (Trung Bình – Giáp –Bửu) hoặc chữ 中平寶 (Trung Bình  –Bửu); cạnh phải đóng dấu 公甲 (Công Giáp), 五兩 (Ngũ Lượng), cạnh trái có dấu 中平 (Trung bình). Kích thước dài: từ 10,3cm đến 10,7cm; rộng: từ 1,65cm đến 1,8cm; dày: từ 0,5cm đến 0,7cm; trọng lượng: từ 5 lượng, 1 chỉ, 2 phân 1 li đến 5 lượng, 1 chỉ, 2 phân, 5 li. Tuổi vàng: từ 24k; 9+,75 đến 9,8 tuổi. (Hình 2)
      
Hình 2: “Giáp kim” – Di vật tìm thấy trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu

- Khê ngân: dạng mặt tròn dẹt, mặt tiền đúc nổi hình con chim Le (dân gian thường gọi là tiền con gà), lưng tiền để trơn. Đường kính trong khoảng 1,5cm; dày từ 0,15cm đến 0,2cm. Trọng lượng khoảng 2,847gr. (Hình 4 - 7)
                
Hình 4: Khê ngân – di vật tìm thấy trong khu Lăng Thoại Ngọc Hầu    Hình 5: Khê ngân – Hiện vật Bảo tàng Lịch sử - Tp.Hồ Chí Minh.    Hình 6: Mặt trước một đồng Khê ngân    Hình 7: Mặt sau một đồng khê ngân


- Dung ngân (dân gian thường gọi là “gúc”): dạng thỏi, có hình cầu như “khuyên tai hình con đỉa”, trên một mặt có dấu in chìm một hình như hình lá đề - si, trong đó có một số chấm tròn nổi. Kích thước trong khoảng: 1,5cmx1,4cm; trọng lượng khoảng 39,7gr – khoảng 4 lượng, 2 phân, 5 li. (Hình 8 -9)
      
Hình 8: Dung ngân – phát hiện trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu    Hình 9: Dung ngân – Hiện vật Bảo tàng Lịch sử - Tp.Hồ Chí Minh
Về đơn vị đo lường, Lê Quý Đôn không ghi chép cụ thể cho chúng ta thấy được các dạng quy đổi. Nhưng một số ghi chép liên quan đến tiền thuế Đàng Trong lại hé mở cho chúng ta một số nhận thức ban đầu. Chúng tôi xin trở lại vấn đề này vào một dịp khác, ở đây chỉ xin nhận định : Các loại hình Giáp ngân, Khê ngân và Dung ngân được sử dụng tại Xứ Đàng Trong (chưa tìm ra chủ nhân phát hành) và là các loại hình tiền tệ dùng để quy đổi khi thu thuế thay sản vật, điều này dựa trên ghi chép của Lê Quý Đôn như sau:
“Vịnh Ô Lư (thuộc phủ Bình Khang) hàng năm phải nạp số tiền thuế: 165 quan, cùng với 3 thoi bạc hạng nhất…Đầm Tắc Cú (hay Tắc Câu) và đầm Cửa Nhủ (đều thuộc phủ Bình Khang) hàng năm phải nạp 9 thoi bạc hạng nhất cùng với số tiền trầu cau là 100 quan…Vịnh Cam Linh ngoại (giáp làng Thuỷ Triều tức làng Nò) hàng năm phải nạp số tiền thuế: 100 quan, 4 tiền, và 4 thoi vàng…Đầm Đại Mạo hàng năm phải nạp số tiền thuế: 19 thoi bạc và 150 quan tiền” .
Trong “Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17-18” Li Tana đã có những nhận xét như sau: “Phủ biên đưa ra ba loại bạc: giáp ngân, dung ngân và kê ngân. Khi dịch Phủ biên ra tiếng Việt hiện đại, các nhà khoa học ở cả Saigon cũng như Hà Nội đều đưa ra những cách giải thích mơ hồ về các từ này. Dung ngân được cắt nghĩa là “bạc lá đề”, trong khi kê ngân là “bạc con gà”. Cách giải thích này xem ra hơi lạ. Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng giữa Cho – Jin, bạc của Nhật với tên dung ngân có liên hệ với nhau. Dung ngân đọc theo tiếng Hán. Cho – Jin là một hợp kim chứa 80% bạc được chỉnh phủ Tokugawa cho lưu hành như một tiền tệ hợp pháp vào năm 1699. Do đó, tôi nghi là bạc loại một (tiếng Việt là giáp ngân, tiếng Hán là gia ngân) là một  cách đọc từ Jo – gin của Nhật, một thứ tinh quặng bạc thô được sử dụng trước năm 1699. Loại bạc thứ ba là kê ngân có thể chỉ tất cả các loại tiền đúc của người Âu” .
Có lẽ, do thời điểm nghiên cứu, Li Tana chưa tiếp cận được với các nguồn tài liệu vật thật, chỉ dựa vào các ghi chép của Lê Quý Đôn và một số suy đoán của các nhà nghiên cứu, nên đã đưa ra những nhận xét như trên.
Tổng hợp các kết quả trên, chúng tôi cho rằng, Giáp ngân, Khê ngân và Dung ngân chính là một dạng tiền tệ được sử dụng ở Xứ Đàng Trong và còn tồn tại tới đầu thời Nguyễn. Cho đến nay, chúng ta đã có đủ chứng cứ để xác định hình dạng về một số loại tiền mà Lê Quý Đôn đã ghi chép trong Phủ biên tạp lục là của Xứ Đàng Trong, loại mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng chúng có nguồn gốc từ nước ngoài. Góp phần bổ sung thêm vào trong lịch sử nghiên cứu tiền tệ ở Việt Nam nói chung và những vấn đề lịch sử kinh tế xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn và thời Nguyễn nói riêng về 3 loại hình tiền tệ: Giáp ngân, Khê ngân và Dung ngân.
Tài liệu tham khảo
1.    Lê Quý Đôn 1973: Phủ biên tạp lục. Quyển 4. Bản dịch của Lê Xuân Giáo. Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá xuất bản. Tủ sách cổ văn Uỷ ban dịch thuật. Sài Gòn
2.    Trương Ngọc Tường 1992: Tiền tệ và chính sách tiền tệ ở Đàng Trong. Trong Những vấn đề văn hoá xã hội thời Nguyễn. Tập 1. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội. Tr.135-142.
3.    Đỗ Văn Ninh 1992: Tiền cổ Việt Nam. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.
4.    Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 2005: Tiền kim loại Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
5.    Hoàng Văn Khoán 1996: Đôi điều về các chặng đường hình thành và phát triển tiền cổ Việt Nam. Trong Tạp chí Khảo cổ học, số 3. Viện Khảo cổ. Hà Nội.
6.    Nguyễn Anh Huy 2005: Những nhận định về tiền kẽm xứ Đàng Trong. Trong Nam Bộ đất và người. Tập 3. NXB Trẻ. Tp.Hồ Chí Minh. Tr.250-261.
7.    Phạm Hữu Công 2011: Tiền bằng bạc thế kỷ 18 phát hiện tại Nam Bộ. Trong Nam Bộ đất và người. Tập 8. NXB Đại học Quốc gia – Tp.Hồ Chí Minh. Tr.346-351.
8.    Phạm Hữu Công, Ngô Quang Láng, Phan Văn Trắng, Dương Ái Dân, Nguyễn Minh Sang 2011: PHÁT HIỆN DI VẬT CỦA THOẠI NGỌC HẦU và PHU NHÂN tại lăng Thoại Ngọc Hầu- Núi Sam (Châu Đốc-An Giang). Báo cáo trình bày tại Hội nghị thông báo Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2011, tổ chức tại Hà Nội. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử - Tp.Hồ Chí Minh.
9.    Thiều Chửu 2005: Hán – Việt tự điển. NXB Đà Nẵng.
10.    Li Tana 1999: Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 -18. Bản dịch của Nguyễn Nghị. NXB Trẻ. Tp.Hồ Chí Minh