Hà Nội nhìn từ trên cao: Một góc Hồ Gươm
Dòng lưu bút ghi bên lề tấm bưu ảnh (ngày 10/11/1902) cho biết tấm hình này phải được chụp trước thời gian nó được in thành bưu ảnh và được một khách hàng sử dụng.
Phía xa, Nhà Thờ Lớn được khánh thành từ Giáng sinh 1887 sừng sững như một công trình kiến trúc cao nhất giữa khu vực dân cư của Hà Nội mà Hồ Guơm luôn định vị như một trung tâm. Phía xa góc phải cũng thấy nhú lên ngọn Cột Cờ của thành Hà Nội xưa. Cây xanh thì nhiều, kiến trúc còn ít khiến tầm nhìn xa hơn.
Như thế có thể ghi chú cho tấm hình này là: “Cảnh quan Hồ Gươm đầu thế kỷ XX nhìn từ bờ phía Đông”. So sánh với những gì sách báo người Pháp đã từng viết về cảnh quan Hồ Gươm sau khi Hà thành thất thủ lần thứ 2 (1883) và Hà Nội hoàn toàn bị chiếm đóng, thì thấy những thay đổi thật nhiều.
Cảnh quan Hồ Gươm nhìn từ bờ phía Đông |
Trong khung cảnh loạn lạc, giặc giã, khu vực quanh Hồ Gươm đã trở thành những xóm dân cư đến tập trung sinh sống tạo nên một cảnh quan hỗn độn và vô cùng mất vệ sinh. Hồ Gươm từng mang tên “Lục Thuỷ”, nằm kề bên Phủ Chúa (bờ phía Tây của Hồ), đã được “thần bút” Nguyễn Văn Siêu mô tả như như một cái chén đặt dưới đất lật cả trời mây xuống mặt nước (Nhất trản trung phù địa/ Trường lưu đảo tái thiên) nay cũng trở thành nơi cư trú của những người cùng khổ nhất và trở thành cảnh quan xấu nhất của kinh kỳ xưa.
Nhưng con mắt quy hoạch của người Pháp vẫn nhận ra giá trị của mặt hồ giữa lòng thành phố nay đã trở thành nhượng địa nằm trong cái thuộc địa mà họ đã cai trị hoàn toàn. Và họ đã ra tay giải toả bằng một phương thức của kẻ chiếm đóng . Năm 1891, xuất hiện hàng loạt những vụ cháy các khu phố dân cư quanh Hồ lan sang cả Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Mắm, Hàng Thùng... Rồi sau đó chính quyền thành phố ban lệnh từ nay cấm cất nhà bằng tranh, tre, nứa, lá ở khu vực trung tâm thành phố.
Các đơn vị quân đội đồn trú trong các đền (như Bà Kiệu, Ngọc Sơn) hay chùa (như Báo Ân) cũng rút dần để chính quyền cải tạo hạ tầng quanh hồ và kiến thiết các thiết chế của thành phố như Toà thị chính, Nhà máy phát điện... Kể từ đó, hình thành quanh Hồ Gươm một sự phân ranh tự nhiên: khu bờ phía Bắc giáp với “36 phố phường” dành cho dân bản xứ; bờ phía Đông là các công sở của chính quyền thành phố; bờ phía Nam mở ra một không gian đô thị mới của thời thuộc địa, còn bờ phía Tây là không gian cho các sinh hoạt dịch vụ cho các tầng lớp trên, cả nguời Pháp và người Nam.
Tấm ảnh cho thấy bờ bên kia kiến trúc chưa nhiều, bên cạnh những mái nhà kiểu bản địa, kiến trúc Âu-Á đã xuất hiện nối dài về phía phố Hàng Trống. Còn bờ bên này, hiển hiện một quán hàng mang tên “Café de Paris” và những toà kiến trúc nhỏ có lẽ làm nhà trọ hay câu lạc bộ dành cho người Âu, lại thêm một vườn dừa nho nhỏ trồng sát ven hồ. Sách báo cũ cho biết, các nhà báo, trong đó có cả người của các hãng tin quốc tế thường thuê trọ và tìm nơi làm việc bên Hồ, nơi có một toà báo khá nổi tiếng thời đó là tờ “L” Avenir du Tonkin” (Tương lai xứ Bắc Kỳ) toạ lạc tai bờ phía Tây, chính là nơi đặt trụ sở của tờ “Hà Nội Mới” ngày nay.
Dương Trung Quốc