MỪNG BẢO TÀNG LỊCH SỬ – TP. HCM 30 TUỔI - Trần Trọng Tân
Tôi mừng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh, 30 tuổi kể từ ngày 23 tháng 08 năm 1979, ngày mà UBND TP.HCM ra quyết định với tên gọi như hiện nay sau khi được Bộ Văn hóa bàn giao Bảo tàng này cho Thành phố. Thực ra Bảo tàng này đã có bề dày lịch sử đáng kể: 82 năm, nếu tính từ ngày 24 tháng 11 năm 1927. Đó là ngày thành lập với tên là Bảo tàng Nam Kỳ, sau đó đổi tên là Bảo tàng Blanchard de la Brosse, tên của viên thống đốc Nam Kỳ đã ký nghị định thành lập Bảo tàng.
Ngày 01 tháng 01 năm 1929, Bảo tàng chính thức ra mắt công chúng với khoảng 3.000 hiện vật. Đến trước ngày miền Nam được giải phóng tháng 4 năm 1975, số hiện vật có hơn 5.000, với số khách tham quan, năm đông nhất có hơn 300.000 lượt người. Bảo tàng Lịch sử mà bản thân nó lại có bề dày về lịch sử là rất đáng quý. Tôi nêu vấn đề này để cùng suy nghĩ, nên chăng là có thêm một ngày kỷ niệm, ngày 24 tháng 11 năm 1927, đúng là ngày đầu tiên thành lập Bảo tàng (Bảo tàng Nam Kỳ).
Kể riêng về tuổi 30 từ khi Bảo tàng lấy tên là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP. Hồ Chí Minh, việc quản lý đã qua bốn đồng chí thay nhau làm Giám đốc: đồng chí Lê Trung, đồng chí Trần Văn Triệu, đồng chí Trịnh Thị Hòa và hiện nay là đồng chí Trần Thị Thúy Phượng. Điểm rất đáng quý ở các đồng chí là gầy dựng được một tập thể có tâm huyết với việc xây dựng Bảo tàng. Các đồng chí đã thực hiện sự hợp tác hỗ trợ rất tốt với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, với các Bảo tàng khác ở thành phố, với các Bảo tàng tư nhân. Các đồng chí chẳng những tiếp thu, giữ gìn, kế thừa vốn cũ để lại mà còn xây dựng phát triển lên nhiều bậc, làm biến đổi hoàn toàn bộ mặt của Bảo tàng. Nội dung, hoạt động của Bảo tàng được mở rộng và có nhiều đổi mới. Nếu tháng 4 năm 1975 chỉ có 5.000 hiện vật thì nay số hiện vật lên đến 37.000, trong đó có những bảo vật quốc gia như: con dấu thời Vua Lê Thánh Tông (năm 1471), 13 cổ khí sản xuất thời Vua Minh Mạng (1839), con dấu “Hoàng đế tôn thân chi bảo” bằng ngà voi được vua Đồng Khánh tái tạo sau năm 1885, cuốn sách bằng đồng (gọi là sách phong) của Vua Tự Đức truy tặng Nguyễn Phúc Miên Áo làm Phú Bình Công (sự kiện có quan hệ đến một nhân vật là Hồng Tập, cháu nội của Vua Minh Mạng, bất mãn với hàng ước Nhâm Tuất (1862) mưu giết Phan Thanh Giản, Trần Tiễn Thành và bắt Khâm sứ Pháp, kế hoạch bị bại lộ, bị xử tử. Xác ướp Xóm Cải (phường 8 quận 5, thành phố Hồ Chí Minh) của một phụ nữ người Việt gần 150 năm trước… Về khách tham quan đến nay đã có hơn 500.000 lượt người/ năm. Nhiều di tích thời tiền sử, sơ sử của thành phố đã được khai quật, xác định lịch sử thành phố Hồ Chí Minh không chỉ có 300 năm của người Việt mà còn cả 3.000 năm của các cư dân bản địa…
Mặc dầu còn nhiều mặt phải cố gắng hơn nữa, nhưng với thành quả đã đạt được trong hơn 30 năm qua của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TP. HCM, là đáng trân trọng, đáng mừng. Trong nhiều thành quả này, vấn đề phát huy, bồi dưỡng, nâng cao trình độ các mặt cho lực lượng tại chỗ, mở rộng việc nghiên cứu giảng dạy, xây dựng ý thức chung lòng, chung sức vì sự phát triển của Bảo tàng là đáng mừng nhất, vì mọi việc làm được đều có con người.
Tôi đã đọc tập sách “365 bước chân dạo quanh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh” do đồng chí Trần Thị Thúy Phượng và đồng chí Phạm Hữu Công chủ biên vừa xuất bản tháng 9 năm 2008. Đây là một tập sách hay, biên soạn công phu, rất cần cho những ai muốn tìm hiểu và nghiên cứu những gì đã có ở Bảo tàng. Tôi mong sách này được dịch ra tiếng nước ngoài để khách nước ngoài có thể mua để đọc, mong loại sách này được biên soạn tóm lược hơn nữa và in chữ lớn hơn với giá bán ít tiền cho khách trong nước dễ mua. Tôi mong từ tập sách này có thể tổ chức một số cuộc hội thảo, và làm sáng tỏ thêm một số vấn đề để cuốn sách ngày càng hoàn thiện như Ban biên tập mong muốn.
Vừa rồi, một số bà con người Việt ở nước ngoài vể dự lễ Giỗ Tổ Hùng Vương có mang thêm con, cháu. Họ lo con, cháu họ bị mất gốc Việt Nam không hiểu lịch sử Việt Nam, không nói đúng tiếng Việt, không đọc thông và viết thạo tiếng Việt. Không ít người trong nước cũng có nỗi lo như vậy. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là nơi thực hiện việc giáo dục trực quan về lịch sử. Nó góp sức vào việc trồng người, lại là việc vun gốc trong trồng người Việt Nam. Các đồng chí đang công tác ở Bảo tàng là người có vinh dự rất lớn, rất đáng phấn khởi tự hào vì đã góp phần vào việc vun gốc trồng người đó.
Tôi được biết, Sở Thú sẽ dời lên Củ Chi. Tôi mong thành phố có kế hoạch xây dựng thêm một Bảo tàng thiên nhiên, bên cạnh Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM. Hai bảo tàng này cùng tồn tại trong khu Thảo Cầm Viên cũ, có chung một Ban quản lý, được đầu tư xây dựng khang trang hơn, xứng với tầm vóc lịch sử đất nước, lịch sử thành phố. Được như vậy thành phố mang tên Bác thêm đẹp, thêm nội dung văn hóa cho khách trong nước và ngoài nước lúc đến thăm thành phố.