Đăng kí nhận thông báo
Thống kê
Đang Online: 15
Truy cập hôm nay: 73790
Tổng số truy cập: 3306305
 
Yahoo Messenger

donhuminhkhoa
 
Đặt quảng cáo

 

GỐM GÒ SÀNH TRONG SƯU TẬP NGUYỄN ĐỨC TÙNG - Phí Ngọc Tuyến

2012-06-13 11:45:01

Trong bộ sưu tập hiện vật do ông Nguyễn Đức Tùng (huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nhượng lại cho Bảo tàng Lịch sử – TP.HCM có gần 3000 hiện vật thuộc các chất liệu và nguồn gốc khác nhau. Chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về một phần khá độc đáo trong bộ sưu tập này: Gốm Gò Sành.

Sưu tập gốm Gò Sành có 279 hiện vật gồm một số loại sau:
- Các loại cốc men nâu, men ngọc có đặc điểm: miệng loe, thân thẳng hay thắt eo ở giữa. Men phủ cả trong và ngoài, chân đế không phủ men.
- Hũ nhỏ: có loại cổ cao, cổ thấp hoặc miệng loe, không loe. Có hai loại men thường sử dụng là men nâu và men ngọc. Một số hũ (cao 15 -17 cm) chia hai loại: loại không quai và loại bốn quai.
Hũ cỡ trung bình gồm các loại hũ có chiều cao từ 20 đến 25cm. Kiểu dáng và kích thước khác nhau. Có thể chia thành hai loại: không quai và có quai.
Hai chiếc hũ khá độc đáo trong sưu tập này: 1) Hũ BTLS – 25110 cao 20cm, men bị trầy xước, dáng bầu bĩnh, miệng đứng, vai phình to. Thân hũ trang trí hai dải hoa văn: dải trên  khắc chìm dây hoa lá, dải dưới khắc chìm hoa văn xoắn ốc khắp phần thân của hũ. 2) Hũ đắp nổi hình rồng: là kiểu hũ đẹp (đã bị gãy 3 quai, mẻ miệng). Hũ cao 25cm, miệng loe, cổ thắt, vai phình và thót lại dưới đáy. Hai con rồng quay đầu vào nhau theo tư thế đang bay lượn. Rồng có đầy đủ mắt, tai, bờm, vẩy, miệng há to. Rồng có 3 móng trông khá ngộ nghĩnh, khác hẳn với rồng Việt và Trung Quốc cùng thời.
- Bình rượu: gồm 4 chiếc với 4 kiểu dáng khác nhau, loại có bầu thắt, loại cổ thẳng. Đặc biệt một bình rượu được cho là độc bản phủ men ngọc, bốn phía đắp nổi hoa văn hình bông hoa và chữ S
- Ấm trà: gồm 6 chiếc, với 6 kiểu dáng khác nhau. Một số làm bằng đất nung, một số có quai và tay cầm. Chiếc ấm men nâu đã bị tróc men có 4 quai dọc từ miệng đến vai, miệng loe có gờ đỡ nắp. Ấm được trang trí khá cầu kì ở thân bằng hoa văn khắc vạch.
- Bình vôi: có dạng hình cầu, trang trí kẻ dọc theo quai, bình phủ men da lươn.
- Âu có nhiều kiểu dáng khác nhau, miệng khum, miệng thẳng, thành cong, vát… được phủ men nâu, men ngọc, trang trí  hoa văn khắc vạch. Các hoa văn trang trí ở đây chủ yếu là tạo nhiều cánh sen cách điệu và phủ men. Nhìn tổng thể, những chiếc âu ở đây được tạo tác nhiều cánh sen hình thành một bông sen hoàn chỉnh. Chiếc âu BTLS–25141 thành đứng, mỏng, cao 15cm được vẽ nhiều hình xoáy ốc và hình ngọn lửa.
- Các loại đĩa có đường kính phổ biến từ 17 đến 30cm. Một số đĩa có ve lòng và loại có 5 chấu, cũng có thể chia thành hai loại: đĩa sâu lòng và nông lòng. Lòng đĩa có hai dải hoa văn, dải trên hình răng cưa cao 2cm, dải dưới vẽ hoa văn cánh sen cách điệu cao khoảng 5cm.
Đĩa men nâu: là loại đĩa lớn, đường kính từ 25 – 30 cm được tạo dáng công phu: thành và miệng có nhiều tầng, bậc. Miệng bẻ nhún tai bèo tạo hình bông sen, đề tài trang trí thường khắc chìm 4 cụm hoa ở bốn phía trong lòng đĩa.
- Các loại tô, bát:
Loại tô lớn: phủ men ngọc, thành dầy, có hai loại ve lòng và 5 chấu. Một số tô men ngọc được vẽ hoa nâu, đề tài trang trí thường là 4 cụm hoa ở bốn phía hoặc trang trí thành một dải hoa văn liên tục kiểu hồi văn xung quanh miệng. Các họa tiết này được khắc chìm trước khi vẽ nâu. Tuy nhiên, một số tô vẽ men nâu sau khi phủ men ngọc, vì thế đa số chỉ còn dấu vết của hoa nâu.
Loại tô nhỏ: phổ biến có hai loại men nâu và men ngọc. Loại men nâu có ve lòng, một số có trang trí hoa văn hay nhún tai bèo ở miệng hoặc 6 cánh sen lớn đắp nổi quanh tô (phía ngoài) và phủ men tạo thành hình bông sen khá sinh động. Những cánh sen kiểu này khá to, đầu cánh nhọn, nét uốn cong mềm mại… loai men ngọc vẽ hoa nâu là loại có đường kính trung bình 17cm, miệng loe và vê tròn, thành hơi cong. Đề tài trang trí là các dải hoa dây gần sát thành miệng (phía trong).
Bát: có hai loại men ngọc và men nâu: trang trí giống như tô.
Vài nhận xét:
Về kĩ thuật, gốm Gò Sành tạo dáng bằng tay, khuôn in, bàn xoay và kết hợp các kĩ thuật trên. Độ nung chưa cao, chưa đạt đến cấp độ sứ. Lý do không có sứ bởi nguyên liệu, kĩ thuật xử lý nguyên liệu, lò nung…
Men gốm Gò Sành trong sưu tập này thường có màu nâu, vàng nhạt, vàng sẫm, trắng ngà, xám xanh, nhưng màu nâu, da lươn chiếm số lượng nhiều hơn.
Về loại hình gồm: tô, bát, đĩa, âu, bình, hũ, chóe… kích thước khác nhau, phục vụ cho nhiều công dụng khác nhau trong sinh hoạt thường ngày của người dân..
Về trang trí hoa văn: chủ yếu là các loại hoa lá, hoa dây, rồng, phượng. Thủ thuật trang trí bằng cách khắc chìm, phủ men hoặc đắp nổi.
Về niên đại, dòng gốm này phát triển mạnh mẽ nhất từ thế kỉ 13 đến 15 và có thể “kết thúc vào năm 1471 khi triều đình nhà Lê tiến vào Vijaya”.
Gốm Gò Sành – Bình Định được phát hiện và công bố vào những năm trước ngày giải phóng miền Nam. Theo các công trình nghiên cứu của một số học giả trong và ngoài nước đã công bố năm 1989 thì khu vực Nhân Mỹ (An Nhơn – Bình Định) là một trung tâm sản xuất gốm rất lớn của miền Trung. Từ 1990 đến 1995, qua nhiều cuộc điều tra điền dã, khảo sát và khai quật khảo cổ học, với sự kết hợp nghiên cứu giữa Viện Khảo cổ, ty VHTT Bình Định và chuyên gia Nhật Bản, các nhà khoa học đã xác định trung tâm gốm tập trung dọc hai bờ sông Côn (huyện An Nhơn) và một phần huyện Tây Sơn với nhiều tên gọi: Gò Sành, Gò Hời, Gò Cây Khế… thuộc vương quốc  Chăm Pa cũ.
Gốm Gò Sành chiếm tỉ lệ cao trong các di tích đã khai quật (chủ yếu là mộ táng) ở Lâm Đồng. Các cuộc khai quật khảo cổ học ở di chỉ Tool (Ai Cập); Malaysia; tàu chìm ở đảo Pandanan (Philippine) cho thấy gốm Gò Sành đã từng phát triển và chiếm lĩnh thị trường rộng lớn trong khu vực và vài nơi trên thế giới.
Sưu tập gốm Gò Sành với nhiều loại hình, kiểu dáng mang đặc trưng riêng do người Chăm xưa kia sản xuất đang trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Tp. HCM là những tư liệu quý để nghiên cứu dòng gốm này, góp phần làm sáng thêm bức tranh gốm Việt Nam.