HỘP KLONG TRONG VĂN HÓA CHĂMPA - Nguyễn Thị Huỳnh Như
Hòa trong xu hướng phát triển hiện đại hóa, trong 10 năm qua, Bảo tàng Lịch sử đã không ngừng đổi mới, chuyên nghiệp hóa các công tác chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều bộ sưu tập mới, chuyên đề mới được ra đời và từng bước giới thiệu đến công chúng.
Bằng các hoạt động điền dã, mua, cơ quan chức năng giao và một số cá nhân hiến tặng, đã mang về cho Bảo tàng hơn 10.000 cổ vật phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình. Nổi bật trong số đó là chiếc hộp bằng bạc – văn hóa Chămpa được Bảo tàng mua về năm 2009.
Hộp Klong có dạng như một hoa sen đang nở với 4 lớp cánh. Hộp được làm bằng bạc, chia là 2 phần: nắp và thân. Chiều cao cả nắp: 8 cm, đường kính miệng: 5cm.
Nắp dập nổi 2 tầng cánh hoa nhiều cánh, vành miệng tạo hình răng cưa. Giữa tầng 2 và vành miệng khắc chìm băng hoa văn chữ S. Ở giữa nắp đính một đinh tròn bằng đồng nhô lên làm thành nhụy hoa. Trong mỗi cánh hoa khắc hình dây lá cách điệu.
Thân hộp dạng bán cầu, viền miệng dập nổi hàng nhũ đinh. Bên dưới hàng nhũ đinh là 2 lớp cánh sen xen kẽ nhau. Trong mỗi cánh hoa ở lớp trên khắc 2 cặp hình thoi và tròn đối xứng nhau. Lớp cánh hoa bên dưới khắc viền ở mỗi cánh hoa, bên trong không khắc hình hoa văn. Phần chân được viền bởi dãy băng khắc hình sóng nước. Trôn bằng có khắc dòng chữ Chămpa, dòng chữ này có thể là tên của người đã mất.
Tình trạng: Hộp còn nguyên vẹn, bên trong còn dấu vết của vôi. Có thể chiếc hộp đã được sử dụng để đựng vôi trước khi được sưu tầm về.
Qua nghiên cứu những tư liệu về văn hóa Chămpa thì Klong là 1 loại hộp dùng để đựng xương sọ của người mất sau khi hỏa thiêu. Người ta thường không mang Klong về nhà, trong khi chờ đợi được vào “Kut” (nghĩa trang của một dòng tộc theo mẫu hệ), những hộp Klong được chôn tạm trong rừng, dưới gốc cây cổ thụ thường là những cây me. Sau khi bỏ xương vào Kut, đặc biệt Klong có thể được dùng lại với điều kiện được tẩy uế bằng một lễ cúng. Klong của người dân chỉ là 1 hộp bình thường bằng đồng hoặc thiếc. Klong của tầng lớp vua, quan gồm có 4 hộp lớn nhỏ lồng vào nhau. Hộp nhỏ nhất thường bằng vàng gọi là Klong Moh đựng xương sọ, hộp thứ 2 làm bằng đồng đỏ và vàng, hộp thứ 3 bằng bạc trên có khắc tên người đã mất, hộp ngoài cùng bằng đồng. Chiếc hộp Klong mà chúng tôi giới thiệu có thể là chiếc hộp thứ 3 trong bộ hộp Klong dùng trong nghi lễ vào Kút của một người mà chắc hẳn thân phận của họ thuộc tầng lớp quan lại của Chămpa vào thế kỷ 14 – 15.
Thông qua bước đầu nghiên cứu về hộp Klong giúp chúng ta hiểu thêm về loại hình đồ đựng xương cốt, cũng như hình thức táng của cư dân văn hóa Chămpa đặc biệt là nghi lễ vào Kút. Qua đó, chúng ta thấy được sự những nét sắc thái, đặc thù của văn hóa Chămpa trong các nghi lễ vòng đời.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Lương Ninh, Vương quốc Chămpa, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2006.
2.Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Văn hoá Chăm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1999.
3.Văn hóa tập san – Một tập tục của chế độ mẫu hệ Chăm “Vào Kut” – Nguyễn Văn Luận - Nhà văn hóa Bộ văn hóa giáo dục và thanh niên – năm 1968.