Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 13
Truy cập hôm nay: 75814
Tổng số truy cập: 3325188
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á

2012-06-13 06:40:38

Chế tác ra đồ gốm là một trong những phát minh lớn của loài người trong thời tiền sử. Không hẹn mà gặp, hầu như tất cả các dân tộc trên thế giới đều lần lượt làm ra được loại đồ dùng rất quan trọng này để đựng đồ ăn thức uống và sau đó từng bước cải tiến, sáng tạo thêm những loại hình mới.

Như vậy, từ thuở ban đầu chỉ sử dụng trong bảo quản thức ăn đồ uống, đồ gốm ngày càng mở rộng sang các lĩnh vực xây dựng, tôn giáo tín ngưỡng, đồ mỹ thuật, cho đến các ngành công nghiệp như: điện, đồng hồ, chế tạo máy… và tuy có khác nhau về kiểu dáng, hoa văn ở từng dân tộc, song đồ gốm ngày càng hoàn thiện, phục vụ đắc lực cho con người nâng cao chất lượng cuộc sống và điều thú vị là phần lớn các loại đồ gốm đã thực sự trở thành những di vật lịch sử, văn hoá hoặc tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Ở các nước láng giềng của Việt Nam, gốm sứ phát triển từ lâu đời và có nét đặc trưng dân tộc đồng thời cũng có những mối liên hệ nhất định với gốm Việt Nam.

GỐM NHẬT BẢN:

        Gốm Nhật Bản được tìm thấy sớm nhất vào thời Jomon (10.500 - 300 năm tr. CN), tiếp tục là gốm Yayoi (300 năm tr. CN – 300 năm SCN) và gốm Hajiki (300 – 600). Nửa đầu TK thứ V, kỹ thuật làm gốm từ bán đảo Triều Tiên du nhập vào Nhật Bản với việc sử dụng bàn xoay và lò nung hình ống có nhiệt độ cao. Thời Asuka (593 – 710), Nhật Bản chế tạo được gốm men. Dưới thời Nara (710 – 794) đã chế tạo được gốm 3 màu bao gồm màu vàng, nâu và trắng sáng. Thời Heian (794 – 1198) đã có hai loại gốm men xanh và men tro. Lò Seto làm đồ mô phỏng gốm Trung Quốc nhưng sau đó thay đổi vào thời Kama Kura (1185 – 1333). Cuối thế kỷ XIII, với trà đạo phát triển, các sản phẩm như chén tenmoku, bát, hộp đựng trà, hũ trà, bếp trà được sản xuất hàng loạt và được trang trí lộng lẫy với mô típ hoa thiếp vàng, hoa văn in… TK XVII, gốm Oribe là sản phẩm tiêu biểu trong trà đạo vì thể hiện nhiều loại hình và màu sắc cũng như các mẫu hoa văn truyền thống Nhật Bản.

        Đầu TK XVII cũng là thời phát triển của gốm sứ Hizen với những lò gốm chạy dài bất tận ở vùng Arita. Thập niên 40 của TK XVII, gốm men nhiều màu đã phát triển và xuất khẩu sang Châu Âu qua Công ty Đông Ấn, sau đó giữa TK XVII gốm Hizen bắt đầu xuất khẩu ồ ạt ra nước ngoài thay thế cho gốm Trung Quốc và trở thành nguồn hàng công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản dưới thời Edo.

Tại Việt Nam, gốm Hizen tìm thấy khá nhiều ở các khu vực cảng cổ như Phố Hiến (Hưng Yên), Thanh Hà (Huế), Hội An (Quảng Nam)...:

- Đĩa men nhiều màu: có hình vuông chặt 4 góc với vành miệng như một đóa hoa đang nở, thành đĩa hơi vát xiên, lòng vẽ một giỏ hoa nhiều màu có sắc độ đậm như màu xanh lam đậm, màu xanh lục đậm, trong đó màu đỏ được sử dụng nhiều và nổi bật nhất. Các bông hoa trong giỏ được bố trí rất khéo làm liên tưởng đến nghệ thuật cắm hoa Nagoshi ?

 - Đĩa men xanh trắng: vành miệng đĩa có kẻ chỉ màu nâu vàng. Thân khum, lòng đĩa vẽ cảnh sơn tùng: một khoảng trời bao la, xa xa là dãy núi như hình Phú Sĩ sơn có ba ngọn, ngọn giữa cao nhất phủ đầy tuyết trắng, cận ảnh là một cây tùng sừng sững chịu đựng giá rét mùa đông.

 GỐM CAMPUCHIA:

Đồ gốm Campuchia xưa nhất có niên đại khoảng năm 400 tr. CN đến năm 600 sau CN với loại gốm đất nung chủ yếu là đồ đựng có miệng thu nhỏ, hoặc đĩa có chân, bát, hộp, đồ dùng để nấu có miệng lớn, vật liệu xây dựng… Từ TK IX, gốm Campuchia bắt đầu có những tiến bộ, đặc biệt là sự xuất hiện gốm có men, bao gồm men màu sậm thể hiện qua các loại chum và bình hình chai lọ, đồ đựng có nắp, và men tro qua các loại chum có kích thước vừa và nhỏ, đồ đựng có nắp, bát, đĩa, đĩa có chân, ngói ống.

Thời Angkor (TK XI-XIII), đồ gốm Campuchia với những đường nét tròn, được xem như một trong dòng gốm riêng biệt của Đông Nam Á, đặc biệt các loại gốm sản xuất ở Kulen - được xem như “lò ngự dụng” chuyên chế tạo các sản phẩm phục vụ cho Hoàng gia Campuchia: gạch ngói chế tạo ở Kulen đã được tìm thấy trong cung điện.

TK XVIII - XIX, nghề gốm Campuchia tiếp tục phát triển, sản phẩm chính là loại gốm thô không men, đa số là đồ đựng và sản phẩm trong kiến trúc được khắc hình tượng Phật, thần hay thú dùng để trang trí trong các đền, chùa, tháp. Ngoài ra còn có loại đồ đựng về kiểu dáng rất gần gũi với gốm Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam như các loại đĩa dạng mâm bồng, thường có phủ men nhiều màu sắc trên nền men trắng khá lạ so với phong cách chung của các loại gốm truyền thống Campuchia.

* Bình gốm hình voi cách điệu phủ men nâu, bốn chân để mộc màu xám sáng. Voi được tạo dáng đứng, mập mạp, vòi cong về bên trái, đuôi cong về phía ngược lại, trên lưng đắp nổi ghế bành và các hoa văn tròn trang trí xung quanh. Cũng như Việt Nam, Thái Lan, hình tượng voi thường được sử dụng trong nghệ thuật Campuchia nhưng dưới con mắt của người Campuchia, con voi được thể hiện hết sức ngộ nghĩnh.

Đầu ngói ống: màu gạch , hình lá đề, bên trong có khắc nổi hình người ngồi xổm. Viên ngói có hình dạng khá gần với ngói ống Việt Nam TK XIII - XIV.

   

GỐM THÁI LAN:

Từ thiên niên kỷ thứ hai tr. CN, người Thái di chuyển từ miền Nam của sông Dương Tử xuyên qua vùng Vân Nam để đến bán đảo Trung Ấn, sống dưới sự cai trị của vương quốc Khmer. Năm 1238 người Thái lập ra vương triều Sukhothai. Trong thời Khmer, gốm có phủ men màu nâu đậm, được sản xuất ở Lopburi và Chalieng. Sau đó khi những người thợ gốm của lò Từ Châu (Trung Quốc) được mời đến Sukhothai thì kỹ thuật vẽ màu đen trên đất sét trở nên phổ biến. Đặc biệt việc mở rộng lãnh thổ của vương triều Sukhothai đã tạo điều kiện cho sự phát triển nghề gốm Thái Lan. Nhiều loại men như men đen, men ngọc nâu và nâu đen nền trắng với nhiều kỹ thuật trang trí như khắc vạch, đắp nổi, vẽ màu, có vân... Sản phẩm gốm Sukhothai không những chỉ có bát, đĩa, chum vại... mà còn có các loại hình khác như những hình tượng tôn giáo, ngói, ống nước, mảnh trang trí kiến trúc, dụng cụ dệt vải, đồ chơi trẻ em [37, tr.158]...

Sau vương triều Sukhothai, ở phía bắc Chalieng phát triển thị trấn Sri Satchanalai hay còn gọi là Sawankhalok có nghề sản xuất gốm rất thịnh vượng. Mặc dù những lò gốm ở Sawankhalok cũng được xây dựng trên nền đất như lò Sukhothai nhưng sản phẩm ở đây chủ yếu là gốm men ngọc trang trí hoa văn khắc vạch hoặc in khuôn chìm. Từ TK XV gốm Sawankhalok được xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, cho đến nay đã tìm thấy ít nhất 2 con tàu chở gốm Sawankhalok chìm tại vùng biển Nam Việt Nam.

Một loại đáng chú ý khác là gốm men nhiều màu còn gọi là gốm Bencharong do Trung Quốc sản xuất theo Thái Lan đặt hàng từ thời Minh. Sang thời Thanh gốm Bencharong được tiếp tục đặt hàng trong năm triều đại đầu của giai đoạn Bangkok (1782 – 1910).

Các môtíp trang trí trên gốm Bencharong có nguồn gốc từ việc ứng dụng kiểu trang trí dầy đặc của nghệ thuật Ấn Độ nhưng có thay đổi để phù hợp với Thái Lan.

- Hũ: gốm Sawankhalok men nâu, miệng nhỏ, cổ thắt, thân nở hình múi, trên vai có 4 quai, mỗi quai đắp theo kiểu hai đầu ấn dẹp, giữa các quai có 2 dải hoa nổi tròn.

- Đĩa: gốm Sawankhalok men ngọc thành dày, hoa văn in khuôn. Thành ngoài tạo hình các cánh hoa cúc nổi, đáy để mộc lộ xương gốm đỏ loại đất đặc trưng vùng Sri Chatchalanai.

 - Chén: gốm men màu Bencharong do Trung Quốc sản xuất theo Thái Lan đặt hàng. Chén có thành mỏng, miệng loe, lòng phủ men trắng sáng. Thành ngoài trang trí nổi truyền thuyết Ấn Độ với hình tượng Kinnari đầu người; thân mình, chân và đuôi chim xen giữa các loại lá tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.

 

GỐM VIỆT NAM :

Gốm Việt Nam xuất hiện cách ngày nay gần 10.000 năm, vào thời kỳ đồ đá mới trong Văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn với những loại đồ đựng đất nung có hình dáng đẹp, hoa văn hình học đa dạng phong phú.

Sang thời đại kim khí, đồ đất nung phát triển ở các di chỉ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun… ở Bắc bộ, Sa Huỳnh ở Nam Trung bộ, Giồng Cá Vồ Nam bộ…

Thời kỳ đầu công nguyên bước tiến cao hơn về mặt kỹ thuật là gốm men với các loại hình như ang, hũ, chum, vại… có nước da phủ ngoài hơi láng mặt và sau này được tráng men da lươn.

Từ thời Lý – Trần đồ gốm có bước phát triển mới. Tiêu biểu là loại gốm sành xốp có men trắng, men lục, men nâu, men ngọc cốt có màu khoai sọ trang trí in chìm hoặc khắc chìm. Hoa - lá - chim là đề tài trang trí chủ yếu trên các loại gốm Lý – Trần. Riêng loại men ngọc có nhiều sắc độ từ xanh ngọc lợt đến ngả màu nước dưa hoàn toàn khác biệt với men ngọc Trung Quốc cùng thời.

Cuối TK XIV đầu TK XV, gốm men xanh trắng với phong cách nghệ thuật mới được chế tạo, nhanh chóng đạt đến đỉnh cao với các làng gốm thủ công như Chu Đậu, Bát Tràng, Thổ Hà... và được xuất khẩu sang Nhật Bản, Trung Á...

Từ TK XVII - đầu TK XX, gốm Việt Nam bước vào thời kỳ suy tàn, lúc này chỉ một số cơ sở sản xuất ở Bát Tràng… còn giữ được thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm dùng trong nước như bát chiết yêu, nậm rượu, bình điếu… cũng được tiêu thụ nhiều.

* Bình điếu: hình hồ lô nhưng thấp lùn, đoạn trên có 2 lỗ: một lỗ giữa đỉnh là nơi đặt nõ, nõ điếu thường bằng sắt hình phễu với miệng là chỗ đặt thuốc lào, đuôi phễu cắm vào bình ngập trong nước, nước là chất dùng lọc khói; lỗ thứ hai bố trí ở phần vai bình dùng để cắm xe điếu, xe điếu thường bằng một đoạn trúc là phần nối bình điếu với miệng người để hút khói thuốc. Thân bình điếu là phần trang trí chính vẽ hai khóm lá xanh trên nền men trắng ngà rạn.

Khi hút thuốc, người ta vo thuốc lào thành viên đặt vào nõ và đốt thuốc, đầu dưới xe điếu cắm vào lỗ thứ hai của bình điếu, đầu trên xe điếu được người hút ngậm chặt và hút vào, lửa đốt thuốc gặp lực hút làm cháy rực viên thuốc, nước điếu bị lực hút làm chuyển động kêu lọc xọc đồng thời trộn lẫn với khói nhưng chỉ có khói thuốc theo lực hút rút vào miệng người hút.

 

GỐM TRUNG QUỐC:

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, khoáng sản phong phú, người Trung Hoa đã biết chế tạo đồ gốm ngay từ cuối thời đá cũ với loại gốm màu đen, màu trắng, xương gốm đất mịn. Thời Thương Chu đồ gốm có hình dạng giống với đồ đồng cùng thời (TK XV – 256 tr. CN). Thời Tần, đồ đất nung Trung Quốc lên trình độ cao mà đạo quân đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng là một minh chứng cụ thể. Thời Hán đồ gốm men phát triển và bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài. Thời Đường (618 – 907) phát minh ra loại sành, nổi tiếng với loại Việt diêu, có thể lúc này người Trung quốc đã biết chế tạo gốm men xanh trắng.

Từ thời Tống về sau, đồ sành được phát triển từ men ba màu đến men năm màu và nhiều thứ men khác tạo thành điểm độc đáo của gốm Trung Quốc.

Đời Minh (1368 – 1644), nghệ nhân Trung Hoa đã tìm được ra đồ sứ men xanh trắng với cách sử dụng men lam Hồi nổi tiếng tại trấn Cảnh Đức, và từ thế kỷ XV - XVI, Trung quốc xuất khẩu gốm sứ qua Châu Á, Châu Âu, Châu Phi…

Đến đời Thanh, nghệ thuật gốm vươn đến đỉnh cao tột bậc, đặc biệt dưới thời Khang Hy (1662 – 1722) và Càn Long (1736 – 1795). Những mô típ cổ đồ bát bửu (bình, quạt, khánh, cuốn thư, đồng tiền, sanh nhạc, hoa sen, ống tiêu), các tích sử Trung Quốc, Tam giáo (Phật, Lão, Khổng). Đặc biệt là sự mô tả ẩn dụ trong các loại hoa văn: quả đào (Thọ), quả lựu (Phúc), quả phật thủ là để chúc sống lâu, đông con, hạnh phúc hay vẽ hoa mai, hoa cúc, hoa đào, hoa mẫu đơn là tượng trưng cho giàu sang, phú quý… từ TK XVIII - XIX ngoài thị trường 3 châu lục nói trên, Trung Quốc bắt đầu cung cấp gốm sứ cho Châu Mỹ, Châu Úc

- Bát: gốm men xanh, vành miệng hơi khum, thân dày, trên vành miệng in chìm các đường chỉ song song và vòng ngang thân bát, phần thân dưới in chìm hoa văn cánh sen viền quanh chân đế, đế thấp, đường kính nhỏ và có gờ dầy.

 - Bình: gốm men xanh trắng, có nắp đậy, cổ cao, vai phình, thân thắt dần vào đáy. Trên thân có vẽ bốn tầng hoa văn, mỗi tầng có tám ô hình cánh sen, trong mỗi ô có vẽ một chậu hoa sen.

       - Choé: gốm men xanh trắng, vành miệng thẳng, vai phình thuôn dần về đáy, trên vai có đề 6 chữ “Đại Minh Thành Hoá niên chế”. Thân vẽ họa tiết rồng và mây theo kiểu “long thăng long giáng” với 4 rồng làm chủ 4 phương, chân rồng đều có 5 móng. Tuy đề năm Thành Hoá chế tạo (1465 – 1487) nhưng phong cách hiện vật là của thời Thanh.

GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn
GỐM MỘT SỐ NƯỚC CHÂU Á
Xem Ảnh lớn