Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 12
Truy cập hôm nay: 81299
Tổng số truy cập: 3318290
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 47 năm 2012

2012-09-28 15:33:19

Sáng 27/9, tại Hà Nội, Viện Khảo cổ học đã khai mạc Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 47 năm 2012. Hội nghị thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước. Bảo tàng Lịch sử - Tp Hồ Chí Minh tham gia với 18 bài viết.

Tại Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 47, TS. Bùi Văn Liêm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học chia sẻ về hoạt động khảo cổ học năm 2012: Những hoạt động khảo cổ học năm 2012 trên toàn quốc rất sôi nổi và phong phú, số lượng và nội dung các thông báo khảo cổ đã bám sát các chương trình nghiên cứu lớn; các cuộc khai quật, điều tra, thăm dò, thám sát, cùng với các phát hiện, nghiên cứu về di tích di vật đã bổ sung nhiều tư liệu mới cho ngành khảo cổ học, sử học, văn hóa... Từ đó, có những đóng góp hữu hiệu trong việc xây dựng hồ sơ,quy hoạch, bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích, di sản. Hội nghị thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học lần này, Ban tổ chức đã nhận được 481 thông báo của các tác giả trong và ngoài nước với những nội dung phong phú.

 

 

 Hình ảnh về những phát hiện mới của khảo cổ học năm 2012 được trưng bày tại Hội nghị
(Ảnh; HN)


Về Khảo cổ học Thời đại đá đã có nhiều chương trình điều tra, thám sát, khai quật. Trong đó có Chương trình nghiên cứu lớn của Ban quản lý di tích Tràng An (Ninh Bình) phối hợp với Viện Khảo cổ học điều tra phát hiện mới 21 địa điểm hang động, niên đại kéo dài liên tục từ khoảng 2000 năm đến 4000 năm cách ngày nay. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Lai Châu phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật di dời 7 di tích khảo cổ học ra khỏi vùng lòng hồ thuỷ điện Huậy Quảng, phát hiện số lượng lớn di tích và di vật, niên đại kéo dài từ hậu kỳ đá cũ đến sơ kỳ kim khí; khai quật di chỉ Rạch Núi lần thứ 3, bổ sung thêm nhiều tư liệu về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân tiền sử vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ... Ngoài ra, Khảo cổ học Thời đại đá còn có 27 thông báo những phát hiện mới về khảo cổ học tại các địa phương, đáng chú ý là: di tích cự thạch, răng voi hóa thạch ở Tuyên Quang, Hà Giang; di tích hang động ở Phù Lương (Thái Nguyên); di tích cổ sinh ở Lạng Sơn...

Về Khảo cổ Thời đại kim khí đã có 8 cuộc khai quật: Khai quật di chỉ Vườn Chuối lần thứ V, tầng văn hóa phát triển liên tục từ văn hóa Đồng Đậu đến văn hóa Đông Sơn; Khai quật địa điểm Nghĩa Lập lần thứ III xác định rõ di tích cư trú – mộ táng văn hóa Phùng Nguyên; Khai quật địa điểm Gò Non Sấu niên đại văn hóa Phùng Nguyên; Khai quật lần thứ II di chỉ Văn Tứ Đông, đã phân định được tầng văn hóa có sự diễn biến sớm muộn một cách khá rõ ràng, niên đại khoảng 400 năm trước Công nguyên đến khoảng 100 năm sau Công nguyên; Khai quật lần thứ IV di tích Hòa Diệm, bước đầu xác định các mối quan hệ di tích Hòa Diệm với Xóm Cồn, Sa Huỳnh, nhóm di tích mộ chum Đông Nam Bộ, với khu vực Đông Nam Á Hải đảo, Đông Nam Á lục địa và với văn hóa Hán (Nam Trung Quốc). Bên cạnh đó cũng có 20 thông báo phát hiện mới về di tích, di vật trống ở: Lai Châu, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Bình...

 

 

 Toàn cảnh Hội nghị (Ảnh:HN)

Về Khảo cổ học Chăm Pa – Óc eo đã thực hiện 4 cuộc khai quật và khảo sát: Khai quật di tích văn hóa Champa Phong Lệ (Đà Nẵng) làm xuất lộ khá rõ ràng và chính xác toàn bộ quy mô và cấu trúc nền móng của 1 tòa tháp Chăm lớn; Khảo sát tại Long An các di tích: Rạch Rừng, Gò Duối, Lò Gạch, Gò Đình, Gò Miễu Cổ Sơn Tự nhằm mục đích quy hoạch, bảo vệ di tích, nghiên cứu và bổ sung tư liệu về giai đoạn tiền Óc Eo – Óc Eo ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An); Điều tra, thám sát, khai quật di tích Nhơn Thành, huyện Phong Điền đã xác định diện phân bố của di tích còn khá rộng, ghi nhận hiện vật Yoni độc đáo bằng gỗ lần đầu tìm thấy trong văn hóa Óc Eo, niên đại khoảng TK IV – VI AD; Điều tra hệ thống các di tích khảo cổ ở Tây Ninh, trong đó có các di tích tiền – sơ sử; Óc Eo và hậu Óc Eo rất được chú trọng...

Sau những thông báo vắn tắt những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2012 tại buổi khai mạc, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ chia làm 4 tiểu ban: Khảo cổ học Thời đại đá; Khảo cổ học Chăm Pa – Óc eo; Khảo cổ học Lịch sử; Về Khảo cổ Thời đại kim khí để tiếp tục thảo luận và trao đổi. 

Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 47 năm 2012 sẽ kết thúc vào ngày 28/9./.