Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 13
Truy cập hôm nay: 73398
Tổng số truy cập: 3305913
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

LÝ NAM ĐẾ VÀ NHÀ NƯỚC VẠN XUÂN

2014-02-17 09:54:11

Nhân dịp đầu Xuân và kỷ niệm 1.470 năm thành lập Nhà nước Vạn Xuân (544 – 2014), Bảo tàng Lịch sử xin được giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của vị vua triều Tiền Lý cùng ý nghĩa của việc đặt tên cho một Nhà nước đầu tiên trong buổi đầu đấu tranh chống lại các tập đoàn phong kiến phương Bắc.

Lý Bí (còn gọi là Lý Bôn) người làng Thái Bình, phủ Long Hưng (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) xuất thân từ một hào trưởng địa phương. Tổ tiên của Lý Bí vốn là người Trung Quốc, vào cuối thời Tây Hán thì tránh sang ở Việt Nam để trốn nạn binh đao. Qua 7 đời, đến đời Lý Bí thì dòng họ Lý đã ở Việt Nam được hơn 5 thế kỷ. Chính sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là “Giao Châu thổ nhân”.

Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 năm Quý Mùi (17-10-503). Bố là Lý Toản, trưởng bộ lạc, mẹ là Lê Thị Oánh người Ái Châu (Thanh Hóa). Từ nhỏ, Lý Bí đã tỏ rõ là một cậu bé thông minh, sớm hiểu biết. Khi Lý Bí 5 tuổi thì cha mất, 7 tuổi thì mẹ qua đời. Ông đến ở với chú ruột và sau đó được một vị Pháp Tổ thiền sư đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm rèn sách chuyên cần, Lý Bí trở thành người học rộng, hiểu sâu. Nhờ có tài văn võ song toàn, Lý Bí được tôn lên làm thủ lĩnh địa phương. Ông từng được Thứ sử Tiêu Tư nhà Lương mời ra làm chức Giám quân ở Đức Châu (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) nhưng do bất bình với các quan lại đô hộ tàn ác, Lý Bí từ quan, về quê, chiêu binh mãi mã chống lại chính quyền đô hộ.

Cuối năm 541, ông liên kết với các châu lân cận chính thức khởi binh chống nhà Lương, khí thế rất mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của ông, nghĩa quân nhanh chóng kiểm soát toàn bộ Giao Châu, Bắc Trung Bộ, quận Hợp Phố thuộc Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay.

Tháng giêng năm Giáp Tý (02/544), ông lên ngôi tự xưng là Lý Nam Đế, niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân thể hiện mong muốn rằng xã tắc truyền đến muôn đời. Kinh đô đóng ở Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội), dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội. Thành lập triều đình với hai ban văn, võ. Ông trọng thưởng cho dân rất hậu, ban tặng vàng, lúa cho các bô lão, miễn sưu thuế cho dân. Mẹ và vợ của ông có công trong việc truyền đạt cho nhân dân trong vùng nhiều kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm. Để tưởng nhớ đến công lao, nhân dân đã lập đền thờ cả ba người.

Đầu năm Ất Sửu (545), nhà Lương đem quân dồn sức tấn công nước Vạn Xuân nhằm chiếm lại Giao Châu. Lý Nam Đế đem quân đánh chặn ở Lục Đầu nhưng không cản được giặc. Sau đó, Lý Nam Đế rút về miền núi Vĩnh Phú xây dựng lực lượng chống giặc. Quân Lương tiếp tục tấn công lên, Lý Nam Đế phải rút vào động Khuất Lão. Hai năm sau, Lý Nam Đế mất vào ngày 20 tháng 3 năm Mậu Thìn (13-4-548).      

Các nhà sử học khẳng định rằng trong thời Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, kéo dài hơn 1.000 năm, cuộc khởi nghĩa Lý Bí nói riêng và vương triều Tiền Lý nói chung giữ một vị trí rất quan trọng. Cuộc khởi nghĩa Lý Bí đã thu được thắng lợi vang dội nhất và giành được quyền độc lập, tự chủ lâu dài nhất. Trong lịch sử nước nhà, việc Lý Bí đặt tên nước là Vạn Xuân, tự xưng là hoàng đế, định niên hiệu, lập một triều đình ngang hàng với nước lớn phương Bắc là sự khẳng định chủ quyền độc lập dân tộc, sự bền vững muôn đời của đất trời phương Nam.

Tài liệu tham khảo:

Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng (1995), Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, tr.36-40.